Pham Tuan – Vinasat1

Vào cuối những năm 80 vẫn “lưu truyền trong dân gian” một câu truyện liên quan đến sự kiện con tàu “Liên Hợp 37” chở một nhà du hành vũ trụ Liên Xô và anh hùng VN, Phạm Tuân, lên vũ trụ:

Chuyện kể rằng, theo một tài liệu “mật”, trên con tàu không phải có hai nhà du hành mà có đến ba nhà du hành của Liên Xô, Cuba và Việt Nam. Sau một tuần chu du tiên giới, tàu hạ cánh về mặt đất. Các nhà du hành được đưa đi kiểm tra sức khoẻ. Kết quả, đồng chí Liên Xô sức khoẻ hoàn toàn tốt. Đồng chí Cuba, về cơ bản không có gì đáng ngại, duy chỉ có hai mu bàn tay bị sưng đỏ lên. Bác sỹ căn vặn nguyên nhân, đồng chí ngượng ngịu kể:

– Lúc ở trên tàu, thấy cái gì lạ tôi cũng sờ vào nên bị đồng chí Liên Xô cầm thước kẻ vụt vào tay.

Đến lượt Phạm Tuân, cả mu bàn tay và má đều bị sưng đỏ. Bác sỹ lại hỏi nguyên nhân thì Phạm Tuân cũng không giấu diếm:

– Tôi cũng như đồng chí Cuba. Nhưng vì tôi hỏi nhiều quá nên bị vả vào mồm.

Câu chuyện tiếu lâm này, cùng nhiều câu chuyện tiếu lâm về chuyến du hành ấy, tất nhiên không nhằm vào cá nhân Phạm Tuân, mà nhằm chê cười một sự kiện: Người ta đã “hoành tráng hoá” một sự kiện bình thường. Sự việc một phi công giỏi (cứ cho là thế) được lựa chọn, đào tạo để thực hiện một công việc trên vũ trụ (trên một thiết bị hoàn toàn của nước ngoài) đã được thổi phồng để lấy đó làm thành tích, vênh vang với thiên hạ. Thực chất, trình độ khoa học kỹ thuật của nước ta lúc bấy giờ (và cả hôm nay) chưa tham gia được một chút nào vào công trình khoa học vũ trụ ấy.

Ngày hôm qua, một lần nữa sự kiện kiểu ấy lại thấp thoáng hiện về. Việc VNPT thuê Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo vệ tinh riêng, sau đó phóng vệ tinh tại Pháp, thuần tuý là một thương vụ. Thương vụ ấy có giá trị (nghe đâu) khoảng hơn 200 triệu USD và kéo dài 15 năm (tuổi thọ của quả vệ tinh). Thôi, chuyện lỗ hay lãi có nhiều ý kiến khác nhau, xin không bình loạn. Bên cạnh việc thương mại, vệ tinh đầu tiên mà VN làm chủ sở hữu cũng khẳng định chủ quyền không gian. Ý nghĩa chính trị ấy chắc cũng không ai có ý định bàn cãi. Nhưng có lẽ, không dừng ở đấy, người ta đang bị xúc động quá đáng, đang bị lạc quan tếu. Nhiều bài báo, giật tít: “VINASAT-1 mở ra kỷ nguyên mới cho viễn thông Việt Nam”, “Lần đầu tiên VN phóng thành công vệ tinh…”. Chợt giật mình khi nghĩ câu này mà được dịch nguyên văn sang tiếng Anh. Khối anh xanh mắt cho mà xem. Rồi cái bọn “thù địch” nó chẳng quây vào dòm ngó ấy chứ. Nghĩ vui vậy thôi, ai mà tin. Một quan chức to to, chắc trong lúc rưng rưng xúc động, đã phát biểu rằng: “Lúc này cảm giác của tôi gói gọn trong 4 từ: Tự hào và Tự tin.Cứ mỗi lần dân tộc chúng ta có bước thăng tiến, chúng ta lại tự hào về bề dày văn hóa, tự hào về dân tộc ta rất đỗi anh hùng, tự hào về thế hệ các anh đi trước, đã làm tất cả những gì cần làm để vệ tinh VINASAT-1 có thể phóng thành công hôm nay”. Thế có phải nghĩa là: Với bề dày truyền thống mấy nghìn năm, chúng ta đạt đến bước thăng tiến là đi…mua một thiết bị và…nhờ người ta phóng lên giời cho. Thật hài hước. Việc thuê nước ngoài chế tạo vệ tinh cho là việc cực chẳng đã. Thứ nhất, đắt đỏ. Thứ hai, quan trọng hơn, biết đâu bạn cài cắm những gì bên trong cái thiết bị ấy. Mà toàn thông tin quân sự, an ninh chứ chơi đâu. Một sự kiện bình thường, đừng tâng bốc quá thế, đừng bắt bác “Phạm Tuân vào vũ trụ” thế.

