Lắng nghe (Thiền sư và em bé 5 tuổi)

Khi nói về phương pháp lắng nghe bằng tâm từ bị, chúng ta thường nghĩ là lắng nghe một ai đó ngoài mình. Kỳ thực chúng ta cũng phải lắng nghe em bé bị tổn thương trong ta. Thỉnh thoảng, em bé bị tổn thương trong ta đòi hỏi sự chú ý của ta một trăm phần trăm. Em bé đó có thể xuất hiện từ những tầng sâu kín trong tâm thức ta và đòi hỏi chúng ta phải chú ý. Nếu có ý thức, ta sẽ nghe được tiếng cầu cứu của em. Vào lúc này, thay vì chú tâm vào bất cứ điều gì khác, ta hãy quay trở về chăm sóc em bé tổn thương đó băng sự lân mẫn của ta. Ta có thể nói chuyện trực tiếp với em bé bằng ngôn ngữ của tình thương yêu, hãy nói với em rằng: “Trong quá khứ, tôi đã để em một mình. Tôi đã chạy trốn em. Giờ đây, tôi rất hối hận, tôi sẽ quay về chăm sóc em”. Ta cũng có thể nói: “Em thương, tôi đang có mặt tại đây cho em. Tôi sẽ chăm sóc em đàng hoàng. Tôi biết là em đã đau khổ nhiều. Tôi đã quá bận rộn và bỏ mặc em, bây giờ tôi sẽ học cách để quay về với em”. Nếu cần, ta có thể cùng khóc với em bé đó. Bất kể khi nào cần, ta cũng có thể ngồi lại và thở cùng em: “Thở vào, tôi trở về với em bé bị tổn thương trong tôi; thở ra, tôi sẽ chăm sóc em bé bị tổn thương trong tôi cho đàng hoàng”.


Mỗi ngày ta phải nói chuyện với em bé trong ta vài lần, cho đến khi nào em bé được chữa khỏi. Ta hãy ôm ấp em bé một cách nhẹ nhàng, trìu mến, ta phải đảm bảo với em rằng ta sẽ không bao giờ để em bị suy sụp hoặc bị bỏ rơi nữa. Em bé non nớt bé bỏng đã bị cô đơn một mình quá lâu. Đó là lý do tại sao ta phải bắt đầu thực tập điều này ngay lập tức. Nếu ta không thực tập ngay từ bây giờ thì đợi đến khi nào?


Nếu ta biết cách quay về với em bé và lắng nghe em một cách chăm chú khoảng năm đến mười phút mỗi ngày thì sự chữa lành sẽ bắt đầu xảy ra. Khi ta leo lên một đỉnh núi hùng vĩ, hãy mời em bé trong ta cùng leo. Khi ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn, ta hãy mời em cùng ngắm, cùng thưởng thức với ta. Nếu ta làm điều này trong vài tuần hoặc vài tháng, em bé bị tổn thương trong ta sẽ được trị liệu.

Nhờ thực tập, chúng ta có thể thấy được rằng em bé bị tổn thương trong ta không chỉ là bản thân chúng ta mà có thể là đại diện cho vài thế hệ trước. Mẹ chúng ta có thể đã đau khổ suốt cuộc đời. Cha ta cũng có thể đã đau khổ quá nhiều. Có thể cha mẹ ta đã không có cơ hội để chăm sóc em bé bị tổn thương trong họ. Vì vậy, khi chúng ta ôm ấp em bé bị tổn thương trong chúng ta thì chúng ta cũng đang ôm ấp em bé bị tổn thương của những thế hệ trước. Sự thực tập này không phải là thực tập cho một mình ta mà cho vô số những thế hệ tổ tiên và con cháu ta.


Tổ tiên ta đã không biết cách chăm sóc cho em bé bị tổn thương trong họ, vì thế họ đã truyền lại nó cho chúng ta. Sự thực tập của chúng ta là để chấm dứt vòng luân hồi luẩn quẩn này. Nếu chúng ta có khả năng chữa lành cho em bé bị tổn thương trong ta, thì chúng ta không những giải phóng được cho chính mình mà còn giải phóng được cho những ai đã từng làm ta đau khổ hoặc lạm dụng ta. Người lạm dụng ta có thể là nạn nhân của một sự lạm dụng khác. Thực tập với em bé bị tổn thương trong mình một thời gian đủ lâu, nhiều người đã làm vơi được những nỗi khổ đau trong họ và có kinh nghiệm chuyển hóa. Mối liên hệ giữa họ với gia đình và bạn bè trở nên dễ dàng hơn.

Chúng ta đau khổ vì không tiếp xúc được với lòng từ bi và sự hiểu biết. Nếu chúng ta chế tác được năng lượng chánh niệm, hiểu biết và từ bi cho em bé bị tổn thương của chúng ta, chúng ta sẽ ít đau khổ hơn. Khi chúng ta chế tác được chánh niệm thì từ bị và cảm thông là điều ta có thể đạt được và chúng ta có thể cho phép những người khác thương mình. Trước đây, chúng ta nghi ngờ mọi người, nghi ngờ tất cả. Tuy nhiên, lòng từ bi giúp chúng ta liên hệ được với những người khác và thiết lập lại sự kết nối.
Những người chung quanh ta, gia đình và bạn bè, có thể cũng có một vài em bé bị tổn thương trong họ. Nếu chúng ta thực tập và giúp được cho chính mình, chúng ta cũng có thể giúp được cho họ. Khi chúng ta chữa trị được cho chính mình thì những mối quan hệ của chúng ta với những người khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sẽ có nhiều an lạc và tình thương hơn.
Hãy quay về chăm sóc chính mình. Thân thể của ta, những cảm nhận của ta và những trị giác của ta đang cần ta. Em bé bị tổn thương trong ta đang cần ta. Nỗi khổ niềm đau của ta cần ta công nhận. Hãy trở về ngôi nhà của chính mình và có mặt cho tất cả những điều đó. Thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm, làm tất cả các công việc trong chánh niệm là ta có khả năng có mặt thực sự, nhờ đó ta lại có thể yêu thương.

(Trích sách của thầy Thích Nhất Hạnh)

Leave a Reply