Vài ý rời nhân đọc “Đêm giữa ban ngày”

Trong tuần qua, liên tục, tôi được đọc hai cuốn sách, thuộc loại khá dầy dặn. Đọc một hơi, không nghỉ, không bỏ cách….
Cuốn thứ nhất là tiểu thuyết “Con nhân mã trong vườn” của nhà văn Brasil, Moacyr Scliar. Một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời. Cuốn sách có dung lượng 471 trang (khổ 13 x 20). Thời gian đọc: 1 ngày (có cộng cả thời gian ăn, ngủ). Cuốn thứ hai có dung lượng 401 trang A4, có nghĩa là, nếu dàn ra trang khổ 13×20 thì cuốn sách sẽ có độ dầy vào khoảng trên dưới 800 trang. Cuốn này tôi ngốn cũng trong vòng 1 ngày, nhưng không cộng thời gian ăn ngủ. Tôi đã đọc nó quên ăn, quên ngủ. Nói như vậy, tức là cuốn thứ hai đã cuốn hút tôi hơn cuốn thứ nhất nhiều. …

Vương Văn Quang

Trong tuần qua, liên tục, tôi được đọc hai cuốn sách, thuộc loại khá dầy dặn. Đọc một hơi, không nghỉ, không bỏ cách. Bởi chúng đều quá hay. Tôi nhấn mạnh cái sự “đọc một hơi”, bởi tôi đã bị mất đi cái thói đọc một mạch như vậy cách đây đã khá nhiều năm. Có hai lí do. Một, khi còn là học sinh, thói ham đọc cộng với sự khan hiếm sách báo khiến tôi cứ vồ được cuốn nào là ngấu nghiến đọc một hơi cuốn đó (có thể đây còn gọi là hội chứng “túng văn hoá?). Hai, cũng khi đó, cách đọc của tôi chỉ thuần tuý là cách đọc của một độc giả thông thường nhất. Chỉ đọc mà ít khi săm soi phân tích về hơi văn, kết cấu văn bản, cách dùng chữ, cách ngắt câu … v.v; tóm lại là ít khi để ý tới kĩ thuật của nhà văn. Bây giờ, tôi đọc khác hẳn. Tôi không còn đọc theo lối “đọc chuyện” nữa, mà chỉ rình rình soi mói từng li từng tí tất cả những cái gì thuộc về kĩ thuật viết. Nói chung, tôi đọc giống như cách đọc của một người biên tập. Cái sự đọc của tôi bây giờ nó không còn là đọc để giải trí thuần tuý, và như vậy là tôi đã đánh mất đi một thú vui lớn. Nhưng, cũng không hẳn là do giờ đây tôi là kẻ viết lách nên mới đọc theo cách nhà nghề, mà một phần, sự đọc của tôi khó khăn bởi tác phẩm bây giờ nhiều, nhưng dở. Vâng, đúng như vậy. Bằng chứng là tôi vừa ngốn ngấu hai cuốn sách một lèo từ đầu tới cuối. Cuốn thứ nhất là tiểu thuyết “Con nhân mã trong vườn” của nhà văn Brasil, Moacyr Scliar. Một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời. Cuốn sách có dung lượng 471 trang (khổ 13 x 20). Thời gian đọc: 1 ngày (có cộng cả thời gian ăn, ngủ). Cuốn thứ hai có dung lượng 401 trang A4, có nghĩa là, nếu dàn ra trang khổ 13×20 thì cuốn sách sẽ có độ dầy vào khoảng trên dưới 800 trang. Cuốn này tôi ngốn cũng trong vòng 1 ngày, nhưng không cộng thời gian ăn ngủ. Tôi đã đọc nó quên ăn, quên ngủ. Nói như vậy, tức là cuốn thứ hai đã cuốn hút tôi hơn cuốn thứ nhất nhiều.

Cuốn sách đó là hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên.

