“Sóng” biển Đông giữa lòng Hà Nội

 

TTCT – Hoành tráng, hiện đại, đó là những từ mà cả người am hiểu lẫn không am hiểu về kiến trúc đều phải thốt lên khi tận mắt chiêm ngưỡng Trung tâm Hội nghị quốc gia (National Convention Center – NCC), một trong những trung tâm hội nghị hiện đại nhất Đông Nam Á.
Tọa lạc trên diện tích 64ha, NCC có trung tâm hội nghị chính rộng 60.000m2 (xây dựng theo mẫu thiết kế mang tên “Lượn sóng biển Đông” của kiến trúc sư người Đức Meinhard Von Gerkar) với mái lượn sóng từ đại sảnh lên cao đến phòng họp chính. Trong khuôn viên NCC có các đồi nhỏ và hồ nước liên thông tạo nên cảnh quan núi non, biển trời hùng vĩ của di sản thế giới vịnh Hạ Long.


“NCC là công trình lập nhiều kỷ lục và nhiều điều chưa từng có trong lịch sử ngành xây dựng – ông Nguyễn Tiến Thành, phó giám đốc Ban quản lý dự án NCC, nói – Đây là công trình dân dụng lớn nhất nước ta từ trước đến nay. Ngay từ khi biết tin được phân về ban quản lý dự án, tôi đã hết sức bỡ ngỡ vì từ trước tới giờ chưa thực hiện một công trình dân dụng nào lớn như vậy”.

NCC và những chuyện chưa tiền lệ
Chưa hết bỡ ngỡ với việc quản lý xây dựng một công trình tầm cỡ, ông Thành và các thành viên trong ban quản lý càng lo lắng hơn khi nhận nhiệm vụ phải xây dựng hoàn thành công trình trong thời gian hơn hai năm để kịp đưa vào phục vụ Hội nghị cấp cao APEC.
Ông Thành kể lại: “Chúng tôi báo cáo Thủ tướng rằng nếu làm theo tiến độ thông thường thì phải mất ít nhất bốn năm, cộng với một năm chuẩn bị là năm năm. Do đó, để hoàn thành trong thời gian kỷ lục hơn hai năm, công trình đã được Thủ tướng đồng ý cho áp dụng một số cơ chế đặc biệt như chuẩn bị trước nhiều phần việc trước khi dự án đầu tư được phê duyệt”.
Ngày 25-10-2004, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng NCC nhưng từ những tháng đầu năm, dường như cả ngành xây dựng đều “xắn tay” vào chuẩn bị cho ngày khởi công. Do thời gian quá gấp, các mẫu thiết kế công trình đã không được lựa chọn theo hình thức thi tuyển mà trọng trách thiết kế mẫu được giao cho kiến trúc sư Meinhard Von Gerkar.
Theo đánh giá của các kiến trúc sư trong nước, vị kiến trúc sư người Đức này không phải là người nổi tiếng. Tuy nhiên, trước đó ông đã giành giải nhất cuộc thi thiết kế mẫu tòa nhà Quốc hội, nhưng do địa điểm dự kiến xây dựng phát hiện ra hoàng thành nên công trình không được thực hiện, và việc chọn Gerkar thiết kế NCC cũng như một sự “đền bù” cho ông.
Gerkar đưa sang VN bốn mẫu thiết kế lần lượt mang tên “Lượn sóng biển Đông”, “Ngôi sao rạng ngời”, “Trang viên hội ngộ”, “Đóa hoa trên hồ”. Tháng 4-2004, bốn mẫu thiết kế được đưa ra triển lãm tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ Hà Nội để tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân. Theo kết quả thăm dò, mẫu thiết kế “Đóa hoa trên hồ” nhận được nhiều điểm nhất, tiếp đó là mẫu “Lượn sóng biển Đông”. “Đóa hoa trên hồ” có điểm nhấn chính là tòa nhà trung tâm khối tròn, bao quanh là sảnh hành lang và tòa nhà bốn tầng hình vành khăn.
Toàn bộ tòa nhà nằm giữa một hồ nước thơ mộng. Tuy nhiên, dưới con mắt các kiến trúc sư, phương án này bị đánh giá là khó khả thi. Mẫu “Trang viên hội ngộ” bị chê là không có sắc thái riêng, mang dáng dấp tòa nhà Quốc hội của Đức. Khác với đánh giá của người dân, giới kiến trúc sư lại đánh giá cao ý tưởng của mẫu “Ngôi sao rạng ngời”. Ở phương án này, tác giả người Đức đã lấy ý tưởng từ hình ảnh sao vàng trên nền cờ đỏ để thiết kế hội trường chính. Hội trường được cấu tạo bởi các tấm vách hình tam giác. Với lối kiến trúc đó, mẫu thiết kế này tỏ ra khá lạ mắt nhưng vấp phải nhược điểm tạo cảm giác đổ vỡ do có những hình xiên.
Để chọn được mẫu thiết kế chính thức trình Chính phủ, ban quản lý dự án đã làm một việc chưa từng có trong lịch sử ngành kiến trúc là mời 31 kiến trúc sư đầu ngành ngồi chấm điểm bốn phương án. Kết quả cuối cùng cũng ngạc nhiên đến mức khó tin là việc cả 31 kiến trúc sư đều thống nhất chọn mẫu “Lượn sóng biển Đông”, mặc dù giới kiến trúc sư xưa nay vốn mỗi người mỗi ý theo những cảm nhận chủ quan khác nhau.

