MLM -Kinh Doanh Theo Mạng- Bán hàng Đa Cấp có thực sự là siêu lợi nhuận?

MLM (Multi level marketing) là cái gì vậy?
MLM (Multi level marketing) – tiếp thị đa tầng, bán hàng đa cấp, kinh doanh theo mạng, v…v và v…v là cái gì vậy? Sao nghe người ta nói không cần bằng cấp, không cần kiến thức, không cần học hành, không phải làm mà vẫn có nhiều tiền, tương lai đảm bảo, sau một thời gian là chỉ ngồi chơi xơi nước tiền vẫn đổ vào túi. Chẳng lẽ có phương pháp kinh doanh mới, hiện đại, một phát kiến mới của một nhà kinh tế đoạt giải Nobel nào đó chăng? Nếu lý thuyết này biến được thành hiện thực thì xã hội loài người tiến được một bước dài trong quá trình phát triển của nhân loại, nếu mỗi cá nhân trong xã hội đều có được sự bảo đảm về kinh tế, tài chính chứ chưa cần thịnh vượng thì đó chính là một phần của xã hội lý tưởng mà các học thuyết chủ nghĩa theo đuổi.
Nếu những gì của phương pháp này là đúng thì sẽ có một ngày cả nhân loại không phải làm nhỉ? Dân giàu khắc nước sẽ mạnh, vậy sao nền kinh tế vẫn trồi sụt, nhân loại vẫn phải vật lộn trên con đường phát triển, chưa tìm thấy sự thịnh vượng chung? Sao vẫn còn có người nghèo, sao không phát triển kinh doanh theo phương pháp này, sao không xóa bỏ những tư tưởng cổ hủ, phương pháp kinh doanh lạc hậu theo kiểu truyền thống để đi theo phương pháp kinh doanh cấp tiến này thì có phải một ngày nào đó cả nhân loại chúng ta đều đi xe Mẹc sờ đì không ? 😀
Lý thuyết
Theo như những thông tin trên trang web cũng như tờ rơi, hay những buổi họp huấn luyện của các công ty MLM thì bán hàng đa cấp là phương pháp kinh doanh hoàn hảo. Sản phẩm đi thẳng từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng, không mất chi phí quảng cáo, tiếp thị, chi phí hành chính, cửa hàng, sân bãi. Người dùng được hưởng lợi, mua được sản phẩm tốt với giá rẻ vì không tốn tiền cho các khâu trung gian.
Về phía người tiêu dùng:
– sản phẩm nghe rất hoàn hảo, có “một số” người còn quảng cáo những loại thực phẩm chức năng còn chữa được cả bệnh ung thư mà y học ngày nay đang bó tay
– người bán hàng nhiệt tình là người quen biết, thậm chí có thể là con cái, cha mẹ, anh em ruột thịt trong nhà
Về phía đại lý tham gia MLM:
– được mua sản phẩm với giá rẻ, chiết khấu hơn 25%- 30% so với giá MSRP, có thể dùng cho cá nhân hoặc có thể bán lại
– vốn kinh doanh thấp, không cần có cửa hàng, địa điểm kinh doanh, không cần có bằng cấp, điều kiện năng lực, đại loại là chỉ cần bỏ ra một ít tiền có thể mua được công ăn việc làm, đã thế lại là công việc nhàn rỗi nhưng kiếm được nhiều tiền.
– nếu tuyển dụng được thêm đại lý hay chân rết bán hàng sẽ được hưởng lợi, ăn phần trăm trên những chân rết này
– nếu những chân rết lại tuyển dụng thêm những chân rết khác thì một ngày nào đó ta sẽ lên được 7 tầng tháp, hoặc qua cửu đỉnh là đến tuyền lâm, sẽ ngồi mát ăn bát vàng, chỉ việc ngồi nhà sẽ có phần trăm của những chân rết kia mang lại. Một tương lai tài chính vững vàng, một tiền đồ tươi sáng, cứ cái đà này sẽ nhanh chóng thành tỉ phú.
