TTC – Đọc quyển “Lịch sử nhà Thanh” (“Thanh sử cảo” – Lang Viên), tôi chú ý một điều: Trước khi mất, vua Thuận Trị chỉ viết 4 chữ dặn dò con trai là vua Khang Hy. 4 chữ đó là “Vĩnh bất gia phú” (mãi mãi không được tăng thuế).
Vừa qua, báo chí cho biết bà con nông dân ở một số tỉnh phía Bắc đã đóng tới 28 loại phí và lệ phí hàng năm. Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Tài chính lập tức rà soát lại các loại phí và lệ phí này, tất nhiên là phải bỏ những khoản đóng góp không hợp lý do các địa phương cao hứng chế ra. Điều này nằm trong chủ trương “Khoan sức dân”.
Càng “khoan” đúng thì dân càng sướng. Trong chủ trương đó, Hội đồng Nhân dân TP.HCM vừa lắc đầu, bác tờ trình xin tăng học phí của 2 tác giả: Sở Giáo dục – Đào tạo và Sở Tài chính hợp soạn. Tờ trình ấy ra đời trong một thời điểm nhạy cảm, khi mà nhân dân, cán bộ, công chức, chiến sĩ đang… xách dép để chạy theo sự tăng giá của các mặt hàng trên thị trường. “Giá tăng lơ lửng trên trời – Chúng ta liên tiếp xách nón cời chạy theo” – có câu thơ làm chứng như vậy.
Căn bản là gia đình nào cũng có con em đi học, tăng học phí là tăng chi tiêu của từng gia đình, là tạo ra ảnh hưởng đô-mi-nô tới tăng vật giá, mà nhân dân thì chẳng khoái chơi đô-mi-nô! Trong thiên hạ có 3 loại trường. Tư thục và bán công là loại trường có đóng học phí; công lập là loại trường đương nhiên miễn học phí. Ấy vậy mà chúng ta đã làm một việc quái đản: Buộc học sinh công lập đóng học phí. Đã đóng rồi, nay còn bị đề nghị tăng nữa.
Các nhà nho báo Tuổi Trẻ Cười gọi đó là “Vĩnh hữu gia phí” (cứ tăng phí miết), nghe không sướng cái bụng chút nào! Trong các dịch vụ, dịch vụ xe buýt được coi là tệ hại nhất, chạy quàng chạy ẩu, làm ăn ạch đụi, kinh doanh hổng ra kinh doanh, phục vụ hổng ra phục vụ. Ấy vậy mà nó được trợ giá to béo như một đứa con ngoan.
Sở Tài chính hô tăng học phí 1 năm có thể kiếm thêm 300 tỉ đồng, quên mất thằng con hư xe buýt 1 năm gấp đôi số tiền đó. Đây là cách bắt con ngoan giáo dục nhịn bớt sữa cho con hư xe buýt bú. Than ôi, cách nhìn vấn đề sao mà buồn lắm vậy? Đại phàm, trước khi tán tỉnh một cô gái, người ta phải cầm sơ sơ một vài… ngón tay của cô gái đó, xem cô ta để yên hay không, rồi sau đó mới “loan tin tức cho tàu chạy ven biển”.
Các nhà nho 2 Sở Giáo dục – Đào tạo và Sở Tài chính từng rành 6 câu về chuyện này, sao lại quên đưa dự thảo tờ trình ra thăm dò dư luận nhân dân trước? Bì tôi cho là thái độ “nài hoa ép liễu”, đưa tờ trình ra Hội đồng Nhân dân một cách đì-rét như vậy thật quá vội vàng. May mà Hội đồng ta từ tốn nói “Em chả…”. Hú ba hồn chín vía HỌC PHÍ về ăn cơm ăn cá! “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân giáo dục trước lo trừ dốt” – 2 vế này có vẻ quen quen.
Ta tăng học phí đã không làm yên lòng dân, lại có nguy cơ làm con em bỏ học, giặc dốt thắng lợi. Ngành Mầm non tại thành phố Hà Nội định chuyển 5 trường bán công mẫu giáo thành trường tư thục, học phí tăng từ 200% đến 400% mà bà con đã không thống nhất. Nói rằng tăng học phí lên để có chất lượng cao thì sẽ khiến cho phụ huynh suy nghĩ rằng hóa ra trước nay, 5 trường trên chỉ đạt chất lượng thấp do ít tiền.
Ai nói vậy được chứ ngành giáo dục thì không nên nói vậy. Cứ theo báo Tuổi Trẻ Cười thì cả nước cần tăng cao việc chống tham nhũng trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, trốn xâu lậu thuế, lãng phí. Xin giảm bớt hoa hòe, lễ lộc, cờ phướn, trống kèn, họp hành, bao thư, đãi đằng ăn uống, vui chơi nhảy múa. Bản thân ngành giáo dục cũng nên giảm bớt các hoạt động mang tính hình thức.
Thí dụ như “Hội nghị các chánh văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo” tổ chức ngày 21-6 tại Đà Nẵng vừa qua. Chỉ cần 1 văn bản chỉ đạo đã có thể thay cho hội nghị tốn quá nhiều tiền như vậy!
Theo gương người xưa, báo Tuổi Trẻ Cười cũng xin kêu gọi các ngành, các địa phương “Vĩnh bất gia phí” (mãi mãi không tăng phí). Xin hãy khoan sức dân chứ dừng “dùi” vào sức dân. Chúng ta không lẫn lộn 2 chữ “khoan” và “dùi”, bởi chữ “khoan” ở đây hoàn toàn không dính dáng gì đến nghề thợ mộc! Nếu không khoan được thì xin đừng đè dân ra mà dùi.
Thanks for the sensible critique. Me and my neighbor were just preparing to do a little research on this. We got a grab a book from our area library but I think I learned more from this post. I’m very glad to see such fantastic information being shared freely out there.