Chạy đua cùng thời gian
Ngày 15-11-2004, NCC được khởi công xây dựng với yêu cầu hoàn thành vào cuối tháng 9-2006. Để công trình kịp hoàn thành đúng tiến độ, Bộ Xây dựng đã trực tiếp chỉ đạo Ban quản lý dự án, các nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát, các nhà thầu xây dựng phải tập trung lực lượng cán bộ công nhân và trang thiết bị hiện đại thi công ba ca liên tục.
Mặc dù được áp dụng một số cơ chế đặc biệt nhưng trong suốt thời gian thi công, mọi việc dường như lúc nào cũng thúc sau lưng các thành viên ban quản lý. Trong phòng làm việc của ban quản lý, một chiếc đồng hồ đếm ngược được thiết lập trên màn hình máy tính hằng ngày thông báo số thời gian còn lại phải hoàn thiện công trình. Phó giám đốc Nguyễn Tiến Thành nói: “Mọi việc luôn căng như dây đàn nhưng chưa bao giờ chúng tôi có ý nghĩ sẽ không hoàn thành đúng tiến độ”.
Đến cuối tháng 9-2006, công trình đã cơ bản hoàn thành các hạng mục. Ngày 25-10-2006, hội đồng nghiệm thu tiến hành nghiệm thu NCC để đưa vào sử dụng. So với thiết kế ban đầu của kiến trúc sư người Đức, công trình tuân thủ hầu hết theo mẫu, trừ một số thay đổi nhỏ. Ngày 22-12 vừa qua, Bộ Xây dựng đã chính thức bàn giao NCC cho Văn phòng Chính phủ.

