http://www.x-cafevn.org/node/515
qnguyen
Thật tình cờ, các bác đang bàn mối quan hệ giữa Đảng và NN được mấy ngày thì cụ Nguyễn Văn An cũng đăng đàn bằng một bài khá “bạo”. Như thường lệ, những bài bạo nhất hầu hết đều xuất phát từ những cụ … đã về hưu, như cụ Kiệt, cụ Phiêu (nhưng không phải cứ cụ nào về hưu thì cũng bạo đâu nhé).
Bài viết này đề cập đến một vấn đề không mới, sự chồng chéo của bộ máy Đảng lên bộ máy Nhà nước, nhưng nêu bật (hoặc do nhà báo chủ ý khi đặt tựa đề) một khía cạnh là sự bất cập giữa quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ Đảng khi tham gia vào công việc của chính quyền. Tôi cũng đã đề cập về điều này trong một bài viết trước đó.
Thực chất thì không có sự chồng chéo, song hành mà có sự phân cấp quyền lực thực sự. Đảng uỷ đứng trên Uỷ ban ở mọi nơi, mọi cấp, không có chuyện cạnh tranh, xung khắc lẫn nhau. Chủ tịch Uỷ ban luôn phải là Đảng viên, sinh hoạt Đảng trong chi bộ, chấp hành sự chỉ đạo Đảng đại diện bởi Bí thư là điều dễ hiểu. Và sự chỉ đạo này rộng khắp trong toàn bộ hoạt động của cán bộ hành chính này.
Chủ tịch An có lẽ cố tình nói giảm, nói tránh khi chỉ nói một số địa phương, ban ngành có sự can thiệp của cán bộ trong cấp uỷ vào hoạt động nhà nước và toà án, chứ chủ tịch chắc phải biết rõ sự can thiệp này rộng khắp thế nào. Mọi hoạt động kinh tế, văn hoá và chính trị của mỗi địa phương đều có dấu ấn của Bí thư, của đảng uỷ các cấp. Về địa phương nào, tiếp đoàn khách nào, duyệt dự án nào, chỉ đạo đầu tư nào, thì quyền hạn sau cùng cũng thuộc về Bí thư, anh Chủ tịch UBND cùng lắm chỉ là phó, thậm chí còn thua cả phó Bí thư.
Chủ tịch nói “nếu sai phạm xảy ra ở cấp Trung Ương, …” lại là một sự thiếu sót nghiêm trọng. Không có chữ “nếu” ở đây bởi nó đã và đang xảy ra từ hàng chục năm nay ở mọi cấp cao nhất. Ngay bây giờ đây Trung Ương đang họp để quyết định nội các của Thủ tướng Dũng, một công việc hoàn toàn Nhà nước trực thuộc quyền hạn của thủ tướng. Trong thời đương nhiệm chủ tịch cũng đã biết Hiệp định thương mại Việt Mỹ hay hiệp ước biên giới Việt-Trung, những văn bản do Chính phủ soạn thảo và phê Quốc hội phê chuẩn, thực chất là đã do TW hay Bộ chính trị quyết định thế nào.
Thực tế đã kéo dài như vậy cả nửa thế kỷ qua khiến cho xã hội đã quen với sự lãnh đạo này. Chả ai thấy bất thường khi anh Bí thư ra ý kiến chỉ đạo hoạt động của nhà nước cả. Thậm chí là cán bộ, nhân dân còn mong chờ Bí thư, người có quyền hạn cao nhất, chỉ đạo việc Nhà nước cho nó được việc. Ví dụ gần nhất là mấy nhà vượt tầng ở Hà nội tồn tại bao lâu chả ai làm được gì, phải đến khi Bí thư Phạm Quang Nghị quyết tâm cắt thì mới làm được. Dân mừng, báo khen, chưa thấy ai thắc mắc việc ông Bí thư làm công việc của ông Uỷ ban ND cấp quận cả.
Chủ tịch đã chỉ đúng hậu quả của tình trạng này, đó là việc cơ quan Đảng có quyền mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đảng cũng đã nhìn thấy vấn đề, đã kêu gọi “phân định chức năng lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước”, “luật hoá sự lãnh đạo của Đảng”, “xây dựng Nhà nước pháp quyền” từ rất lâu rồi, nhưng hiệu quả chẳng đáng là bao.
Tước bỏ quyền hạn của cán bộ Đảng dường như là không thể bởi trong cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện như hiện nay, cán bộ Nhà nước dưới quyền cán bộ Đảng là điều đương nhiên. Giải pháp khả thi là đặt trách nhiệm vào quyền của cán bộ Đảng, luật hoá sự lãnh đạo của Đảng.
Nhìn ở góc độ cao hơn thì ĐCSVN cũng đang đối mặt với vấn đề này: Đảng đang nắm quyền vô hạn trên đất nước Việt Nam, nhưng trách nhiệm lại hữu hạn. Trách nhiệm hữu hạn bởi ĐCS không phải chịu bất kỳ áp lực từ chức, mất chức, sa thải nào cả.
Sự bất cập giữa quyền hạn và trách nhiệm chính là nguyên nhân của mọi bất cập. Nếu chưa giải quyết ở mức độ tối cao tôi e rằng khó có thể giải quyết được trong các cấp uỷ đảng. Điều này có lẽ chủ tịch An không đồng tình.
Mày viết thế này vào đọc chết ah.
Kiếm mấy cái hay hay mà viết. Cái này nghe phản cảm quá. Lâu rồi ko gặp. Lúc nào anh em đi chơi cái.