Cơ hội nào sẽ xuất hiện ?

Thư anh Trần Huỳnh Duy Thức gửi con gái. Tôi mong anh sớm được tự do.
17/3/2015
Như ba hứa trong thư 38A, bây giờ ba viết về những cơ hội và thách thức liên quan đến những công việc có thể được mở ra ở Việt Nam và thế giới trong xu hướng của dòng chảy sắp tới.
Về kinh tế, ba tin rằng trong vòng 15 năm tới Việt Nam sẽ thành nước có tỷ trọng dịch vụ chi phối, công nghiệp hàng hóa sẽ co lại đáng kể, nông nghiệp cũng sẽ giảm mạnh về tỉ trọng nhưng sẽ tăng về quy mô và mức độ hiện đại và sẽ đóng góp vào những ngành chiến lược chủ lực của quốc gia. Từ 10 năm trước ba đã thấy rằng Việt Nam không có thế mạnh gì để cạnh tranh vươn lên trong thị trường hàng hóa công nghiệp toàn cầu, ngay cả tại thị trường nội địa thì lĩnh vực này cũng thiếu sức cạnh tranh nghiêm trọng. Mong muốn bảo hộ để nó vươn lên và vươn ra thế giới đã không thành hiện thực. Thực trạng hiện nay của nền sản xuất công nghiệp Việt Nam là khó mà trụ được khi các rào cản bảo hộ buộc phải dỡ bỏ trong vài năm tới bởi cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, TPP, … Một làn sóng ào ạt mà con sẽ chứng kiến trong 1 – 2 năm tới là các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sẽ được bán cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ. Kinh tế Mỹ đã phục hồi và đang mạnh lên, USD đang lên giá chóng mặt. Chắc chắn FED sẽ nâng thêm lãi suất trong thời gian tới để hút dòng vốn về Mỹ. Từ đây các doanh nghiệp Mỹ sẽ dùng vốn ấy để tăng mạnh đầu tư ra ngoài, nhất là vào các nước thuộc TPP. Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đổ bộ tập trung của làn sóng đầu tư này của Mỹ vào các thành viên TPP. Khi đồng bạc xanh tăng giá thì xuất khẩu trực tiếp từ lãnh thổ Mỹ sẽ bị ảnh hưởng theo chiều giảm nhưng nhập khẩu sẽ tăng. Các doanh nghiệp Mỹ tất nhiên sẽ tận dụng cơ hội này, đầu tư vào TPP để làm hàng hóa rồi bán ngược trở lại Mỹ. Hơn nữa, trụ cột của nền kinh tế Mỹ là tiêu dùng nội địa nên đây sẽ là cơ hội bùng phát nhu cầu mạnh mẽ ở Mỹ. Điều này sẽ tạo sức hút cho cả Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ. Ba tin rằng chiến lược “Là công xưởng của thế giới” của Trung Quốc tới đây sẽ gặp thách thức ghê gớm từ chiến lược “Hãy sản xuất tại Ấn Độ” của Ấn Độ. Trong xu thế tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm còn của Ấn Độ thì tăng, sẽ có một sự chuyển dịch đáng kể dòng vốn FDI, thay vì chảy vào Trung Quốc thì sẽ đổ vào Ấn Độ để làm hàng xuất khẩu vào Mỹ và thế giới. Sự dịch chuyển này cũng do nguyên nhân từ quan hệ Mỹ – Ấn Độ đang ấm lên còn Mỹ – Trung Quốc thì không có gì tiến triển đặc biệt. Điều đáng lưu ý là sự cạnh tranh này của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ càng gây áp lực và khó khăn lên lĩnh vực công nghiệp hàng hóa của Việt Nam. So sánh lợi thế cạnh tranh thì Việt Nam sẽ thua xa cả hai đối thủ này. Chỉ có những doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực này mới duy trì được lợi thế nhờ các mối liên kết với thế mạnh sẵn có của họ từ bên ngoài. Tuy nhiên giá trị gia tăng mà quốc gia được hưởng từ các loại doanh nghiệp này sẽ không cao vì họ luôn có khuynh hướng giữ lại lợi nhuận bên ngoài (mà gần đây trong nước mình hay gọi là sự chuyển giá). Các nhà máy kiểu như của Coca Cola, Samsung dù là quy mô rất lớn và tạo nên nhiều việc làm nhưng sẽ không đóng góp được gì cho sự đột phá phát triển của Việt Nam. Còn các doanh nghiệp trong nước làm chủ nếu có tồn tại được trong lĩnh vực sản xuất thì cũng chủ yếu là gia công hoặc cung cấp các sản phẩm phụ trợ rẻ tiền nên giá trị gia tăng chẳng khá gì hơn. Xét trên bình diện toàn cầu lẫn trong nước, ba không thấy được khả năng đột phá gì cho đất nước từ công nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên nó vẫn sẽ là ngành có sự phát triển mạnh mẽ trong 1- năm tới nhưng sẽ là sân chơi chủ yếu của các doanh nghiệp nước ngoài. Nó sẽ tạo ra nhiều cơ hội công việc, nhất là liên quan đến đầu tư.