Công nghệ hiện đại
Nhìn từ bên ngoài sẽ khó thấy được yếu tố dân tộc ở NCC. Trước đó vấn đề này đã được đặt ra ngay từ khâu lựa chọn mẫu thiết kế. Quan điểm của các kiến trúc sư là một công trình lớn không thể không thể hiện tính dân tộc qua những biểu trưng kiến trúc. Do đó, tính dân tộc tại NCC được thể hiện đậm nét bằng việc trồng những cây trồng bản địa, hạn chế tối đa những loại cây du nhập. Ngoài ra, màu sắc trong NCC không phải là màu sắc lạnh theo mẫu thiết kế của kiến trúc sư người Đức, mà đã được làm ấm lên qua những phần ép gỗ không quá lạnh và không quá tối.
Tính dân tộc cũng được thể hiện qua kích cỡ, tỉ lệ các gian phòng, qua các phên che nắng được chế tạo giống những phên tre, tạo hình thù sinh động khi nắng chiếu vào, qua các hồ nước, các ngọn đồi nhân tạo. Đặc biệt, trong khuôn viên 64ha của NCC còn có đền ông Hoàng Ba mang đầy nét văn hóa VN. Đây là ngôi đền có sẵn trên khuôn viên đất, sau đó được tu tạo lại.
Bên cạnh những yếu tố mang tính dân tộc nói trên, một trong những điểm khiến NCC trở thành trung tâm hội nghị hiện đại nhất Đông Nam Á là yếu tố công nghệ. Bên trái tòa nhà trung tâm là hệ thống điện bằng pin mặt trời tiên tiến nhất thế giới. Phía quảng trường trước tòa nhà trung tâm là dàn phun nước tạo cảm giác mát mẻ, một garare ngầm có thể chứa được 495 xe, một sân đậu trực thăng, hệ thống 8ha hồ điều hòa, hơn 50ha cây cỏ, đồi núi… Tổng chi phí cho các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ngoài tòa nhà trung tâm ước tính khoảng 780 tỉ đồng.
Bên trong tòa nhà trung tâm, các hệ thống điều hòa, thông gió, cấp nhiệt với 24 tổ máy lạnh. Đáng chú ý là hệ thống báo, chữa cháy tự động. Khi trong tòa nhà có tín hiệu báo cháy, thang máy sẽ tự động tụt xuống tầng 1 để những người trong tháng máy thoát ra. Hệ thống rèm cửa sổ các tầng sẽ tự động kéo lên, các cửa sổ tự động mở để người trong tòa nhà thoát hiểm. Quạt thông gió tự động khởi động hút khói ra ngoài.
Tiếp đó, các vòi phun nước trên trần các căn phòng sẽ tự động phun nước chữa cháy. Cũng trong tòa nhà trung tâm, một hệ thống an ninh hiện đại nhất có khả năng phát hiện người lạ lọt vào trong thời gian phong tỏa đề kịp thời báo về cho trung tâm điều hành.
Phòng họp chính của NCC với 3.747 chỗ ngồi

NCC thời “hậu” APEC
Sau APEC, NCC đã vượt ra khỏi tầm vóc một trung tâm hội nghị để trở thành điểm tham quan lý thú trong tour du lịch thủ đô. Cùng với lịch thuê hội họp kín mít, hằng ngày NCC đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan.
Theo quyết định đầu tự dự án, NCC sẽ là nơi tổ chức các đại hội, hội nghị lớn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội nghị quốc tế, các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, thương mại có ý nghĩa quan trọng quốc gia và quốc tế, các hội chợ, triển lãm trong nhà và ngoài trời.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hoài Nam, giám đốc NCC, việc NCC cho thuê tổ chức hội nghị, tổ chức tham quan hiện tại mới đang trong giai đoạn thử nghiệm để hoàn chỉnh đề án tổ chức khai thác kinh doanh NCC. Ông Nam cho biết quan điểm của Chính phủ là tận dụng cơ sở vật chất của NCC để hoạt động lấy thu bù chi. Do đó, ngoài những hoạt động lớn của Đảng, Nhà nước, NCC sẽ được tổ chức các hoạt động khác mang tính văn hóa, xã hội.

KHIẾT HƯNG

Các công trình chính của NCC
– Tòa nhà trung tâm có diện tích sàn khoảng 60.000m2, chiều cao hơn 53m. Phòng họp chính có qui mô 3.747 chỗ ngồi có thể ngăn được thành hai phòng riêng biệt; một phòng tiệc lớn phục vụ được 1.000 thực khách; một phòng tiệc cấp cao, hai phòng họp cấp cao; một trung tâm báo chí; khu vực triển lãm, khu vực cửa hàng, trung tâm kinh doanh, giao dịch thương mại, khu văn phòng quản lý, điều hành; khu vực bếp phục vụ; phòng phiên dịch.
– Nhà để xe ngầm có sức chứa 495 ôtô, ba bãi đỗ ôtô nổi, một sân đỗ trực thăng, hệ thống đường giao thông nội bộ dài 4,5km.
– Các công trình phụ trợ, kiến trúc cảnh quan, sân vườn, cây xanh, mặt nước với diện tích ba hồ là 8,1ha.
– Đền ông Hoàng Ba được tôn tạo lại như một phần cảnh quan của công trình.
– Tổng mức đầu tư xây dựng NCC: 4.281,2 tỉ đồng.
– Địa điểm công trình: xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm và phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

3 thoughts on ““Sóng” biển Đông giữa lòng Hà Nội”

Leave a Reply