Thực tế
Về mặt lý thuyết, phương pháp kinh doanh kiểu này nghe chừng rất tiến bộ, có nhiều điểm hay, tuy nhiên có nhiều lỗ hổng và không có tính bên vững lâu dài cho nên phương pháp kinh doanh truyền thống vẫn tồn tại.
Trên thực tế, có một số người làm giàu từ phương pháp kinh doanh này thật. Họ chính là những người nằm ở trong 5% trên đỉnh tháp. Nếu là người Việt Nam, một sản phẩm từ Mỹ qua đến VN khéo đã qua chi nhánh nào đó ở châu Á như Thailand, Malaysia. Nếu có thể mở ra một MLM, bán mấy sản phẩm như jelly sữa dừa, chiết xuất rau câu, hay cái gì đó từ Việt nam qua Mỹ và thế giới hoặc chính từ VN rồi quảng bá là bọn mày cứ ăn đồ rác ( junk food) không thì bị béo phì là phải, nhìn người VN chúng tao đây này, ăn cái này thì mới người đẹp được. Lúc đó chúng ta chỉ việc ăn trên ngồi trốc được.
Chúng ta thử phân tích xem nhé:
1/ MLM là hình thức kinh doanh độc quyền: vì giá của sản phẩm hoàn toàn bị áp đặt, người mua phải mua với giá đó, cho dù đã là giá đại lý vẫn đắt hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Người mua phải mua sản phẩm đó, phải bán sản phẩm đó, không được bán sản phẩm khác như kinh doanh truyền thống.
2/Phản khoa học, không tuân theo quy luật cung cầu: Nếu đại lý chưa bán được hàng đến kỳ vẫn phải mua hàng vào cho dù chỉ để xếp xó, trong khi phương pháp kinh doanh truyền thống là đi theo quy luật kinh tế cơ bản: Cung & Cầu. Nếu thị trường có nhu cầu lớn thì mới mua nhiều vào để bán ra, còn nếu nhu cầu thấp nhất là cho một loại hàng hóa nào đó, hàng ế thì phải giảm nhập, không mua nữa và đầu tư vốn vào loại hàng hóa khác (cho công ty nhỏ), hoặc loại hình kinh doanh, dịch vụ khác (cho tập đoàn)
Đại lý tham gia mô hình kinh doanh MLM này là vì choáng mắt bởi tỉ lệ hoa hồng, làm ít mà được hưởng nhiều, phần lớn tham gia vì nghe theo sự dụ dỗ, rủ rê của người quen biết chứ không phải là do nghiên cứu, tìm hiểu? như vậy là trái với quy tắc đầu tư kinh doanh cần phải nghiên cứu thị trường, sản phẩm, đối tượng khách hàng.
3/ Các sản phẩm bị đẩy giá quá cao, với giá này không thể bán nổi theo phương pháp kinh doanh truyền thống vì còn đắt hơn giá của sản phẩm kinh doanh truyền thống mặc dù được quảng cáo là giá cạnh tranh hơn vì không mất tiền quảng cáo, tiếp thị, chi phí hành chính, kho bãi, phân phối lưu thông, v….v và v…v. Như vậy có đúng là phi lý không? Nhập nhằng khái niệm, mọi thứ đều được phủ lớp hào nhoáng nhưng thực tế không phải.
4/Quảng cáo về sản phẩm này thường được thần thành hóa, phù phép thành thuốc tiên, đa di năng, chữa bách bệnh, đại bổ, nhưng tất cả chỉ là “truyền miệng”, còn trên thông cáo chính thức thì chỉ là thực phẩm chức năng, được quảng cáo là thuốc bổ Mỹ nhưng những loại này hoàn toàn không được thông qua bởi Cục Thực phẩm, Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Không tin bạn có thể xem ngay trên nhãn mác ghi ngoài lọ “thuốc” – thực phẩm chức năng đó. Ðây chỉ là các sản phẩm phổ biến hiện nay, bên cạnh đó còn chưa kể đến các loại nồi niêu, xong chảo tàu cũng được phù phép để bán, v…v.
