Thư của Nguyễn Hưng Đạt từ Matxcơva
Nguyễn Ái Quốc tại đại hội đảng Xã hội Pháp ở Tour năm 1920
Thính giả Nguyễn Hưng Đạt từ Matxcơva, Nga gửi thư cho BBC như sau: tiểu sử cuả Cụ Hồ Chí Minh cần phải được xem xét lại.
Qua bằng chứng tìm được trong các tàng thư đuợc giải mật một phần nhỏ của cụ Hồ và về Đảng CS Việt Nam ở Nga thôi, tôi tìm thấy 19 điểm khác-thậm chí đi ngược với những tuyên truyền cuả Chính phủ Việt nam và nhiều quyển sách bôi xấu cũng như thánh hoá cụ ở Hải ngoại.
Tôi không bình luận, chỉ nêu vài điểm để quý vị rút ra kết luận vì khuôn khổ một ý kiến trên diễn đàn giới hạn số chữ.
1. Cụ Hồ không phải đến Moscow đầu 1924 ,vì muốn gặp Lenine nhưng ông này mất như tài liệu của Chính phủ VN. Cụ Hồ đến Moscow trước mùa hè 1923 /1/ và không có ý định vào gặp Lenine. Vì sau khi bị tay khủng bố Kaplan bắn trúng trong cuộc mưu sát trước đó, Lenine rất yếu,và những nhân vật cao cấp còn rất khó được gặp,huống chi cụ lúc bấy giờ chưa có gì nổi và chức sắc gì, chỉ mới đến (chính xác chưa rõ từ đâu Pháp? Balan?….).
Trưởng phòng Việt Nam của Trung ương ĐCS Liên Xô là E.V.Kobelev viết /2/ ''Tháng 12.1923 tạp chí Ngọn lửa nhỏ /3/ đã đăng bài :'Nguyễn Ái Quốc- Đến thăm một nhà Quốc tế CS'. Tác giả chính là nhà thơ nổi tiếng Nga Osip Emilievich Mandelshtam (Осип Эмильевич Мандельштам ). Ông này thấy ở người thanh niên này rất khiêm tốn và dễ thân thiện, và loé sáng kỳ lạ. Tác giả nhận định: Người này sẽ là lãnh tụ cuả một dân tộc". Bài báo này lúc đó không có tiếng tăm'.
2. Cụ Hồ dự Đại hội Thanh niên CS Quốc tế IV (TNQTCS) tại Nga với tư cách thanh niên Đông dương, đảng viên CS Pháp chứ chưa phải là thành viên Quốc tế Cộng sản /4/ như tuyên truyền.
3.Những cuộc đấu tranh quyết liệt về Phương pháp luận và đường lối tiến hành Cách mạng Việt nam cuả ông Nguễn Ái Quốc với các ông Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong dẫn đến hai trường phái cách mạng trong các nhóm CS thực chất chưa nhất trí với nhau /5/.
4. Điều khác với sử VN, ông Nguyễn chưa phải là Thành viên chính thức của Quốc tế CS (QTCS). Câu trả lời khác biệt về: ‘Tại sao không phải là người chính thức là đại biểu (QTCS) mà ông Nguyễn Ái Quốc đứng ra thành lập ĐCS Đông dương? Ai hỗ trợ? Tại sao những nhà cộng sản chính thức khác phải chịu sự góp ý, thậm chí chỉ đạo của ông. Những điều này được bà V.JA.Vasilieva, Trưởng Phân ban Đông dương cuả Đại học Cộng sản dành cho những người lao động Đông phuơng (ĐHĐP), trưởng Văn phòng Đông dương và Xiêm, nghiên cứu các ĐCS quốc tế trả lời sáng tỏ.
Các bản viết cuả bà cho thấy sự chỉ đạo và hỗ trợ trực tiếp cuả bà với anh Nguyễn Ái Quốc, những khẳng định về sự phê phán các sai lầm nghiêm trọng cuả những người lãnh đạo ĐCS Đông duơng do anh Nguyễn viết. Ngoài ra còn có văn bản về Đề nghị cuả anh Nguyễn chuyển trung tâm Chỉ đạo và điều phối /1/,/5/ các hoạt động cuả các Đảng CS thuộc QTCS III về chi nhánh tại Trung quốc chứ không phải tại Singapore….những năm 1934-1938 đến thu 1939. Bà viết, bà đã làm sáng tỏ việc anh bị một số Uỷ viên ĐCS ĐD bịa đặt điều xấu.
5. Việc bà Nguyễn Thị Minh Khai, với thẻ Đại biểu Chính thức QTCS III tên là Phan Lian, chứ không phải Phan Lan. Ông Nguyễn Ái Quốc chưa được là đại biểu, cũng như bà Lian có phải là vợ ông Nguyễn không?
