Văn hóa đọc: Những con số biết nói…

TTCT – Xin được bắt đầu với kết quả khảo sát về thực tế đọc (đọc trên mạng hay đọc kiểu truyền thống) của hai nhóm người thường được nghĩ là thành phần đọc sách báo nhiều nhất trong xã hội.

Kết quả cho thấy có đến hơn một nửa số sinh viên và giáo viên, những người gọi là trí thức, hiếm khi đọc nhật báo và tạp chí phổ thông, đặc biệt là tạp chí và sách tham khảo chuyên ngành (SV: 68,18 & 57,36; GV: 54,34 & 44,5). Trong lúc đó, 84,40% giáo viên và 73,03% sinh viên thường xuyên xem truyền hình.

Đó là những con số tìm thấy được qua cuộc khảo sát bỏ túi trên 173 giáo viên và 330 sinh viên tại TP.HCM.

Sau đây là bảng trình bày tỉ lệ phần trăm sinh viên và giáo viên hiếm khi đọc:
Kỹ năng đọc và thói quen đọc có liên quan mật thiết đến sự phát triển năng lực nhận thức, bản lĩnh học tập và làm việc của mỗi cá nhân. Khảo sát khu vực châu Phi vào tháng 3-2000 cho thấy tình trạng thiếu văn hóa đọc là một trong những rào cản quan trọng trong quá trình phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và khả năng giao tiếp của phụ nữ châu Phi. Văn hóa đọc ở đây được định nghĩa là thói quen đọc sách, là những cơ chế, điều kiện giúp người dân dễ dàng có sách báo để đọc.

Tầm quan trọng của việc đọc trong quá trình hội nhập xã hội hiện đại đã được nhiều quốc gia khẳng định. Một cương lĩnh quốc gia nhằm nâng cao việc đọc trong cộng đồng Hà Lan có tên là Stiching Lezen đã ra đời năm 1998 sau khi số liệu hơn một nửa số người lớn Hà Lan hiếm khi đọc sách báo được công bố từ cuộc khảo sát quốc gia của Liên đoàn Quốc tế các cơ quan và hiệp hội thư viện (IFLA) tại Amsterdam.

Cương lĩnh này nhấn mạnh những lợi ích của việc đọc đối với phát triển đời sống văn minh và tinh thần của con người trong xã hội. Theo họ, việc đọc làm cho cuộc sống chất lượng hơn. Việc đọc cung cấp con đường tiếp cận các nền văn hóa và di sản văn hóa. Đọc làm cho các công dân trong xã hội trở thành những người có sức mạnh tinh thần, giải phóng khỏi những hạn chế về mặt xã hội, về mặt pháp lý, về mặt tâm lý cá nhân… Và việc đọc mang con người đến gần nhau.

Tương tự, sau khi kết quả khảo sát của Tổ chức National Endowment for Arts vào năm 2004 được công bố với chỉ chưa đến một nửa người lớn Hoa Kỳ đọc sách báo trong thời gian rảnh rỗi, các bang lập tức đề ra những chương trình nâng cao tập quán đọc cho cộng đồng và cá nhân trong xã hội. Và trong lúc Hà Lan chú trọng đến lợi ích phát triển sức mạnh tinh thần thì Hoa Kỳ nhấn mạnh đến giá trị sử dụng mà văn hóa đọc mang đến cho mỗi công dân trong thực tiễn nghề nghiệp và quá trình phát triển nền kinh tế tri thức. Kỹ năng và thói quen đọc nâng cao những kỹ năng mà môi trường làm việc trong thế kỷ 21 đòi hỏi, nâng cao kỹ năng làm việc cộng đồng.

* Nhận định

Con số 68,18% sinh viên, 54,34% giáo viên hiếm khi đọc tạp chí chuyên ngành, 57,36% sinh viên và 44,5% giáo viên hiếm khi đọc sách tham khảo chuyên ngành phản ánh thực trạng nghe giảng là hình thức phổ biến ở đại học. Nhiều sinh viên không có thói quen đọc tài liệu ghi chép, tổng hợp và vận dụng kiến thức để giải quyết và trình bày vấn đề. Quán tính tiếp nhận kiến thức chỉ thông qua bài giảng của thầy trong một bộ phận lớn sinh viên cũng như hoạt động trí tuệ chủ yếu của họ là nặng về ghi nhớ và tái hiện.

Nhiều sinh viên không biết tổ chức thời gian học tập của mình vì theo cách dạy hiện nay, nhiều nơi trong suốt đợt học một môn học nào đó, sinh viên không được giao một kế hoạch hoạt động cụ thể như đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, thảo luận, làm bài tập, tiểu luận… Cách thức tổ chức học tập như thế có lẽ đã tạo cho người học quán tính không cần thiết tổ chức việc học của mình. Nói cách khác, năng lực và thói quen đọc thấp khiến chúng ta liên tưởng đến khả năng thiếu các kỹ năng tự học, tự bồi dưỡng của sinh viên và giáo viên.

Sự lấn lướt của “văn hóa nghe nhìn” xảy ra trong mọi tầng lớp xã hội ngay cả trí thức, một tầng lớp được trông mong là đọc sách nhiều nhất. Thật vậy, kết quả khảo sát cho thấy trong lúc có hơn một nửa số sinh viên và giáo viên hiếm khi đọc thì có đến 84,40% giáo viên và 73,03% sinh viên thường xuyên xem truyền hình. So với phương tiện nghe nhìn, sách vẫn có những ưu thế tuyệt vời của nó. Nói chung đọc sách thường phải tập trung tư tưởng, trí óc; còn thưởng thức nghệ thuật nghe nhìn, con người vẫn có thể kết hợp với những việc khác theo một hình thức và mức độ nào đó.

66,06% sinh viên và 75,73% hiếm khi đọc sách ngoài chuyên môn. Điều này có thể phản ánh tình trạng hạn chế hiểu biết về những vấn đề của xã hội, của thời đại trong tầng lớp sinh viên và giáo viên. Có nghĩa là một bộ phận khá đông sinh viên, giáo viên đang sống và làm việc trong ốc đảo hạn hẹp của mình.

46,97% sinh viên thường xuyên đọc truyện ngắn, cao hơn tỉ lệ sinh viên đọc tạp chí chuyên ngành (31,82%) và tương đương với tỉ lệ đọc sách chuyên ngành (43,64%). Kết quả này phản ánh việc thích đọc theo kiểu giải trí hơn là suy ngẫm.

o0o

Bài viết như một gợi ý cho việc phát triển một chiến lược quốc gia bao gồm những cuộc khảo sát, những chương trình hành động nhằm nâng cao thói quen và kỹ năng đọc sách của cộng đồng người Việt chúng ta, hướng đến phát triển một nền văn hóa đọc như một “hạ tầng tư tưởng” cho quá trình đổi mới và sáng tạo – một động lực của tăng trưởng kinh tế và xã hội.

THIỆN HƯNG


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=169436

Leave a Reply