Tôi lớn lên bằng những lời ân cần dạy dỗ của cha… (Ảnh có tính minh họa) – Ảnh: T.T.D |
TT – Có cần dùng roi vọt để dạy con? Bài viết của một người mẹ bức xúc từ cái chết thương tâm của cháu bé bị mẹ bạo hành.
Tôi cứ bần thần giở ra rồi gấp lại tờ Tuổi Trẻ có tin “Cháu bé bị mẹ đánh chấn thương não đã qua đời”. Trái tim như có ai bóp nghẹn. Quyết tâm không đọc nữa, xếp tờ báo lại. Rồi sáng qua, giở báo Gia Đình & Xã Hội lại đập ngay vào mắt dòng chữ: “Đông Anh, Hà Nội: Bố ném gạch vào con gái”. Lần này tim tôi không còn nghẹn nữa mà tan ra như nước đá…
Tôi cũng là một bà mẹ thường tình. Những lúc con hư, không kìm được lòng đã cầm roi đánh con. Những vết lằn vài ngày sau mới hết. Nhưng những khi đó thấy tâm trạng buồn ghê gớm. Thương con, thương cả bản thân mình. Người ta bảo khi phải dùng bạo lực với con tức là đã bất lực trước việc dạy dỗ con rồi. Tôi buồn vì lẽ đó. Chẳng nhẽ một người mẹ có học thức lại phải dùng roi vọt dạy con nên người ư? Hay tôi đã bế tắc trong cách dạy con? Có lần đánh con hằn rõ bốn ngón tay trên lưng, cơ thể nhỏ bé oằn đi vì cú đánh đó. Đánh con, đau mẹ. Bàn tay tôi rát tận vào tim. Tôi nghĩ bậc cha mẹ nào cũng vậy, khi đánh con xong lòng sẽ thấy buốt lắm. Nhưng roi vọt có làm trẻ nên người không?
“Con đừng đánh những lúc con đang cáu giận. Con cái sẽ cảm nhận rất nhanh và về sau hình ảnh này sẽ lặp lại ở thế hệ cháu của con. Muốn con nên người phải đánh bằng tình thương” – cha tôi bảo vậy. |
Ngày xưa mẹ tôi cũng đánh mỗi khi tôi hư. Tôi còn nhớ rõ có những lần tiện thì mẹ cầm chổi, không thì cầm đũa vụt. Nhưng cũng chỉ nhè vào phần mông, chân để đánh. Sau những trận đòn đó, tôi ghét và giận mẹ lắm.
Càng ngày những trận đòn càng dày thêm vì tôi là đứa trẻ nghịch ngợm. Rồi hết cảm giác khóc. Đau lắm chứ. Vì càng không khóc, mẹ càng đánh đau. Nhưng rồi tôi cũng bớt lêu lổng, tập trung hơn vào học tập. Không hẳn là sợ bị mẹ đánh đau, mà càng lớn tôi càng cảm nhận rõ: những lúc mẹ đánh tôi không rơi nước mắt, nhưng tôi nhìn thấy mắt mẹ ngân ngấn nước, chỉ chực trào ra trên gương mặt nhiều nếp nhăn. Tôi nên người từ đó.
Ở cạnh nhà tôi khi đó cũng có thằng bạn hay bị bố đánh, mà toàn đánh bằng thắt lưng da. Trời lạnh tím tái cũng cởi quần nó ra đánh cho tóe máu. Tôi hỏi nó: sao không chạy? Nó bảo: Chạy rồi, tối về vẫn bị đánh. Đằng nào cũng bị đánh. Vậy sao không khóc? Đánh quen rồi, không khóc được nữa. Đánh chán thì thôi. Nó lớn lên cùng những trận đòn thừa sống thiếu chết nhưng cũng không làm người tử tế được. Nó bỏ học, nghiện ngập, bỏ nhà đi hoang. Có lần tôi thấy đêm khuya bố nó vẫn đứng ở cửa, tay cầm thắt lưng da chờ nó về nhà.
