[Funland] Sinh sống và lập nghiệp trên đất Mỹ.

Nguồn: Otofun

Cảm ơn cụ, tôi thật sự hòa nhập vào cuộc sống nơi đây cụ à. Nhưng mãi mãi tôi vẫn là người Việt, vẫn nhớ về những ngày thật xa rồi, và nói thật với cụ, tôi cũng nhớ rất nhiều những ồn ào náo nhiệt của Sài gòn tuy nhiều cụ nơi đó chán với điều đó. Chúng ta dù muốn cũng khó quên được quá khứ, về một thời tuổi trẻ dù tuổi trẻ đó gian nan u buồn, phải không cụ.
Con cái tôi thành đạt trên mức mong đợi của tôi nơi đây cả về vật chất lẫn tinh thần, chỉ còn cháu nhỏ nhất sinh bên này đang học trung học.
Nếu phải trả lời câu hỏi nếu làm lại phần đời vừa qua, tôi sẽ làm thế nào? Có lẽ tôi cũng sẽ làm những gì đã làm, ít ra cũng để các con tôi có một cơ hội. Đất Mỹ là đất của cơ hội, nó cho những ai có thiện chí một hy vọng cuộc sống tốt đẹp và từ đó mới có cơ hội để giúp được ai điều gì thì có khả năng làm.


Tôi mở topic này để kể về thời gian ở Mỹ, về những buồn vui, thành công và thất bại, khó khăn và thuận lợi trong việc định cư ở nước Mỹ. Tôi nói riêng ở California nơi tôi lập nghiệp (nhưng cũng có thể là chung cho những ai ở các tiểu bang khác của Hoa Kỳ).
Hy vọng những gì tôi đã trải qua có thể giúp được một chút nào cho những ai sắp định cư ở đây, đặc biệt những người qua đây với số vốn ít ỏi (tôi không dám nói tới những người qua đây với núi tiền có sẵn hay mang theo). Thời gian đó có thể hơi khác với bây giờ nhưng có lẽ không khác bao nhiêu đâu. Các cụ các mợ khác có chung hoàn cảnh có thể kể thêm về chính mình để có góc nhìn rộng hơn. Xin cảm ơn mọi người trước.
Tháng 5 năm1986 gia đình tôi rời Sài gòn tới Mỹ theo diện bảo lãnh. Như vậy là may mắn vì dù sao cũng có người thân ở đây trong những ngày đầu bỡ ngỡ.
Phi cơ đưa chúng tôi tới Thái Lan, phi truòng Thái lúc đó nhỏ bé chứ không hiện đại như sau này. Tới Thái Lan, việc đầu tiên những nhân viên di trú Mỹ làm cho mọi người một số giấy tờ tại ngay phi trường. Sau đó xe đưa chúng tôi về một nơi giống như chung cư để tạm trú. Về đó chúng tôi không được bước chân ra khỏi cánh cổng sắt đóng kín, muốn mua bán gì đã có người Thái đẩy xe tới bán tận cổng, kể cả việc bán vàng hay đổi dollars Mỹ qua tiền Thái. Căn chung cư lúc đó đang có khoảng hơn 500 người tạm trú.
Mỗi ngày chúng tôi được cung cấp 2 bữa trưa và tối, ăn xong cứ la cà xuống khu văn phòng dưới đất để nhìn danh sách có chuyến bay hay tụ tập nhau lại hỏi về những địa danh người khác sẽ tới, nói chung ai cũng rất mơ hồ và chẳng biết nhiều về đất nước Mỹ cả.
Ngày thứ ba ở đó, một nhân viên di trú Mỹ gốc VN bắt đầu nói chuyện với mọi người về nước Mỹ. Nói chung là những sơ lược về vùng đất chúng tôi sắp tới để mọi người có khái niệm sơ qua thôi.
Tôi nhớ mãi một chuyện vui của phần này. Cô nhân viên nêu ra một câu hỏi: “Mọi người ở đây có thích sống trong khu nhiều người da đen Mỹ sống không?” Mọi người thi nhau nói không và cô ấy kết luận: “Ngay chúng ta những người chưa tới đó đã có đầu óc kỳ thị người da đen thì đừng trách tại sao? Kỳ thị là một điều tuyệt đối cấm kỵ ở Hoa kỳ, nên mọi người hãy ghi nhớ điều đó.”