Đã qua rồi nên kinh tế Nông – Công nghiệp và dịch vụ. Thời đại ngày nay là thời đại của nền kinh tế tri thức
Ba lại thấy khả năng đột phá của lĩnh vực dịch vụ là rất lớn và có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội nếu tập trung vào đặc tính kinh tế tri thức. Con nhìn vào sự bức phá thần kỳ của Viettel trong thời gian ngắn vừa qua, đó là một minh chứng thuyết phục cho năng lực của người Việt về dịch vụ kinh tế tri thức trong một môi trường cạnh tranh gay gắt cả trong nước lẫn quốc tế. Nhu cầu về dịch vụ trong nước lẫn thế giới hết sức đa dạng và liên tục tăng cao. Các hãng như Apple, Nike thực chất là doanh nghiệp dịch vụ chứ không phải hàng hóa. Giá trị của họ là ở khâu thiết kế, tiếp thị, làm thương hiệu, … chứ không nằm ở dây chuyền sản xuất, lắp ráp mà hầy hết là họ thuê ngoài (out – source) ra các nước có nhân công và tài nguyên rẻ. Kinh doanh như vậy chính là làm kinh tế tri thức. Ngay cả các hãng sản xuất hàng tiêu dùng đại trà như P & G, Uniliver, họ đâu có chú trọng sản xuất. Sản xuất dây chuyền chỉ là một công đoạn nhỏ ít giá trị nên họ thiết lập các nhà máy tại chính các thị trường địa phương để tận dụng chính sách ưu đãi, nhân công rẻ và giảm chi phí vận chuyển. Một trong những dịch vụ vượt trội của họ là mua lại các sản phẩm đã có chỗ đứng tại các nước rồi gia tăng giá trị cho nó bằng cách gắn thêm thương hiệu toàn cầu của họ. Thực chất họ cũng là các doanh nghiệp dịch vụ mà giá trị lớn nhất được tạo ra từ tri thức. Trong môi trường kinh doanh được cải cách mạnh mẽ về kinh tế và chính trị sắp tới, ba cho rằng người Việt sẽ tìm thấy lợi thế trong lĩnh vực dịch vụ và sẽ tập trung mạnh vào đó. Nếu Việt Nam có thêm được chiến lược quốc gia đúng đắn nữa thì dịch vụ sẽ bùng nổ và sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước, mang hàm lượng tri thức cao, trong khoảng 15 năm tới. Một mũi nhọn mà chiến lược này cần đột phá là năng lượng xanh nói riêng và tăng trưởng xanh nói chung. Như ba đã viết cho ông nội trong các thư 32A, 37A, đây cũng chính là mũi đột phá trong chiến lược xoay trục của Mỹ vào Châu Á TBD. Với sự hợp tác của Mỹ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành người tiên phong trong lĩnh vực này. Nó chính là một trào lưu cần phải có của Dòng chảy Thời đại Kinh tế tri thức, đang lớn dần và đẩy kinh tế công nghiệp của thế giới từ từ vào dĩ vãng. Sau khoảng 10 năm nữa, sự dịch chuyển này sẽ rất mạnh mẽ, kéo theo những cơ hội công việc có thể giúp mình bức phá ngoạn mục. Tuy nhiên, đây là những cơ hội đòi hỏi phải theo đuồi dài hơi nên vẫn cần có ngắn nuôi dài. Thương mại, đầu tư trong công nghiệp hàng hóa là những cái ngắn rất tốt.