Cũng cần nói thêm, hồi kí là thể loại tôi không thích đọc. Vì nhiều lí do, nhưng nói chung là không thích. Gần đây tôi có đọc vài cái hồi kí, và tôi nhận thấy rằng, cái sở thích kia của tôi chẳng đánh lừa tôi tí nào. Thực ra thì ngoài mấy thứ vớ vẩn như “Làm người …”, “Sống mãi tuổi …”, “Nhật kí …” thì cũng có cuốn “Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn đọc được. Khá thú vị, hấp dẫn. Nhưng để đọc được một lèo thì không. Ở “Chuyện kể năm 2000” nhà văn Bùi Ngọc Tấn (hình như) muốn tiểu thuyết hoá, muốn cuốn hồi kí của mình là một tác phẩm hư cấu, nên ông đã gọi nhân vật chính là “hắn” (?) Và như vậy, khi đọc nó, tôi có một cảm giác, nhà văn hơi khách sáo, thiếu tự nhiên. Mạch văn trong truyện có lúc khá rề rà. Hơn nữa, chuyện đang yên đang lành bị gí cho cái “lệnh” ba năm, hết “lệnh” gí thêm phát nữa, rồi lại phát nữa, vốn không phải chuyện lạ trên mảnh đất Việt Nam này. Những chi tiết của cuộc sống trong tù được nhà văn khắc hoạ khá sinh động, nhưng với tôi, nó không “phê”; có lẽ vì trước đó tôi đã đọc cuốn hồi kí “Papillon – người tù khổ sai” của Henri Charriere chăng?

“Đêm giữa ban ngày” thì khác. Mặc dù trong phần “tự bạch”, tác giả có lưu ý rằng: “Hình thức văn học mà tác giả sử dụng trong cuốn sách chỉ vừa đủ cho bức tranh sự kiện không thành quá tẻ nhạt. Văn học đích thực không có chỗ nơi đây”, nhưng tôi vẫn thấy đây đích thị là một tác phẩm văn học thể tài hồi kí. Những cuốn như “Mãi mãi tuổi hai mươi ”, “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm” người ta còn gọi là “hiện tượng văn học” kia mà ! Một cuốn hồi kí sẽ có giá trị, khi trong nó ăm ắp những sự kiện sinh động, dữ dội, chân thật; được chuyển tải bằng thứ ngôn ngữ hấp dẫn, tự nhiên; và kết cấu độc đáo. Vâng, tôi cho rằng như vậy. Và “Đêm giữa ban ngày” hội đủ những tiêu chí đó.

Đọc “Đêm giữa ban ngày”, từ dòng đầu tiên tới dòng cuối cùng (hết phân đoạn 41), tôi như bị hút hồn. Tôi đọc như nuốt lấy. Cảm giác cuốn sách mang lại lúc nóng lúc lạnh, khi sởn da gà, cũng có khi bật cười … rồi đau đớn, và nhiều lúc thì không cầm được nước mắt.

Cảnh đấu tố trong cải cách rộng đất, tôi cũng nghe nhiều, nhưng là nghe kể, ở Việt Nam chưa có một tác phẩm văn học nào nói về điều này một cách tới nơi tới chốn. Nay đọc Vũ Thư Hiên, chỉ vài dòng thôi, cũng đủ rùng mình:

“Người ta lấy gai bưởi cắm vào đầu ngón tay một cô gái, có trời biết cô ta bị tội gì, có thể cô ta chỉ có tội là con địa chủ, cứ mỗi câu hỏi lại nhấn những cái gai sâu thêm một chút làm cho cô gái rú lên vì đau, quằn quại trong dây trói.
Một cụ già tóc bạc phơ bị tròng dây vào cổ, bị lôi xềnh xệch trên đường như một con chó. Lũ trẻ làng rùng rùng chạy theo sau. Chúng vỗ tay, chúng reo hò, chúng cười ngặt nghẽo …”
(phân đoạn I)

Thông thường, khi thần tượng bị sụp đổ, người ta có khuynh hướng thất vọng, nên rất dễ có những đánh giá cực đoan. Vũ Thư Hiên không như vậy. Hồ Chí Minh là thần tượng của ông. Cha ông từng là bí thư của họ Hồ. Vậy mà khi gia đình ông lâm nạn. Cả hai cha con ông bị vào tù vì một âm mưu bẩn thỉu, họ Hồ biết nhưng lạnh lùng quay lưng. Vậy mà trong toàn bộ cuốn sách, nhận xét về Hồ Chí Minh, ông luôn dùng một thái độ rất khách quan, bình thản. Đây cũng chính là một yếu tố nhỏ khiến cuốn hồi kí của ông đáng tin cậy.