Thời gian ở đó tất cả mọi người lo lắng nhất là bị bệnh, dù chỉ là đau mắt, vì có bất cứ triệu chứng bệnh nào cũng bị hoãn chuyến bay.
Sau 10 ngày rồi cũng có chuyến bay. Chúng tôi rời chung cư lúc 5 giờ sáng ra phi trường Thái. Sau đó phi cơ đưa chúng tôi tới Singapore. Trên phi cơ tất cả những người đi định cư được xếp riêng phía cuối phi cơ, mỗi người có một cái túi nhựa lớn đựng đồ linh tinh có chữ OEM. Một nhân viên di trú Mỹ đi theo đoàn người để giúp đỡ.
Tới Singapore, chúng tôi phải chờ hơn 8 tiếng mới có chuyến bay qua Mỹ. Tôi lại có một kỷ niệm quái đản ở đây. Như mọi người biết, thời gian đó nhà vệ sinh ở VN đề chữ W.C hay TOILET, thời gian chờ đợi ở phi trường Singapore kéo dài, mọi người rất mệt mỏi. Tôi thấy một khu vực đề chữ RESTROOM, tôi dẫn con vào đó vì nghĩ đó là phòng nghỉ ngơi chờ đợi, ai ngờ đó lại là nhà vệ sinh.
Cuối cùng cũng tới lúc chúng tôi lên phi cơ đi Mỹ, khởi đầu một cuộc đời mới với những gì còn quá xa lạ trong tâm tưởng mọi người.
Phi cơ đưa chúng tôi xuống phi trường San Francisco, nhân viên di trú ở đó làm thủ tục nhập cảnh cho mọi người và sau đó chuyển phi cơ theo địa điểm của những người mới tới. Chúng tôi lên phi cơ về Los Angeles và mọi người chia tay nhau mỗi gia đình đi về nơi khác nhau.
Trên chuyến bay về Los Angeles, có một tiểu đội lính TQLC Mỹ cùng đi, chắc họ thấy sự bỡ ngỡ của chúng tôi cùng với chiếc túi OEM nên họ lấy ra rất nhiều kẹo chocolate mời chúng tôi ăn. Đó có lẽ là những người Mỹ chúng tôi tiếp xúc đầu tiên trên đất Mỹ.
Phi cơ đáp xuống Los Angeles lúc 9 giờ tối, làm xong thủ tục bước ra khỏi khu vực cách ly đã thấy người nhà đứng đợi. Từ Los Angeles về thành phố Westminster quận Cam khoảng cách 45 dặm, tôi thật sự choáng ngộp vì xa lộ, về đoàn xe hơi vun vút trên đường. Nó lớn và quá hiện đại dù trước đó cũng đã biết qua khi học sinh ngữ ở VN rồi.
Về tới nhà đúng 12 giờ rưỡi sáng. Điều đầu tiên tôi thấy khác lạ là nhà ở Mỹ cửa ra vào rất nhỏ, chỉ là hai cánh cửa gỗ mở ra chứ không rộng như cửa sắt ở VN.
Mệt mỏi sau một chuyến bay rất dài nhưng đêm đó tôi không thể nào ngủ được, nỗi nhớ nhà, nhớ Sài gòn quặn thắt, nỗi lo nặng trĩu về những ngày sắp tới sẽ ra sao khi hai vợ chồng và hai con (đứa 3, đứa 1 tuổi) trong khi tất cả tài sản chỉ có đúng 98 dollars cuối cùng.
Một cuộc đời mới bắt đầu từ đêm nay.

Dù rất mệt nhưng cả đêm trằn trọc, không gian quá yên lặng không một tiếng động. 6 giờ sáng mở cửa ra sân sau nhìn, một sân cỏ rất rộng xanh tươi trong buổi sớm bình minh, chỉ nghe tiếng chim, không nghe tiếng xe hay còi gì cả. Thật sự lúc đó thấy buồn vì tự nhiên mất đi không gian huyên náo quen thuộc chỉ mười ngày trước đó.
Thơ thẩn sân sau rồi mở cửa ra đường. Căn nhà nằm trên một con đường nhỏ, yên tĩnh và sạch sẽ. Lác đác thấy dân cư bắt đầu lái xe đi làm, chợt nhớ và thèm một ly café đầu ngày đầu ngõ ở VN. Nhưng ở đây, chưa biết một chút gì làm sao mua được.
