"Lần sau có gì có chia đôi không?"

Hơn 6h tối, mọi nhà đã lên đèn, có tiếng trẻ con khóc bên hàng xóm, rồi tiếng người mẹ quát tháo con, đứa con trai chắc tầm 3-4 tuổi, khóc nức nở, rồi tiếng người mẹ hỏi “lần sau có gì có chia đôi không?”, thằng cu vừa khóc nấc lên vừa trả lời “không” :)) Mẹ nó càng quát to tợn, còn nó thì càng khóc to, mẹ nó hỏi đi hỏi lại “lần sau có gì có chia đôi không? chia cho chị nữa chứ, có chia đôi không?”, thằng con thì vừa khóc vừa kiên định trả lời “không”. Sau một hồi thì cũng yên tĩnh trở lại.
Đứa trẻ, bị mẹ quát, thì khóc, vì nó sợ, có thể nó bị đánh nữa, nhưng nó không hề hiểu tại sao phải “chia đôi”, tại sao lần sau có gì lại phải chia đôi? Tại sao vậy? Bà mẹ thì chỉ thích nhanh chóng có kết quả, nhanh chóng có một sự phục tùng vô điều kiện, thể hiện uy quyền, quyền lực tối thượng của mình bằng cách quát to, quát to hơn nữa, đánh đau, đánh đau hơn nữa. Không có sự giải thích nào, không có lý do nào thuyết phục đứa trẻ để nó “chia đôi” hết.
Ví dụ sinh động bên nhà hàng xóm làm mình nghĩ tới một note của Tùng Hà, đại loại thế này:

Khi cuộc đời giáng xuống chúng ta những hình phạt không thể dự đoán trước và cũng không một lời giải thích cho những gì đang diễn ra (tệ hơn là có giải thích nhưng là dối trá), chúng ta sẽ dần quen với cảm giác bất lực có điều kiện – tức là cứ khi nó xảy ra, chúng ta quả thật chỉ còn biết im lặng và cam chịu.
Năm 1967, hai nhà tâm lý học Martin Seligman và Steve Maier tiến hành một thí nghiệm nổi tiếng mà có thể làm phật lòng những người yêu động vật. Hai chú chó, tôi tự đặt tên chúng lần lượt là VẤT VẢ và TỘI NGHIỆP, tham gia vào thí nghiệm không lấy làm thoải mái cho lắm.
VẤT VẢ được đưa vào một căn phòng nhỏ có một chiếc công tắc trong tầm với. Khi thí nghiệm bắt đầu, thỉnh thoảng VẤT VẢ sẽ nghe thấy một tiếng chuông và rất nhanh sau đó, nó bị một cú sốc điện nhẹ – đủ làm nó ngạc nhiên và thấy khó chịu. Một thời gian sau, VẤT VẢ nhanh chóng nhận ra quy luật cứ sau tiếng chuông là mình sẽ bị điện giật, nên cứ khi nghe thấy, nó cuống cuồng chạy khắp phòng hòng tìm cách thoát khỏi dòng điện. Và cũng rất nhanh chóng, nó tiếp cận được chiếc công tắc, tắt đi và từ đó mọi chuyện thế là ổn. Đối với chú chó, học được quá trình này không phải dễ dàng gì, vì vậy chú tên là VẤT VẢ.
TỘI NGHIỆP cũng được đưa vào căn phòng với thí nghiệm sốc điện tương tự. Chỉ khác là TỘI NGHIỆP sẽ không được nghe thấy tiếng chuông báo trước và trong phòng cũng không có công tắc tắt nguồn điện nào cả. Tất cả TỘI NGHIỆP nhận được là thỉnh thoảng lại bị điện giật.
Trong quá trình thí nghiệm, VẤT VẢ và TỘI NGHIỆP sẽ nhận được số lượng những cú sốc điện bằng nhau, trong thời gian đủ để cả hai thích nghi được với căn phòng của mình. Điểm khác biệt duy nhất ở chỗ VẤT VẢ tiếp cận được thông tin để kiểm soát khó khăn, còn TỘI NGHIỆP thì không.
Tiếp sau đó, cả hai lần lượt được đưa tới cùng một khoang hình thoi được ngăn đôi và có rào chắn thấp ở giữa – đủ để nhảy qua. Tại đây thỉnh thoảng sẽ có ánh sáng đỏ lóe lên dưới sàn, tiếp đó vài giây là một cú sốc điện như thí nghiệm ban đầu đến từ nửa mặt sàn mà chú chó đang đứng – điều này có nghĩa nếu VẤT VẢ hoặc TỘI NGHIỆP kịp nhảy sang nửa sàn bên kia, chúng sẽ không bị điện giật. Và hãy xem mỗi chú chó sẽ làm gì?
VẤT VẢ với kinh nghiệm có được từ căn phòng có kiểm soát, sau một thời gian đã tìm ra điều mình cần, mỗi khi ánh sáng lóe lên, chú nhảy qua sàn bên kia với vẻ mặt vừa căng thẳng vừa vui sướng (chó có lẽ là một trong những loài thể hiện cảm xúc tốt nhất), từ đó trở đi chú hầu như không phải chịu thêm cú sốc điện nào.
Còn TỘI NGHIỆP thì sao, kết quả vừa thú vị vừa đáng buồn – nó chui vào góc sàn nằm rên rỉ và khẽ rên lên mỗi khi cú sốc điện tới, và không thêm một chút động thái nào khác. Trải nghiệm tới từ căn phòng đầu tiên đã làm nó không nhận ra mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, và lối mòn tư duy này tiếp tục lặp lại ở khoang phòng thứ hai, nơi mà lẽ ra nó có thể tránh mọi sự khó chịu. Môi trường từ căn phòng đầu tiên đã tước đi khả năng thích nghi và dự đoán, TỘI NGHIỆP đã chọn cách bất lực trong cách tiếp cận khó khăn của cuộc sống nói chung.
(Lời dẫn và mô tả thí nghiệm được dẫn trong trong cuốn sách “Phi lý trí”, tác giả Dan Ariely)

Người mẹ có lẽ không biết rằng bà nên giải thích với đứa bé những lý do về việc tại sao cần “chia đôi”, có thể bà không đủ lí do thuyết phục để giải thích? Khả năng lớn hơn là bà coi thường nhận thức của em bé 3 tuổi, cho rằng giải thích chẳng ích gì. Thật sự sai lầm, sai lầm chính là điểm đó. Dù đứa bé 3 tuổi hay 3 tháng tuổi, nó vẫn cần những lời giải thích, nó sẽ hiểu một cách từ từ, nhưng thứ nó cần là lời giải thích một cách nghiêm túc, chứ không phải quát mắng hay đánh đập. Bi ngô nhà mình, không ai dạy nó banana là quả chuối hết, xem clip minions trên youtube, thấy con minions cầm quả chuối và kêu banana, sau khoảng vài lần hoặc vài chục lần gì đó, Bi ngô tự biết banana là quả chuối. Hoặc xem abc song, có ngôi sao, và trong clip đọc star, khi bố mẹ đọc truyện về giáng sinh, có cây thông, có ngôi sao trên đỉnh cây thông, Bi ngô chỉ ngôi sao và nói “star”, không cần bố mẹ phải dạy chi hết. Nhận thức của một em bé là tuyệt vời. Nếu có điều kiện, nó có thể học song song 2-3 ngôn ngữ một lúc.
 

Leave a Reply