Trong/1/ chỉ có nêu ông có thẻ cuả TNQTCS chứ chưa bao giờ có thẻ QTCS. Trong Sơ yếu lý lịch được giải mật cuả bà Lian,có ghi chồng là ông Lin. Lin là một tên Tàu, có rất nhiều người dùng. Ông Nguyễn Ái Quốc có lúc dùng thẻ sinh viên ĐHĐP mang tên Lin, có lúc dùng thẻ mang tên NAQ. Nên thấy là ông Lê Hồng Phong /3/ cũng nhiều lần cầm thẻ mang tên này . Các sinh viên và những người Việt, người Hoa hay dùng thẻ lẫn lộn của nhau.Vậy chưa hẳn bà Lian là vợ ông N.A.Q.
Ông Nguyễn Khánh Toàn- thành viên cuả QTCSIII khẳng định ông 'sống cùng Ký túc xá với ông Nguyễn.Ông Nguyễn vẫn xưng em với ông Toàn. Bà Minh Khai hay đến chơi. Bà hay đi với ông Nguyễn cũng như với nhiều người khác đến các nơi. Trong lúc bí mật từ trong nước sang không thể có chuyện nhân ngãi. Mọi chuyện phải báo cáo với Truờng ĐHĐP và với cơ quan quản lý Liên Xô. Họ sẽ không bỏ qua. Nếu có chuyện tình ái lãng mạn tiểu tư sản, bị kiểm thảo kỷ luật !' Tôi có hỏi một số người từng sống với ông về một số cáo buộc trong vài quyển sách rằng cụ Hồ tính dâm, nhiều vợ thậm chí có vợ là bà người dân tộc thiểu số Việt nam, có con nhưng không dám nhận….Những người cả Tây lẫn Việt đó (có những người rất ghét CS) đều khẳng định chuyện đó là không có bằng chứng, và họ cho rằng '' một người trung thực,dám nhận lỗi như hồi nó là sinh viên ở đây, không thể như vậy !''
6. Ông Nguyễn chưa bao giờ là Cục trưởng Cục Phuơng Nam cuả QTCSIII như báo Nhân dân 05.09.1969 nêu. Cũng không thấy có Cái Cục này trong /1/ 7.Các tài liệu báo cáo của Đại diện QTCSIII ở Trung quốc về báo cáo cuả DCSDD/3/.
8.Việc một số người LX thuộc QTCSIII coi ông Nguyễn là kẻ dân tộc cực đoan (DTCD) như bài viết của tôi trước đây. Điển hình là là vụ họ ra lệnh cho Nhiệm vụ của cách mạng Việt nam không phải lật đổ chính quyền Pháp tại đó, mà đấu tranh ôn hoà. Việt Nam phải lập các kho, các bến bí mật để chuyển tiếp tiền và vũ khí cho ĐCS Indonesia. ĐCS đó là lớn và có nhiều đảng viên và ảnh hưởng lớn tại Đông Nam Á. Liên Xô thân Pháp và giải phóng Đông dương chưa phải vấn đề cuả QTCS III. Việc anh Nguyễn thẳng thừng bác bỏ đề nghị này, và cứ đòi độc lập cho Đông dương bị những người phụ trách, trừ bà Vasilieva, cho điểm xấu. Họ cho rằng anh là dân tộc chủ nghĩa và không có tinh thần quốc tế.
9. Còn nhiều ảnh và tài liệu của ông khi ông thường xuyên sang Liên Xô từ 1955 mà chỉ đuợc công bố một ít vì nhiều lý do. Nhiều tài liệu thú vị ,trong đó có chính Hồi ký cuả cựu Tổng Bí thư Nhikita Khorutshev /6/ rất quý trọng cụ Hồ về những cố gắng hàn gắn hai ĐCS Liên xô và Trung quốc cũng như tình cảm riêng cuả ông với lãnh tụ một đảng nhỏ. (Tôi muốn post một ảnh Cụ Hồ vui vẻ giơ ngón tay cái Number One trước mặt người lãnh đạo cả Phong trào CS Quốc tế này). Điều này trái ngược với trào lưu đả phá Chính phủ xét lại Liên xô hồi 1964. Trong nước người ta phổ biến đến đảng viên là tất cả chúng ta đều ghét xét lại mà Khorutshov là cầm đầu! Nhiều tài liệu trình bày quan điểm khác cuả cụ Hồ về tình hình Quốc tế,quan hệ với Mỹ và đấu tranh giải phóng dân tộc.
