Bài thứ hai: Bóc lột tư nhân chuyển thành bóc lột nhà nước

Bài thứ hai: Bóc lột tư nhân chuyển thành bóc lột nhà nước

– Cộc, cộc, cộc…

– Cháu chào bác Trưởng thôn! Có việc gì không hả bác?

– Bà cháu đâu hả Bống? Có mấy chú ở bên Cơ quan An ninh Văn hóa, PA25, muốn mời bà cháu lên trụ sở làm việc…

– Ấy chết, các bác các chú định bắt bà cháu ạ…

– Cháu ạ, với mấy bài viết phản động chống lại đường lối của Đảng như thế, nếu là thập niên 80 hoặc trước đó, bà cháu đi tù mọt gông rồi! Bây giờ thì khác, các chú chỉ muốn hỏi chuyện bà cháu thôi, sau đó sẽ lại thả bà về…

– Hu hu hu hu, bà cháu già rồi, không ai được động vào bà cháu! Bà cháu có tội tình gì đâu mà bị thẩm vấn, bà cháu chỉ nói lên sự thật thôi mà! Hu hu hu…

Đang khóc ngon lành thì có ai đó nhẹ nhàng vuốt má em, mở mắt ra, hóa ra là bà. Kể lại cho bà giấc mơ của em, bà cười móm mém:

Bà Nông thị Cạn: Cháu có biết phản động là gì không?

Bống: Phản động có phải là phản đối, kích động không hả bà?

Bà Nông thị Cạn: Không phải đâu, cháu ạ! Phản động là đi ngược lại với trào lưu tiến bộ, ngược lại xu hướng chuyển động của xã hội văn minh. Thật đáng buồn là từ "phản động" hiện nay lại được dùng để chỉ chính những người mong muốn thúc đẩy Việt Nam tiến lên trên con đường văn minh. Lý tưởng CNXH đã từng là động lực hữu hiệu để giúp Việt Nam dành độc lập, chống lại những tư tưởng thủ cựu phong kiến – thực dân. Nhưng khi chúng ta dành được độc lập rồi, lý tưởng này lại trở thành lực cản bước tiến của dân tộc.

Bà và những người đồng đội của mình đã từng cống hiến cả tuổi thanh xuân để gìn giữ nền độc lập nước nhà. Bây giờ cũng vậy, bà chẳng ngại già yếu, chẳng sợ cái mũ "phản động" kia đâu, bà sẽ nói ra tất cả sự thật, miễn sao tương lai các cháu được hưởng tự do – ấm no – hạnh phúc thực sự… Mà thôi cháu đừng quá lo lắng, hôm qua bà giảng tới đâu rồi ấy nhỉ? Tuổi già trí nhớ kém quá!

Bống: Hôm qua bà đang nói tới đoạn phương án giải quyết vấn đề của Marx, giao quyền phán xử cho Nhà nước, là "gửi trứng cho ác"…

Bà Nông thị Cạn: Phải rồi, phải rồi… Nào chúng ta hãy quay lại câu chuyện chi lợi nhuận bán hoa ngày 20/11 ở bài thứ nhất nhé! Giả sử cháu và bạn cháu không đi tới được sự đồng thuận trong chuyện phân chia giá trị thặng dư (m); và Marx dự đoán rằng mâu thuẫn giữa cháu và bạn cháu sẽ trở nên gay gắt không thể giải quyết được, sẽ dẫn tới người này "đào mồ chôn" người kia…

Bống: Ặc ặc, bà nói nghe ghê quá! Cháu với nó là bạn, nỡ lòng nào vác hàng ra xử lý nhau. Vả lại, cháu còn cần nó sống, đủ sức khỏe để làm vụ hoa 20/11 năm sau cơ mà?

Bà Nông thị Cạn (cười khà khà): Cháu tinh ý lắm! Đó chính là một trong nhiều lập luận cực đoan của Marx. Có thể bị hạn chế bởi tầm nhìn của thời đại ông ta, Marx không thấy rằng giới chủ và người làm công có thể đi tới thỏa hiệp, bởi cả hai bên đều cần có nhau. Hai bên có mâu thuẫn đối kháng, nhưng cũng có nhu cầu tương sinh tương hỗ.