5/ Người kinh doanh ( đại lý) trở thành người tiêu thụ bất đắc dĩ. Muốn gia nhập phải nộp tiền lệ phí gia nhập, hàng tháng phải đặt mua hàng không cần biết có bán được không. Để tống ngần này thứ chưa được kiểm nghiệm vào người quả là dũng cảm và tự tin 😀 Cho dù được mua với giá rẻ nhưng thực tế là “mình đang ăn thịt mình”, công ty đâu có lỗ hay thiệt gì đâu mà đang dùng chiêu “mỡ nó rán nó”.
6/ Cỗ máy con người không phanh
Mô hình kinh doanh này sử dụng chính con người làm cỗ máy vận hành. Một cái xe ô tô, một đầu tầu xe lửa đều có cái phanh, một nền kinh tế khi phát triển quá nhanh, quá nóng, các chính phủ thường “hãm”, “phanh” bằng các biện pháp điều tiết kinh tế, một công ty phát triển thị trường khi có đủ nhân viên, đại lý cũng tạm ngưng tuyển người, nếu không sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh vì cung vượt quá cầu. Thị trường mà có quá nhiều người bán chắc chắn không tốt bằng thị trường mà các đại lý được phân chia ranh giới kinh doanh, địa bàn riêng của mình.
Nếu xe ô tô, tàu hỏa không được hãm phanh sẽ lao xuống vực, gây tai nạn và kết thúc. Mô hình kinh doanh này cũng vậy, không có hệ thống hãm, ngay cả người đứng đầu trên đỉnh tháp cũng không thể hãm phanh được vì cơ chế nó tự thân sinh sản, người sau phải tiếp tục tìm kiếm chân rết, xây dựng các tầng dưới thì họ mới có thu nhập còn nếu không thì là chết, họ chết thì dẫn đến sự sụp đổ của kim tự tháp. Tất nhiên người đứng trên đỉnh tháp không chết vì họ có đủ năng lực tài chính để mở ra một công ty MLM khác và lại bắt đầu hút máu của những người bên dưới thông qua các chân rết.
Như tôi đã nói ở trên phương pháp này kinh doanh không bền vững không lâu dài, lợi nhuận không được bảo đảm, làm sao có thể tính đến tương lai?
Tại sao phương pháp kinh doanh này vẫn tồn tại?
Tôi không có ý định ám chỉ ai vì thực tế trong mỗi con người chúng ta đều có ham muốn được hưởng lợi và không phải làm gì, bản thân tôi cũng không khác gì. Đó chính là lý do tại sao các chiêu lừa đảo cũ rích, đơn giản như chơi đỏ đen trên các chuyến xe đò vẫn lừa được ối người. Ponzi lừa của các chuyên gia tài chính lão luyện từ những năm 20, in thành sách, làm phim, dạy ở trường mà mới đây Madoff vẫn làm lại được trò xưa như trái đất này với các chuyên gia tài chính nổi tiếng của Wall St và thế giới, nhiều người là tiến sỹ kinh tế, MBA tài chính của các trường kinh doanh danh tiếng nhất thế giới, thậm chí lừa được với quy mô lớn hơn gấp nhiều lần đó thôi. Những đường dây hụi từ bao năm nay năm nào chẵng có chuyện vỡ hụi đau lòng nhưng vẫn tiếp tục đó thôi, vì nó chính là kênh tín dụng cho người nghèo. Lý thuyết nghe ngon ăn, chứ không ai phân tích cho họ thấy là mô hình tín dụng này hoàn toàn không an toàn và không bền vững, chỉ cần một người quịt là đường dây vỡ. Chưa kể những chiêu lừa đảo ngày nay đã biến dạng, trá hình tinh vi, được bọc gấm vóc, nhung lụa, vàng bạc, xe hơi đắt tiền bên ngoài, với những người nổi tiếng, cuộc sống vật chất phù du đó đánh thẳng vào lòng tham của mỗi con người. Ai mà tránh khỏi. Ai cũng vô tội hết vì điều đó là ao ước của mỗi chúng ta. Nhưng khi đã bị lòng tham làm lóa mắt, che mất lý trí thì cho dù ta có học vấn cao đến đâu, kiến thức uyên thâm thế nào, ta vẫn sa bẫy. Phía tên tầng lớp lãnh đạo, tư vấn, nếu được chia phần trăm, cổ phần của một công ty, một nhà khoa học có thể bán rẻ đạo đức của mình, một nhà kiểm toán sẽ đưa ra số liệu sai để bảo vệ lợi ích cá nhân, phía dưới những người đại lý có thể bán rẻ lương tâm, nói quá quảng cáo cho sản phẩm, thêu dệt những điều không có thật, vô tình lôi kéo chính cả người thân, gia đình, bạn bè vào bẫy.
