TT – Sắp tới đây Đảng và Nhà nước sẽ bàn thảo, xây dựng một chiến lược, chương trình để thực hiện thành công công cuộc hội nhập kinh tế. Trong chương trình đó, phải chăng nên đề cập việc tháo gỡ những khúc mắc, những sự kìm hãm của quá trình hội nhập mà theo cách ta thường nói là “giải quyết những mâu thuẫn của quá trình phát triển”. …
VN đang chạy áp chót
Trước mắt tôi xin đề cập một số mâu thuẫn nên giải quyết sớm.
Mâu thuẫn thứ nhất: Mâu thuẫn giữa yêu cầu hội nhập phải có tầm nhìn xa, tầm nhìn rộng với cách nhìn thói quen đầy định kiến, với những tư duy xơ cứng.
Xã hội ta hôm nay, đâu đó vẫn còn bám giữ những tư duy định kiến, lúc nào cùng lo “chệch hướng”. Có người chân thành lo lắng “chệch hướng” vì không đủ thông tin, nhưng cũng có người hô hào “chống chệch hướng” vì lợi ích riêng tư.
Một sự đồng thuận trong xã hội là rất cần thiết cho những bước đi mạnh bạo tiếp theo trên con đường hội nhập đầy khó khăn này.
Mâu thuẫn thứ hai: Cho đến hôm nay, chỗ này hoặc chỗ kia, có nơi vẫn quen xây dựng chiến lược kinh tế ngành, cơ bản theo tập quán thời bao cấp, xây dựng trên cơ sở vật chất (trọng lượng, khối lượng, trị giá, bao nhiêu sản phẩm, bao nhiêu con, bao nhiêu cây so với cùng kỳ của thời kỳ trước…) mà ít đề cập khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế và hàng hóa VN. Và trong chiến lược kinh tế của các tỉnh, tỉnh nào cũng xây sân bay quốc tế, cảng nước sâu, trường đại học, nhà máy ximăng, nhà máy giấy, nhà máy đường, nhà máy gạch…
Mâu thuẫn thứ ba: Mâu thuẫn giữa yêu cầu phải có bước đi nhanh vững chắc mà chân còn bị dính chặt bao nhiêu dây nhợ của các tệ nạn: tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy bằng, chạy án, chạy tội, chạy thành tích, tình trạng vô cảm, quan liêu, hành dân, hành doanh nghiệp…
Những tệ nạn nêu trên đang bị xã hội lên án mạnh mẽ, Đảng đang quyết tâm trừ khử. Thực tiễn mách bảo rằng không thể giải quyết những tệ nạn này trong ngày một ngày hai. Đây còn là một cuộc chiến của nhiều thế hệ, nhưng thế hệ hôm nay không nên chỉ nghĩ đến chuyện chuyển giao cho thế hệ sau.
Mâu thuẫn thứ tư. Mâu thuẫn giữa yêu cầu một môi trường kinh doanh thông thoáng, hệ thống pháp luật công khai minh bạch dễ thực thi với tình trạng cố bám giữ “quyền quản lý” càng nhiều càng tốt và một nền hành chính “hành dân là chính”.
Doanh nghiệp, doanh nhân đang trở thành chủ thể hội nhập. Nền kinh tế hội nhập chỉ thành công khi doanh nghiệp, doanh nhân được giải phóng, được tập trung đầu óc trí tuệ của mình cho tư duy sáng tạo, cho việc tìm và nắm bắt cơ hội, cho sự thành công của sự nghiệp kinh doanh.
Mâu thuẫn thứ năm: Xã hội hội nhập là xã hội mở, thông tin là hơi thở của nền kinh tế hội nhập, kinh tế tri thức. Thông tin là đầu vào và cũng là sản phẩm. Phải có thông tin đầy đủ nhất và phải sống trong môi trường thông tin thì những quyết định về sản xuất, kinh doanh mới hi vọng đúng đắn và thành công.
Thông tin trên thế giới không thiếu, khá dồi dào, phong phú. Việc xã hội VN chưa phổ cập tiếng Anh đã hạn chế sự tiếp cận thông tin thế giới qua Internet. Cộng thêm cách tổ chức thông tin còn hời hợt, thiếu bài bản, cách quản lý thông tin còn hơi “cứng” đang tạo ra hiện tượng xã hội thiếu thông tin, nhất là thông tin để làm ăn của các doanh nghiệp.
Mâu thuẫn thứ sáu: Trong thế giới hôm nay, các nước đang phát triển đi lên đều bắt đầu từ việc đi làm thuê, gia công, lắp ráp hàng cho các nước giàu. Ta cũng đang làm việc đó: gia công hàng may mặc xuất khẩu, giày dép xuất khẩu, linh kiện điện tử xuất khẩu. Các nước và vùng lãnh thổ quanh ta như Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, kể cả Trung Quốc hôm nay đều bắt đầu từ gia công, làm thuê và từ vị trí người làm thuê họ đã nhanh chóng trở thành những ông chủ, những người giàu có, quốc gia giàu có.
Nghề làm thuê hôm nay có khác hơn là làm thuê ở trình độ cao, như lắp ráp con chip máy tính cho Intel, lập trình cho Microsoft, lắp ráp máy in cho Canon, nghĩa là đòi hỏi có tay nghề cao, thật cao.
Thời đại đòi hỏi ta phải sớm có một đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi thật đông đảo gồm các nhà quản lý, nhà tư vấn kinh doanh, chuyên gia công nghệ thông tin, giám đốc điều hành để:
– Trước hết đi làm thuê, sau đó sẽ trở thành ông chủ.
– Thu hút công ăn việc làm vào trong nước.
– Có đủ trình độ kiến thức cải tạo, trang bị lại nền kinh tế của ta.
Muốn có một đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi, ngoài việc hỗ trợ và động viên những thanh niên có khả năng đi đào tạo ở các nước phát triển, ta phải có một nền giáo dục hiện đại.
Hội nhập là tham gia cuộc đua thời đại. Trong cuộc đua này VN đang là người chạy áp chót. Do đặc thù, đặc điểm của một nền kinh tế đang chuyển đổi (mà chuyển lâu quá), VN là nước có nhiều khó khăn nhất, nhiều thách thức nhất. Hiện đang cần một cái nhìn thật sự thẳng thắn xem chúng ta đang ở đâu trong nền kinh tế toàn cầu hóa hôm nay, ta đã bị bỏ xa đến đâu, ta có thể khai thác được những lợi thế nào và làm những gì để đưa đất nước tiến cùng thời đại. Đó là những bài toán rất cụ thể, phải dùng đến trí tuệ của cả dân tộc để tính toán, không phải chỉ bằng cách phát động vài đợt thi đua.
NGUYỄN ĐÌNH LƯƠNG (nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại VN – Hoa Kỳ)