Mấy hôm vừa rồi bà em không lên bục giảng được vì phải bôn ba hết huyện lại đến tỉnh gọi thợ về sửa đường nước cho thôn. Nghe đâu bà phải dùng đến nước dọa "sẽ lên vườn hoa Mai Xuân Thưởng phản ánh thái độ phục vụ" thì các bác trên huyện mới cho người về sửa đường nước cơ đấy. Tranh thủ lúc bà đang ngồi trông thợ, em lân la gợi chuyện:
Bống: Bà ơi, bà rảnh chưa? Bà dạy tiếp cho chúng cháu về chủ nghĩa Marx đi!
Bà Nông thị Cạn: Cha bố anh! Suốt ngày vòi vĩnh bà… Thế hôm trước bà giảng tới đâu rồi?
Bống: Bà nói rằng chủ trương kế hoạch hóa – hay quan điểm ủng hộ Nhà nước quản lý thị trường – của Marx xuất phát từ những quan điểm sai lầm… …
Karl Marx 101 (bài thứ tư)
tqvn2004
Bài thứ tư: Kế hoạch hóa và cái chết của động lực phát triển xã hội
Mấy hôm vừa rồi bà em không lên bục giảng được vì phải bôn ba hết huyện lại đến tỉnh gọi thợ về sửa đường nước cho thôn. Nghe đâu bà phải dùng đến nước dọa "sẽ lên vườn hoa Mai Xuân Thưởng phản ánh thái độ phục vụ" thì các bác trên huyện mới cho người về sửa đường nước cơ đấy. Tranh thủ lúc bà đang ngồi trông thợ, em lân la gợi chuyện:
Bống: Bà ơi, bà rảnh chưa? Bà dạy tiếp cho chúng cháu về chủ nghĩa Marx đi!
Bà Nông thị Cạn: Cha bố anh! Suốt ngày vòi vĩnh bà… Thế hôm trước bà giảng tới đâu rồi?
Bống: Bà nói rằng chủ trương kế hoạch hóa – hay quan điểm ủng hộ Nhà nước quản lý thị trường – của Marx xuất phát từ những quan điểm sai lầm…
Bà Nông thị Cạn (rít một hơi ba con 5): Ừ, quan điểm của Marx về một nền kinh tế do Nhà nước chỉ đạo tập trung không chỉ xuất phát từ những lý luận sai lầm, mà còn dẫn đến hậu quả tai hại, đó là triệt tiêu động lực phát triển của xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà từ trước đến nay tất cả những nước đi theo chủ nghĩa Marx đều lâm vào cảnh đói nghèo và thiếu thốn vật chất đâu…
Bống: Bà nói thế nào chứ, cháu thấy Liên Xô ngày xưa là đã từng là cường quốc thế giới, đã đánh thắng cả Phát xít, lại còn đưa cả bác Tuân và lọ penexilin bèo hoa dâu nhà ta đi lên vũ trụ đấy thôi…
Bà Nông thị Cạn: Cháu thì biết cái quái gì! CNXH là một thứ chủ nghĩa độc tài, do đó nó có khả năng huy động nguồn lực xã hội tối đa vào phát triển một số lĩnh vực nhất định, bất chấp sự mất cân bằng xã hội. Ví dụ như Bắc Triều Tiên có kỹ thuật tên lửa tiên tiến, lại có cả khả năng chế tạo bom hạt nhân, nhưng cả bà cháu ta không thể kết luận rằng dân của họ sống sung sướng được, phải không nào? [1] Trong khi người dân kiệt quệ vì đói khát, nguồn lực đất nước cạn kiệt; chính quyền độc tài vẫn có thể phiêu lưu theo đuổi mục đích riêng của mình. Điều này lý giải những "kỳ tích" thời Sô Viết đấy cháu ạ! Nhưng thôi, bà sẽ quay lại với đề tài "độc tài" và "dân chủ" trong buổi sau…
Bà hỏi thật này, cháu có biết động lực nào khiến cho xã hội loài người phát triển không?
Bống: Có phải "sếch" không hả bà?
