Ngày Quốc khánh, nhớ cụ Nguyễn Hữu Đang (phần cuối)

*
“Ông Đang ơi! Ông Đang ơi!”, tiếng con nít gọi nheo nhéo ngoài cửa, ngắt ngang câu chuyện của anh. Tôi nhìn ra, thấy hai chú bé chạc 9, 10 tuổi, mỗi chú cầm một cành tre, đầu cành tre thõng thượt một con rắn nước, mình nhỏ bằng chuôi dao, đầu bị đập dập còn rỉ máu tươi: “Ông có đổi rắn nước không ạ?”. Anh Đang bỏ đũa bước ra cửa, xem xét cẩn thận hai con rắn nước, rồi hỏi: “Các cháu định đổi như thế nào?”. “Ông cho cháu mỗi con hai cái vỏ bao ba số”. “Các chú đừng có giở thói bắt chẹt”, giọng nói vá dáng bộ của anh đã chuyển sang giọng của dịch vụ đổi chác, “Mỗi con rắn này chỉ giá trị bằng hai con cóc. Nhưng thôi, thì ông cũng đành chịu thiệt vậy, mỗi con một vỏ bao ba số, các chú có đổi thì đổi, không đổi thì thôi”. Hai chú bé ngần ngừ một lúc, rồi nói: “Chúng cháu đổi ạ”. Anh quay vào mở khoá tủ, chọn lấy ra hai cái vỏ bao ba số, đưa cho mỗi chú một chiếc, và cầm lấy hai con rắn. Hai chú bé cũng xem xét hai cái vỏ bao cẩn thận không kém ông Đang xem xét hai con rắn. Một chú nói: “Ông đổi cho cháu cái vỏ bao khác, cái này bên trong không có tờ giấy vàng”. Anh cầm lấy cái vỏ bao xem lại, cười: “Được, ông sẽ đổi cho vỏ bao khác. Sau này chú mà làm cán bộ thu mua thì Nhà nước sẽ không phải chịu thua thiệt”.
Anh cầm hai con rắn bỏ vào cái rổ con ở góc nhà, mặt tươi hẳn lên, như người buôn bán vừa vớ được món hời: “Thịt rắn còn bổ hơn thịt nhái. Tối mai tôi sẽ đãi chú món rắn om riềng mẻ. Ăn vào chú sẽ thấy tăng lực gấp đôi, có thể đạp xe một mạch lên đến bến phà Tân Đệ”.
*
Tôi ở lại chơi với anh Đang ba ngày, thuê một anh phó nháy ở xã trên xuống chụp mấy pô ảnh làm kỉ niệm. Bữa cơm tiễn tôi, anh có vẻ buồn. Vừa dùng đũa tém tém mấy khúc rắn om mặn chát nổi muối trong đĩa, anh vừa nói: “Hiện nay tôi đang cố gắng hoàn thành thiên hồi ký thuật lại tất cả những gì có liên quan đến thế sự, kể từ khi tôi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng gần đây… Trong hồi ký, tôi sẽ đề cập đến những việc mà từ trước đến nay tôi chưa hề tiết lộ với ai. Ví dụ như bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập” Cụ Hồ viết… còn hay mất, nếu còn thì bây giờ đang ở đâu… Hoặc cụ định sửa hai câu trong bản “Tuyên ngôn”, nhưng không kịp vì bản chính đã đưa in mất rồi. Là Trưởng ban Tổ chức ngày lễ, tôi phải phụ trách việc in ấn những tài liệu có liên quan đến vận mệnh đất nước này, nhưng… như chú biết đấy, hiện nay trong Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như Bảo tàng Lịch sử, không có bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập”… Tôi sợ sẽ làm không kịp mất, gần tám chục tuổi đầu rồi còn gì, mà lại không có điều kiện làm việc, ban đêm coi như chịu chết, đèn đóm tù mù, đúng là đóm thật”… Anh im lặng một lúc lâu, rồi ngẩng lên nhìn tôi, hỏi tiếp: “Chú có biết điều lo lắng nhất của tôi hiện nay là gì không?”, không đợi tôi đoán, anh nói luôn: “Tôi lo nhất là không biết chết ở đâu. Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chẳng được, ở đây cũng như ở trên Hà nội… Nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. Có ai muốn một người không phải ruột ra máu mủ lại nằm chết trong nhà mình? Ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền đến nhà trường, các thày các cô, các cháu học sinh… Bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên Hà nội. Ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết… Chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy…”.
Tôi theo anh ra đứng trên cái trụ xi măng cầu ao cá. Gió mùa đông bắc lạnh thấu xương thổi thốc vào mặt hai anh em. Anh chỉ tay về phía một búi tre gần cuối xóm, đơn độc giữa cánh đồng, ngọn tre đang vật vã trong gió buốt. “Đấy, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng, rất vừa người tôi… Tôi sẽ nằm đó chết để khỏi phải phiền ai… Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay…”
Trở vào nhà, cả người tôi nổi gai, ớn lạnh, chắc là bị cảm… Tôi dốc hết rượu ra bát uống ực một hơi chống lạnh. Rượu vào lời ra, tôi cất giọng ngâm to mấy câu thơ của Phùng Cung gửi tôi mang về tặng anh:
Mặt ra giông chớp
Rạc mái phong lưu
Gót nhọc men về thung cũ
Quỳ dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lương
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn!
