Có người Việt trẻ 2004 như thế nào ? – Báo SVVN 2!

Có người Việt trẻ 2004 như thế nào ?
Một buổi chiều trong thư viện Quốc gia, tôi tình cờ đọc cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương" của tác giả Đào Duy Anh. Trang 24, tôi chợt giật mình trước những gì tác giả viết về người Việt Nam từ năm 1938:
"…Người Việt Nam đại khái thông minh nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức kí ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý.
Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hòa hoãn bớt cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Sức làm việc khó nhọc, nhất là người ở miền Bắc, thì ít dân tộc bì kịp. Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn cực khổ và hay nhẫn nhục. Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi cờ bạc. Thường thì nhút nhát và chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa. Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hóa thì rất tài. Người Việt Nam lại rát trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo. Đó là lược kể những tính chất tinh thần phổ thông nhất của người Việt Nam, cũng do tính nguyên lai từ thượng cổ mà có thay đổi chút ít cũng phần do lịch sử và trạng thái xã hội hun đúc dần thành, cho nên ta đừng xem những tính chất ấy là bất di bất dịch…"
– Sức kí ức: Cho tới năm 2004 vẫn chưa có người Việt nào đạt giải Nobel hay kể cả một số giải quốc tế khác ít tầm cỡ hơn. Phần nhiều các danh hiệu học sinh giỏi của chúng ta có được nhờ trí nhớ tốt. Các huy chương quốc tế đa phần ở những môn lý thuyết. Đến cả như môn tập làm văn cứ chép nguyên xi thuộc lòng bài mẫu cũng chẳng cô giáo nào phạt. Càng học cao trí nhớ càng phải siêu. Để đậu đại học, các thí sinh phải thuộc lòng vanh vách cả cuốn sách sử, địa dày cộp, thậm chí toán, lý, hóa cũng thuộc làu làu cách giải mẫu. Vì nhớ nhiều nên giỏi suy diễn, tầm chương, trích dẫn hơn là suy luận một cách khoa học, chính xác; quen với việc giải quyết vẫn đề theo cảm tính, kí ức hơn là dựa trên con số và sự kiện.
– Tính ham học: Cơn lốc vào cho được trường chuyên lớp chọn vẫn tung hoành từ cấp tiểu học tới đại học, thấm nhuần từ phụ huynh tới học sinh, thầy cô giáo. Thà 4-5 năm liền ôn thi ĐH chứ không chịu học nghề phù hợp với mình. Mỗi năm tới kì thi tốt nghiệp, các trường tìm mọi cách đẩy học sinh kém đi để đạt thành tích tỉ lệ cao, tới năm 2004 trường PTTH Tân Bình vẫn cố tình xếp tới 40 học sinh hạnh kiểm kém không được thi TN.
Các báo cáo tổng kết ở cấp độ lớp và khối mà cũng chi chít loảng xoảng những từ Hán Việt hàn lâm mà mơ hồ: "không ngừng phát triển, đổi mới vượt bậc, nâng cao bản lĩnh, vững vàng trước thử thách, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ…Đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, góp phần nâng cao dân trí, đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa dân tộc, xứng đáng là…" trong khi làm được bao nhiêu và làm như thế nào thì không nói.
– Ít mộng tường: Tới 2004 chúng ta vẫn chưa có 1 phát minh tầm cỡ thế giới. Tại sao chúngta không làm một cái gì đó khác người để được ghi vào kỉ lục Guinness ? Tại sao chiếc máy bay nông dân ở Tây Ninh không được ủng hộ và không được phép cất cánh? Tại sao mỗi trung thu trẻ con phải ào ạt đi mua lồng đèn Trung Quốc, quầy đồ chơi, thú nhồi bông toàn thấy siêu nhân Mỹ, vịt Donald, gấu Pooh, chuột Mickey… mà không thấy con vật huyền thoại nào của Việt Nam? Con Trâu chăng ? Không ước mơ cũng có nghĩa là giết chết thành công ngay từ khi nó chưa kịp hình thành. Một ý tưởng sáng tạo dù là điên rồ nhất cũng có thể dẫn đến một phát minh vĩ đại.