Sáng ra mọi người dậy lục tục đi làm, vợ chồng chị vợ tôi có một cửa hàng sửa quần áo rất nhỏ nên có quyền đi trễ hơn mọi người. Anh chị cho vợ chồng tôi 500 dollars và hỏi chúng tội sẽ định làm gì. Chúng tôi làm sao biết sẽ bắt đầu như thế nào ở nơi xa lạ này nên anh chị đề nghị cho chúng tôi mượn một máy may và một máy vắt sổ, anh chị sẽ kiếm hàng để chúng tôi làm vì vợ tôi cũng biết võ vẽ việc may mặc khi còn ở VN.
Anh chị cũng nói nghỉ ngơi mấy ngày rồi hãy làm nhưng chúng tôi quyết định sẽ bắt đầu ngay ngày hôm sau.
Tôi bắt đầu đi bộ ra đường để tìm hiểu chung quanh. Ghé vào một tiệm liquor mua gói thuốc với giá 76 xu, cứ tính nhẩm ra tiền VN để thấy sao nhiều quá, thật buồn cười.
Đường xá của Mỹ thật rộng và thẳng, xe ào ào rất nhanh nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng còi, tiếng người. Lang thang một hồi tôi trở về nhà và cả ngày cứ nhớ về Sài gòn, mỗi giờ qua lại so sánh giờ này nếu ở SG tôi đang làm gì, buồn vô cùng.
Sáng hôm sau bắt đầu làm. Công việc là ráp những miếng vải họ cắt sẵn thành áo thung. Làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu theo sức của mình. Công việc không nhẹ nhàng chút nào, chiếc áo dầy và nặng, tôi mới tập vắt sổ nên làm chậm và thỉnh thoảng lại làm lẹm vào áo, căng thẳng đổ mồ hôi, Tiền công gia công cũng rất thấp nên chúng tôi phải làm trung bình 14 giờ một ngày. Đồng tiền đầu tiên kiếm được trên đất Mỹ như thế đó.
Hôm sau, người em vợ đưa chúng tôi đi làm giấy gọi là an sinh xã hội. Đó là một mảnh giấy giống chứng minh nhân dân không có hình, rất đơn giản. Những con số của thẻ này sẽ theo ta suốt đời trên đất Mỹ, làm bất cứ việc gì hầu như cũng phài ghi những con số đó ra.
Tiếng Anh tôi cũng tạm gọi là có trình độ phần nào, nhưng lối học của ta ngày xưa chỉ đọc và viết, phần đàm thoại hầu như không có nên khi tới Mỹ, hầu như không thể nào giao tiếp ngay với người Mỹ được. Nhưng nếu người Mỹ thấy ta lúng túng diễn tả, họ rất kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại, dùng cả tay để ta hiểu được. Cuộc sống dồn ép sau lưng, tôi không có thời gian để đi học lớp ESL (nôm na là dành cho người mới tới học – miễn phí).
Nơi đây, điều sống còn là phải có bằng lái xe hơi vì phải di chuyển cách nhau khá xa. Ngay tuần lễ đầu, tôi nhờ người em đi xin cuốn cẩm nang lái xe về học, tuần tiếp theo đi thi lấy bằng viết và sau đó người em tập lái cho.
Sau đúng một tháng ở đây, tôi đi thi bằng lái xe hơi. Sáng hôm đó người em chở tới nha lộ vận (DMV) để thi. Một chuyện buồn cười lần nữa lại xảy ra với tôi. Người giám khảo lên xe kiểm soát tất cả những bộ phận an toàn của xe, sau đó ông ta ra đứng phía trước mũi xe ra hiệu cho tôi bật signal trái phải. Tiếp theo ông lấy tay phải đập nhẹ vào cánh tay trái, tôi không hiểu ông muốn làm gì nên cứ ngồi đó. Ông ta tới ngay cửa xe chỗ tôi ngồi và dùng tay phải đập lên cổ tay trái. Tôi nghĩ chắc ông hỏi giờ nên trả lời.
Nghe tôi nói giờ xong, ông mở cửa xe nói tôi xuống, hý hoáy ghi gì đó vào tờ chấm điểm và đưa cho tôi. Tôi cũng chẳng biết chuyện gì nhưng người em tới coi và nói tôi rớt. Hóa ra ông giám khảo ra hiệu là trong trường hợp phải signal bằng tay thì tôi sẽ làm sao nhưng tôi không hiểu nên rớt.
