Đảng cộng sản VN với nhà nước và dân

Đảng cộng sản VN với nhà nước và dân

Nguyễn Tiến Trung với các quan chức Mỹ tại Tòa Bạch Ốc trước chuuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết
Nguyễn Tiến Trung với ông Dennis Wilder (trái), Phụ tá đặc biệt đặc trách Đông Á của TT Bush và Kurt Tong tại Tòa Bạch Ốc tháng Sáu 2007
Hội nghị Trung ương V của Đảng cộng sản Việt Nam (05-14/07) đang diễn ra cùng với thời điểm người dân biểu tình tại nhiều nơi, đặc biệt là tại Văn phòng Quốc hội II ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hai sự kiện này đã minh họa một cách rõ ràng sự trái ngược giữa những lý luận của Hội đồng lý luận Trung ương đối với thực tế xã hội.

Tại hội nghị kì này, Trung ương Đảng lại phải thảo luận về đề tài lý luận, báo chí. Sau hơn 3/4 thế kỷ thành lập, đảng cộng sản Việt Nam vẫn phải đang chật vật đi tìm lý thuyết để biện minh cho sự độc quyền lãnh đạo của mình.

Hai tay luôn chéo nhau

Những vấn đề của hệ thống chính trị Việt Nam hiện tại đã được cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói rõ: “Nếu lẫn lộn sẽ dẫn tới nghịch lý là Đảng có quyền quyết định song lại không chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn người đứng đầu cơ quan nhà nước không có quyền quyết định lại phải chịu trách nhiệm trước nhân dân theo pháp luật.”

Điều này sẽ dẫn đến tình trạng “Cơ quan nhà nước sẽ trở thành hình thức, trách nhiệm cá nhân sẽ không được đề cao, toàn bộ thiết chế bộ máy nhà nước sẽ rối loạn. Đó là điều tối kỵ!”

Thực chất, hai sự việc nêu trên đã là sự thật chứ không còn là ‘nếu’ hay ‘sẽ’. Cựu chủ tịch Nguyễn Văn An nói như thế có nghĩa là Đảng phải tách ra khỏi Nhà nước, điều mà đáng lẽ đã phải thực hiện từ lâu.

Điều đáng khích lệ là hiện nay đang có nhiều người cao cấp trong đảng đã nói lên sự thật chồng chéo, bất hợp lý đó.

Để biện minh cho vai trò của Đảng đối với Nhà nước, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói ‘Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước’.

Nói như thế phải chăng là muốn khẳng định quyền quyết định tối cao của Đảng đối với Nhà nước, và Nhà nước chẳng qua chỉ là một công cụ để thực thi những quyết định này của Đảng ?

Nan đề ‘Đảng lãnh đạo’

Dù đã nhìn ra vấn đề, nhưng việc tách rời Đảng ra khỏi Nhà nước mà phải ‘đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng’ là vấn đề không thể giải quyết, vì hai việc đó không thể song song tồn tại.

Trong loạt bài viết gần đây, cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đặt nguyên tắc ‘Đảng lãnh đạo’ lên đầu, còn trước cả nguyên tắc ‘Dân là gốc’. Đây là việc làm vi hiến, sai nguyên tắc chính quyền ‘của dân, do dân, vì dân’ đã được quy định tại điều 2 Hiến pháp.

Đã chủ trương độc đảng mà lại muốn tách đảng ra khỏi Nhà nước, các vị lãnh đạo đang phải giải một bài toán… không bao giờ có lời giải, đơn giản là vì các lãnh đạo đảng không có đủ nghị lực để từ bỏ độc quyền lãnh đạo và những quyền lợi đi kèm.

Hơn nữa, từ xưa đến nay, tài chính của đảng lấy từ ngân sách Nhà nước, tức là tiền đóng thuế của dân. Các cơ quan đảng đoàn chỉ việc ngồi đó ‘lãnh đạo’ và ‘lãnh…lương’ . Nếu bây giờ thiếu phần ‘lãnh lương’ thì ‘đảng ta’ sẽ sống sót bằng cách nào ?