Một sự kiện khác không kém ầm ĩ, đó là sự kiện bánh chưng thiu, bánh dày mốc. Ngày quốc giỗ, người ta dâng tặng tổ tiên của mình những cái bánh thật hoành tráng. Những chiếc bánh cốt sao đạt kỷ lục này, kỷ lục kia mà quên đi một điều rằng người ta tưởng nhớ đến tiên tổ cốt yếu là ở tấm lòng thơm thảo. Bánh chưng bánh dày, làm từ gạo nếp lá dong thịt lợn, những thứ mà nhà nông có thể tự cấy trồng, chăn nuôi. Những thứ mà không phải đặc sản gì cả, chỉ là mong thể hiện được một niềm thương nhớ. Vậy thì bánh trưng nặng hàng tấn, bánh dày cao hàng mét để làm gì. Để rồi, người ta phải cân cả sắt thép làm khung . Để rồi, người ta phải độn cả xốp vào trong bánh. Sự háo danh (và lợi) đã biến món quà dâng kính tiên tổ thành một sự xúc phạm. Có lẽ, người ta đã lập được một kỷ lục mới về sự xúc phạm nguồn cội của mình.

Nếu ai đã chơi trò chơi AOE-Thời đại các đế chế, một trò chơi chiến tranh giả lập về các đế chế trong lịch sử, hẳn có để ý đến các đế chế trong game. Trong đó, có các đế chế của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ…những quốc gia láng giềng nhưng không có VN. Chúng ta có truyền thống lịch sử lâu đời thật đấy, nhưng so với thiên hạ, chúng ta có ghê gớm gì đâu. Hãy bình thường thôi. Tự tin nhưng đừng huênh hoang thái quá, kẻo lại lòi hết cái dốt ra ngoài, kẻo lại nực cười như một vị lãnh đạo khi đến khánh thành công trình thuỷ điện, đọc đít-cua xong vung tay chém gió:

“ Nhà máy chúng ta đã sản xuất ra điện ba pha phục vụ sản xuất. Rồi đây, không xa nữa, chúng ta sẽ sản xuất điện 4 pha, 5 pha thậm chí 10 pha”.

2 thoughts on “Pham Tuan – Vinasat1”

  1. Tớ nghĩ người viết bài này có cái nhìn tiêu cực quá. Đúng là chúng ta có thua kém nhiều so với các nước trên thế giới, nhưng những gì chúng ta đạt được ngày hôm nay đề là thành quả của sự nỗ lực của cả đất nước ta, nhân dân ta dù rằng nhứng thành tựu đó so với các nước khác có thể chẳng thấm vào đâu như ý của bạn. Tôi là một người yêu thích môn lịch sử, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về lịch sử của đất nước chúng ta và tôi rất tự hào về các thế hệ đi trước, về truyền thống của dân tộc mình. Và tôi thực sự cảm thấy rất vui sướng mỗi khi chúng ta đạt được một thành tựu nào đó dù quy mô của nó thế nào đi nữa. Các cụ ngày xưa từng có câu “Con không chê cha mẹ khó, chó khong chê chủ nghèo”, không biết hoàn cảnh gia đình bạn thế nào nhưng tôi nghĩ nếu như hoàn cảnh gia đình bạn có khó khăn thì bạn cũng sẽ không bao giờ oán trách cha mẹ mình. Tôi nghĩ bạn nên tìm hiểu về lịch sử và bạn sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn. Đất nước ta còn nghèo nhưng tôi tin đất nước ta sẽ phát triển và trường tổn mãi mãi. Hiếm có một dân tộc nào phải chịu đựng những thử thách và gian lao như dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm tồn tại, nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả để tiếp tục tồn tại và phát triển. Tôi rất thấm thía với một câu trong bài hát nào đó: “Đât nước tôi… từ thuở còn nằm nôi, sớm chắn bão giông chiều ngăn lũ lửa”, chỉ là một câu hát thôi nhưng nó như một lời tổng kết chính xác về đất nước ta. Và tôi cũng rất tâm đắc với tinh thần trong lời một bài hát về thanh niên mà tôi không nhớ rõ tên: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”. Tôi thấy bản thân mình chưa đóng góp được gì nhiều cho đất nước, nhưng tôi sẽ cố gắng lao động và học tập hết mình để làm tròn nghĩa vụ của một người công dân, để xưng đáng với những gì mà các thế hệ trước đã làm được. Tôi tự hào về dân tộc Việt Nam chúng ta.

    Reply
    • cám ơn ý kiến rất tâm huyết của bạn về bài viết mà mình sưu tập được 😀
      ví dụ đầu tiên thì mình thấy đúng là hơi tiêu cực. Nhưng minh họa thứ và thứ ba về vinasat và bánh chưng bánh dày mình thấy người viết nói rất đúng. Và mình rất đồng ý.
      Mình cũng rất tự hào về Tổ quốc, về dân tộc, tự hào mình là người Việt Nam. Nhưng trong cái tự hào cũng có nhiều cái cay đắng 🙂
      Bạn tìm hiểu nhiều về lịch sử VN, xin hỏi bạn thích nhất giai đoạn nào?
      Mình thấy giai đoạn 54-90 là một giai đoạn rất nhiều điều để nói 🙂

      Reply

Leave a Reply