Karl Marx 101 (bài thứ ba)

Karl Marx 101 (bài thứ ba)
tqvn2004
Bài thứ ba: Lý do sai lầm dẫn đến kế hoạch hóa

Vừa thấy bà đi lảo đảo như say rượu từ hàng Internet về (chắc hôm nay lại chơi nhiều Võ Lâm Truyền Kỳ quá nên chóng mặt), em liền chạy ra chào và vòi luôn:

Bống: Bà ơi, bà lại giảng tiếp về Marx đi…

Bà Nông thị Cạn: Từ từ để bà thở cái nào… Gớm, hôm nay bọn bạn tự dưng cứ Buzz ầm ầm, hỏi cái áo gấm đi lễ chùa hôm nọ may ở đâu mà đẹp thế, xì-tin thế… Cuối cùng bà lại phải chat chít với chúng nó mệt quá… Thế sáng nay bà giảng tới đâu rồi ấy nhỉ?

Bống: Dạ bà nói về việc Nhà nước là một nhóm người, cũng có những thói xấu và điểm không hoàn hảo, do đó giao toàn quyền cho Nhà nước quản lý giá trị thặng dư xã hội sẽ dẫn đến thất thoát, và lợi ích của người lao động bị phản bội ạ!

Bà Nông thị Cạn (thở nặng nhọc): Ô-kê con gà đen! Nhưng trước khi bà giảng tiếp, bà có một điều cần minh định với cháu và mấy cậu trí thức trẻ ở đây: Có rất nhiều trường phái chủ nghĩa xã hội khác nhau, và chủ nghĩa Marx (Marxism) chỉ là một trong số này. Thêm vào đó, cũng có nhiều cách hiểu khác nhau – rất nhiều version khác nhau – về chủ nghĩa Marx. Ở đây, bà muốn phân tích thứ chủ nghĩa Marx kinh điển mà người ta vẫn nhồi nhét cho các cháu ở trường hay qua đài báo. Sau này, nếu có thời gian, bà sẽ đề cập tới những biến thể của chủ nghĩa xã hội, chẳng hạn trường phái xã hội dân chủ (Social democracy).

Bây giờ quay lại với bài học của chúng ta: Như cháu biết đấy, kể từ sau cách mạng và thành lập Nhà nước XHCN, cả dân tộc trở thành một khối, làm việc theo kế hoạch của Nhà nước. Nhà nước sẽ nắm giữ toàn bộ tư liệu sản xuất, thành lập những kế hoạch lớn cho cả nước, và toàn dân chỉ việc làm theo. Của cải vật chất làm ra sẽ do Nhà nước thu hoạch và phân phối tới mọi người. Người ta gọi đó là "nền kinh tế kế hoạch hóa" (hoặc "nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung"), để phân biệt với "nền kinh tế thị trường" của Tư Bản Chủ Nghĩa, nơi mà tư nhân được tự do mua bán và sản xuất kinh doanh theo quy luật cạnh tranh của thị trường.

Bống: Cháu nghe nói nước ta bây giờ đã từ bỏ "nền kinh tế kế hoạch" để đi theo "nền kinh tế thị trường" rồi mà bà?

Bà Nông thị Cạn (cười mệt): Từ bỏ thì đúng rồi, nhưng vẫn chưa sang hẳn "nền kinh tế thị trường" đâu, vì còn vướng cái đuôi "định hướng XHCN". Cháu thấy đấy, Đảng ta vẫn nắm chặt trong tay quyền lực chính trị, không chấp nhận những người đối lập. Tự do ngôn luận và tự do báo chí vẫn bị trói buộc. Nhà nước ta vẫn còn nắm giữ rất nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng, và phần lớn ngân sách vẫn rót cho những doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả đấy thôi [1]! Tư hữu tư liệu sản xuất vẫn chưa được thực hiện đầy đủ; đất đai, tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng đa phần vẫn nằm trong tay nhà nước và bị sử dụng một cách lãng phí và tùy tiện. Tư duy ủng hộ Nhà nước ra kế hoạch và can thiệp vào mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội vẫn còn rất nặng nề… Có thể thấy rằng, chúng ta thuộc hệ thống CNXH cải cách trong bảng dưới đây của Kornai.


Bảng 1: Mô tả ngắn gọn hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển, hệ thống chủ nghĩa xã hội cải cách và hệ thống chủ nghĩa tư bản dựa trên mô hình Kornai tổng quát.[2]

Bống: Có phải ý bà muốn nói rằng "nền kinh tế kế hoạch hóa" làm ăn không hiệu quả?