Nhưng thôi, bà với cháu cứ giả sử là lập luận trên của Marx hoàn toàn đúng đi. Bạn cháu, với sức khỏe của một thằng lao động chân tay, cộng với số lượng đông hơn, chắc chắn sẽ đào mồ chôn cháu. Xóa sổ giai cấp tư bản bóc lột rồi, giai cấp lao động sẽ lập ra một nhóm đại diện cho mình, gọi là Nhà nước, để quản lý tài sản của toàn xã hội. Bây giờ mọi người cùng nhau chung lưng đấu cật, sản xuất ra của cải vật chất cho toàn xã hội, và cùng chia nhau số của cải vật chất đó…

Bống: Như vậy thì có gì không tốt hở bà?

Bà Nông thị Cạn: Cứ từ từ bà kể cho mà nghe! Nhà nước, theo định nghĩa của Marx, sẽ là đại diện chân chính duy nhất của toàn xã hội; có nhiệm vụ kiểm soát và phân chia của cải một cách công bằng trong xã hội. Vì giá trị thặng dư bây giờ thuộc về Nhà nước, mà Nhà nước lại là đại diện của giai cấp lao động, vậy thì khái niệm bóc lột không còn nữa, phải không nào? Đây là cách suy nghĩ cực kỳ ngây thơ của Marx, cháu ạ!

Nếu Nhà nước là đức Bồ Tát thánh thiện và toàn năng, lúc nào cũng chỉ nghĩ về đại cuộc, về nhân dân, thì giấc mơ của Marx về CNXH có lẽ đã trở thành sự thật. Tiếc thay, Nhà nước là một tổ chức gồm những con người trần tục, có lòng tham và vị kỷ của riêng nó. Khi đã nắm trong tay quyền lực, nó sẽ tìm cách thâu tóm nhiều quyền lực lớn hơn nữa [1], và chiếm miếng phần to nhất trong các miếng bánh đáng ra phải chia đều.

Bống: Như vậy là Nhà nước phản bội lại những người mà mình đáng ra phải đại diện?

Bà Nông thị Cạn: Chính thế đó cháu ạ! Trong khi công nhân đầu tắt mặt tối kiếm được 1 triệu / tháng, lại có những vị lãnh đạo Nhà nước đánh bạc cả triệu đôla, đi xe hơi trị giá cả ngàn tháng lương công nhân, được mua biệt thự với giá cực kỳ ưu đãi… Kể từ khi xây dựng Nhà nước XHCN theo định hướng của Marx, chúng ta đã tạo ra một tầng lớp bóc lột mới mà người dân mỉa mai gọi là "Tư bản đỏ" [2].

Cháu có biết không, mức lương trung bình của người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước THẤP HƠN mức lương trung bình của người lao động trong khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài đấy. Nếu phân tích theo Marx thì ở Việt Nam hiện nay, người công nhân làm cho nhà nước đang bị bóc lột số giờ lao động LỚN HƠN người công nhân làm cho doanh nghiệp tư nhân… Thật là ngược đời, phải không cháu?

Đứng trên cương vị là một Nhà nước XHCN – Nhà nước của người lao động – đáng lẽ người ta phải quan tâm đến người lao động hơn giới chủ. Thế nhưng, ở nước ta, công nhân lại là người bị bóc lột thậm tệ hơn, và người được bảo vệ lại là giới chủ đấy cháu ạ! [3]

Bống: Bà ơi, thế giả sử tồn tại một Nhà nước "tốt", có những người lãnh đạo thực sự lo cho dân thì sao?

Bà Nông thị Cạn (ôm bụng cười hô hố, suýt rụng cả cái răng cửa duy nhất sót lại): Marx cũng biết sơ hở của mình về Nhà nước thánh thiện và toàn năng, do đó Marx chú trọng vào việc đào tạo "con người mới xã hội chủ nghĩa". Đó lại là một sai lầm mới của Marx.

