Tôi đi diễu hành 16/12 vì Bãi Cát Vàng

Tôi là người trẻ tuổi bận rộn và thực dụng, đang trên con đường xây dựng sự nghiệp cho riêng mình, điều đó tưởng như đối lập với vấn đề đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên đến hôm nay tôi quyết định sẽ đi biểu tình, không chỉ dừng lại ở đó, tôi còn cố gắng sử dụng các ảnh hưởng của tôi để dẫn thêm nhiều người cùng ra đường (Kêu gọi sinh viên ĐHCN cùng tập hợp ủng hộ Trường Sa). Đó là một quyết định quan trọng, vì vậy tôi thấy cần phải phân bua trên blog này.

Với một người vô thần như tôi, thiêng liêng là thứ không có thật mà chỉ có trong tâm lý hoang đường của loài người. Vì vậy tôi không nói đất nước là thiêng liêng, tôi nói đất nước rất gắn bó với tôi, rất quan trọng với tôi. Sự quan trọng nằm ở chỗ cam kết gắn bó lẫn nhau giữa đất mẹ bao la với con người. Khi con người sinh ra, đỏ hỏn, yếu đuối, ngây ngô, đất mẹ cam kết nuôi dưỡng và che chở. Khi con người trưởng thành, đủ vững vàng và kiên định, con người lại cam kết bảo vệ lại đất nước. Sự cam gắn bó tương trợ lẫn nhau này cứ gối đầu nhau mà tồn tại vĩnh cửu.

Chẳng cần nhắm mắt tôi cũng nhớ ra là mình đã lớn lên trong cái vườn trước nhà cỏ dại cao lút đầu, cái ao bên trái đầy bèo tấm li ti xanh mượt, con đường làng bằng gạch đỏ trải dài, … khi tôi sinh ra, tất cả đã ở đó, dù tôi không biết ai đã tạo ra thì đất mẹ cũng đã rộng rãi và nhân từ ban cho tôi tất cả mà không đòi hỏi gì. Tôi lớn lên, trải qua các thất bại, rồi cũng chiếm được chỗ đứng trong đời, tôi không ngừng đòi hỏi những người xung quanh phải làm theo ý mình vì tôi cho rằng mình đáng được như thế. Sự thực dụng khiến đôi khi tôi quên không nghĩ đến một điều, đó là món nợ tuổi thơ không ai ghi sổ, nhưng tôi chưa bao giờ trả được.

Tôi nợ cha mẹ sự nuôi dưỡng vô điều kiện, tình thương vô điều kiện, niềm tin vô điều kiện, tôi sẽ không trả được hết món nợ đó vì cha mẹ chẳng bao giờ đòi, tôi sẽ buộc phải trả nợ tình thương vào tương lai, cho những đứa con của tôi. Xa hơn, tôi nợ đất nước. Có người cho rằng họ chỉ nợ mỗi cha mẹ, vì cha mẹ đã trả tiền cho tất cả những thứ họ được hưởng. Thế nhưng không phải, vì không chỉ họ nợ, ngay cả cha mẹ cũng nợ đất nước những thứ không trả được. Để đất nước tồn tại được rất cần những thứ không đổi được bằng vật chất, đó là sinh mạng của những người lính. Trên đời này dù có nghèo đến đâu cũng chẳng có ai đổi mạng của mình lấy của cải vì của cải khi chết đi cũng thành vô nghĩa. Con người chỉ sẵn sàng hi sinh mạng mình khi cần trả nợ, đó có thể là nợ danh dự, nợ tình, nợ nghĩa, nhưng thứ khiến nhiều người sẵn sàng hi sinh nhất, đó là nợ đất nước.

Mỗi lần đất nước lâm nguy, hàng triệu con người vô danh lại đứng lên và ra trận mạc bảo vệ đất nước. Vô số người đã ra đi không bao giờ trở lại, trao cho đất nước sinh mạng của mình, gửi gắm lại niềm tin cho người còn sống. Món nợ sinh mạng đó đất nước không trả được, chỉ biết đem tất cả trao cho những người còn sống. Vòng quay đó cứ diễn ra muôn đời, việc nợ vay của đất nước và con người chẳng ai tính nổi bao nhiêu cho vừa, người ta chỉ biết rằng 2 bên gắn bó không ngại ngần thiệt hơn.