Một số người sẽ phản biện thế tại sao ngay tại Mỹ các công ty MLM vẫn tồn tại đó thôi?
Nước Mỹ là một đất nước có hệ thống luật pháp phức tạp. Thực tế những người già 90 tuổi, phản ứng chậm chạp,bản thân đứng không vững, không thể tự đi lại được mà phải ngồi xe lăn hoặc các dụng cụ hỗ trợ nhưng ngồi lên xe ô tô vẫn lái vù vù, tỉ lệ tai nạn cao nhưng khi bỏ phiếu thông qua luật “người già không được lái xe” lại không thông qua nổi vì như thế là vi phạm nhân quyền (một quyền rất quan trọng ở Mỹ), người già sống cô đơn một mình, đi chợ, đến phòng mạch đều xa, phải có xe ô tô đi lại chứ, xử lý vấn đề này ra sao quả là phức tạp.
Nước Mỹ cũng là nước mà nghề luật sư hái ra tiền và làm việc rất vì tiền. Họ thậm chí hãnh diện, trở nên nổi tiếng hơn, có nhiều thân chủ hơn nếu có thể bảo vệ thành công cho O J Simpson trắng án tội giết vợ hay một bố già mafia nổi tiếng tại ngoại vì những tội ác động trời. Ai cũng biết bố già Frank Costello là ông chủ của những chiếc máy và đồng xu (slot machine : chiếc máy cờ bạc hái ra tiền, cho đến ngày hôm nay slot machine vẫn mang đến 70% doanh thu cho sòng bài, nên còn được mệnh danh là “kẻ cướp một tay”. Chỉ có một cái tay để giật bên máy và một đồng xu nhét vào là chơi được mà không biết bao nhiêu người tán gia bại sản). Frank Costello, người được mệnh danh là ” thủ tướng của thế giới ngầm” vẫn sống hiên ngang, đàng hoàng, về hưu trong xa hoa phú quý tại căn penthouse tầng thượng loại đắt nhất ở New York đó thôi.
Các công ty MLM tầm cỡ có thừa tiền để thuê các luật sư danh tiếng, các giáo sư, nhà khoa học, thậm chí nhà làm luật, làm việc cho mình, lobby chính phủ. Nếu chỉ là một vài nạn nhân chắc chắn sẽ rất khó kiện lại các công ty này, chỉ đến khi dân chúng bị lừa quá nhiều, hậu quả quá lớn, ảnh hưởng ngược đến chính phủ, an ninh, kinh tế của đất nước, họ cũng phải vào cuộc với các phiên tòa nổi tiếng. Tuy nhiên các công ty MLM nổi tiếng này cũng rất khôn khéo, thường dàn xếp ngoài tòa cho các vụ kiện trên.