Roi vọt có làm trẻ nên người không? Nên người chứ. Cha tôi kể ông bà ngày xưa nghiêm khắc lắm. Con sai là đánh. Vừa đánh vừa dạy. Đánh cho phải quì xuống xin lỗi, hối cải mới thôi. Nhà đông con vậy, không dạy bằng đòn roi thì không yên bề gia phong. Cha bảo cũng nhờ đòn roi của ông bà mà cha và các bác nên người. Đến giờ vẫn cảm ơn những trận đòn nên người đó.
Roi vọt có làm trẻ nên người không? Cũng khó có thể nên người. Khi bất lực trước lời dạy dỗ là lúc bạo lực ắt lên tiếng. Đánh cho hết cái sĩ diện làm cha mẹ, hết những bực bội vì con cái không nghe lời. Đánh cho hỉ hả với thái độ biết dạy con. Đánh vì muốn ra uy với con cái. Cha tôi bảo những trận đòn đó không bao giờ làm con cái nên người vì chúng không có cái tâm của người làm cha mẹ, chỉ đánh con để hả hê cảm xúc. Ông bà ngày xưa chỉ đánh khi con cái có lỗi thật sự. Đánh cho hiểu được cái sai. Chứ không như bây giờ, đánh để đe nẹt, để buộc con cái phải phục tùng sự uy nghiêm. Nên những trận đòn như vậy không bao giờ làm trẻ nên người, chỉ làm trẻ thêm thù hận, làm cho trái tim non nớt của trẻ thêm sự hằn học. Một đứa trẻ không có lòng nhân hậu chính là được sinh ra từ những trận đòn thiếu giáo dục như thế.
Cha không bao giờ đánh tôi. Cả những lúc tôi hư, cha cũng chẳng quát nạt. Tôi lớn lên từ những trận đòn của mẹ và những lời ân cần dạy dỗ từ cha. Giờ đã làm mẹ, thi thoảng tôi có đánh con theo cách của mẹ, nhưng cố gắng “đánh bằng tâm” theo cách của cha. Tôi cũng không dám chắc những lần đánh con kia của tôi sẽ làm thằng bé nên người sau này. Nhưng tôi vẫn phải làm thế với cái tâm mong con tôi nên người.
Nhưng cuộc sống này dường như đang dồn mọi người vào chỗ ức chế nhiều hơn. Bố mẹ mải mê sống vì đồng tiền, bát gạo nhiều quá…, bỏ lại sau lưng những đứa trẻ khao khát tình cảm. Đi làm tới tối mịt mới gặp con. Bao ức chế cả ngày của công việc, cuộc sống, của lòng người… dồn cả lên con khi con hư.
Tôi cũng từng bị rơi vào tâm trạng đó. Bao mệt mỏi của công việc mang cả về nhà với tâm tư bức xúc. Rồi, trùng hợp lúc con không nghe lời, dồn cả bàn tay lên vai gầy guộc của con. Những lúc như thế nỗi đau rát từ cơ thể thằng bé chạy rất nhanh vào tim tôi. Rồi cảm nhận rõ lắm sự vô lý của cái đánh này. Những trận đòn thời hiện đại này phần nhiều là như thế. Đá
nh
con vậy, làm sao con nên người đây?
Tôi lại giở những trang báo có đăng những vụ bố mẹ bạo hành con cái kia ra đọc cho hết. Hầu như ai đọc những thông tin này cũng đều hét lên: toàn bố mẹ không có trái tim. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Họ cũng chỉ là những con người bình thường, có trái tim bình thường. Chỉ tiếc những lúc họ đánh con tới chết, đánh con tới trọng thương là lúc họ không kìm nén được cảm xúc làm cho mất hết nhân tính, mất hết tỉnh táo. Tôi cũng dám chắc rằng khi họ mất đứa con, khi vào bệnh viện thăm con, trái tim họ cũng sẽ quặn thắt như tôi – người dưng đọc bài báo này. Và tôi cũng chắc một điều người mẹ đánh con đến chết kia sẽ ân hận cả cuộc đời. Khi bình tâm cũng là lúc dằn vặt nhất. Có thể chính những ông bố, bà mẹ này khi còn nhỏ cũng bị đối xử tàn tệ từ chính bố hay mẹ mình, mà thiếu hụt sự dạy dỗ từ tình yêu thương. Có thể lắm…
VÂN KHÁNH