Bà Nông thị Cạn (đỏ mặt): Ặc ặc, không phải! Cho thằng này sang nhà lão Dép Lê cho lắm vào để rồi bị tiêm nhiễm cái văn hóa phồn thực của lão…
(Hơi dịu giọng trở lại) Động lực phát triển của xã hội loài người từ trước đến nay chính là "chủ nghĩa cá nhân", định nghĩa một cách văn vẻ " là một triết lý đạo đức, xã hội và chính trị, nhấn mạnh vào quyền tự do cá nhân, đặt lòng tin vào tầm quan trọng của mỗi cá nhân trong cộng đồng và vào đức tính tự lực và sự độc lập của mỗi cá nhân". Còn nói toạc móng lợn thì đó "lòng tham", "tinh thần chạy theo lợi nhuận", "làm theo mơ ước cá nhân" v.v…, tóm lại là tất cả những thói xấu của xã hội tư bản mà Marx phỉ nhổ.
Bà nhớ ông Adam Smith bạn bà ngày xưa có nói thế này: "Mỗi cá nhân thường không có ý chăm lo cho lợi ích cộng đồng, cũng như không biết rằng điều mình làm sẽ đem lại ích lợi cho cộng đồng. Anh ta chỉ nhắm tới lợi ích riêng của mình, nhưng rồi hóa ra lại thúc đẩy lợi ích cộng đồng một cách hiệu quả hơn cả khi anh ta thực sự có ý định thúc đẩy nó" [2]. Đấy, cháu cứ thử sang hỏi thẳng cu Ghết hàng xóm xem vì sao nó bỏ học giữa chừng để sáng lập Mai-cờ-rô-sót? Nó mà trả lời "vì nền kinh tế toàn cầu", "vì văn minh và thịnh vượng chung của nhân loại" hay "vì hòa bình thế giới"… thì cháu cứ vả vỡ mồm nó vì tội nói láo cho bà! Nó vì túi tiền và danh vọng của bản thân nó chứ vì cộng đồng chó gì… Nhưng rút cục, điều cu Ghết làm lại đem đến lợi ích rất lớn cho cộng đồng, phải không cháu?
Bống: Nói như bà thì Chủ nghĩa Cá nhân là tốt?
Bà Nông thị Cạn (cười tủm tỉm): Không hẳn! Chủ nghĩa cá nhân như con dao mổ, có thể dùng để giết người nhưng cũng có thể dùng để cứu người. Tất nhiên là dưới con mắt cực đoan của Marx, con dao mổ luôn là mối đe dọa của nhân loại và vì thế Marx thẳng thừng tuyên bố: "Loài người phải vứt bỏ hết dao đi!". Kể từ khi xóa bỏ chế độ tư hữu, thay thế Chủ nghĩa Cá nhân bằng Chủ nghĩa Tập thể, nền kinh tế các nước XHCN tuột dốc thảm hại…
Bống: Chủ nghĩa tập thể là gì hả bà?
Bà Nông thị Cạn: Trên Wiki người ta định nghĩa thế này: "Chủ nghĩa tập thể (collectivisim) là thuật ngữ dùng để miêu tả mọi học thuyết nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tập thể, thay vì tầm quan trọng của cá nhân. Những người theo chủ nghĩa tập thể đặt quyền lợi cá nhân dưới quyền lợi tập thể, mà tập thể ở đây có thể là một nhóm cá nhân, một xã hội, một quốc gia, một chủng tộc hay một giai cấp". Nói một cách dân dã thì đó là "Cha chung không ai khóc", cháu ạ!
Bống: Ah, cháu biết rồi! Hôm trước cháu thấy bác Trưởng thôn nói: "Khoảnh rừng của hợp tác xã rồi sẽ hóa đồi trọc hết mất thôi. Cha chung không ai khóc mà! Cứ phải khoán cho các hộ dân thì may ra mới giữ được…"
Bà Nông thị Cạn: Đúng đấy cháu ạ! Nhớ lại cái hồi Nhà nước bắt cả thôn vào hợp tác xã, sáng vác cày ra đồng, chiều vác cày về, có người chẳng làm gì cũng tính công bằng người lao động hùng hục mà nẫu hết cả ruột. Vì mất công bằng, vì không có động lực lao động (không làm cũng hưởng như vậy) mà người ta thà bỏ ruộng hoang, chết đói chứ không chịu sản xuất. Chỉ đến khi có Khoán 10 tình hình mới thay đổi. Cháu có biết bản chất của "khoán" là gì không?
