Minh Lê
Những ngày này mọi người đều đang sôi sục với câu chuyện biển, cá tôm và hai mẹ con biểu tình. Tuy nhiên mình vẫn muốn dành chút thời gian để đọc về “thời đại máy móc”, không phải bởi vì môi trường không quan trọng mà bởi vì có nhiều người sẽ viết về môi trường tốt hơn mình.
(Nhân tiện, mình đã góp $10 cho dự án “Phân tích độc lập Ô nhiễm biển miền Trung” hãy cùng đóng góp để những người có chuyên môn mổ xẻ nguyên nhân ô nhiễm nhé!)
Truyền thuyết kể rằng Pheidippides chạy liên 42 km đến Athens và đã trút hơi thở cuối cùng ngay sau khi báo tin thắng trận. Người ta tạo ra cuộc thi marathon để kỉ niệm chuyện này. Mình thì chỉ chạy được 42 m quanh khu nhà thôi nhưng lại có thể vượt qua 12.000 km từ Việt Nam đến Ý bằng máy bay. Có những điều chúng ta coi là nghiễm nhiên như thế nhưng nếu nhìn dưới con mắt người xưa có lẽ giống như chuyện thần tiên. Tất cả có được là nhờ cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 18 ở châu Âu (ở Việt Nam nhà Tây Sơn đang đánh nhau).
Cũng giống như nhiều điều quý giá trên đời, chúng ta không nhận ra giá trị của cách mạng công nghiệp cho đến khi nhìn thật kỹ, thật lâu hoặc khi nó mất đi. Hãy thử dành 1 phút để nhìn quanh và liệt kê tất cả những đồ đạc được làm thủ công mà bạn thấy.
Hãy thực sự ngước mắt lên và nhìn thật kỹ…
Mình tin là kết quả rất gần với zero.
Các sản phẩm công nghiệp tràn ngập cuộc sống của chúng ta bởi vì máy móc cơ khí hiệu quả hơn bất cứ con người nào. Máy móc tạo ra sản phẩm nhiều gấp 1000 lần, trong 1/1000 thời gian và giá bằng 1/1000 sản xuất thủ công.
Dù sau hơn 200 năm máy móc vẫn chưa thể thực hiện những động tác khéo léo của đôi bàn tay con người, không có lý do gì để tin rằng nó sẽ tiếp tục như vậy sau 20 năm nữa. Robot của thế kỷ 21 có thể gấp quần áo, nấu bếp hay phẫu thuật. Người công nhân dệt may của Việt Nam sở dĩ có công ăn việc làm là vì có thể bán kỹ năng của đôi bàn tay với giá rẻ hơn người nước khác. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu robot có thể may nhiều hơn, nhanh hơn và rẻ hơn? Người bốc vác có việc là vì anh ta biết cách mang vác hàng với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau vượt qua nhiều dạng địa hình. Bát cơm của anh ta có còn nếu robot cũng làm được việc đó với giá rẻ hơn?
Cũng không có lý do gì để tin rằng những “công nhân cổ cồn trắng” sẽ luôn có một chỗ trú cao ráo thoát khỏi cơn lũ robot. Question answering (trả lời câu hỏi) là lĩnh vực nghiên cứu tích cực đã rất nhiều năm nay trong academia và đang dần dần đi vào đời sống. Thầy của mình thời thạc sỹ ở Ý đầu quân cho Facebook để tìm cách dạy máy tính nói chuyện với người. Những người khổng lồ công nghệ như Facebook, Google, Microsoft vung tiền như rác trong cuộc “chạy đua vũ trang” đến trí tuệ nhân tạo. Mặc dù bất cứ cái gì tương tự như phim “Her” vẫn còn rất xa, có thể 20 năm nữa những chuyên viên hỗ trợ khách hàng sẽ thấy mình bơ vơ trước một ngành công nghiệp đã chết. Các biên/phiên dịch viên cũng có thể rơi vào tình cảnh tương tự. Bạn đã bao giờ nghe đến nghề “chuyên viên tính toán” chưa? Nghề đó đã tuyệt chủng vào ngày máy tính ra đời. Không có gì đảm bảo phóng viên, luật sư, kế toán, kiểm toán,… sẽ không chung số phận.
(Nhưng có lẽ không nghề nào gặp nguy hiểm hơn… lập trình viên và nhà toán học khi mà điều máy tính hiểu rõ nhất có thể là… chính nó.)
Mình không muốn trở về 200 năm trước để tự cày mảnh ruộng của mình và chết ở tuổi 50. Mình thích thế giới hiện tại hơn. Cũng như thế mình sẽ đón nhận cuộc cách mạng máy móc lần thứ hai như một điều tốt lành và tất yếu. Tuy nhiên sáng tạo luôn đi kèm sự phá huỷ và mọi cuộc thay đổi đều tạo ra người chiến thắng và kẻ thất bại. Điều quan trọng đối với cá nhân là làm sao để đừng rơi vào nhóm thua thiệt. Điều quan trọng đối với xã hội là làm sao giúp càng nhiều thành viên thích nghi càng tốt. Những công việc chuẩn bị cần phải bắt đầu sớm. Người Việt cần bắt đầu bàn bạc từ bây giờ… dù cũng hơi muộn rồi đấy.