KÝ ỨC THÁNG TƯ

Đang đọc Đảo chìm của TRẦN ĐĂNG KHOA, tối qua đọc bài này, cảm động quá. Chiến tranh, không ai muốn chút nào, chỉ những kẻ cơ hội, “đánh Mỹ tới người VN cuối cùng” là thích thú.

I

Tôi còn nhớ cái ngày gặp Bùi Quang Thận, người đã cắm lá cờ trận mạc lên đỉnh nóc dinh Độc Lập buổi trưa 30 – 4 – 1975. Lá cờ nửa đỏ nửa xanh, nhuốm đầy bụi đường và khói đạn đã hoá đôi cánh chim bồ câu, báo hiệu hoà bình và đấy chính là điểm kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tôi muốn hỏi Bùi Quang Thận về chuyện cắm cờ ấy của anh. Còn anh thì lại bùi ngùi kể về một người đã khuất. Đó là Ngô Văn Nhỡ.

Qua Bùi Quang Thận, tôi biết Ngô Văn Nhỡ là đại uý, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 xe tăng, lữ đoàn 203, binh đoàn Hương Giang. Bảy giờ sáng ngày 30 – 4, tiểu đoàn 1 do Ngô Văn Nhỡ chỉ huy tiến vào cầu Sài Gòn. Đây là một chiếc cầu quan trọng, dài 986 mét nằm trên xa lộ Sài Gòn – Biên Hoà, là trục chính trong một mũi tiến công của ta. Bởi thế, địch chốt chặn rất quyết liệt. Chúng huy động đến 14 xe tăng, xe thiết giáp và hai đại đội bộ binh dàn ra giữ cầu. Chưa kể máy bay giội bom, tàu chiến từ dưới sông bắn lên yểm trợ. Ba xe tăng địch án ngữ ngay trên mặt cầu. Một số xe khác chôn chìm xuống đất chỉ ngóc nòng pháo lên phía cầu. Chúng biến những chiếc tăng đó thành lô-cốt chìm, lô-cốt nổi, lô-cốt di động và quyết cố thủ đến cùng, quyết chặn đứng các mũi tiến công của ta bằng mọi giá. Chiếc cầu quá dài, lại hình vòm. Bởi thế, chiến sĩ ta rất khó quan sát địch, nhất là những chiếc xe tăng địch ở phía mặt cầu sườn bên kia. Còn địch thì rất dễ dàng phát hiện ra ta. Ba chiếc tăng của ta đi đầu, bị bắn cháy. Lửa bốc dữ dội. Mùi thép cháy khét lẹt. Trận đánh diễn ra rất khốc liệt. Chẳng biết địch ở đâu mà hầu như chiếc tăng nào của ta nhô lên cũng bị chúng bắn cháy. Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ bật cửa xe, nhô hẳn người lên trong làn mưa đạn mù mịt để quan sát địch và chỉ huy đơn vị vượt cầu. “Hãy nhằm thẳng Sài Gòn! Tiến lên!” – Đó là tiếng hô khản đặc của anh trong làn khói đạn khét lẹt. Đó cũng là tiếng nói cuối cùng của anh vang lên trong cõi đời này. Cả tiểu đoàn ào ạt vượt cầu, vừa tiến, vừa tiêu diệt địch, theo khẩu lệnh của người chỉ huy đứng sừng sững trên tháp pháo xe tăng. Sau đó thì tắt liên lạc. Nhưng các chiến sĩ vẫn thấy Ngô Văn Nhỡ đứng nhô hẳn nửa người trên tháp pháo. Anh vẫn đang chỉ huy tiểu đoàn hành tiến. Chỉ huy bằng hiệu lệnh. Ai ngờ Ngô Văn Nhỡ đã hy sinh ngay ở trên cầu. Một viên đạn AR15 đã bắn giữa trán anh. Nhưng các chiến sĩ xe tăng, kể cả những người lính bên anh, ở ngay trong chiếc xe anh chỉ huy, cũng không biết anh đã hy sinh, đã chết đứng trên tháp pháo. Họ vẫn tiến theo khẩu lệnh của