Nông nghiệp chỉ có thể phát triển mạnh khi có sự thay đổi lớn về quan điểm sở hữu đất đai, chính sách hạn điền và sự ưu tiên đầu tư hạ tầng nông nghiệp.
Thiếu quan tâm nông nghiệp là một sai lầm trong thời gian qua vì chủ trương ưu tiên cho công nghiệp. Gần đây chính phủ đã nhận ra tầm quan trọng của nông nghiệp và có sự quan tâm. Nhưng ba nghĩ ngành này chỉ có thể phát triển mạnh khi có sự thay đổi lớn về quan điểm sở hữu đất đai, chính sách hạn điền và sự ưu tiên đầu tư hạ tầng nông nghiệp. Ba cũng cho rằng những điều này sẽ đạt được sự tích cực trong cuộc cải cách thể chế kinh tế, chính trị đang và sẽ diễn ra quyết liệt sắp tới. Khi ấy thì nông nghiệp mới có thể thu hút được sự đầu tư về tiền vốn, công nghệ và chất xám để tái cấu trúc lại toàn bộ cách thức sản xuất nông nghiệp một cách quy mô và hiện đại. Nếu nông nghiệp Việt Nam không biến đổi tốt thì cũng không thể có được nguồn dịch vụ và công nghiệp phát triển tốt được. Vì tới hiện nay vẫn còn khoảng 70% dân số sống ở nông thôn và phụ thuộc vào những công việc về nông nghiệp, nếu lực lượng này không tăng được thu nhập lên đủ đề đầu tư vào giáo dục cho con cái thì đất nước mình sẽ không lấy đâu ra nguồn nhân lực chất lượng cho dịch vụ và công nghiệp. Số công nhân từ nông dân trên những vùng đất được biến thành nhà máy, khu công nghiệp trong thời gian qua không có sự chuyển đồi gì về chất cả. Họ cũng tiếp tục làm những công việc giản đơn không đòi hỏi có tri thức. Vì thế mà sự chuyển dịch kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp vừa qua chưa tạo ra được sự thay đồi gì đáng kể về hiệu suất lao động, làm sự tăng trưởng quốc gia chưa bền vững. Do đó chiến lược quốc gia phải đột phá vào nông nghiệp trước tiên. Từ đầu năm 2014 đến nay, ông Thủ tướng Việt Nam có nhiều phát biểu đúng đắn về nông nghiệp, vấn đề chắc phải còn chờ tháo gỡ các nút thắt cổ chai thì mới có thể thực hiện được các quan điểm đó. Nhưng đây là việc bất buộc, nếu không làm được thì cả nền kinh tế của Việt Nam sẽ vẫn kém chất lượng, hiệu suất thấp và giá trị gia tăng không đủ trả cho sự hủy hoại môi trường. Nên ba tin rằng nó sẽ được đột phá thành công đầu tiên trong cuộc chuyển mình tới đây của đất nước, giống như người Nhật đã tập trung hiện đại hóa nông nghiệp trong 10 năm đầu tiên của cuộc Minh Trị Duy Tân dẫn đến cuộc chuyển mình vĩ đại của họ giữa thế kỷ 19. Con người luôn là yếu tố quyết định. Nguồn nhân lực của một quốc gia mà không có chất lượng, có tri thức thì quốc gia ấy không thể phát triển tốt đẹp được cho dù nó có một nhóm lãnh đạo tinh hoa đi nữa. Rất nhiều người học hành giỏi giang nhưng vẫn mắc sai lầm cho rằng kiến thức của mình sẽ dễ dàng truyền đạt hoặc áp đặt xuống cho mọi người nếu mình nắm quyền lực. Nói gì thì nói, có thực mới vực được đạo, gia đình nông dân phải giàu có, ít ra là khá giả lên thì con cái họ mới được học hành tử tế. Không thể chỉ tự hào và trông chờ vào những trường hợp hiếm hoi nhà nghèo hiếu học để tin rằng nguồn nhân lực Việt Nam sẽ có tri thức. Mấy ngàn năm rồi chúng ta không thiếu những tấm gương như vậy, nhiều người trong đó đỗ đạt làm quan, trở thành những người nổi tiếng nhưng đất nước mình vẫn nghèo và lạc hậu, bị trải qua những thời kỳ nô lệ đen tối. Hàng triệu người thì mới có được một, hai người, làm sao mà đủ sức thay đổi được số phận cả một dân tộc. Con đồng ý hôn? Ba không nhìn thấy được cách nào khác để phát triển được nguổn nhân lực có tri thức cho Việt Nam bước nhanh và chắc vào nền kinh tế tri thức ngoài cách đột phá mạnh mẽ vào nông nghiệp cả. Người nông dân Việt Nam rất cần cù và chịu khó, chỉ cần gặp được những điều kiện đúng đắn thì họ sẽ bứt phá cho mà thấy, các ngành công nghiệp gia công chẳng là gì với họ đâu. Nhưng lâu nay họ không được tạo những điều kiện như thế, những nguồn đầu tư quốc gia được tập trung chủ yếu cho hạ tầng công nghiệp mà lại không tạo ra được giá trị cao. Ba tin rằng sự ưu tiên này sẽ thay đổi, tập trung vào cho nông nghiệp trong 10 năm tới. Việc này sẽ tạo nên những cơ hội công việc về thương mại, đầu tư hấp dẫn.