– Giỏi chịu đựng: 2004 còn nóng hổi chuyện mấy chục học sinh lần lượt liếm ghế cô giáo. Trong đội ngũ liệu đã có nhiều chưa những thanh niên đứng lên phát biểu công khai rõ ràng: "Sếp nói thế chưa đúng. Theo tôi chúng ta phải…" Hay vẫn biết mình làm đúng, nhưng nếu sếp nói sai thì cũng cắn răng: "Dạ, là sai". Trong những phút ngồi chờ xe buýt, ngồi chờ chuông vào lớp thì nhóm SVVN luôn ồn ào nhất, nhưng trong những giờ thảo luận, trong những cuộc họp thì SVVN lại ngồi im thin thít, không dám phát biểu! Đến cả những buổi liên hoan, chúng ta vẫn rất e ngại gắp miếng đầu tiên, và cũng đùn đẩy nhau dữ dội không dám làm người cuối cùng.
Hầu hết chúng ta đều an phận và bằng lòng với thực tại. Thà bỏ công cần cù, nhẫn nại chứ không suy nghĩ cách làm khác. Chiếc đòn gánh đã trĩu nặng trên vai người bà, người mẹ Việt Nam suốt 4000 năm, giờ vẫn oằn lên đôi vai em gái ! Không phải là thói quen, đó là sức ỳ! Ở phương Tây, chỉ mỗi việc phải nhấc cái ghế từ nơi này sang nơi khác đã bị cho là thiếu tiện lợi và kết quả của sự không vừa lòng đó đã dẫn đến sự ra đời của loại ghế xoay mà giờ đây tôi dám cá là bạn cũng rất thích ngồi.
– Không bền chí: "Thất bại là mẹ thành công". Nhưng dường như cái tinh thần ấy chúng ta chỉ giữ được trên lý thuyết. Thiếu 0,5 điểm đại học là có bạn trẻ đã đâm đầu vào xe tải hay uống thuốc ngủ tự tử. Một lần ý kiến không được chấp nhận là không dám đề đạt gì nữa. Trong những báo cáo tổng kết, rất nhiều cán bộ lớp tô đậm, nhấn mạnh dòng chứ: "Năm qua (đợt thi đua vừa qua…) chung tôi không phạm phải khuyết điểm nào". Coi đó như một tấm huy chương. Trong khi thực ra chỉ những người không làm gì thì mới không phạm sai lầm. Những người thành công không phải là những người chưa bao giờ thất bại.
– Não tinh vặt: Phần mềm nào thế giới mới tung ra, dù sử dụng password tinh vi thế nào, thì người trẻ chỉ cần vài ngày là có thể bẻ khóa cho bà con xài chùa. Các mánh khóe để đạt chỉ tiêu thì không khó. Một người Việt trẻ thì mạnh mà 3 người Việt trẻ thì yếu, mạnh ai nầy đi, không ai nghe ai, không ai chịu ai cả. Tới 2004 chúng tavẫn chưa có một tập đoàn kinh tế hùng mạnh nào sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong các trường ĐH cũng chưa xuất hiện những nhóm sáng tạo bền vững. Trên sân khấu ca nhạc các nhóm hát danh tiếng chưa ra tới biên giớ mà mải mê hợp rồi tan, thay thành viên nhanh tới nỗi không kịp lên báo nữa.
– Bất di bất dịch: Không lẽ lại để những người trẻ của 100, 200 năm nữa nếu vô tình đọc được những dòng của cuốn sách này trong kho lưu trữ lại vẫn còn cảm giác của chúng ta bây giờ ? Thay đổi của mỗi người là bước đầu tiên để thay đổi một cộng đồng. Lịch sử thay đổi khi bản thân của chúng ta phải tự thay đổi.

Leave a Reply