Tháng 12.1992 (8)
PHẦN VIẾT THÊM
Nấn ná mãi, sáng 27 Tết tôi phải rời thôn Trà Vy trở về Hà Nội. Đạp xe ngược gió trên con đường đất sống trâu dọc bờ sông Máng, tôi bỗng thấy lạnh kinh khủng. Hai ba lần, tôi ngoái lại nhìn làn khói mỏng trên cái chái bếp, bên dưới làn khói đó là một bậc hào kiệt của đất nước đang ngồi trầm tư vì thế sự giữa một đống giẻ rách, dép lốp đứt quai, đinh còng queo, chai lọ bụi bám đáy, những cái vỏ lon bia, những mẩu sắt han rỉ chẳng biết để làm gì. Hai mắt tôi tự nhiên cay lệ. Tôi chỉ muốn quay xe lại với anh nhưng sợ anh mắng. Từ chiều hôm qua, anh giục giã tôi suốt: “áng mai chú phải về Tết nhất đến nơi. Chú không thể để cô ấy cúng tất mên một mình như cảnh nhà những người góa bụa cô đơn…”.
Đăm đăm nhìn anh, tôi tự hỏi: “Trên thế gian này, không biết còn ai cô đơn hơn anh?”. Tôi khẩn khoản: “Anh cùng về Hà Nội với em, ăn Tết cùng với nhà em, nhà anh Cung có vui hơn không?”. “Chú cứ về trước đi, chậm lắm sáng mồng hai Tết, tôi sẽ có mặt ở nhà chú hoặc ở nhà chú Cung”.
“Nhưng anh còn vướng víu gì ở đây mà không về cùng với em được?”. “Chuyến này lên Hà Nội tôi sẽ ở lại. Tôi muốn tìm gặp lại anh em thời Truyền bá quốc ngữ xem ai còn ai mất, hên hệ với những anh em hiện đang sống ở nước ngoài như Hoàng Xuân Hãn. Ông ta có công lớn lắm đấy. Ông được Hội giao soạn thảo học chữ quốc ngữ theo lối mới, làm sao cho dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ và ông đã soạn thảo rất thành công. Tài tình nhất là ông đã vần vè hóa được cách nhận diện các chữ cái:
“i t giống móc cả hai
ngắn có chấm, t dài có ngang”
hoặc:
“O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu”
Tôi ngạc nhiên: “Hồi còn đi giữ trâu ở làng quê em học truyền bá quốc ngữ cũng thuộc lòng những câu vần vè đó. Nhưng em thật không ngờ tác giả của nó lại là nhà toán học nổi danh Hoàng Xuân Hãn”. “Đó chính là
t
ấm lòng thương nước, thương dân của
người trí thức chân chính”. Anh nói thêm: “Tấm lòng của họ đối với nước, với dân trong suốt như thuỷ tinh, không gợn một chút bợn đặc quyền đặc lợi. Lần này lên Hà Nội, tôi có một mục đích là tổ chức một cuộc gặp gỡ những người trước đây tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ. Chúng tôi sẽ ôn lại hồi ức và viết hồi ký. Mà muốn làm như vậy thì phải có…
(Bài viết ầến đây thì dừng vì Phùng Quán bệnh nặng không còn sức để viết tiếp)
(*) Bài viết trên được Phùng Quán viết xong tháng 12.1992, đến tháng 1.1995, trong lúc nằm trên giường bệnh, chưa hài lòng với những gì đã viết, Phùng Quán viết thêm bằng bút chì trong tư thế nằm ngửa viết lên giấy đặt dưới tấm ván treo úp xuống trước mặt ở đầu giường. Đây chính là những dòng cuối cùng của Phùng Quán. Di cảo do bà Vũ Thị Bội Trâm, vợ nhà văn Phùng Quán cung cấp (BT)
Chú thích:
(1) Bản in này căn cứ vào bản sao ảnh bản thảo 19 trang viết tay của Phùng Quán, Một vài trang chụp thiếu một hai dòng chót. Chúng tôi phải ghi (… mất một dòng… ), hoặc khôi phục đoạn câu bị mất đi, nhưng vẫn để trong ngoặc. (BT)
(2) Thơ Tố Hữu
(3) Bảy mươi tuổi xưa nay hiếm, thơ Đỗ Phủ
(4) Phùng Cung, nhà văn
(5) Họa sĩ Lê Văn Đệ ( theo tạp chí Bách Khoa Sài Gòn 1963) sang La Mã, được phong họa sư, được chính Giáo hoàng Pie Xl giao cho trang hoàng điện Vatican.
(6) Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh sau này có thời là thứ trưởng Bộ Xây dựng.
(7) Số len này lấy được ngày 19-8-1945, khi tấn công chiếm Trại lính khố đỏ ở phố Hàng Bài. (Chú thích của tác giả)
(8) Năm 1993, ông Nguyễn Hữu Đang đã được Nhà nước cấp nhà ở Hà Nội và được hưởng iương hưu. Nhưng qua bài viết này giúp cho độc giả hiểu thêm về một chi tiết cụ thể của lịch sử Cách mạng tháng Tám và tấm lòng của nhà văn Phùng Quán. (Chú thích của Ngô Minh)

Leave a Reply