Thế là phải về để hôm sau ra xếp hàng thi lại.
Xin lỗi các cụ các mợ vì kể lại những chuyện vụn vặt này. Dù sao nó cũng là những kỷ niệm của một người rất tầm thường khi khởi đầu một cuộc đời rất khác lạ với phần đời trước đó.

Ngày hôm sau trở lại thi, may mắn thi một lần là đậu.
Bây giờ đã có bằng, phải có xe để di chuyển và kéo theo sẽ là những chi phí khi có xe. Thế là thời gian làm việc phải tăng lên nữa, làm miệt mài đúng nghĩa “cầy”, đêm về nằm xuống là ngủ như chết, không còn tâm trí đâu nghĩ về những điều gì khác.
Rồi cũng mua được chiếc xe cũ đầu tiên. Đó là chiếc Toyota Corolla cũ với giá 1.200 đồng. Vì lần đầu mua xe ngơ ngáo nên sau khi sang tên xe, thẻ chủ quyền có đóng dấu “Salvage” nghĩa là xe đã bị đụng sửa lại. Đây là cú đầu tiên bị một người Việt lừa trên đất Mỹ.
Có xe phát sinh thêm nhu cầu cho sinh hoạt, tôi bắt đầu tìm kiếm việc làm thêm ngoài việc nhận may gia công ở nhà. Tìm kiếm rồi cũng có một công việc: bỏ báo.
Tờ báo Mỹ hàng ngày ở đây rất nặng, ngày thường cũng hơn 1kg, chủ nhật cũng phải 2 kg vì quảng cáo kèm theo rất nhiều. Buổi sáng 3 giờ đã phải đi nhận báo, sau đó lái xe vòng vòng khu vực giao báo, vừa lái xe vừa quăng báo vào sân cho người mua. Công việc này tốn hao nhiều sức và cánh tay mỏi nhừ, đôi khi cảm giác như bị bại. Giao báo xong lại tiếp tục công việc hàng ngày ở nhà. Thu nhập tạm đủ nhưng không thể để dư ra được nên lại phải tìm thêm việc.
Rồi lại tìm được một công việc làm ban đêm: phụ bán rượu ở một vũ trường Mỹ. Công việc này bắt đầu lúc 9 giờ tối và chấm dứt lúc 1 giờ sáng. Một giờ lãnh lương 4 đồng rưỡi. Cả đêm nghe tiếng nhạc xé màng nhĩ, làm xong ra về tai vẫn nghe ù ù như ong bay.
Nhận thêm những việc đó tôi bắt đầu bớt việc vắt sổ và nghĩ tới chuyện học một nghề nào đó. Tôi rất muốn tiếp tục đại học nhưng thời gian và cuộc sống không cho, nhưng sau này lại thực hiện được.Lúc đó đọc mấy câu thơ của Cao Tần thấy thấm:
– Mai mốt tao về có thằng ướm hỏi:
“Mày đi qua Mỹ học được những gì?”
“Muốn biết tài nhau đưa tao cây chổi,
Nói mày hay, ông thượng đẳng cu li”.

Quyết định như vậy nhưng học nghề gì? Rất nhiều nghề để nghĩ tới nhưng có thời gian để học không khi vẫn phải kiếm sống hàng ngày, rồi có những nghề không biết có học nổi không?
Sau cùng, sau khi được một vài người mách bảo, tôi quyết định học một cái nghề cái tên nghe rất kêu Building service technician. Công việc này thực chất là làm nhân viên vệ sinh trường học gọi là custodian. Người chỉ cho tôi nói nếu làm công việc này thường làm tới khi nghỉ hưu luôn trừ khi mình tự nghỉ, hơn nữa thời điểm đó người Mỹ không muốn làm nên sẽ dễ xin việc hơn. Tôi nghe thấy có lý và làm theo. Đây là sai lầm của tôi.
Thường một trường trung tiểu học ở đây rất rộng lớn, có 4 nhân viên vệ sinh chia làm 2 ca sáng và tối, mỗi ca 2 người. Ca sáng sẽ làm vệ sinh ngoài khuôn viên các lớp học và nhà vệ sinh, ca tối làm vệ sinh trong lớp học và nhà vệ sinh.
