Có một ông Tiên…

Vào những ngày này, chúng ta đang phải đau lòng chứng kiến những hình ảnh tệ hại nhất từ những việc làm phi nhân tính của một cặp vợ chồng –đao phủ tại Hà Nội với một thiếu nữ giúp việc suốt 13 năm trời rồi tiếp đến, là một lũ ưng khuyển đời nay tra tấn những em bé tuổi trăng rằm giữa thanh thiên bạch nhật.

Để giúp bạn đọc có chút thư thái trở lại, để còn tin vào những điều tốt đẹp được tạo nên bởi truyền thống nhân ái của con người, hôm nay, chúng ta cùng nhìn nhận hai hình ảnh, có lẽ đó cũng là hai nét mang tính truyền thống của người Hàn Quốc, một trong những nhân tố làm nên một quốc gia khá hùng hậu, giàu có ở bắc Á này.

Người trong tấm ảnh là một ngư dân Hàn Quốc, năm nay ông khoảng hơn sáu mươi tuổi, đang cần cù kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá như bao nhiêu ngư dân khác.

Nếu ai đến Hàn Quốc đầu năm lẻ bảy này, nhìn thấy ông già khắc khổ, đang mưu sinh bằng mồ hôi nhọc nhằn của mình thì không thể ngờ rằng, ông Jiong Ky Jiong này, đã là vị ân nhân của 96 người Việt Nam (Tên ông do tôi viết từ âm thanh tôi được nghe kể, có thể chưa thật chính xác, sang năm sang Hàn Quốc du lịch, tôi sẽ tìm đến gặp ông này bằng được)

Khoảng 1978, ông là Thuyền trưởng một con tàu cỡ lớn của Hàn Quốc đi về trên hải trình Pusan- Singapore.

Một lần, quan sát một cơn giông lớn đang đến, ông phát hiện thấy một cái ghe bị chết máy đang trôi dạt trên biển, trong ghe lúc nhúc cả trăm người đủ lứa tuổi đã kiệt sức mà cơn bão đang đến gần.

Ông điện về Hàn Quốc xin phép cứu họ nhưng trung tâm không đồng ý.

Ông đành rời đi.

Những người dân trên tàu vừa khấp khởi mừng khi thấy tàu lớn ghé lại nhưng lại thất vọng tràn trề khi thấy tàu lại quay mũi, mất hút.

Nửa giờ sau. Bất chấp lệnh của thượng cấp. Nghĩ đến hình ảnh của gần trăm con người sắp bị bão giông nhấn chìm, trong đó có một phụ nữ đang có thai 8 tháng và nhiều trẻ em ông cho tàu quay lại, vớt hết họ lên tàu.

Hết sức vui mừng vì gặp được Quý nhân độ mạng nhưng rồi, một ngày sau, những người Việt Nam trên tàu lại bàng hoàng khi thấy thủy thủ trên tàu đang dùng bao bì, hộp hàng đóng những cái bè nhỏ để thả số người này xuống hoang đảo theo lệnh từ Hàn Quốc.

Nhưng, một lần nữa, lòng hướng thiện lại thắng. Bất chấp lệnh của thượng cấp, ông Jiong Ky Jiong quyết tâm không bỏ mặc 96 con người này giữa biển khơi, ông chở thẳng họ về Pusan.

Lòng nhân ái có thực trên đời, được vị thuyền trưởng quả cảm kia đem đến đã trả lại cuộc sống cho 96 người Việt để hôm nay, họ sinh sôi thêm bao nhiêu con người và trong họ, chắc không ít người học hành, làm ăn thành đạt, góp mình cho cuộc sống, cho nhân loại hôm nay.

.

Có điều, sau sự cố này, vị thuyền trưởng kia bị đuổi việc và ông đã trở về quê xứ, ấm thầm làm một ngư dân cho đến hôm nay.

Có hai nét lớn rút ra từ câu chuyện cổ tích trên. Một đã được mô tả qua hình ảnh ông Jiong.

Hình ảnh thứ hai là KỶ CƯƠNG nước Hàn.

Cách nay không lâu, chúng ta phải đau lòng chứng kiến vụ bao che, lẩn lượn trước hành vi phạm pháp của một viên sỹ quan cảnh sát hạng bét chỉ vì anh này là con ông này, cháu ông kia và rồi, sự việc phải tìm một điểm dừng đáng xấu hổ khi biết rằng, trước đó, anh ta đã một lần nã súng bừa bãi trong quán karaoke. Cũng thôi!

Nay nhìn cách xử của người Hàn: Anh cứu người, thậm chí cứu hàng trăm mặng người, hành động ấy, nghĩa cử ấy thật là cao cả, thật là nhân đạo nhưng anh đã không tuân thủ thượng cấp. Đưa người lạ lên tàu giữa đường là vi phạm nguyên tắc hàng đầu của ngành Hàng hải nên tôi kỷ luật anh.Kỷ luật là kỷ luật, không ân giảm, không tạo tiền lệ cho những vụ việc khác và người vi phạm cũng yên tâm chấp hành , không oán thán, trở về làm người dân lương thiện, vất vả giữa đời thường.

Nét thứ hai này, coi sơ thấy hơi nhẫn tâm nhưng thực chất, nó loại ra khỏi xã hội những khoảng trống, những cơ hội cho công dân phạm pháp, nó hạn chế đến mức thấp nhất những rắc rối xảy ra và đó là căn bản bảo vệ luật pháp hữu hiệu nhất.

Phải chăng, đó mới thật là những nét đẹp từ xứ người mà ta phải học hỏi!?.

Chúng ta vẫn thường nói về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.Trong tình hình hiện nay, có nên xem lại để hiểu thật thấu đáo xem, những truyền thống đó có đứng vững trong những cơn giông bão của hiện tại như ở HN- tp HCM vừa qua hay không?

nguồn: cuong nhabaotudo

1 thought on “Có một ông Tiên…”

Leave a Reply