Khi ông Vũ Thư Hiên bị bắt, tôi chưa ra đời. Lớn lên, tôi không thấy ai nói tới “vụ án chống đảng” đó. Chỉ biết loáng thoáng, rằng bắc Việt Nam trong thập kỉ 60, 70, người ta có thể bắt đi tù bất cứ ai, vì bất cứ lí do gì; rằng, không khí sợ hãi, nghi kị, khủng bố bao trùm toàn xã hội. Sau này, khi không còn “môi hở răng lạnh” với Tầu, ở Việt Nam xuất bản những cuốn sách như “Ân oán Trung Nam Hải”, “Mây đen bao phủ bầu trời Bắc Kinh”, “Cuộc đời Mao Trạch Đông” …v.v; tôi có đọc những cuốn đó, và nghĩ rằng, những câu chuyện ghê tởm đó chỉ có ở bên Tầu, nơi mà lịch sử có những bạo chúa như Tần Thuỷ Hoàng. Đọc cuốn sách của nhà văn Vũ Thư Hiên, tôi biết mình đã nhầm. Có lẽ đất nước này sẽ muôn đời là một bản sao không thành công của Tầu, nếu như … Tôi nói không thành công là bởi cái bản sao đó luôn thiếu đi mảng tích cực của nguyên bản.

Trong chuyện có một chi tiết thật thú vị, đó là đảng ta buôn thuốc phiện để bổ sung một phần kinh phí. Vẫn biết, cứu cánh biện minh cho phương tiện, nhưng … Than ôi, không lẽ cái kết luận xỏ lá: “vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục” [1] lại có thể là chân lí thật ư?

Về kết cấu của cuốn hồi kí. Tôi cho rằng đây cũng là một thành công của tác giả. Ông kể chuyện phi tuyến tính; về thời gian, câu chuyện chính tính từ khi ông bị bắt (1967) cho tới khi được thả (1976), nhưng ông lôi độc giả đi lang thang ngược về những năm 30, 40 trong dòng suy tưởng miên man, rồi chợt nhẩy tót sang những năm 70, 80, lại đột ngột trở về với mạch chính mà không hề làm gián đoạn câu chuyện, không hề làm độc giả bối rối. Rất nhuần nhuyễn. Về không gian, đang ở Hoả Lò, ông nhẩy lên Tân Lập, rồi quay về núi rừng Việt Bắc, rồi lại trở về … Hoả Lò Chỉ tiếc rằng, thỉnh thoảng, ông lại chêm vào một dòng: “Tôi đi hơi xa sự kiện Hoả Lò”, “Xin quay trở về chuyện chính” hoặc “Lại nói về chuyện Hoả Lò” …v.v.

Bởi vì văn bản “Đêm giữa ban ngày” mà tôi có là do một anh bạn chuyển cho bằng đường e-mail, lại thấy có nhiều lỗi như lặp chữ, lỗi ngắt câu, viết hoa …v.v, nên tôi đồ rằng đây là bản thảo, chưa sửa chữa. Rất có thể bản in sẽ không phải là bản tôi đọc. Như vậy, hy vọng là khi sửa lại bản in lần cuối, tác giả cho bỏ đi những dòng đó. Bởi chính vì những dòng đó mà có thể độc giả cảm thấy hẫng (?) Dù sao, đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân.

Trong toàn bộ cuốn sách, có nhiều cái chết. Nhưng hầu như chỉ thoáng qua, như một liệt kê. Cái chết của ông Bát cũng vậy, tác giả cũng chỉ viết vài dòng. Vài dòng thôi, nhưng đọc đoạn này, tôi không sao cầm được nước mắt.

Ông Bát là một lão nông. Con gái ông chửa hoang với tay bí thư huyện uỷ. Ông tức, ông chửi thằng bí thư huyện uỷ. Khốn nỗi trong cách hành văn chửi, ông lỡ chửi sang cả cái đảng của tay bí thư kia. Vậy là họ gí cho ông cái “lệnh”, đi tù. Vì tội phản động. Trước lúc chết, ông Bát vẫn cố nhờ tác giả ra coi giúp xem các bạn tù chia thịt có đều không. Hãy xem Vũ Thư Hiên ghi lại giây phút cuối đời ông Bát:

“Cuộc chia thịt đã xong, ông bạn nằm cạnh ông Bát mang cái tô tráng men có ba miếng thịt to bằng ba quân cờ với bát canh sắn – khẩu phần của ông Bát – đến bên ông. Ông Bát đang khò khè, ngửi thấy hơi thịt là tỉnh hẳn.
– Phần ông đây ! – ông bạn ông Bát nói – Dậy mà ăn đi. Ngon lắm !
– Tôi xem cho bác rồi. Chia đều. – tôi nói – Suất của bác có phần còn nhỉnh hơn các suất khác kia đấy. Bác cố dậy mà ăn kẻo nguội.
Ông gật đầu, hoặc tôi nghĩ rằng ông gật đầu. Cố gắng một lát để ngồi lên, nhưng ngồi không được, ông ngã xuống. Cố thêm một lần nữa, ông nghển lên được, ngó vào bát thịt một cái rồi nói :
– Thịt rang à ? Tí nữa tôi ăn.
Ông nằm xuống và đi ngay, theo mọi người nhận xét. Tôi không có mặt lúc ông Bát đi.
Anh em tù ăn xong, vào tận chỗ ngó ông, mặt buồn rầu. Không ai nói câu nào. Như thế gọi là viếng.
Suất cơm của ông để chỏng chơ. Mọi người bảo cứ để đó, khi chôn thì đặt nó lên mộ ông thay cho bát cơm quả trứng.
Xác ông được đưa xuống trạm xá chờ cán bộ trại mang hồ sơ xuống xác nhận chính là tên phản động Nguyễn Thái Bát đã chết chứ không phải tên nào khác.
Khi cửa các phòng giam đã khóa lại rồi, tôi cứ ngồi bên cửa sổ mà nhìn về phía trạm xá. Trời tối hẳn mới thấy nghe tiếng búa nện chan chát trên ván thiên – dấu chấm hết cho một kiếp người. Rồi quan tài được khiêng ra dưới ánh sáng của một bó đuốc. Đi lững thững sau quan tài là một anh công an mang AK.
Không thấy suất ăn tươi của ông đâu. Chắc hẳn ai đó tiếc của giời đã ăn rồi. Còn hai cái bát họ sẽ đánh bóng mạ kền rồi đem chác cho tù mới.”
(phân đoạn 41)

Khốn nạn thân ông. Người ta nói, nông dân là giai cấp có máu tư hữu. Bởi vậy nên trước khi chết, ông (thằng tù) nông dân Việt vẫn lo người ta chia thịt không đều. Trước lúc chết “tên phản động” Nguyễn Thái Bát chỉ mong được tư hữu “ba miếng thịt to cỡ quân cờ”. Đau !

Còn những người tù kia, họ có xót thương ông Bát không? Tôi nghĩ là có, vì khi ông đi, họ “vào tận chỗ ngó ông, mặt buồn rầu. Không ai nói câu nào” kia mà. Nhưng đã thoả thuận “khi chôn thì đặt nó lên mộ ông thay cho bát cơm quả trứng”, vậy mà sao họ nỡ …? Có thể, họ làm vậy do bản năng sinh tồn. Nhà tù kia đã “cải tạo” họ thành dã thú.

Có duy nhất một chi tiết trong truyện, tôi thấy tác giả viết chưa chính xác. Ông cho rằng, về sau này, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vì mất uy tín quá, cả trong đảng, cả với nhân dân, nên sau này họ không nhắc gì tới tướng Thanh. Chỉ có một con đường trong thành phố Hồ Chí Minh mang tên ông, nhưng là do lỡ đặt rồi nên người ta không nỡ đổi. Tác giả đã lầm. Cách đây ít năm, người ta đặt tên vị đại tướng này cho một con đường vào loại đẹp nhất thủ đô Hà Nội. Cũng tương tự, Hà Nội và Sài Gòn có nhiều con đường mang tên của các nhân vật, mà với nhân dân, họ không chỉ là “mất uy tín”.

Bên trên tôi có viết rằng, tôi như bị hút hồn từ dòng đầu cho tới dòng cuối, rồi mở ngoặc, hết phân đoạn 41. Như vậy có nghĩa là, phân đoạn cuối: “Thay cho lời cuối” không hút hồn tôi nữa. Vâng, tôi thấy phần này hơi dở. Vẫn biết, thao tác tổng kết như vậy cũng là cần thiết, nhưng cách viết của tác giả “vô vi” quá, làm cho tôi, khi đọc phân đoạn đó có cảm giác rằng, mọi chuyện trong sách đã thuộc về quá khứ, rằng giờ đây, mọi việc đã trở nên tốt đẹp … Không biết, đây có đúng là tâm thế của nhà văn Vũ Thư Hiên? Tôi không tin như vậy, nhưng rõ ràng, phần “Thay cho lời cuối” đã cho tôi cảm giác như vậy. Chính vì thế nên tôi thấy nó dở.

