Thư gửi “blogger- con”
Ảnh minh họa: Friends list của một blogger
Thời đại Internet – thời đại giúp mọi người khắp nơi trên thế giới kết nối và làm quen với nhau. Sự ra đời của blog khiến mọi người dễ bày tỏ và truyền thông với nhau hơn nữa. Thế giới cứ tưởng chừng thu nhỏ lại, và nằm gọn trên màn hình.
Ngồi một chỗ mà biết tất cả mọi chuyện, cùng một lúc biết tất cả những nỗi niềm sẻ chia…
Thế nhưng, mẹ thấy con nối kết, truyền thông với mấy trăm người bạn, nhưng lại không truyền thông được với gia đình. Tuổi trẻ ngày nay sống cùng với net, giao lưu, trao đổi qua chat, qua những comment. Hiếm hoi lắm, mẹ mới thấy mặt con trong bữa cơm tối cùng gia đình (nhưng mà bữa có bữa không).
Sau bữa cơm tối, sau những việc cá nhân, con lại bật máy và sống với thế giới của riêng mình. Cười một mình, lắc lư một mình theo điệu nhạc. Không còn những giờ phút cùng cả nhà xem một bộ phim, bình luận một vấn đề thời sự hay quây quần nói những câu chuyện không đề. Con chúi đầu vào computer suốt ngày ở công ty, tối về lại điệp khúc đấy. Mẹ có cảm tưởng như con không gặp người thân cũng không sao, chứ không vào net là không được, không họa qua đáp lại với tụi bạn là không xong.
Con có biết đâu rằng, hôm nay gương mặt mẹ dường như mỏi mệt, mẹ cần lắm một lời hỏi han. Nhưng đi qua đi lại, mẹ chỉ thấy con nhìn vào màn hình, thay vì ngước nhìn mẹ. Con đâu biết rằng hôm nay ba đau trong người, mà chỉ cần để ý, con sẽ biết ngay, nhưng rồi mẹ nghĩ con đang bận bịu…
“Thời gian qua đi có trở lại bao giờ…”
Con vui thú vì kết thân với nhiều người bạn, con hài lòng với thế giới blog đã giúp mọi người hiểu con cũng như con hiểu được mọi người. Con biết được một blogger nào đó đang bị bệnh, đang stress, nhưng chẳng biết được rằng người thân của con đang buồn. Con tìm đến thế giới ảo, từ chối xúc chạm với nhưng gì hiện hữu thực sự bên con. Con không thèm để ý hôm nay mẹ mua cho ba chiếc áo mới và ba mặc rất đẹp. Nhưng chỉ cần một blogger nào có avatar mới, là con biết ngay và không tiếc lời bình phẩm. Mẹ cười nhưng cứ thấy tủi làm sao.
Mẹ thấy dạo này con thay đổi, mẹ nghĩ con đã tìm được tình yêu, và các con thường xuyên gặp nhau trên mạng. Chắc mẹ còn quá cổ hủ khi nghĩ rằng “tri nhân, tri diện, bất tri tâm” huống chi là … Những biểu hiện, những va chạm thực tế còn chưa giúp chúng ta hiểu hết về nhau nữa là cứ trò chuyện với nhau qua cái màn hình. Như thế thì làm sao con biết được biểu hiện thật lòng, là cái đỏ mặt, là vẻ giận hờn chứ không phải những biểu tượng vô cảm kia. Nói ra con lại biện minh, như thế lại dễ tỏ bày với nhau. Mẹ lại nghĩ, những lời yêu thương dễ dàng nói ra đấy rồi cũng sẽ vụt tắt như khi con tắt màn hình computer vậy.
Có lẽ mẹ không hiểu tình yêu thời @ của các con. Mẹ chỉ thích hồi tưởng lại tình yêu đôi lứa thời xa xưa, một cái nắm tay, một ánh nhìn ấm áp, liệu cái computer có truyền cho con cảm xúc đó không? Hôm qua, không biết con có đọc được tin này trên báo TT không: “Thậm chí đến 84% cho biết họ sống phụ thuộc vào máy tính từ ba năm qua mà không cần đến những quan hệ giới tính thông thường. Hơn phân nửa người tham gia nghiên cứu khẳng định chiếc máy tính là nguồn gốc xuất phát những cảm xúc giận hờn hay buồn vui của họ!”. Đấy, mẹ nói có sai đâu!
Viết những dòng này, mẹ chỉ mong con biết sống quân bình, truyền thông với bao người, nhưng đừng làm rạn sợi chỉ yêu thương trong gia đình con nhé! Mẹ biết con yêu thương gia đình, nhưng con ơi, tình thương cần sự biểu lộ. Khi con làm cha, làm mẹ, con sẽ hiểu được nỗi lòng này của mẹ.
Mẹ không nghĩ sau này, gia đình bé con của con, mỗi người một computer, rồi nỗi niềm chia sẻ với nhau qua blog chứ không phải dành chút thời gian quây quần chuyện trò, tâm sự. Chúng ta sống mà còn có thể nhìn thấy mặt nhau mỗi sáng mỗi chiều đó là điều hạnh phúc, thế nhưng mẹ muốn chúng ta có cái nhìn thật sự trìu mến với nhau…
Nguồn: Lệ Ý – Tạp chí Văn hóa Phật giáo