Đừng quát tháo cáu gắt với trẻ con

PHẦN I. Bớt nói “đừng” để trẻ được hồn nhiên

Trẻ từ 4 đến 6 tuổi thường bị la mắng

“Dạo gần đây tôi thấy có nhiều bậc cha mẹ hiếm khi la mắng con cái.”

“Cha mẹ không la mắng con cái là không được rồi.”

Đó là những ý kiến mà tôi vẫn thường nghe thấy, cứ 10 người thì có tới 9 người cùng điểm này.

Nhưng mỗi lần nghe thấy những lời nhận xét đó, tôi lại tự nhủ: “Họ mới chính là những người thiếu hiểu biết.” Tại sao ư? Vì thực tế cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.

Các bậc cha mẹ la mắng con trẻ hằng ngày đồng nghĩa rằng ngày nào chúng cũng gây chuyện để bị la mắng. Trong số những học sinh mà tôi từng dạy cũng có nhiều em thường xuyên bị cha mẹ mắng. Thậm chí, có em còn bị mắng ngay khi vừa thức dậy.

“Con còn định ngủ đến mấy giờ nữa hả? Có dậy mau đi không. Sao con không thể tự giác dậy được vậy hả? Ngày nào cũng để mẹ phải gọi thế.”

Tôi nghĩ rằng phải đón ngày mới bằng những lời nói như vậy thực sự rất đau khổ. Chưa kể đó mới chỉ là bắt đầu.

Các em còn bị mắng ngay cả trong lúc ăn: “Con không nhanh lên để còn ăn sáng à?” “Con rửa mặt chưa? Phải rửa mặt trước chứ?” Trong khi đang luống cuống rửa mặt, các em lại bị mắng rằng: “Con đừng để nước tràn ra ngoài!”, “Đừng có vò khăn mặt như thế!”, “Còn muốn rửa mặt đến khi nào nữa? Nhanh lên còn ăn sáng!” Khi các emđang vội vàng ăn, lại nghe quát: “Nhai cho đàng hoàng vào!”, “Đừng có rung chân nữa!”, “Đặt tay như vậy không được!”, “Cầm đũa cho hẳn hoi xem nào!”, “Con kén ăn quá đấy!”, “Sao con cứ xem tivi mãi thế?”, “Đừng có cãi mẹ!”, “Coi kìa, lại đổ canh nữa rồi”, “Con ăn mau lên đi. Lại để bạn chờ nữa kìa.” Khi ăn xong, chúng vẫn bị mắng: “Con không dọn dẹp bát đũa à? Biết bây giờ là mấy giờ rồi không?”

Sau đó, khi bọn trẻ đem bản lấy ý kiến phụ huynh của nhà trường ra, các bà mẹ vừa xem vừa cằn nhằn khi phát hiện ra hạn chót phải nộp là ngày hôm qua. Tiếp đến sẽ là một tràng “Sao lại thế này? Quá hạn mất rồi. Con làm mẹ xấu hổ chết mất.”

Thực tế đó chính là những gì mà các bà mẹ thường làm. Tôi vừa thuật lại chi tiết cứ như thể tôi là người tận mắt chứng kiến vậy. Nhưng thật ra đây là câu chuyện kể đầu giờ của một em học sinh. Câu chuyện này gây hứng thú cho các em học sinh khác, cả lớp cười phá lên và rất nhiều ý kiến đồng cảm được đưa ra. Các em nhao nhao nói: “Tớ cũng bị như vậy”, “Nhà tớ cũng thế đó”, “Tớ cũng bị mắng như thế”. Câu chuyện của em học sinh đó đã được kể đi kể lại trong suốt một tuần liền.

Buổi sáng, trước khi đi học của các em đã tệ như thế, nhưng khi đặt chân về nhà, vẫn còn nhiều điều tệ hơn đang chờ đợi. Tôi lường rằng các em sẽ còn bị mắng vì những chuyện như: “Con lại không làm bài tập. Tại sao con không tự làm được vậy? Con phải tập làm dần đi chứ?” Các em bị mắng vì bài tập về nhà, bị mắng vì bữa tối, bị mắng vì việc dọn dẹp, bị mắng vì chuyện tắm rửa, bị mắng vì xem tivi, bị mắng vì chơi điện tử, v.v..

Một câu chuyện khác mà tôi đã được chứng kiến ở phòng chờ của bệnh viện nha khoa gần nhà. Hôm đó, có một bà mẹ dắt hai bé gái đến khám. Cô chị chừng 3 – 4 tuổi, còn cô em khoảng 2 – 3 tuổi. Người mẹ đọc truyện cho con nghe, và ngay cả khi ngồi nghe, các em cũng bị mắng: “Mít, con ngồi yên nào!”, “Kìa kìa, con không ra dáng chị được hơn hả?”, “Na, con ngồi ở đó làm mẹ không nhìn thấy được chị con rồi.”

Trích sách “Bớt nói “đừng” để trẻ trưởng thành hơn”

Leave a Reply