anh, theo bóng dáng của anh, hạ hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Ngô Văn Nhỡ đã đi vào cửa ngõ Sài Gòn, ngay trong ngày toàn thắng như thế. Anh không biết vào chính giây phút lịch sử ấy, người vợ hiền thảo suốt đời gắn bó với anh, thủy chung với anh, ngay cả khi anh không còn trên cõi đời này đang chuyển dạ đẻ ở một xóm nhỏ vùng Kinh Bắc. Và đứa con trai, giọt máu cuối cùng của anh, chút kỉ niệm duy nhất của anh với chị ở vùng đất lửa Cửa Việt đã chào đời. Đó là sự hiện diện của anh trong ngày đoàn tụ. Và Ngô Văn Việt, cậu con trai của người tiểu đoàn trưởng ra đời trong ngày bố hy sinh ấy, đến nay đã hai mươi tuổi. Năm Việt tròn 18, người mẹ trẻ của cậu, chị Loan, vợ liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ đã đưa con trai về trung đoàn 203, là đơn vị cũ của anh: “Tôi còn mỗi giọt máu này, cũng là giọt máu của anh Nhỡ đây, tôi trao nó cho các anh. Các anh cho cháu được tiếp bước bố cháu, được làm lính xe tăng như bố nó ngày xưa…”
Theo câu chuyện của Bùi Quang Thận, tôi lần về trung đoàn 203.
– Anh muốn gặp cháu Việt à?
Nguyễn Văn Thông, trung đoàn trưởng trung đoàn 203, tiền thân của lữ đoàn 203 bắt tay tôi niềm nở:
– Nó là hạ sĩ rồi. Tối, tôi sẽ bảo cháu lên đây gặp anh. Thằng bé đẹp trai lắm. Đẹp như bố, cũng giống bố cái trán bò liếm. Cậu ta là con cưng của trung đoàn đấy. Ai cũng thương nó. Anh Bùi Tùng vừa thư cho tôi. Anh Tùng chắc anh biết chứ. Anh ấy là chính ủy cũ của lữ đoàn, người cùng anh Phạm Văn Thệ bắt tổng thống Dương Văn Minh. Bây giờ, anh ấy về hưu, vào ở tít mãi trong Sài Gòn.
Nói rồi, Nguyễn Văn Thông trao cho tôi bức thư của chính ủy Bùi Tùng. “Thông ơi, cho mình thăm tất cả anh em, những người đang bảo vệ thành quả cách mạng. Thông cố gắng giúp đỡ cháu Việt nhé. Mình thương cháu lắm mà chẳng biết làm sao được, bây giờ, tuổi già, sức yếu, vả lại về hưu rồi chẳng còn điều kiện gì để giúp cháu nữa, mọi sự trông chờ ở Thông. Thông hãy thương cháu. Tội nghiệp, cháu mồ côi cha từ lúc lọt lòng. Thương anh Nhỡ, chúng ta chỉ còn biết tạo điều kiện để nuôi dạy cháu trưởng thành…”
– Anh Tùng liên tục thư cho tôi. Thư nào cũng nhắc chuyện cháu Việt. Chuyện cháu dài lắm. Các nhà văn có thể viết tiểu thuyết được đấy. Có khi còn dựng được cả phim nữa. Tôi cũng có biết chút ít mà.
– Chắc anh ở cùng đơn vị anh Nhỡ?
– Vâng, anh Nhỡ là tiểu đoàn trưởng. Còn tôi lúc đó là trung đội phó trung đội trinh sát. Công việc chính của tôi là theo dõi tình hình địch, báo cáo cấp trên để cấp trên nắm được và tìm cách xử lý. Trong đời tôi, có lẽ tôi chưa bao giờ được chứng kiến một mối tình mạnh mẽ và đẹp đến thế mà kết quả của mối tình ấy là sự ra đời của cháu Việt, một người lính của tôi bây giờ.
– Anh có thể tiết lộ được điều gì chăng?