Bống: Ủa, giáo dục đào tạo thì tốt chứ bà?

Bà Nông thị Cạn: Giáo dục con người để họ trở thành CON NGƯỜI thì tốt, nhưng giáo dục con người để họ trở thành cái máy hay những kẻ nô lệ thì sao gọi là tốt được? Bà sẽ có dịp quay trở lại vấn đề này sau. Giờ đây, bà chỉ muốn hỏi cháu rằng, đạo Phật và đạo Thiên chúa ra đời bao lâu rồi?

Bống: Cái này thì cháu chịu. Mà sao bà hỏi vậy?

Bà Nông thị Cạn: Đạo Phật có cách đây khoảng 2.500-2.600 năm. Đạo Thiên chúa cũng có khoảng hơn 2.000 năm tuổi. Hai đạo này đường lối khác nhau, nhưng đều có điểm chung là giáo dục và kêu gọi con người sống tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn. Nhưng liệu có ai kết luận được rằng hai đạo này đã thành công trong công cuộc cải tạo con người? Hai đạo cả ngàn năm tuổi này không làm được điều mà Marx mong muốn làm được, như vậy đến khi nào chúng ta mới có CNXH – 2000 năm nữa?

Giải pháp "con người mới xã hội chủ nghĩa" của Marx được liệt vào hàng "Đức trị", sánh ngang với mơ ước "vua sáng, tôi hiền" và "quan lại thanh liêm như Bao Công" của 1000 năm phong kiến. Trong khi đó, những xã hội văn minh đã đi theo con đường "Pháp trị" từ lâu rồi, cháu ạ!

Thôi, bà cháu ta tạm nghỉ ở đây nhé, bà đi vào mạng X-cafevn.org để xem các chú bên ấy làm ăn thế nào đã! Lần sau bà sẽ nói về sai lầm của Marx trong việc tiêu diệt động lực phát triển của xã hội đấy!

(Chưa dứt lời, bà em đã long tong chạy ra hàng Internet Cafe ở đầu làng…)

_______________

Chú thích của Bống

[1] Một minh chứng quan trọng cho sự tìm cách gia tăng quyền lực của Nhà nước là Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp năm 1946, khi nước nhà mới dành độc lập, là một hiến pháp tương đối dân chủ, nêu rõ quyền bính thuộc về Nhân dân. Sau những lần sửa đổi sau đó, quyền của Nhân dân ngày càng giảm xuống, thay vào đó là quyền lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nhớ rằng Hiến pháp là bộ luật có hiệu lực bao trùm tất cả các bộ luật khác, là hợp đồng giữa Nhân dân và Nhà nước. Hợp đồng này chỉ được thay đổi nếu có sự đồng ý của Nhân dân. Trên thực tế, các lần thay đổi Hiến pháp sau năm 1946 đều không trưng cầu dân ý, mà chỉ do Quốc hội với 90% là Đảng viên ĐCSVN thông qua.

[2] Bàn về giai cấp mới: http://www.x-cafevn.org/forum/showpost.php?p=21804&postcount=28

[3] Để hiểu thêm về đời sống cũng như mức lương của công nhân Việt Nam, xin đọc thêm loạt bài trên các báo trong nước, tiêu biểu là:

Cần một mức lương tối thiểu chung
Kỳ 1: Công đoàn – đình công – lương tối thiểu: từ góc nhìn vĩ mô
Kỳ 2: “Đình công – ai ép ai?” nhìn từ lý thuyết mặc cả

1 thought on “Bài thứ hai: Bóc lột tư nhân chuyển thành bóc lột nhà nước”

  1. Anonymous writes:Bà nội cậu là Nông Thị Cạn, là bà cô của Nông Đức Mạnh đấy. Bảo bà cậu ăn nói khẽ khàng, nể họ hàng một chút. Không thì thằng cháu họ nó chẳng nể mặt đâu; nó sai cảnh sát đến bắt đấy.

    Reply

Leave a Reply