Bà Nông thị Cạn: Đúng vậy, cháu ạ! Marx cho rằng "nền kinh tế kế hoạch hóa" là điều cần thiết vì hai nguyên nhân: Thứ nhất, kế hoạch hóa sẽ giúp tập trung nguồn lực của toàn xã hội vào công cuộc phát triển, tránh được sự cạnh tranh một cách "chen lấn xô đẩy" và "trùng lặp" giữa các cá nhân làm hao tổn nguồn lực quý báu này. Thứ hai, ông ta cho rằng tư bản chủ nghĩa sẽ tất yếu dẫn tới độc quyền tư nhân, bởi ở trong xã hội tư bản, cá lớn sẽ nuốt cá bé cho tới khi chỉ còn một con cá bự.

Thế nhưng cả hai nguyên nhân "dẫn đến kế hoạch hóa" này của Marx, trên thực tế, lại là yếu điểm của "nền kinh tế kế hoạch hóa", khiến nó nhanh chóng phá sản. Thứ nhất, tuy kế hoạch hóa là một công cụ cực kỳ hữu hiệu, nhưng khả năng áp dụng được nó lại có hạn. Cháu có thể lên kế hoạch chi tiết cho một mình cháu trong một ngày, thậm chí một tuần; nhưng không thể lên kế hoạch chi tiết cho cháu trong cả tháng hoặc cả năm; lại càng không thể lên kế hoạch chi tiết cho cả thôn với trên ngàn hộ dân này. Nhà nước cũng vậy, nó không thể kịp thời nắm bắt nhu cầu của toàn xã hội để lên kế hoạch sản xuất tương ứng. Kế hoạch sản xuất ngày hôm nay chưa chắc đã phù hợp với ngày mai. Kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu của nhóm người này chưa chắc đã thích hợp cho nhóm người khác. Bà thích Võ Lâm Truyền Kỳ, con bạn bà nó thích World of Warcraft, cháu lại thích Counter-strike: Vậy Nhà nước phải lên kế hoạch phân bổ nguồn lực hữu hạn của mình như thế nào để thỏa mãn nhu cầu khác nhau của hàng triệu người một cách tối ưu nhất [4]? Đó là một câu hỏi khó trả lời, phải không cháu?

Bống: Thế trong "nền kinh tế thị trường" của bọn Tư bản thối nát bên bờ vực tiêu vong, vấn đề này được giải quyết như thế nào hả bà?

Bà Nông thị Cạn: Ở nền kinh tế thị trường, quyết định phân bổ nguồn lực được đưa ra dựa trên quy luật cung cầu một cách phi tập trung [3]. Quy luật cung cầu là gì, chắc các cậu trí thức trẻ ở đây chắc biết cả rồi. Còn phi tập trung nghĩa là không có một cá nhân hay tổ chức nào đưa ra quyết định này, mà là toàn xã hội, bao gồm có cả bà và cháu đấy. Phi tập trung trái ngược với "tập trung", nơi mà Nhà nước là người quyết định việc phân bổ nguồn lực. Mà thôi, bàn về vấn đề này lại rời xa mục tiêu phân tích chủ nghĩa Marx của bà rồi!

Bống: Còn nguyên nhân thứ hai dẫn đến "kế hoạch hóa" thì sao?

Bà Nông thị Cạn: Marx tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, cháu ạ! Cháu thấy đó, ở các nước tư bản phát triển, tình trạng độc quyền không diễn ra trành lan như Marx dự đoán. Ngược lại, ở nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bà và cháu lại được chứng kiến nhiều kiểu độc quyền. Độc quyền điện, độc quyền nước, độc quyền viễn thông, độc quyền sách giáo khoa, độc quyền báo chí, độc quyền cả tư tưởng nữa… Thay thế cạnh tranh bằng bảo hộ Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước trở nên làm ăn kém hiệu quả và gây hậu quả xấu cho nền kinh tế lẫn người tiêu dùng.

Phải nó là độc quyền nhà nước tệ hại chẳng kém gì độc quyền tư nhân. Cứ cách vài tuần, thằng cu Ghết hàng xóm, giám đốc công-ty độc-quyền Mi-cờ-rô-sót, lại chạy sang vá lỗi cho thằng XP nằm trong con láp-tốp của bà, chứ đường nước của thôn ta thủng hơn tháng nay có thấy mấy ông bên công ty cấp nước xuống vá víu gì đâu… Chết, nói tới đây mới nhớ, bà phải chạy lên huyện lót tiền và thúc mấy ông ấy xuống sửa đường ống đây! Thôi, để lúc khác học tiếp nhé các cháu!

Bống (tiu nghỉu): Vâng, đành vậy bà ơi!

_________________

[1] Vai trò của doanh nghiệp nhà nước sau hội nhập – http://www.x-cafevn.org/node/224

[2] Mô hình Kornai về các hệ thống kinh tế

[3] Kinh tế thị trường – http://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_t%…%B0%E1%BB%9Dng

[4] Xem thêm loạt bài Đêm trước đổi mới trên báo Tuổi trẻ về một thời kế hoạch hóa sản xuất và phân phối cho toàn xã hội ở Việt Nam.

Leave a Reply