Trong lòng chúng ta ai cũng có một em bé đang đau khổ. Ai cũng có một thời gian khó khăn khi còn thơ ấu và nhiều người dã trải qua những chấn động tâm lý, những tổn thương lớn mà vế thương còn lưu lại đến bây giờ. Để tự bảo vệ và phòng hộ trước những khổ đau trong tương lai, chúng ta thường cố quên đi thời gian đau lòng đó. Mỗi khi tiếp xúc với những kinh nghiệm khổ đau ấy, chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không chịu đựng nổi, sẽ không có khả năng xử lý nên chúng ta nén chặt những cảm xúc và ký ức của mình vào đáy sâu vô thức. Đó có thể là do đã từ lâu chúng ta không đủ can đảm để đối diện với em bé đó.
Cho dù chúng ta bỏ mặc em bé nhưng không có nghĩa là em bé không có ở đó. Cái em bé tổn thương luôn có mặt trong ta và đang cố gắng lôi kéo sự chú ý của ta. Em bé nói: “Tôi ở đây. Tôi ở đây. Bạn không thể tránh tôi. Bạn không thể trốn thoát khỏi tôi”. Chúng ta muốn chấm dứt những nỗi đau khổ của mình bằng cách nhốt em bé vào một nơi sâu kín trong lòng và cho nó ở đó càng lâu càng tốt. Tuy nhiên trốn tránh không thể chấm dứt được nỗi đau khổ, trái lại chỉ kéo dài nó lâu hơn mà thôi.
Em bé bị tổn thương đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc và tình thương của ta, thế nhưng ta lại làm ngược lại. Ta trốn chạy nó vì ta sợ khổ đau. Cái khối sầu khổ và đau buồn trong ta quá lớn. Cho dù có thời gian, ta cũng không trở về với chính mình. Ta luôn cố tìm cách tiêu khiển, như xem phim, xem truyền hình, giao tiếp xã hội, uống rượu bia và ma túy – bởi vì ta không muốn trải qua tất cả những nỗi khổ đau đó nữa.
Em bé bị tổn thương đang ở đó, ấy vậy mà chúng ta không biết. Em bé bị tổn thương trong ta là một thực tại, nhưng chúng ta không thấy được. Không có khả năng thấy được là vô minh. Em bé này đã bị tổn thương vài lần rồi. Nó thực sự cần chúng ta quay trở về để chăm sóc, nhưng chúng ta lại quay lưng bỏ đi.
Vô minh có mặt trong mỗi tế bào cơ thể và trong tâm thức ta. Giống như một giọt mực loang vào trong ly nước. Vô minh làm ta mê mờ, không cho ta thấy được thực tại, khiến ta làm những điều điên khùng dại dột, làm cho ta càng đau khổ hơn. Và cái vết thương đó lại một lần nữa chạm tới em bé bị tổn thương trong ta.
Em bé bị tổn thương cũng đang ở trong mỗi tế bào cơ thể ta. Không có tế bào nào trong cơ thể ta mà không có mặt em bé bị tổn thương đó. Chúng ta không cần phải nhìn xa xôi vào quá khứ để thấy được em bé đó. Chúng ta chỉ cần quán chiếu sâu sắc là có thể tiếp xúc được. Nỗi đau khổ của em bé tổn thương đó đang nằm sẵn trong chúng ta ngay trong giây phút hiện tại.
Tuy nhiên, cũng giống như nỗi khổ đau đang hiện diện trong mỗi tế bào cơ thể ta, thì những hạt giống tỉnh thức, cảm thông và hạnh phúc đã được trao truyền từ ông bà tổ tiên cũng đang có mặt trong ta. Chúng ta chỉ cần lấy chúng ra sử dụng. Chúng ta có một ngọn đèn trong mình, đó là ngọn đèn chánh niệm mà chúng ta có thể thắp lên bất cứ lúc nào. Nguyên liệu cho ngọn đèn đó là hơi thở ý thức, là bước chân chánh niệm, là nụ cười an lạc của chúng ta. Chúng ta phải thắp lên ngọn đèn chánh niệm để ánh sáng được soi chiếu và bóng tối tan đi.
Khi chúng ta bắt đầu ý thức được là mình đã lãng quên em bé bị tổn thương đó, lòng ta tràn ngập tình thương đối với em và ta bắt đầu chế tác năng lượng chánh niệm. Sự thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền thở là nền tảng căn bản của chúng ta. Với hơi thở và bước chân ý thức, chúng ta có thể làm phát khởi năng lượng chánh niệm và quay về tiếp xúc với nguồn tuệ giác đích thực nằm sẵn trong mỗi tế bào cơ thể ta. Năng lượng này sẽ ôm ấp và trị liệu cho chúng ta, cũng như trị liệu cho em bé bị tổn thương trong ta.
(trích Lời mở đầu cuốn “Thiền sư và em bé 5 tuổi” – Thích Nhất Hạnh)