Nhìn chung, Dòng chảy Thời đại sẽ thúc ép những cải cách mạnh mẽ về kinh tế lẫn chính trị và sẽ dẫn đến một giai đoạn đột phá kinh tế mạnh mẽ chỉ trong một vài năm nữa. Nó sẽ dẫn đến sự dịch chuyển sâu sắc (dramatic shift) cấu trúc kinh tế Việt Nam và tạo ra rất nhiều cơ hội, hơn hẳn giai đoạn đổi mới gần 30 năm qua. Thực ra giai đoạn này chỉ mới là một sự tập dượt, chưa thể gọi là một sự đột phá đúng nghĩa. Ba dám nói rằng Việt Nam bây giờ, một là đột phá, hai là sụp đổ, chứ không có chuyện trùng trình đâu. Đương nhiên chẳng ai muốn lựa chọn khả năng thứ hai trừ khi không nhìn thấy. Nhưng ba tin là người dân đã thấy được và đang đòi hỏi cuộc Đổi mới sắp tới phải đột phá toàn diện. Những người có trách nhiệm, giới tri thức và chính giới cũng đã thấy rõ và biết phải làm gì. Cựu Thỉ tướng Anh Tony Blair trong chuyến thăm Việt Nam khoảng 10 ngày trước đã phát biểu rằng không có cuộc cải cách nào mà không gặp phải sự kháng cự quyết liệt. Con hãy tìm đọc các tài liệu về thời cải cách của bà đầm thép Thatcher từ 1979 để thấy sự chống đối những xu hướng đổi mới ở Anh ghê gớm như thế nào. Đây là những kiến thức rất hữu ích cho con và công việc của con sắp tới. Nước Anh trải qua mấy thập kỷ khủng hoảng và trì trệ vì sai lầm trong việc lựa chọn đường lối phát triển. Bà Thatcher đã thành công đưa nước Anh vào một con đường mà sau đó đã dẫn tới những thành tựu rực rỡ. Thế nhưng lúc ban đầu, bà bị chống đối và cả chống phá dữ dội, không chỉ từ các đảng đối lập mà từ chính trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà, từ những người đã từng là bạn bè thân hữu của mình. Lúc đó ít ai nghĩ một phụ nữ xinh đẹp như Thatcher có thể vượt qua được. Vậy mà bà đã thành công ngoài sức tưởng tượng . Thành tựu của bà là một cuộc cải cách toàn diện về chính trị lẫn kinh tế cùng với các mặt văn hóa, giáo dục, … Việt Nam mình tới đây muốn thành công thì cũng phải cải cách như vậy thôi. Hôm qua (17/3/15) tại Sydney, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu rằng: Việt Nam sẽ cải cách toàn diện về thế chế kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền để bảo đảm và phát huy mạnh mẽ quyền tự do về kinh tế lẫn chính trị để tạo động lực phát triển nhanh cho nền kinh tế Việt Nam. Sau kỳ Đại hội XII đầu năm 2016 này của ĐCS, con sẽ thấy xu thế này nổi lên mạnh về chính trị.

2 thoughts on “Cơ hội nào sẽ xuất hiện ?”

    • TL;DR là gì hả Lợi?
      Dài thật, nhưng tựu chung lại là nông nghiệp, tri thức, và Viettel thì không chỉ có tri thức mà còn phải trả lương cao và ép làm mửa mật ra.

      Reply

Leave a Reply