Bống: Cháu không biết ạ!
Bà Nông thị Cạn: Khoán thực ra là một biện pháp giải phóng tự do cá nhân mà thôi. Làm nhiều thì anh được hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít. Nhờ có sự cởi trói này, nước ta từ một quốc gia ngửa tay xin viện trợ cứu đói của bọn tư bản đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo đứng thứ hai thứ ba thế giới đấy cháu ạ!
Bống: Thời kỳ mông muội đó qua lâu rồi mà, bà nhắc lại làm gì?
Bà Nông thị Cạn: Ai bảo cháu như thế? Bà đọc mấy bài tham luận của các cậu trí thức trẻ ở đây, thấy rằng quan niệm "bài chủ nghĩa cá nhân, âu yếm chủ nghĩa tập thể" vẫn còn nặng nề lắm. Nhìn vào nền kinh tế hiện nay cũng thấy vô số ví dụ "cha chung không ai khóc" giống khoảnh rừng của thôn ta: Hôm nọ bà đọc báo thấy có doanh nghiệp nhà nước bị lỗ cả trăm tỉ, vậy mà giám đốc vẫn nguyên vị. Phải chi đó là doanh nghiệp tư nhân, với vốn do cá nhân bỏ ra, lỗ vậy là giám đốc bay lâu rồi!
Nói tóm lại, các cháu còn chưa nhìn thấy động lực phát triển xã hội là gì, vẫn còn thù nghịch với chủ nghĩa cá nhân và tơ tưởng chủ nghĩa tập thể thì đất nước này còn lâu mới khá được! Tất nhiên là chủ nghĩa cá nhân có những mặt xấu của nó, nhưng vấn đề ở đây là phải tìm giải pháp hạn chế mặt xấu, khuyến khích mặt tốt chứ không phải là xóa bỏ nó! Chỉ vì tìm cách xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, CNXH đã tiêu diệt động lực phát triển của xã hội, dẫn đến TẤT CẢ các nền kinh tế kế hoạch hóa XHCN đều trì trệ, năng suất thấp, đầy rẫy tham ô và lãng phí. Các nước tiên tiến trên thế giới đã có nhiều cách hiệu quả để kiểm soát chủ nghĩa cá nhân, bắt nó phục vụ cho mình để đem lại thịnh vượng. Nếu có dịp bà sẽ bàn thêm về những biện pháp này.
Còn bây giờ, bà phải ra nghiệm thu công trình vá ống nước đây! Hẹn các cháu lần sau nhé!
_______________
Chú thích của Bống:
[1] Bắc Triều Tiên, thiên đường Chủ nghĩa Xã Hội
Những thước phim về cuộc sống của trẻ em Bắc Hàn
[2] Nguyên văn: "Mỗi cá nhân đều lao động hết sức mình để làm tăng của cải vật chất trong xã hội. Anh ta thường không có ý chăm lo cho lợi ích cộng đồng, cũng như không biết rằng điều mình làm sẽ đem lại ích lợi cho cộng đồng. Anh ta chỉ nhắm tới lợi ích riêng của mình, và trong trường hợp này, cũng giống như nhiều trường hợp khác, anh ta được dẫn dắt bởi bàn tay vô hình để thực hiện một sứ mệnh mà anh ta không hề có dự định thực hiện.
Bằng cách theo đuổi lợi ích riêng của mình, anh ta thường xuyên thúc đẩy lợi ích cộng đồng một cách hiệu quả hơn cả khi anh ta thực sự có ý định thúc đẩy nó. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều điều tốt được làm bởi những người mong muốn kinh doanh vì lợi ích cộng đồng" – Adam Smith, "The Wealth of Nations"