Ngày 8-3: không chỉ thuần túy là để tôn vinh

Lời dâng tặng

Ảnh minh họa

Giọt nước mắt long lanh từ đôi mắt mẹ nghẹn ngào rơi xuống;
Con hỏi mẹ: “Tại sao mẹ lại khóc?”;
Mẹ mỉm cười nhìn con bảo: “Bởi mẹ là phụ nữ”.

Trẻ nói: “Con không hiểu”.
Mẹ ôm con vào lòng: “Và con sẽ không bao giờ hiểu”…

Trên đây là đoạn mở đầu bài thơ mà tôi nhận được từ Mỹ qua email, do một anh bạn gửi. Đó là bản dịch từ tiếng Pháp có tựa là Nước mắt của phụ nữ, tác giả vô danh, dịch giả ghi là Phulit & Nghiem Tau.

Chiếu theo công ước Berne, tôi sẽ vi phạm luật tác quyền vì đã đưa bản dịch đăng báo nếu hai dịch giả kia kiện tôi! Tuy nhiên, nếu việc đó xảy ra, tôi sẽ thưa với các vị ấy rằng: “Bài thơ quý vị dịch thật hay, còn chính nó thì đẹp như một đóa hoa lan hoang dại, tôi ngắt nó về để biếu, để tặng phụ nữ nhân ngày 8-3, và cũng để các độc giả nam – nếu muốn – có thể thủ thỉ bên tai vợ, như một món quà của lòng mình. Đóa hoa đẹp, tôi làm một việc đẹp, cho những người thật đẹp nên dù có phải chịu điều xấu, tôi vẫn hân hoan”.

Bài thơ tiếp tục dẫn dắt chúng ta đi vào thế giới kì diệu của nước mắt:

Sau đó, trẻ hỏi cha: “Sao mẹ lại khóc?”
Cha dịu dàng nói: “Con ơi, phụ nữ khóc không có duyên cớ gì cả”.
Trưởng thành, người thanh niên tìm hỏi Thượng Đế: “Thưa ngài, sao phụ nữ lại dễ khóc đến thế?”
Thượng Đế phán: “Ta tạo ra người nữ rất đặc biệt. Nàng phải có đôi vai đủ mạnh để gánh vác đau khổ nhân sinh, và đủ mềm để thể hiện nữ tính.

Ta ban tặng cho nàng sức mạnh để tạo ra sự sống từ những chồi non trẻ thơ.
Ta ban tặng cho nàng sự nhẫn nại để chịu đựng và chăm sóc gia đình vượt qua gánh nặng tai ương và mệt mỏi.
Ta ban tặng cho nàng sự nhạy cảm, thương yêu con cái, bằng một tình yêu bao la và miệt mài, dù đôi khi được đáp lại bằng ơ hờ, dửng dưng.

Ta ban tặng cho nàng bao dung, để chịu đựng những lỗi lầm của chồng nàng và để mãi mãi sát cánh cùng chồng.
Sau cùng, ta ban tặng cho nàng dòng suối lệ long lanh, luôn chảy tràn đầy, mỗi khi nàng cần đến.

Con thấy đó, vẻ đẹp của phụ nữ, chẳng phải từ y phục trên thân nàng, chẳng phải từ khuôn mặt hay mái tóc nàng trang điểm, mà là vẻ đẹp nàng giấu trong đôi mắt. Đó là lối vào tâm hồn nàng, cửa ngõ bền vững của tình yêu. Và, trong đôi mắt đó, dòng suối lệ long lanh đã cho thấy tất cả tấm lòng nàng.

Xin cảm ơn người bạn đường đã để lại dấu ấn không mờ phai trong đời. Và đã cho ta một nhận thức về một thế giới tuyệt vời.
Xin được mãi soi bóng trong đôi mắt long lanh của người bạn đường yêu quý”
(Nước mắt phụ nữ).

… Xuất phát từ một nhận thức

Trong ngày 8-3 này, các ông thường tặng cho các bà một món quà để làm cho nó khác với các ngày khác và để các bà thấy vinh dự, thấy mình được quan tâm hơn mọi khi. Nếu điều này đúng thì tôi cho rằng, có nhiều bà hẳn không thích.

Các bà ấy muốn mình được quan tâm mỗi ngày cơ và chỉ là vài điều nhỏ bé thôi. Ước mong của các bà là rất chính đáng.

Trong XH cũ, người phụ nữ bị hy sinh nên gia đình bình ổn, gia phong được duy trì. Ngày nay, phụ nữ hiểu biết hơn, xinh đẹp hơn, muốn gia đình tiếp tục được như thế, thì người chồng cần nhận ra vai trò của người vợ và phẩm chất trời ban của nàng, như bài thơ trên đã diễn tả. Nhận ra được như thế, tự nhiên sẽ quý vợ mình, chăm chút cho vợ mình hơn. Các bà thường không đòi hỏi nhiều và khi biết mình được cho, qua những cử chỉ tế nhị của chồng, các bà thường quên mình vì chồng con!

Cuối tháng 2 vừa qua, chương trình Người xây tổ ấm của VTV1 có buổi phỏng vấn nghệ sĩ Quyền Linh và vợ anh là chị Dạ Thảo về vai trò của người vợ nghệ sĩ. Anh Linh kể về sự giúp đỡ của chị Thảo đối với mình và các em của mình từ khi anh đưa chị về thăm nhà lần đầu, nói về sự chia sẻ công việc của hai người với nhau; khi nói đến sự vất vả của chị lúc mang thai, giọng anh bồi hồi, khiến mắt chị Thảo cũng rưng rưng. Cả hai cùng khóc. Đó là nước mắt của hạnh phúc. Điều này chứng minh, khi phụ nữ biết người chồng nhận ra giá trị của mình thì sẽ có một sự đáp lại… do trời sắp đặt!

Ngày phụ nữ không nên chỉ thuần túy mang ý nghĩa là ngày tôn vịnh họ. Tôn vinh họ về cái gì? Ngày này, nên là ngày các ông nhìn lại và củng cố nhận thức của mình về các đức tính cao quý của vợ – vốn do thiên bẩm – và gắn nàng với những gì nàng làm cho mình cùng con cái. Bởi vì, là phụ nữ, nàng vẫn từng như thế đó! Ngày xưa khi mới quen, tặng quà cho nàng ta ngầm nói rằng “anh mong được ở bên em”. Hôm nay, đã hiểu nhau hơn, mua quà tặng vợ, ta nhìn sâu vào mắt nàng để ngầm bày tỏ với nàng rằng: “Anh quý em vì những gì anh đã thấy nơi em”. Như thế là sự nhận thức về vợ mình được củng cố, nhờ hàng năm được nhắc lại bằng ngày này.

Hạnh phúc gia đình sẽ bền chặt hơn và tràn đầy hơn; do chính chúng ta tạo ra bằng những việc nho nhỏ như thế! Và XH sẽ đẹp, sinh hoạt của nó sẽ tốt, khi đa số người xuất phát từ những gia đình hạnh phúc. Sự đối xử giữa cha mẹ với nhau được con cái làm theo khi ở ngoài XH.

Theo Ng
uy
ễn Ngọc Bích –
Báo Phụ nữ TP.HCM

2 thoughts on “Ngày 8-3: không chỉ thuần túy là để tôn vinh”

Leave a Reply