Một số vụ kiện các hãng MLM nổi tiếng
PrimeAmerica, một công ty con của tập đoàn Citi Group. Bạn có thể thấy ngay phần kết luận dưới đây của Ủy ban Thương Mại Hoa Kỳ ( Federal Trade Commission) phán quyết đã không có đủ chứng cứ để bắt tội vì toàn là truyền miệng chứ không phải văn bản nhưng hậu quả là làm điêu đứng bao gia đình mà có người thân tham gia hệ thống này gây ảnh hướng gián tiếp thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ $57.6 tỉ đô/năm. Nếu PrimeAmerica làm việc hiệu quả như quảng cáo thì sao Citi Group lại cần phải đi nhận trợ cấp của chính phủ. Nếu PrimeAmerica làm ăn hiệu quả sao Citi Group phải cắt PrimeAmerica ra bán, nhưng bán cũng không được đành phải dùng kế ra IPO bán cổ phiểu. Thông tin chi tiết bằng tiếng Anh từ website chính phủ ở đây:
http://www.ftc.gov/os/comments/businessopprule/rebuttal/522418-13260.pdf
HerbalLife một công ty cực nổi tiếng trong lĩnh vực bán thực phẩm chức năng, đứng đằng sau toàn đại gia tỉ phú được tạp chí danh tiếng Forbes đưa tin như sau:
http://www.forbes.com/forbes/1997/1020/6009043a.html
Trung Quốc mới đây cấm tiệt hình thức kinh doanh này vì thảm họa khôn lường.
http://www.pyramidschemealert.org/PSAMain/news/ChinaLeadsPyramidFight.html
Ngoài ra bạn có thể google là ra một đống.
Bành trướng ra thế giới
Ngày nay, do bị chính phủ Hoa Kỳ kiểm soát chặt chẽ hơn và để tránh kiện tụng trong nước, các công ty MLM này bành trướng thị phần ra thế giới, đặc biệt chú ý đến các nước châu Á, nơi dân số đông, văn hóa giao du, dân trí thấp, tâm lý bầy đàn cao, tin vào lời đồn, truyền miệng, cực thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới nhanh chóng, luật pháp còn lỏng lẻo, chưa có đủ chế tài và không có khả năng kiện công ty Mỹ một khi xảy ra chuyện. Doanh thu của các tập đoàn MLM chính là từ đây. (Các nước xứ lạnh do điều kiện thời tiết , nhà thường đóng kín cửa để giữ nhiệt cho ấm, khi ở nhà cũng ít ra ngoài. Dân xứ nóng thường mở cửa nhà cho mát, tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn)
Ở Việt nam, KDTM sẽ có đất phát triển vì đáp ứng các điều kiện trên. Loại hình kinh doanh này được ưa chuộng vì giúp những người chưa có việc làm, thiếu tự tin có thể trở thành “ông bà chủ, không phải đi làm thuê cho ai hết” hay theo các sách thuyết trình nguyên văn của các công ty MLM là “be your own boss”. Từ cô thợ cắt tóc, chị hàng thịt, anh nông dân cũng có thể trở thành ông chủ, được đi nước ngoài dự hội nghị dành cho “lãnh đạo” với những chức danh hoa mỹ được công ty MLM phong. Họ bỗng nhiên cảm thấy có sức mạnh ghê gớm. Các nhân viên vào sau càng lóa mắt với những chuyến đi hội nghị xa hoa, các “lãnh đạo” được chụp ảnh với những chiếc xe đắt tiền và được nói là tặng xe. Trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Tôi đã vào đọc chính tài liệu đăng tải trên website của công ty này và thấy viết: Nếu lên được chức vị cao ( nghe chức danh được phong thì khủng khiếp lắm, tôi không tiện nói ra), qua được 7 tầng tháp cũng chỉ được trợ cấp xe $1000/tháng. Nên nhớ là trợ cấp xe nhé, chứ không phải là tặng nguyên cái xe. Nếu công ty Mỹ này thuê một chuyên viên Mỹ sang làm việc ở Việt nam, họ còn phải trả nhiều hơn thế. Ngoài tiền lương, họ phải trả gói trợ cấp sinh hoạt xa quê hương (expatriate package) bao gồm tiền di chuyển, nhà cửa, xe cộ, tiền học cho con cái và các sinh hoạt phí khác. Đằng này công ty kia chỉ phải trả có $1000 mà có được một nhân viên làm việc không lương, không phúc lợi xã hội, không bảo hiểm y tế, không có gì cả, tất cả là dựa trên hoa hồng (commission-based). Tất cả những” ông bà chủ” này nếu biết nhìn theo khía cạnh khác chính là những người làm không công, ông chủ thật ( hãng phân phối) đã không tốn một đồng xu nào để trả lương, chỉ cần dùng dăm ba mỹ từ để xưng tụng, còn “mỡ nó vẫn rán nó”
Tôi cũng vào xem tất cả các thông tin khác từ tiền phí gia nhập, tiền đặt hàng, xem về thể lệ thưởng, quy chế chỉ được ăn ở chân yếu, chế độ tự động đặt hàng và lấy tiền trong tài khoản (autoship) và thấy rõ họ kiếm lợi trên người dân Việt Nam.
Trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi nhân hôm nay rỗi việc và lâu rồi không viết về đề tài kinh tế, đầu tư. Tôi viết chơi thôi để tập thể dục lại cho mấy ngón tay. Lưu ý bài viết không có ý phân biệt giai cấp, không chê những người bỏ học vì thần tượng của tôi có rất nhiều người bỏ học như Thomas Edison, Bill Gates, Lee Ka Shing, Larry Ellison, v…v. Tất cả những người này đều rất thành đạt. Bài viết cũng không có ý ngăn cản hay làm nhụt trí giấc mơ làm giàu. Có nhiều con đường làm giàu và tất nhiên ai thích đi theo con đường MLM là chọn lựa cá nhân và tôi không hề có ý ngăn cản nhưng nếu là tôi thì ít ra cũng nên tự hỏi mình mấy câu:
1/ Cái sản phẩm mình định kinh doanh là gì? có đảm bảo chất lượng không? có được một cơ quan kiểm nghiệm độc lập kiểm tra không? chế độ hậu mãi ra sao? hay mình bán cho người tiêu dùng bị làm sao thì chính mình phải chịu trách nhiệm còn công ty phân phối có thể trốn tránh? Sản phẩm này bán giá có cao quá không? nếu bán thẳng theo kênh phân phối truyền thống có bán nổi không?
2/ Liệu mình có thể mời bao nhiêu người làm chân rết cho mình, có bao nhiêu người trước mình? Liệu mình có phải top 5% được ở trên đỉnh không? vị trí thực sự của mình ở đâu?Liệu mình có được thực sự hưởng lợi không? hay là mình chính là những cỗ máy làm việc cật lực để cho tầng lớp 5% phía trên kia hút máu.
3/ Lợi nhuận của hình thức kinh doanh này từ đâu ra? có phải từ phần trăm của các chân rết không? vậy nếu một ngày nào đó các chân rết hoặc chính mình, ăn mãi sản phẩm này rồi không thể nuốt trôi được nữa, tạm ngừng mua vài tháng hoặc một năm thì mô hình này còn hoạt động được không?
4/ Những câu hỏi này thuộc về đạo đức cá nhân
Liệu mình có phải dụ dỗ, lôi kéo, thuyết phục người thân, gia đình, bạn bè tham gia vào cái hệ thống kinh doanh này không? rồi bắt họ phải ăn uống, tống vào người luôn mấy thứ chưa được kiểm nghiệm đó không? ( mấy cái kiểm nghiệm của công ty không được tính) Liệu mình có muốn trở thành một thành viên trong cái nghành công nghệ kinh doanh đầy tai tiếng MLM này không? Liệu mình có muốn trở thành một người “nên cẩn thận không bị dụ” trong mắt bạn bè không?
Tôi có làm một bài toán nhỏ:
Nếu tôi phải bỏ ra US$1035 và đặt hàng mỗi tháng thì tôi mới được hưởng lợi
Nếu tôi muốn hưởng lợi của chân rết hay các đại lý cấp dưới thì họ cũng phải đặt hàng thường xuyên như tôi, tức là họ cũng phải bỏ ra $1035 và phải đặt hàng hàng tháng
Điều này cứ tiếp diễn cho các tầng dưới
Với thu nhập của người Việt nam trung bình, không kể những người có thu nhập cao và phần lớn tập trung ở thành thị, thì bao nhiêu người có thể bỏ ra vài triệu mỗi tháng chỉ cho món thực phẩm chức năng này? Nếu liên tục bỏ ra vậy thì tồn tại được bao lâu? Người mua thì chắc chắn mua vì muốn được bán lại hưởng lợi rồi chứ không phải vì người ta có nhu cầu xài món thực phẩm chức năng đó, họ còn có nhiều nhu cầu khác cao hơn là món thực phẩm xa xỉ đó. Vì vậy sẽ có một ngày số hàng đó bão hòa và không thể bán được, mô hình này sụp đổ.