– Tất nhiên, tôi biết không được chi tiết lắm. Bởi nhiệm vụ của tôi là trinh sát, nhưng là trinh sát địch, chứ không phải trinh sát ta. Chuyện anh Nhỡ yêu chị Loan ở quê thế nào, tôi không rõ. Nhưng hôm chị Loan lặn lội vào tận Cửa Việt tìm chồng thì tôi biết. Tôi là người gặp chị trước tiên. Chị hỏi thăm tôi. Lúc đó, chị trẻ lắm, lại đẹp nữa. Mặt tròn, da trắng nõn. Tôi còn nhớ chị mặc quần lụa đen, áo xanh Sĩ Lâm, một tay cắp nón, khoác trước ngực, một tay xách cái túi vải, chân đi dép cao-su, kiểu dép đúc bộ đội. Trông chị, tôi đoán ngay chị là người thôn quê. Sau hỏi, thấy đúng. Chị ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hoà, Hà Bắc. Người nhà quê yêu bao giờ cũng thấm đượm, sâu sắc và dữ dội. Cũng phải yêu mãnh liệt đến thế nào mới dám lặn lội vào tận chiến trường. Cửa Việt, Quảng Trị lúc bấy giờ là một mặt trận nóng bỏng. Địch chốt bốn xung quanh. Lớ ngớ lại đi nhầm vào chỗ địch, tìm địch hỏi thăm đường thì chỉ có toi mạng. Bởi thế khi tôi báo cho ông Nhỡ là có vợ vào thăm, ông ấy không tin. Làm sao có thể tin được. Ông ấy cho tôi bịa, tôi lỡm ông ấy, nên quyết không ra đón. Chị Loan phải lọ mọ vào tận hầm ông Nhỡ. Lúc đó, ông ấy mới ngớ ra. Đúng là vợ thật. Thật trăm phần trăm, và vợ mới cưới. Thế là chúng tôi tíu tít chuẩn bị căn buồng hạnh phúc cho hai người. Gọi buồng hạnh phúc, là gọi cho sang, thực tình, đó là căn hầm tăng, anh em sơ tán, nhường cho anh chị ở tạm. Lúc bấy giờ, ở chiến trường làm sao có chiêu đãi sở. Nhưng không thể vin cớ chiến trường để có thể ăn ở lộn xộn hay tạm bợ. Chúng tôi trang trí căn hầm bằng những tấm vải dù, những tờ giấy báo, rồi bí mật cử nhau canh gác cẩn thận, cắm lá lên nóc hầm. Ấy là ký hiệu bí mật quân sự. Có cha còn viết nguệch ngoạc lên cái vỏ đạn dựng ở cửa hầm: Khu quân sự tối mật. Cấm vào. Chúng tôi muốn tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ của chúng tôi và người vợ trẻ xinh đẹp có được những giây phút thực sự êm đềm, thanh thản, trước khi bước vào trận chiến đấu khốc liệt nhất.