Giờ đây đất nước lại bị lâm nguy, người anh em 16 chữ vàng kiên quyết không tranh luận, khẳng định mình phải xẻo thịt những đảo, những biển to bằng mấy lần miếng bắc mà nuốt mới thoả lòng tham. Nhà nước lên tiếng phản đối, nhưng ai dám chắc như thế là đủ. Nhà nước là thực thể đại diện có trách nhiệm lo cho đất nước, nhưng cũng chỉ là một cái “nhà” to mà thôi, còn nhà nhà khác ai cũng nợ đất nước cả. Những việc khác từ giao thông, giáo dục, buôn bán, nhà nước đều muốn nhà nước và nhân dân cùng làm. Xây đường thì nhà nước bảo dân giao đất và đóng phí, dạy dỗ những mầm non của đất nước thì nhà nước bảo dân đóng thêm tiền, buôn bán thì nhà nước kêu cán bộ góp tiền vào mua rẻ các công ty công cộng. Vậy tại sao thứ quan trọng, to lớn như sự an nguy của đất nước, thứ mà cả nhà nước và nhân dân cùng lo lắng thì nhà nước lại bảo dân đứng ngoài để mình nhà nước lo.

Là người dân, chúng ta cũng hiểu nhà nước luôn có những thứ bí mật mà nếu tiết lộ ra sẽ rất bất lợi cho đất nước, với những thứ đó nhà nước cần phải tự dựa vào trách nhiệm và khả năng của mình mà xử lý, không được chia sẻ với nhân dân. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một mối quan hệ nhạy cảm và phức tạp, là một trong những bí mật mà nhà nước vẫn giữ kín lâu nay. Tuy nhiên dù mối quan hệ buôn bán hai bên đang rất tốt như hiện nay thì Trung Quốc vẫn không ngần ngại thúc đẩy hành động xâm lược đất nước ta, vậy những bí mật của nhà nước với Trung Quốc đâu có đem lại cho chúng ta thứ gì ngoài 1 chút xuất khẩu nông sản và rất nhiều hàng hoá nhập khẩu “made in china” chất lượng không đảm bảo, đôi khi còn chứa chất độc chết người. Trong khi đó, cái người Việt Nam đang bị xâm phạm lại là biển đảo máu thịt của tổ quốc, là sự tự trọng của đất nước, những cái đó không thể mua được bằng tiền.

Cờ Trung Quốc vẫn tung bay …
trên lãnh thổ Việt Nam

Giờ nhà nước cứ muốn tự bí mật giải quyết như trước kia, vậy ta đặt câu hỏi: nếu như mình nhà nước sai lầm, rồi đất nước lỡ bị hút máu, xẻo thịt mất rồi thì ai chịu trách nhiệm nổi cái sự đã rồi đó. Hay là lúc đó nhà nước sẽ đứng ra chịu trách nhiệm với dân? KHÔNG, nếu lỡ không may máu thịt không còn thì dù bộ trưởng, thủ tướng, chủ tịch, bí thư đứng ra cũng chẳng thể đền được. Mà dân cũng không muốn ai phải đền, giờ
d
â
n chỉ muốn tất cả cùng bình đẳng góp tiếng nói, góp sức lực vào giữ vững quyền làm chủ vùng biển của mình, nếu vận nước đang yếu thì đành ngậm đắng nuốt cay chờ thời cơ khác, còn nếu vận nước lên cao, dân lấy lại được biển đảo thì tất cả cùng nhau hát khúc ca chiến thắng.

9 giờ sáng ngày 16/12 nhân dân Hà Nội một lần nữa tập hợp tại toà Đại Sứ Trung Quốc ở 43 Hoàng Diệu để phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc, đe doạ sự độc lập tự do của đất nước, của người Việt Nam. Những người tự thấy mình nợ đất nước nhiều hơn cả thứ tiền bạc có thể mua được, xin hãy cùng tôi đến biểu tình. Chúng ta cần làm 2 việc: tuyên bố với Trung Quốc rằng “không có gì quý hơn độc lập tư do”, “tự do hay là chết”, chúng ta yêu hoà bình, tự do và muốn cuộc sống yên ổn, nhưng khi chúng đe doạ máu thịt của đất nước thì tất cả người Việt Nam, không kể gái trai, giàu nghèo, đều sẵn sàng trực tiếp tham gia bảo vệ đất nước nếu điều đó là cần thiết.

Một lần nữa, tôi kêu gọi nhà nước hãy để dân cùng góp tiếng nói và sức lực để gây sức ép lên Trung Quốc lần này.

nguon: http://blog.360.yahoo.com/blog-iNyoKG0_equRM8kkYG.5Bg–?cq=1&p=964

5 thoughts on “Tôi đi diễu hành 16/12 vì Bãi Cát Vàng”

  1. Em xin phép được bóc temp Entry này nhé! Đọc xong bài viết của anh, em ước mình có thể đáp chuyến máy bay sớm nhất về Việt Nam để kịp thời gian cùng Anh, cùng vời những con người VN yêu nước thể hiện tấm lòng mình. Hi vọng góp một phần sức nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ và giữ gìn đất nước. Cảm ơn Anh vì Entry rất hay và ý nghĩa.

    Reply

Leave a Reply to Người Hà Tĩnh®Cancel reply