Sai lầm của quá khứ cần phải thanh toán sòng phẳng, có như vậy mới có thể hy vọng ở tương lai. Bằng không, cứ xập xí xập ngầu, thì tương lai luôn chỉ là bước tiếp diễn, phát triển của những thối tha trong quá khứ mà thôi.

*

Theo mấy lời ghi ở đầu sách, tôi biết rằng, cuốn “Đêm giữa ban ngày” được xuất bản tại Paris tháng 4/1997. Như vậy là cuốn sách ra đời cách đây đã 8 năm. Trong thời đại bùng nổ thông tin, 8 năm là khoảng thời gian quá đủ để người ta có thể quên đi một cuốn sách, dù nó rất hay. Vậy mà hôm nay tôi mới được đọc. Người gửi nó cho tôi là một nhà thơ trẻ, thuộc loại nhà thơ cấp tiến. Anh ta cũng vừa mới đọc nó, thấy hay anh bèn gửi cho tôi. Kể ra như vậy để thấy rằng, anh nhà thơ kia cũng chỉ vừa đọc trước tôi có vài ngày. Đấy là nói về những người hoạt động trong môi trường chữ nghĩa. Vậy thì thanh niên nói chung, trong tình hình văn hoá đọc xuống cấp như hiện nay, mấy người biết tới, và đọc cuốn sách này? Thiển nghĩ, một tác phẩm như “Đêm giữa ban ngày” cần thiết hơn hết cho giới trẻ, chứ không phải cho lớp già đọc để gậm nhấm nỗi đau. Ước gì, những cuốn hồi kí như “Đêm giữa ban ngày”, “Chuyện kể năm 2000” được ưu ái lăng-xê như cái thứ mà người ta đang lăng-xê hết cỡ, cái gọi là “hiện tượng nhật kí chiến tranh”. Nhưng ước mơ chỉ luôn là ước mơ. Sự thật thì ước mơ không mấy khi thành hiện thực. Biết vậy, nhưng mơ ước là quyền của ta. Ta cứ ước mơ.

Tôi không phải là nhà phê bình, và hiển nhiên, bài viết này không phải là một bài phê bình. Tất cả chỉ là những cảm xúc sau khi đọc tác phẩm. Tôi cũng có một cố gắng, đó là cố gắng để không viết bài này. Nhưng cố gắng của tôi đã không thành. Nếu không viết, tôi sẽ còn bị những cảm giác mà cuốn sách mang lại ám ảnh, và như vậy thật khó để làm một việc gì khác. Xin cám ơn nhà văn Vũ Thư Hiên. Qua tác phẩm của ông, tôi càng khẳng định một niềm tin vào bài học tưởng như rất sáo rỗng trong tình thế xã hội Việt Nam hiện thời: Sống lương thiện, và ngẩng cao đầu.

Sài Gòn 11/2005

Chú thích:
[1] Mượn lời Nguyễn Huy Thiệp

5 thoughts on “Vài ý rời nhân đọc “Đêm giữa ban ngày””

  1. Trung Đức writes:CẢm ơn bạn đã nói hộ tộ những gì mà tôi muốn nói. Toi thực sự căm ghét chế độ này. Mẹ tôi cũng là đảng viên, nhưng bà không giống họ, hàng nghìn hàng vạn Đảng viên đã bị bắt bị giết, vậy tại sao chúng ta phải hi sinh cho chế độ này. Tôi yêu Việt Nam, tôi yêu lá cờ tổ quốc, nhưng tôi căm ghét cộng sản…

    Reply
  2. Anonymous writes:Chúc mừng bọn trẻ ranh chúng mày đã trưởng thành về nhận thức chính trị, đủ để chúng mày biết chửi chế độ. Cũng hay cho cách giáo dục của bố mẹ chúng mày.

    Reply
  3. Anonymous writes:anh ơi..e đọc cuốn này được nữa năm rồi..thik lắm mà tìm mua không ra 🙁 bị cấm thì phải…có cách nào để mua được không a?à..anh đọc 3 phút nói thật của PHùng Quán cũng hay đó 🙂

    Reply

Leave a Reply