II
Ngô Văn Việt, người chiến sĩ xe tăng, ra đời vào mùa xuân năm 1975 ấy, tuổi ra đời của anh là tuổi của chiến dịch thần tốc lịch sử, và ngày tháng năm sinh của anh, cũng là ngày tháng năm mất của bố anh, một tiểu đoàn trưởng, một người lính xe tăng anh hùng, mặc dù anh không có trong danh sách anh hùng. Người lính trẻ ấy, bây giờ đang ngồi bẽn lẽn trước tôi. Tôi lặng lẽ ngắm anh, cố tìm ở anh, một chút bóng dáng, đường nét nào đó của người tiểu đoàn trưởng dũng cảm đã khuất. Anh trẻ hơn so với sự tưởng tượng của tôi, cũng đẹp trai hơn là tôi nghĩ. Nói đẹp trai, có lẽ không phải. Đúng ra là xinh trai. Mái tóc đen nhánh, bồng bềnh như sóng lượn. Da trắng nõn. Cặp môi ướt đỏ, gọn như một nét vẽ. Hai má chín ửng như thoa phấn. Trông anh có dáng dấp của một thiếu nữ đang ở tuổi dậy thì. Anh thỏ thẻ trả lời chúng tôi, tay cấu cấu mép bàn. Rồi lại ngỏn nghẻn cười. Và rồi thay cho việc trả lời những câu hỏi lẩn mẩn của “bác” nhà báo, anh mời “các bác” về quê, thăm mẹ anh, và bà nội anh, người có ba con trai là liệt sĩ, vừa được Nhà nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
III
Con ngựa sắt dã chiến lại lọc cọc đưa chúng tôi qua những con đường đất đỏ, gập ghềnh ổ trâu ổ bò về xã Đức Thắng, Hiệp Hoà, Hà Bắc. Cùng đi với chúng tôi, ngoài nhà văn Ngô Vĩnh Bình, có hạ sĩ Ngô Văn Việt và thiếu tá Nguyễn Mạnh Hồng, chủ nhiệm chính trị trung đoàn. Đến xã Đức Thắng, chúng tôi tạt vào bệnh xá tìm chị Loan. Quả như lời trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thông, chị Loan vẫn còn trẻ và đẹp, mặc dù năm nay, chị đã xấp xỉ lên lão. Ở nhà quê, một người phụ nữ năm mươi tuổi đã có thể xem như một bà lão. Thế mà “bà lão” Loan vẫn chẳng có dáng vẻ bà lão chút nào. Năm anh Nhỡ hy sinh, chị mới ở tuổi 28, và rồi chị cứ ở vậy, không đi bước nữa. Tuổi xuân chỉ có một lần, và đời người cũng chỉ có một lần. Trời đã bắt chị phải chịu sự thiệt thòi, sao trời còn cay nghiệt ban cho chị quá nhiều nhan sắc. Để bù lại nỗi mất mát đó chăng? Với nhan sắc ấy, chị có thể làm hành trang cho một chuyến đi mới. Có bao nhiêu con đường bọc lụa trải ra trước mặt chị, chờ chị đặt chân lên? Tại sao chị vẫn đứng vậy làm nàng Vọng Phu? Trên đất nước này có bao nhiêu nàng Vọng Phu như thế? Chỉ riêng trong căn nhà của mẹ Sửu – mẹ chồng chị – đã có đến hai nàng Vọng Phu rồi. Nhưng ánh mắt ướt át kia, làn da trắng mịn như ngà kia, đâu phải đã hoá đá.
– Thực tình, có rất nhiều người muốn đến với tôi, trong đó có cả những người từng là đồng đội cũ của anh Nhỡ. Họ thương tôi lắm. Có người vì anh Nhỡ mà thương tôi, thương cháu. Họ xin tôi cho phép họ được thay anh Nhỡ chăm sóc cháu và chăm sóc tôi. Nhưng tôi rất thương mẹ, thương cháu, và thương cả anh Nhỡ nữa. Không ai có thể thay thế anh ấy được, dù họ tốt vô cùng và thương tôi hết lòng hết dạ. Nhưng mỗi khi nghĩ đến một người đàn ông khác, không phải anh Nhỡ, là tôi lại thấy se thắt cả ruột gan. Tôi đi bước nữa ư? Mẹ tôi chắc là đồng ý ngay. Bà cụ cũng nhiều lần bóng gió, ý muốn mở cửa cho tôi đi. Nhưng chính vì bà cụ sẵn sàng để cho tôi đi mà tôi lại không thể đi được. Vì nếu đi thì khổ mẹ tôi quá. Bà cụ đã mất con, lại mất cả dâu. Con tôi cũng thế. Cháu đã mồ côi bố, giờ lại thiếu cả mẹ, dù mẹ vẫn còn trên thế gian này. Nghĩ thế, tôi không thể đi được. Làm người khổ lắm, chú ạ. Chị dâu tôi cũng thế đấy. Chị ấy là vợ bác Đồng, anh ruột anh Nhỡ. Bác Đồng hy sinh khi là trung tá, là chính ủy trung đoàn. Lúc đó, chị ấy cũng còn trẻ lắm, mới có mỗi cô con gái bé bỏng. Thế rồi, chị ấy cũng lại ở vậy cho đến tận bây giờ, khi đã thành một bà lão rồi. Chỉ có chú Hảo, em ruột anh Nhỡ hy sinh năm 22 tuổi, mới là binh nhất, chưa kịp lấy vợ. Nếu chú ấy cưới vợ, thì có lẽ nhà tôi lại có thêm một người đàn bà goá bụa ở vậy nữa…
– Chắc chị yêu anh Nhỡ từ hồi học phổ thông?
