GS Hoàng Xuân Sính: “Chắc chắn có chi sai mục đích…”


TT – GS Hoàng Xuân Sính, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long, là một trong những vị GS rất quan tâm tới câu chuyện tài chính cho trường học. Nhưng khi nói đến vấn đề tăng học phí, bà tỏ ra thận trọng:

– Tôi đã tham khảo khá nhiều tài liệu, cơ chế tài chính của các trường ĐH ở một số nước. Ở VN, tôi thấy bài toán tài chính cho giáo dục (GD) là vấn đề rất khó trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng ta phải nhìn từ nhiều phía, GD của ta, cả những bậc học thấp đến bậc ĐH đều đang có “vấn đề”. Tăng nguồn lực và sử dụng đúng mục đích sẽ là một giải pháp để khắc phục. Nhưng nước ta là một nước nghèo. Với người nghèo, chỉ tăng một chút đã là chuyện khó xoay xở.

Thế nên khi muốn nâng mức đóng góp của người dân phải thận trọng. Tôi cho rằng không nên nóng vội mà cần có thời gian, tốt nhất trong thời điểm hiện tại nên tìm ra một giải pháp dung hòa.

Bình luận về con số 75% và 25%

* Một trong những căn cứ để xây dựng đề án học phí mới là tiền của Nhà nước chiếm 75% trong tổng số nguồn chi, vì thế không thể tăng tỉ lệ này lên nữa. Trong khi đó mức dân đóng góp là 25% vẫn thấp so với thế giới, có thể đẩy mức này lên hơn nữa. GS có ý kiến gì về việc này?

– Cứ tạm coi cách tính này là đúng thì so với nhiều nước mà tôi biết tỉ lệ này là lớn. Ví dụ LB Nga cũng chỉ có 68% kinh phí lấy từ ngân sách, Thái Lan là 68%, Indonesia 65%, Hàn Quốc 61%. Ta chỉ thua một số cường quốc nhưPháp 93%, Đức 83%, Hoa Kỳ 72%…

Tuy nhiên, phải đặt ra câu hỏi: Tỉ lệ trên đã đúng chưa? Tôi chắc chắn số tiền do dân đóng góp nhiều hơn con số 25%. Thực chất, những người làm công việc tính toán trên đã không nắm được số tiền dân đóng góp là bao nhiêu cho khối trường ngoài công lập, nên đã lấy số chi phí trung bình chi cho một HS, SV trường công lập nhân với số HS, SV trường ngoài công lập để ra được con số 10.800 tỉ đồng, là tổng số kinh phí chi cho GD khối ngoài công lập.

So với mức tính trung bình chi cho một HS, SV cả khối công lập và ngoài công lập là 3.423.000 đồng thì ở khối trường ngoài công lập, tiền đóng góp thực tế của dân còn vượt xa. Ví dụ Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thu 4 triệu đồng/HS/năm học, ĐH Thăng Long 4,8 triệu đồng/SV/năm học. ĐHDL Hải Phòng 5,5 triệu đồng/SV. Có những trường mầm non, tiểu học đã thu tiền triệu/HS/tháng.

* GS có suy nghĩ gì về 75% ngân sách được sử dụng trên thực tế trong các trường học, đơn vị GD công lập?

– Chúng tôi hoạt động bằng tiền của dân, của các đơn vị tài trợ, hợp tác khác nên chúng tôi luôn phải đặt vấn đề minh bạch, tiết kiệm lên hàng đầu. Nếu không tuân thủ nguyên tắc ấy, chúng tôi không thể gây dựng được trường sở, đội ngũ nhân lực nhưhiện nay.

Nhưng cũng vì thế mà nhìn vào con số Bộ GD-ĐT đưa ra tôi thấy băn khoăn: cũng chi phí cho một HS, SV như trường công lập, nhưng chúng tôi phải lo nhiều thứ khác nhưtiền thuê đất, thuê nhà, tiền xây dựng, đầu tư thiết bị, tiền đóng thuế, chi phí cho giáo viên. Trong khi ở trường công, chi phí trên chủ yếu chi cho con người (lương CBGV). Còn tiền xây dựng trường sở, mua sắm thiết bị… lại là một khoản riêng khác. Vậy phải chăng nếu tiết kiệm hơn, biết sử dụng đồng tiền đúng mục đích, hiệu quả hơn thì có thể xoay xở với số tiền eo hẹp ấy?

Tôi cho rằng cần phải làm ngay một việc là giải trình một cách minh bạch công khai con số 75% trên. Bộ GD-ĐT là cơ quan lập đề án học phí, nhưng chỉ nắm 5% ngân sách chi cho GD, còn 95% tiền ngân sách chi đến đâu, chi vào những việc gì không kiểm soát được. Cứ nói 75% cho GD nhưng thực chất GD nhận được bao nhiêu tiền thì cần phải xem lại.

Tôi chắc chắn sẽ có những chuyện chi tiêu sai mục đích, lãng phí, thậm chí còn có lạm dụng của công, tham nhũng… Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều nội dung để “nói không” nhưng chưa thấy vận động “nói không” với tham nhũng, chi tiêu sai ngân sách GD.

Không thể nôn nóng mà nâng học phí

* Theo quan điểm của lãnh đạo ngành GD thì bậc ĐH cần tăng học phí trước vì ngân sách chi cho ĐH rất ít, chỉ bằng nửa ngân sách chi cho bậc tiểu học. GS có đồng ý với điều này?

– Chúng ta đang thiếu tiền đầu tưcho bậc ĐH là đúng. Và đó cũng là một nguyên nhân khiến GD ĐH chưa ổn. Theo số liệu của cục thống kê Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Hoa Kỳ, chi phí cho một SV ở trư­ờng North Western năm 2004 là 76.200 USD, trong đó có tiền của nhà nước, người học, của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và quĩ bảo trợ SV của trường… So với con số 5-6 triệu đồng/SV của ta thì đúng là một trời một vực.

Nhưng hiện tại không thể nôn nóng mà nâng học phí quá mức người học. Tôi đã từng đến thăm những nhà trọ SV, chứng kiến bữa ăn SV, trong điều kiện quá thiếu thốn, không thể nói là các em có thể đủ sức khỏe và chỗ ở phù hợp để có thể học tập tốt. Đa số SV từ các tỉnh lên thành phố học có hoàn cảnh khó khăn.

* Theo GS, có nên nghĩ đến các hướng huy động nguồn lực khác?

– Có nhiều cách, nhưng cũng không phải ngay lập tức mà có. Các nước khác, người ta có qui định doanh nghiệp phải đóng thuế đào tạo, hoặc cho chính phủ, hoặc trực tiếp cho các trường. Nhưng ở ta hiện nay, việc lấy tiền được của doanh nghiệp chỉ lệ thuộc vào các cá nhân có uy tín đang làm việc tại trường.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

Leave a Reply