Thực trạng xã hội

Trở lại với cuộc biểu tình kéo dài của đồng bào, người dân có thể đã thấy rõ mọi lý luận của Đảng và những điều ghi trong Hiến pháp đều đã không đáp ứng với nhu cầu thực tế. Nói rõ hơn, việc Đảng và Nhà nước ‘nói nhưng không làm’ hay ‘nói một đằng làm một nẻo’ vẫn đang tiếp diễn.

Quốc hội theo Hiến pháp quy định là do dân bầu ra, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước dân và là cơ quan quyền lực cao nhất. Thế nhưng, không một đại biểu Quốc hội nào lên tiếng về việc dân oan phải biểu tình dài ngày hiện nay.

Các vụ tranh chấp đất đai
đ
ang
ngày càng nóng lên tại Việt Nam

Lý thuyết ‘tam quyền phân công’ của đảng áp dụng từ lâu nay đã rõ ràng là tai hại, vì khi các cấp ủy đảng sai phạm, lấy đất của dân trái phép thì tòa án không dám xử đúng. Đơn giản là vì cấp ủy đảng lãnh đạo tòa án.

Đảng đã vượt trên hiến pháp nhà nước khi chỉ thị ngăn cấm báo chí tư nhân để ổn định xã hội, ngăn ngừa ‘Diễn biến hòa bình’. Ổn định chưa thấy đâu nhưng bất ổn đã đến: khi người dân không có chỗ để nói lên bất công và oan ức, họ sẽ buộc phải dùng đến các hình thức khác (thường là cực đoan hơn) để tiếng nói của họ được lắng nghe.

Giải pháp nào đây?

Việc Đảng phải tách ra khỏi Nhà nước là đúng và không nên chần chờ thêm nữa. Để tránh việc chồng chéo giữa đảng và nhà nước, Việt Nam phải có hệ thống chính trị đa nguyên với cơ chế chính quyền dân chủ, tam quyền phân lập.

Khẩu hiệu ‘Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ’ chỉ đúng trong các xã hội dân chủ. Khác với chế độ độc đảng, trong thể chế dân chủ, đa đảng, các đảng muốn lãnh đạo cần cử những người xứng đáng nhất ứng cử vào các chức vụ Nhà nước để nhân dân bầu chọn sau cùng. Đó là quyền làm chủ, quyền chọn ‘đầy tớ’ của nhân dân.

Mặt khác, các chính đảng tồn tại độc lập, không có quyền sử dụng ngân sách nhà nước cho chi tiêu của đảng, ngay cả khi đảng có người đắc cử vào các chức vụ lãnh đạo.

Nói cách khác, đảng thắng cử thực thi quyền lãnh đạo chính đáng trong khuôn khổ những quyền lực của Nhà nước và giới hạn của nó, theo đúng những gì Hiến pháp quy định.

Ở những nước đó không tồn tại một hệ thống đảng song trùng với các cơ quan Nhà nước và có quyền quyết định cao hơn cả các cơ quan Nhà nước như ở Việt Nam.

Không thể chần chừ nữa

Hi vọng rằng các vị ‘đầy tớ’ đang bàn tán sôi nổi trong Hội nghị Trung ương V nghe thấy tiếng ‘ông chủ’ của mình đang kêu oan thấu tới trời xanh ! Hi vọng các ‘đầy tớ’ nhìn thấy các ‘ông chủ’ của mình đang dầm mưa dãi nắng, chịu đựng đói khát để đòi hỏi công lý, đòi lại quyền công dân cơ bản nhất: quyền làm chủ đất nước!

Sau hàng loạt vụ đình công của công nhân, bây giờ đến lượt người nông dân cầm cờ búa liềm xuống đường biểu tình, hi vọng (lại hi vọng) các vị lãnh đạo đảng cộng sản nhớ ra hình ảnh ‘búa liềm’ tượng trưng cho hai giai cấp nào.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách trình bày của tác giả. Quý vị có ý kiến gì xin gửi về địa chỉ [email protected] hoặc dùng hộp tư bên tay phải.

nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/07/070713_banvedangvadan.shtml

Leave a Reply