Tôi ghi danh vào một trường dậy nghề cộng đồng và học buổi tối. Lớp học miễn phí và lớp tôi theo học có 22 người VN và đâu chừng 2 người Mexico.
Toàn thể người VN học lớp này đều thuộc dạng Mỹ nói Mỹ nghe chứ không ai nghe nổi nên khóa học này rất khôi hài. Lớp đó có mấy người cũng có địa vị ở VN hồi trước, có cả hai danh thủ bóng đá của Sài gòn nói ra ai cũng biết nhưng tôi không nêu tên ở đây. Hai anh có đọc cái này chắc chắn nhận ra nhau nhỉ?
Tuần đầu học 5 tối, tuần thứ hai, ba, tư học 3 tối, mỗi tối 2 tiếng và sau đó đi thực tập. Chúng tôi được học về các loại hóa chất dùng lau rửa khác nhau. Loại cho lavabo, kiếng, bàn ghế v.v… và học cách sử dụng máy hút bụi thảm, máy lau, đánh bóng sàn nhà gạch hoặc gỗ.
Thầy thao thao bất tuyệt , trò ngồi dưới gật gù ghi chép theo thầy nhưng không hiểu thầy nói gì cả, Ở dưới cứ ngó nhau thì thào thầy nói cái gì, lớp học thật là cổ kim hiếm có.
Sau một tuần bắt đầu thực tập tại lớp. Thầy hướng dẫn hỏi ai tình nguyện lên làm giơ tay, người Việt ngồi không nhúc nhích vì có hiểu gì đâu. Một người Mexico tình nguyện lên chậy cái máy lau, đánh bóng sàn nhà. Toàn thể học viên VN ở dưới ồ lên:” Tưởng gì, cái này dễ, tại không hiểu nên không dám giơ tay thôi”.
Người Mexico làm xong, giáo viên hỏi tiếp, toàn thể học viên VN giơ tay và sau đó làm quá ngon. Chắc ông thầy đến giờ nếu nhớ cũng không hiểu nổi tình hình lúc đó.
Sau hai tuần, nhà trường bắt đầu gởi từng hai người một tới trường học trong vùng thực tập. Tuần thực tập 2 tối, đền lớp 3 tối.
Tôi và người nữa đi thực tập ở một trường tiểu học trong khu vực Westminster, hai nhân viên ở đó một người gốc Rumani và một Ireland hướng dẫn chúng tôi. Ba tuần thực tập ông nhân viên người Rumani toàn bắt chúng tôi dọn nhà vệ sinh, còn ông ta làm vệ sinh trong lớp, thôi thì đang thực tập cũng phải chịu.
Sau ba tháng tới khi thi lấy chứng chỉ. Bài thi trắc nghiệm một bài thực hành và toàn thể đều đậu.
Bây giờ mới tới giai đoạn tìm việc.
Tôi tới tất cả các học khu của vùng quận Orange (một học khu coi một số trường trung tiểu học) để nộp đơn xin việc. Sau hơn nửa tháng một hoc khu gọi tôi tới thi.
Tôi tới đó và gần như bật ngửa vì học khu sẽ tuyển thêm một người nhưng có tới gần 300 ứng viên. Nhưng dù sao đã nộp cũng thử. Họ cho tôi nửa tiếng để làm sạch một lớp học. Lớp đó họ xả đầy rác, tôi phải xếp ghế học sinh lên bàn, hút bụi sàn nhà, làm sạch cửa sổ, cửa ra vào, lavabo rửa tay, bảng đen, sau đó xếp ghế trở lại và làm sạch bàn ghế học sinh.
Chuông hết giờ tôi vẫn còn dở dang vài cái bàn cuối cùng và sau đó như mọi người biết tôi không làm nghề đó được. Bỏ phí mất thời gian 3 tháng nhưng dù sao cũng là một kỷ niệm vui.
Sau chuyện này, tôi nghỉ việc quán bar Mỹ và làm bán vé một phòng ca nhạc nhỏ xíu của ca sĩ Cao lâm, ngày thứ bẩy làm thêm phụ đám cưới cho một nhà hàng người Việt.
Nhắc đến chuyện này tôi có một nhận xétngười Việt chúng ta mắc một căn bệnh không biết đến giờ còn đúng không hay chỉ mình tôi bị: bệnh sĩ diện.