Nếu là tôi, tôi cũng sẽ tham gia MLM để học tính tự tin, dũng cảm, thuật hùng biện, dụ dỗ của MLM. Tôi không phủ nhận khi đến nghe những buổi thuyết trình này, tôi thấy họ quả là “tự tin”, “dũng cảm”, “ăn nói hùng hồn” và rất lọt tai. Tuy nhiên nếu non tay nên cẩn thận kẻo tẩu hỏa nhập ma, khi đi nhớ để ví ở nhà 😀
Kinh nghiệm cá nhân
Hồi tôi mới bước chân sang Mỹ học, tôi muốn kiếm một công việc làm thêm ngoài giờ, kiếm chút tiền tiêu và kinh nghiệm. Tôi đọc các quảng cáo tuyển dụng và thấy rất nhiều quảng cáo sau khi giới thiệu nọ kia về công ty, mô tả công việc có kèm theo dòng chữ : ” Tuyệt đối không phải MLM”, “Bạn yên tâm công ty chúng tôi không phải là MLM”, ” Đây không phải là công ty kinh doanh hình tháp ( Pyramid scheme)”, v….v và v…v. Tại sao họ lại phải viết như vậy? Chẳng lẽ MLM xấu lắm sao mà họ phải chứng minh là mình không phải? MLM là cái gì mà có tiếng xấu vậy? Sao trên các show truyền hình, các show hài của Mỹ lại hay làm trò cười, chế diễu MLM? Trong kinh doanh kị nhất là tiếng xấu mà ! Khó hiểu thật. Nhưng để kiếm việc làm phù hợp với sinh viên, vừa đi học vừa đi làm cũng không phải dễ, đi làm hành chính thì không được, hãng xưởng cũng không xong. Đâu đâu cũng hỏi kinh nghiệm là đằng khác. Một hôm đi học về, tôi thấy có quảng cáo kia của hãng PrimeAmerica, thấy biểu tượng còn ghi là công ty con của Citi Group rất bắt mắt. Wow, Citi Grroup là công ty mẹ của Citibank, mà Citibank là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới. Vậy hẳn công ty này cũng là khủng khiếp lắm đây. Tôi cũng đến phỏng vấn xin việc. Lạ thay là tôi được nhận vào ngay, người phỏng vấn cũng không buồn đọc đơn xin việc, hồ sơ, lý lịch cá nhân gì cả. Ông ta đưa hợp đồng, đơn xin gia nhập cho tôi điền vào và bảo nộp lệ phí luôn, có thể trả tiền mặt hoặc bằng thẻ. Tôi vội vàng nói tôi để quên ví ở nhà, có gì lần sau đến tôi sẽ trả tiền. Tôi được hẹn đi tham gia tập huấn vào buổi tối đó luôn, kèm theo lời dặn nhớ mang tiền theo. Kỳ lạ hen, công ty gì mà sáng phỏng vấn, tối được đến làm việc luôn. Hay mình tài năng quá vậy? mà sao làm việc buổi tối? hay mình đẹp trai quá cỡ? :D, mà thằng cha phỏng vấn là con trai mà, hay cậu ta đồng tính?  😀
Tối đó, tôi cũng ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc xịt gôm, chải bóng mượt, áo vét comple đàng hoàng đi đến. Khi tôi bước vào khán phòng thấy đông nghẹt người, người tuyển dụng tôi đưa vào chỗ nhóm của anh ta. Tôi để ý thấy có đủ các hạng người, người nhập cư rất nhiều, đủ các màu da trắng, đen, vàng, đỏ đủ hết, có đầy dân Mễ chỉ biết tiếng Xì, một số anh chị người Việt nữa. Tôi hỏi thế mấy anh chị chắc cũng học về kinh tế, tài chính nhỉ? Các anh chị làm lâu