– Không, hồi học phổ thông, anh Nhỡ chẳng biết tôi đâu. Anh ấy hơn tôi đến hơn chục tuổi. Dạo anh ấy đi bộ đội, tôi còn bé lắm, vẫn đang đi học mà. Rồi tôi tham gia thanh niên xã. Hồi bấy giờ chiến tranh, gian khổ, nguy hiểm và đói nữa, nhưng vui lắm. Tối nào cũng tụ tập, sinh hoạt, hát hò, rồi phong trào Ba sẵn sàng, Ba đảm đang. Rồi cứu thương, cứu sập, lấp hố bom, tải đạn ra trận địa pháo. Rồi xung phong vào Trường Sơn. Ngày nào cũng nườm nượp, rầm rập người. Trên đường cái lớn dằng dặc những đoàn quân ra trận. Trông anh nào cũng trẻ. Họ vừa đi vừa hát những bài ca hùng tráng. Rồi buông lời bông đùa với các cô gái đi xe đạp trên đường, hoặc đang cấy hay đang làm cỏ dưới ruộng. “Chờ anh nhé, anh sẽ trở về”. “Em ơi, nhớ chờ anh nhé”. Không biết trong số các chàng trai ấy, có ai còn trở về không? Có lần, chúng tôi tụ họp ngay tại sân nhà anh Nhỡ. Mấy đứa con gái cứ cấu chí nhau, tranh nhau làm dâu mẹ Sửu: “U ơi, chúng con xếp hàng cả một dãy đây này, u ưng ai thì u chấm đi!”, “U ưu tiên con nhé, con thành phần cơ bản!”. “Không, con cơ bản hơn. Con gia đình liệt sĩ.” “U ơi, sắp tới, anh Nhỡ về phép, u cưới con cho anh ấy nhé!”. Đấy, cứ chí choé thế. Đứa nào cũng mồm năm miệng mười. Nhưng chẳng đứa nào biết mặt anh Nhỡ. Đùa quá rồi hoá thật. Anh Nhỡ về phép, thình lình tìm đến nhà tôi. Tôi nhìn anh ấy, ngỡ ngàng. Thoạt đầu tôi lại tưởng anh bộ đội nào đến xin tre. Tôi bảo luôn, để anh ấy khỏi ngượng khi hỏi xin: “Tre nhà em mấy búi kia kìa. Anh thích cây nào thì cứ ra đó mà chặt. Tre xã hội chủ nghĩa đấy”. Anh ấy cười bẽn lẽn: “Không, anh không đến xin tre. Anh tên là Nhỡ, con ông Lẫm bà Sửu, em bác Đồng. Anh về phép một tuần, u anh bảo anh đến thăm em, và gia đình em…” Đấy, anh ấy chỉ nói được có thế, rồi mặt đỏ lựng lên. Hai tay cứ thay nhau vần cái mũ cối như vần một quả bóng. Rồi anh ấy lại đi. Mấy tuần sau, tôi nhận được thư. Mãi đến giữa năm 1973, anh ấy mới lại về phép. Chúng tôi cưới nhau trong đợt phép ngắn ngủi ấy. Năm đó, bà cụ tôi lại xây nhà. Công việc rất bề bộn. Nhà chưa xong móng thì anh ấy lại đi. Rồi từ đó, anh ấy không trở về nữa…
– Chị vào thăm anh ấy hồi nào?