Tôi phụ đám cưới ngày thứ bẩy được trả 50 đồng. Chín giờ sáng tới nhà hàng chuẩn bị bàn ghế, khăn và các thứ linh tinh. Buổi chiều tối bắt đầu đám cưới sẽ cùng nhau đưa từng món ăn ra bàn cho khách tham dự. Sau khi tan tiệc, dọn dẹp rồi về, nói chung mất một ngày tròn.
Hôm đó tôi có nhiệm vụ đưa thức ăn ra bàn thì chợt nhìn thấy một cô bạn ngày xưa ở VN là khách . Tôi bối rối. mắc cở và không dám làm công việc đó. Tôi phải xin người chủ cho tôi chuyển thức ăn từ bếp tới cửa ra phòng tiệc thôi. Nghèo còn sĩ phải không các cụ các mợ.
Làm việc này tôi khám phá ra một chuyện, nói nhỏ cho các cụ ở Mỹ nhé: thức ăn ở đám cưới thường làm từ một, hai ngày trước rồi để đông đá. Tới đám cưới lấy ra cho vào chảo dầu sôi sùng sục cho nóng thôi. Bếp nào làm đồ ăn kịp cho cả mấy trăm người.

Thời điểm đó Little Saigon còn khá thưa thớt, hàng quán của người VN không nhiều như bây giờ. Hai bên đường Bolsa (con đường chính của Little Saigon ) còn nhiều khu đất trống trồng dâu. Vào thời điểm tới Mỹ được một năm, làm tối mắt tối mũi, tôi mới bắt đầu đi uống café vào sáng chủ nhật. Lúc đó quán cafe có tên Tao Nhân của ca sĩ Lê Uyên tương đối tốt, nhẹ nhàng không ồn ào nên chủ nhật tôi hay uống ở đó. Còn khu Phúc lộc thọ là nột thương xá nhỏ, trong đó chỉ toàn là tiệm bán băng nhạc cassette, quán ăn nhỏ chứ chưa có những gian hàng bán vàng như bây giờ.
Sau một năm cuộc sống tạm ổn định, dù công việc vẫn chưa đâu vào đâu, việc làm như đã kể toàn là việc bán thời gian, công việc chính là may gia công ở nhà, tôi nghĩ phải tìm một công việc toàn thời gian.
Cũng may là hai đứa nhỏ chính phủ Mỹ cho hưởng phúc lợi y tế (Medical) nên đỡ lo về phần chúng nó. Nhưng bây giờ đứa lớn sắp sửa phải bắt đầu vào trường dưới mẫu giáo ( gọi là headstart), phải có thêm một cái xe nữa để đưa đón.
Tôi tìm kiếm và xin được công việc của một hãng búp bê nhỏ chủ người Thổ nhĩ kỳ. Công việc theo lối dây chuyền. Một con búp bê bằng sứ, nhân công sẽ gắn tóc, long mi, phụ kiện và sau cùng mặc cho nó một cái áo đầm dài khoảng 1m rưỡi.
Tôi làm công việc gắn tóc búp bê bằng keo nóng. Cũng ở đây gia đình tôi bị lừa một cú lớn và đau nhất nơi dây.
Làm được một tháng, chủ công ty này biết chúng tôi có nghề may tại nhà nên đề nghị chúng tôi may áo đầm bằng vải voan cho búp bê. Sau khi cân nhắc, giá may thứ này tốt hơn may gia công hàng thun nên chúng tôi nhận lời.
Số lượng may rất nhiều nên vợ tôi kêu gọi một vài người cùng làm. Sáu tháng đầu tiền công may thanh toán sòng phẳng nhưng qua tháng thứ bẩy bắt đầu lấn cấn. Tên chủ công ty bắt đầu thiếu từng chút một và sau 6 tháng số tiền thiếu lên tới 20 ngàn đồng, món tiền đó rất lớn vào lúc bấy giờ.
Đột nhiên công ty ngừng giao hàng may và sa thải công nhân. Tôi tìm gặp chủ nhưng được thong báo đổi chủ mới. Chủ mới lại chính là em của thằng chủ cũ, nó về bên Thổ nhĩ kỳ sang tên lại cho người em.
Thế là tôi mất 20 ngàn đó không làm sao đòi được. Vốn liếng định là để dành mua nhà mất sạch. Tay trắng.
Rời công ty đó với nỗi hận, hai tháng sau tôi tìm được việc khác và có lẽ số phận bắt đầu mỉm cười với gia đình tôi.

Leave a Reply