chưa? Họ thật thà chia sẻ cũng chỉ mới tham gia và vẫn làm part-time (làm bán thời gian), còn nghề chính vẫn là làm nail (nghề làm móng), cắt tóc, v…v. Họ được bạn bè đưa vào làm, không bắt đi học, không đòi hỏi gì cả mà nghe nói kiếm tiền dễ thì tham gia? tiếng Anh đủ hội thoại nhưng mình bán cho người Việt mình mà, đâu cần tiếng Anh làm chi. Sau vài phút nói chuyện, giới thiệu nhau, đèn khán phòng tắt và bắt đầu khóa tập huấn về đầu tư tài chính. Đầu tiên tôi được xem một đoạn phim về những thành viên HĐQT với toàn tỉ phủ, toàn những người nổi tiếng, vua biết mặt, chúa biết tên, những tỷ phú lừng danh, rồi sau đó đèn lại bật và đến lượt giới thiệu những người giàu có nhờ tham gia mà đang có mặt ngày hôm nay. Họ có những buổi thuyết trình tuyệt vời, với những lời lẽ hoa mỹ, toàn chức danh hoành tráng. Sau đó đến lượt giới thiệu về mô hình kinh doanh, các bài giảng về quỹ tương hỗ, đầu tư bảo hiễm, với đủ các loại biểu đồ tài chính siêu lợi nhuận, v…v và v…v. Tôi ngỡ như mình đang ở trong mơ. Giấc mơ Mỹ của tôi là đây. Từ nay học làm chi, bỏ học ngay đi làm luôn có khi mai thành Bill Gates hoặc Warren Buffett. Đến lúc anh chàng level trên, người tuyển dụng tôi, phá vỡ giấc mơ đẹp, đưa tôi về thực tế, yêu cầu tôi trả tiền lệ phí tham gia. Tôi vội vàng lại thoái thác,với lý do vội vàng đi lại quên mang ví. Mai tôi mang qua văn phòng nhé. Tôi ngồi chit chat thêm một chút, thấy anh chàng này kiến thức tài chính chẳng có gì, sao kiếm tiền được nhỉ, mình đưa tiền cha này đầu tư chắc mất quá. Tôi thoái thác ra về và chẳng bao giờ quay trở lại luôn.
Công ty mà định dụ tôi vào chính là PrimeAmerica, đã bị Ủy ban Thương Mại Liên Bang (Federal Trade Commission) phán xử vì tội làm tán gia bại sản nhiều gia đình, tuy nhiên là không đủ bằng chứng kết tội họ. Thông tin chi tiết bằng tiếng Anh từ website chính phủ ở đây:
http://www.ftc.gov/os/comments/businessopprule/rebuttal/522418-13260.pdf
Thuật ngữ và viết tắt sử dụng trong bài
MLM = Multi-level marketing = kinh doanh đa cấp
KDTM = Kinh doanh theo mạng
PS = Pyramid scheme hay Ponzi scheme =chiêu lừa đảo theo hình kim tự tháp hay lừa kiểu Ponzi
MSRP = Market Suggested Retail Price = giá bán ngoài thị trường do nhà sản xuất gợi ý
FDA = US Food & Drug Administration = Cục Thực Phẩm-Dược Phẩm Hoa Kỳ
FTC = Federal Trade Commission = Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ
Một số tài liệu tham khảo nếu bạn muốn tìm hiểu thêm:
Mô hình kinh doanh đa cấp
http://en.wikipedia.org/wiki/Multi-level_marketing
Lừa kiểu kim tự tháp
http://en.wikipedia.org/wiki/Pyramid_scheme
Lừa kiểu Ponzi:
http://en.wikipedia.org/wiki/Ponzi_scheme

 
Nguồn: Facebook Steve Tran

Leave a Reply