– Hồi giữa năm 1974. Bố chồng tôi khuyên tôi đi thăm anh ấy. Ông cụ lạ lắm, rất ít nói, nhưng thương con hết mực. Khi được tin con hi sinh, ông cụ thường ngồi như hoá đá. Gương mặt dường như chẳng thay đổi gì. Tôi còn nhớ cái hồi nhà tôi đang làm giỗ bác Đồng, thì xã lại mang giấy báo tử chú Hảo đến. Họ không biết nhà đang có giỗ. Mẹ tôi nhột cả người, chỉ còn thiếu ngã vật ra. Còn bố tôi thì vẫn bình thản. Ông cụ điềm nhiên pha trà. Bàn tay hơi run. Nhưng gương mặt thì vẫn tỉnh như không. Rồi ông cụ chỉ hỏi: “Nó bị ở đâu? Viên đạn giết nó từ hướng nào? Trước mặt hay sau lưng?” Tôi không hiểu sao ông cụ chỉ quan tâm đến điều đó. Mấy người con của ông già, kể cả anh Nhỡ, đều ngã xuống vì những viên đạn bắn thẳng từ phía trước mặt. Khi con hy sinh, ông cụ vẫn bình tĩnh như thế, như là chẳng có chuyện gì cả. Rồi đợi đến khuya, khi cả nhà đã ngủ hết, ông cụ mới chui vào giường, trùm chăn khóc một mình. Tôi vào thăm anh Nhỡ cũng là do ông cụ đấy. Cụ bảo: “Bố già rồi, lại tàn tật, nên không đi thăm nó được…” (Ông cụ bị ngã xe từ năm bảy hai. Nhà tôi rất nghèo, quanh năm đói, không có tiền thuốc thang chạy chữa nên rồi thành tật. Ông cụ đi lại tập tễnh, rất vất vả, về cuối đời thì nằm liệt giường, nằm liệt cho đến khi chết). “Con vào với nó đi. – Ông cụ khuyên tôi. – Sắp tới, chắc lại đánh nhau to đấy. Chuyến này, không khéo nó không còn trở về được nữa đâu. Nó là con trai bố, bố biết. Con chịu khó, tranh thủ vào với nó một tí”. Thấy tôi ngần ngừ, ông cụ bảo: “Mày không có tiền phải không? Nhà mình còn mỗi con trâu là có giá đấy. Thôi, để bố bán đi, cho mày lấy tiền, mày vào với nó.” – Đắn đo một lát, ông cụ bảo “Bố không xui con nói dối đâu, nhưng trong trường hợp này lại không thể nói thật được. Nếu gặp được nó, con cứ bảo là nhà mình vẫn còn đủ ăn. Bố cũng đã được bệnh viện chữa cho khỏi chân rồi, chữa không mất tiền. Rồi con nhớ kể cho nó nghe về cái nhà ngói này, cứ nói là đàng hoàng, trong nhà không thiếu gì. Có nói quá lên một tí cũng không sao cả”. Thế rồi tôi khăn gói ra đi…
Người đàn bà dừng lại. Hai vai tròn trịa khẽ run rẩy như có một luồng gió lạnh thổi qua. Tôi không dám nhìn vào gương mặt chị. Tôi quay ra ngắm căn phòng, là nơi làm việc, cũng là nơi ở chính của chị. Căn phòng tuềnh toàng, không trang trí gì. Một chiếc tủ lớn chắn ngang, vừa đựng thuốc, vừa làm tấm bình phong che chiếc giường đơn với tấm chiếu hoa côi cút. Ngoài kia, một chiếc bể trơ đáy, đầy lá nhãn rụng. Bệnh xá vắng hoe.
– Từ ngày anh Nhỡ hy sinh, sao chị không ở nhà, lại ra ở hẳn trạm xá. Ở đây tiếng thế mà vắng vẻ, nói dại, nếu không may chị bị cảm hay ốm đau gì, nhất là đêm hôm khuya khoắt…
Tôi hỏi cho có chuyện để xua đi cái không khí nặng nề trùm khắp căn phòng.