Còn một vài điều mà không thấy ai nêu lên:
1. Anh Nguyễn Ái Quốc theo tôn giáo nào? Cụ Nữ tu Phạm thị Nhiệm, Bruxells, Bỉ em gái cuả cố Ðức Cha Vincentê Phạm Văn Dụ, Giám Mục Lạng Sơn nói rằng khi bà sang tu tại Bỉ 1950, đã gặp một người bạn cuả ông Nguyễn Ái Quốc. Ông cụ này nói: ' Nguyễn Ái Quốc là người Catholic. Chúng tôi giao du với nhau,nhiều lần gặp nhau khi đi lễ Nhà thờ '. Cụ cho Souer Nhiệm xem tấm hình cụ và Nguyễn Ái Quốc chụp chung tại sân Nhà thờ Đức Bà Paris. Việc anh Nguyễn sau khi được Luật sư Loserby cứu khỏi toà Đại hình Hongkong,sau đó trú ẩn trong tu viện trước khi đi Hạ môn,cũng có chút liên quan nào chăng với tôn giáo cuả anh? Việc cụ Hồ Chí Minh tiến hành một đường lối tôn giáo có thể là mềm mại nhất với tôn giáo, không theo chỉ đạo cuả LX và TQ, nhẹ tay với Công giáo có liên quan gì với việc ở trên? Ta biết năm 1955, cụ Hồ ra Sắc lệnh Tự do tôn giáo khá cởi mở. Đạo Thiên Chuá ở Việt nam cũng không bị làm gắt như ở Liên xô, nơi nó bị xoá xổ với 18 ngàn linh mục tu sỹ cuả Chính thống và Công giáo bị xử tử, đến nỗi 1990 chỉ còn có hai linh mục Công giáo. Đạo này cũng không bị đàn áp mạnh mẽ như ở Trung quốc và nhiều quốc gia CS khác.
2. Những nỗ lực hoà bình nào suốt từ 1945 tới 1969 của cụ Hồ mà chưa được nhắc tới?
2.1 Nỗ lực không thành trong chiến tranh Vệt-Pháp. Tháng 3.1946, cụ Hồ đồng ý Việt Nam sẽ là chính phủ trong Khối liên hiệp Pháp.Nhưng người Pháp cương quyết nắm các Bộ có ngành An ninh và Quốc Phòng, các Bộ Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng và Thương chính, Ngoại giao. Chính phủ VNDCCH nắm các bộ Giáo dục, Ytế, Giao thông công chính…. còn lại. Pháp mạnh mẽ tuyên bố tước khí giới cuả các lực luợng vũ trang Việt nam. Ngày 16.12.1946,nỗ lực cuối cùng đưa cụ Hồ đến Nhà thương Đồn Thuỷ thương thuyết với Pháp. Nhưng xe,lái xe và bảo vệ bị giữ ngoài. Bản thân cụ bị từ chối, nhưng đến khi ra bị giữ suốt một tiếng,với lý do cổng doanh trại chưa đuợc phép mở. 21 giờ 19.12.46 tức bốn tiếng trước khi thời hạn giữ vũ khí trong Tối hậu thư hết hạn, Kháng chiến bùng nổ.
2.2. Nỗ lực Hiệp thương Tổng tuyển cử lần thứ hai bất thành, tháng 11.1963 Năm 1962, Vùng Gải phóng đã lên tới 30 % lãnh thổ. Quân lực VNCH tỏ rõ sự yếu kém,tình hình thật bi đát. Số cố vấn quân sự Mỹ tăng vọt lên trên 10 ngàn ở tất cả các đơn vị chiến đấu mà chẳng giải quyết được gì tốt đẹp. Tổng thống Kenedy qua ông Đại sứ đã mấy lần đề nghị đưa quân Mỹ vào. Như vậy là cả hai miền đều đứng trước hiểm họa chiến tranh mà ai cũng kinh sợ mức độ tàn phá ở Triều tiên mới 9 năm trước. Với bom đạn như thế,không ai biết điều gì tồi tệ nhất sẽ xảy đến. Vấn đề tránh một cuộc chiến tranh lớn được cả các lãnh tụ cao nhất cả hai phía bàn thảo.