– Tôi không thể ở nhà được, chú ạ. Ở nhà anh Nhỡ, cái gì cũng gợi cho cho tôi nhớ đến anh ấy. Dù cái nhà được dựng sau này, nhưng vẫn dựng trên nền đất cũ. Các cô chú và anh em trong nhà rất thương tôi, làm cho tôi một căn hộ riêng. Nhưng ở một mình sợ lắm. Cái nhà cứ trống tuềnh trống toàng. Thiếu có một người mà hoá ra thiếu tất cả. Từ ngày cháu Việt vào lính, tôi dọn ra ở hẳn đây luôn. Ở đây, dẫu sao vẫn có người, đỡ lạnh, cũng khuây khoả được chút nào đấy, chú ạ…
Nói rồi, chị Loan đứng dậy, khép cửa, dặn dò cô y tá trực mấy câu gì đó, rồi tất tả dẫn tôi về nhà.
Nhà anh Nhỡ ở sâu trong làng. Đó là căn nhà ngói ba gian xây dựng từ năm 1973. Mái ngói hình vẩy rồng, đã đen xỉn vì mưa nắng. Căn nhà có vẻ u tịch, lành lạnh và thâm nghiêm như một khu nhà thờ. Bây giờ chỉ còn mẹ Sửu, 73 tuổi ở đó với người con trai út. Mẹ dành ra cả một gian riêng để thờ ba người con đã chết ngoài mặt trận. Một bàn thờ với ba bát hương và tấm hình ba người con trai được ghép lại. Đứng đầu là Ngô Văn Đồng, trung tá chính ủy trung đoàn, hy sinh năm 1973, rồi đến Ngô Văn Hảo, binh nhất, hy sinh năm 1968, cuối cùng là Ngô Văn Nhỡ, đại uý, tiểu đoàn trưởng xe tăng, hy sinh ngày 30 – 4 – 1975 trước cửa ngõ Sài Gòn.
Chị Loan để chúng tôi nói chuyện với bà mẹ, rồi con cón đi quét sân, thu dọn cửa nhà. Trông chị có cái dáng xăm xắn, dịu dàng của một nàng dâu hiếu thảo. Hơn hai mươi năm nay, chị đã quen làm dâu như thế. Một nàng dâu không chồng…
– Tôi thương thằng Nhỡ lắm. – Giọng mẹ Sửu trầm lắng. – Nhà tôi nghèo. Con cái chẳng đứa nào học được hết phổ thông. Thằng Nhỡ cũng chỉ hết lớp Bảy, rồi vào bộ đội. Trước đó, nó cũng đã đi làm để kiếm tiền nuôi em. Khi vào bộ đội, được lương 5 đồng một tháng, nó cũng chắt chiu gửi về đỡ đần tôi. Hồi nó về phép cưới vợ, tôi lại đang làm cái nhà ngói này, trước đây toàn ở nhà gianh, chưa mưa đã dột, chưa gió đã lạnh. Hôm nó về, nhà dỡ mất rồi, đêm ấy trời lại mưa rét, nó nằm ở ngoài vườn. Bây giờ, nó cũng đã về được đây rồi, nhà cũng khang trang hơn, nhưng nó vẫn phải nằm ở ngoài vườn, không thể vào nhà được. Khổ thân con tôi. Cái số nó không được ở nhà ngói. Nhà bây giờ rộng thế này, ấm thế này mà nó vẫn phải nằm mãi với sương gió ở phía ngoài vườn kia…
Bà mẹ lấy khăn chấm nước mắt, rồi lặng lẽ chỉ qua khung cửa sổ mở rộng. Ngoài đó là khu vườn mênh mông. Sau mấy vạt dứa, mấy cây bạch đàn liễu đứng thẫn thờ trong làn mưa bụi mỏng như sương khói là Nghĩa trang liệt sĩ của gia đình. Ở đó có bốn ngôi mộ vừa được xây xong vào dịp giáp Tết. Cả ba người con trai dũng cảm của gia đình đều được đưa về nằm ở đó. Bên cạnh mộ ba người con trai là mộ một người lính già, người lính Cách mạng, dù chưa bao giờ khoác áo lính. Đó là ông già Ngô Văn Lẫm, người vừa mất cách đây mấy năm.
– Mẹ biết tin anh Nhỡ hy sinh khi nào?
– Tôi biết ngay từ hôm nó mất. Hôm ấy là ngày 30- 4. Đài báo tin Sài Gòn giải phóng. Cả làng vui như Tết. Buổi chiều lại có mưa rào. Nước tràn cả mặt đập. Thằng cháu tôi úp được rất nhiều cá, tối đã định ăn mừng. Nhưng tôi bảo cứ úp trong thùng, chờ thằng Nhất về cho đủ người nhà đã rồi mới ăn. Thằng Nhất hôm đó đi đâu mãi mạn Hải Phòng. Thế rồi tối ấy, tôi nằm mơ. Tôi thấy thằng Nhỡ về, mặt nó đầy máu. Nó về cùng với hai anh bộ đội nữa. Tôi giữ ở lại ăn cơm, tôi bảo nhà có cá em nó úp được. Nhưng không ai chịu ăn. Các anh ấy đòi đi ngay. Thằng Nhỡ chẳng nói gì. Tôi bảo thằng Nhỡ làm sao thế? Sao nó chẳng nói gì cả? Các anh ấy bảo: Anh Nhỡ bị thương vào đầu, lại bị sức ép, sinh ra mất trí, nên không nói được. Thằng Nhỡ cứ đứng nhìn tôi đăm đăm. Rôi nó khóc. Nước mắt có máu. Thế là tôi bừng tỉnh. Lúc ấy, con mẹ Loan đang ở cữ thằng Việt. Bà thông gia của tôi, mẹ cái Loan cũng đang ở đây trông nom cháu. Tôi không nói gì với cái Loan, nhưng bảo bà cụ: “Không khéo thằng Nhỡ chết rồi, bà ạ. Tôi thấy nó bị bắn vào đầu. Chắc là nó chết rồi”. Thế rồi hôm sau, thằng Nhất về, mặt nó tái dại đi. Tôi hỏi: Con ốm à? Nó không nói. Tối, nó ra sau bếp khóc rấm rứt. Tôi gặng mãi nó mới nói. Nó bảo anh Nhỡ chết rồi. Báo nói rồi. Đi Hải Phòng, nó mua được tờ báo Nhân Dân. Tờ báo in ngày 1- 5. Trông chỗ nào cũng có chữ đỏ. Báo có in một bài báo của bác nhà báo nói về trận đánh của thằng Nhỡ trên cầu Sài Gòn, báo nói thẳng ra là thằng Nhỡ đã chết ngay trên nóc xe tăng. Trong bài báo có cả lời bác Lê Trọng Tấn nói về thằng Nhỡ. Nhưng không viết hẳn ra là Nhỡ mà chỉ viết tắt là Ngô Văn N, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 xe tăng. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 thì đúng là tiểu đoàn thằng Nhỡ rồi. Thằng Nhất nó bảo thế. Rồi mấy ngày sau, tôi nhận được thư bác Tùng. Rồi bác Tùng thân sinh về đây. Bác ấy cho tôi cái đài, cho con mẹ Loan mười hai hộp sữa. Sao có người đâu mà tình nghĩa đến thế…
– Thế lâu nay, mẹ có gặp bác Tùng không?
– Không, nghe đâu bác ấy vào ở mãi trong Sài Gòn. Xa lắm. Còn các anh đơn vị thằng Nhỡ thì về luôn luôn. Năm nào các anh ấy cũng về, có khi các anh ấy về thăm tôi lại còn chăm hơn cả thằng Việt bây giờ. Cái thằng giống bố như đúc. Gan thằn lằn cóc tía. Mà sao mày cứ ngồi ngẩn ra như cái thằng dại gái thế, hả Việt? Dậy thắp cho bố nén hương đi, con. Thắp cho cả bác Đồng với chú Hảo nữa…

Leave a Reply