Vì Mỹ muốn đổ quân vào, nên để thương thuyết, cụ Hồ đã thông qua Đại tá Phạm Ngọc Thảo liên hệ với cố Tổng thống Ngô Đình Diệm cho Đặc phái viên đặc biệt, Tướng Nguyễn Tài- Thứ trưởng Bộ Công An (chứ không phải Nội vụ) của chính phủ VNDCCH đến Sài Gòn. Ông Tài là em ruột nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan. Nhân chứng Đại tá Thảo nói rõ với ông Diệm mình là người CS trước lúc môi giới thương thuyết. Tướng Huỳnh Văn Cao trong /8/ viết : ,,Trung Tá Phạm Ngọc Thảo, hiện là sĩ quan của Miền Nam, diện hồi chánh, nhưng đã từng là bạn thân của Lê Duẩn, ngày đám cưới của Thảo tại Thiên Hộ Đồng Tháp thì Lê Duẩn đã đích thân đến dự. Khi tôi còn là Tư Lệnh Sư Đoàn 7 kiêm Khu Chiến Tiền Giang thì Thảo làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Kiến Hòa, người được Tổng Thống Diệm tin cậy. Trong những giây phút thân tình, Thảo đã thỏ thẻ với tôi: ”Nếu Đại Tá Tư Lệnh muốn quen biết với ông Lê Duẩn thì tôi có thể sắp xếp được.” Cho nên đã có lần tôi thưa với cụ Diệm: ”Sao Cụ cứ để Trung Tá Thảo làm Tỉnh Trưởng Kiến Hòa lâu vậy, Cụ không sợ Thảo rủ rê cháu theo Cộng Sản hay sao?” Cụ Diệm đáp lại: ”Ừ, để xem đứa nào rủ được đứa nào?” Lúc ấy, tôi đã hiểu là Tổng Thống Diệm tin chắc không thể nào Thảo rủ rê tôi được, nhưng đồng thời có nghĩa là Tổng Thống Diệm biết rõ Thảo là Cộng Sản ''.
Ông Diệm cho ông Tài ở ngay bên cạnh mình trong Dinh Gia Long. Nhân vật mà Thiếu tướng Đỗ Mậu, Phụ trách An ninh Quân đội, viết là những nhân vật cao cấp cuả Chính phủ có thấy một người mang một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ bằng con tem trên ve áo / 7/ chính là người này. Ông Nguyễn Tài bị bắt ngay sau Đảo chính 11.1963, bị biệt giam đến cuối tháng 4.1975, may nhờ một hạ sỹ không theo lệnh chỉ huy ném lựu đạn vào xà lim. Anh này báo với Ủy ban Quân quản đến cứu con người liệt hai chân này. Tết Việt nam 1963, thông qua Ủy hội Quốc tế, chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mang vào tặng Tổng thống Ngô Đình Diệm một cành đào. Tiếc thay,vì không thay đổi được lập trường thoả hiệp với CS mà Mỹ giết ông Diệm. Nhà độc tài Pinochett không bị giết vì không làm điều này.
Năm 1964 cụ Hồ bị đau tim nặng. Từ 1964 đến 1969 đã sang Trung Quốc rất nhiều lần chữa bệnh. Theo hồi ký cuả những người gần cụ , tất cả các công việc lớn nhỏ cuả Bộ Chính trị ĐCS không báo cho cụ nữa, để cụ được thọ lâu hơn. Chỉ những chủ trương lớn mới đến cụ. Cụ là công tác động viên quần chúng là chính. Chính cụ Hồ cũng thông báo giao tất cả việc,ủy nhiệm hết cho ông Lê Duẩn. Đưa một người từ Miền Nam ra để lãnh đạo tất cả những người cao cấp nhất Chính phủ là ông Lê Duẩn,cụ Hồ nói với mọi người rằng con người này duy nhất có khả năng thống nhất đất nước. Điều này trái ngược với tin cho rằng ông Lê chiếm quyền. Mãi đến năm 1969, cụ còn gửi thư cho ông Tổng thống Mỹ ngõ hầu vẫn hồi nền hoà bình.
Tài liệu và bằng chứng
1. Kho lưu trữ Liên bang . Tài liệu về các Quốc tế CS II và III.
2.GS Alecxei Rebanhinin: Nguyễn Ái Quốc ở Moscow -T/c Tổ quốc 07.2004.
3. Lưu trữ Thư viện liên bang Nga.
4.Triển lãm Cục Lưu trữ Liên bang Nga 30.01.2005.
5. Kurikhara Hirohirde ‘Đóng góp cuả Chủ tịch Hồ Chí Minh’ cho ĐCS Đông dương ‘Lựa chọn hướng chiến lược’ 2-6.10.2000 Hội nghị Lịch sử Quốc tế tại St.Peterburg, Đại học Tổng hợp St Peterburg.
6. N.Khorutshev ‘Hồi ký’, Moscow 1995.
7. Đỗ Mậu. Sách ‘Làm Thế nào để giết chết một vị Tổng thống?’.
8. Huỳnh Văn Cao ‘Một kiếp người’