Mình không thích Jack Ma, không thích Do Cao Bao

Nhưng mình vẫn công nhận hai lão này khủng.
TẠI SAO “ALIBABA SẼ LÀ NỀN KINH TẾ SỐ 5 THẾ GIỚI”?
📖
Hầu hết các tỷ phú công nghệ như Bill Gates (Microsoft), Steve Job (Apple), Larry Ellison (Oracle), Michael Dell (Dell), Jeff Bezos (Amazon), Larry Page (Google), Mark Zuckerberg (facebook)… đều là những người xuất phát từ công nghệ, giỏi kinh doanh, giỏi lãnh đạo.
Riêng Jack Ma lại không nằm trong số đó, Jack Ma xuất phát từ giáo viên tiếng Anh, không biết phần mềm, không biết CNTT, không biết công nghệ, không biết tài chính. Thế mà Jack Ma lại là chủ của công ty về dịch vụ điện tử dùng CNTT làm nền tảng, có giá trị công ty lên đến 352 tỷ USD.

Cách đây một tuần Jack Ma vừa có tuyên bố gây sốc: “20 năm nữa, Alibaba sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới”. Để thấy hết ý nghĩa của câu nói, bạn hãy hình dung rằng: theo Jack Ma đến năm 2036, các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Alibaba, Anh (đã ra khỏi châu Âu), Ấn Độ…
Vậy thì điều đặc biệt gì đã giúp Jack Ma vượt qua các rào cản để trở thành tỷ phú giầu nhất châu Á, đứng thứ 14 trong số những tỷ phú giầu nhất thế giới, ông chủ của một công ty đang ngày càng lớn mạnh với sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, dám đặt khát vọng đưa công ty của mình trở thành một nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Theo tôi yếu tố quan trọng nhất chính là Jack Ma có triết lý sống, triết lý kinh doanh, triết lý lãnh đạo xuất sắc, vượt trội, đi trước thời đại cộng với năng lực hành động kiên định, theo đuổi mục tiêu đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc.
Khi mà hầu hết mọi lãnh đạo chỉ nói về doanh số, lợi nhuận, tăng trưởng, văn hoá công ty, tinh thần đồng đội thì Jack Ma nói về “công ty hạnh phúc”, “mỗi nhân viên thấy hạnh phúc khi làm việc ở Alibaba”, “Alibaba không chỉ là một nơi làm việc, Alibaba còn là một giấc mơ, nơi khởi đầu cho những thành công mới”.
Khi mà các tỷ phú khác chỉ mới nghĩ đến việc hiến một phần tài sản cho công việc từ thiện thì Jack Ma lại coi khi đã thành tỷ phú thì đấy không phải là tiền của mình nữa mà là tiền của xã hội uỷ thác cho mình để đầu tư, sinh lời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác.
Sống trong một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, xã hội có rất nhiều vấn đề bất cập. Thay vì bức xúc, Jack Ma nhìn nhận vấn đề hết sức nhân văn: “Con người ta không có ai là hoàn hảo. Xã hội được xây dựng trên những con người không hoàn hảo, nên xã hội cũng không hoàn hảo”. Vì vậy Jack Ma cho rằng “việc thay đổi thế giới là việc của Obama, còn chúng ta trước hết hãy tự thay đổi chính mình”. Ngược lại rất nhiều người chỉ biết kêu ca, phàn nàn, oán trách, chỉ trích, mong muốn chính quyền, lãnh đạo các cấp, mọi người xung quanh thay đổi, còn mình thì không hề thay đổi. Vì thế mà họ kém thành công.
Trước những tiêu cực của xã hội rất nhiều người thường xuyên kêu ca, phàn nàn, than vãn, oán trách, nhưng Jack Ma nhận thức rất nhanh: “kêu ca, phàn nàn, than vãn, oán trách cũng chẳng ích gì cho bản thân”, “tốt nhất là mỗi người tự làm tốt nhất công việc của mình thì xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn”.
Về kinh doanh khi lập Alibaba, Jack Ma không chỉ nhìn thấy tương lai của thế giới là Internet, là thương mại điện tử, mà Jack Ma còn nhìn thấy như thế là chưa đủ với những nước kinh tế đang phát triển, với hệ thống vận chuyển, hệ thống thanh toán còn sơ khai. Jack Ma đã quyết định Alibaba phải giúp người mua, người bán vận chuyển hàng hoá, thanh toán tiền hàng. Chính vì vậy Jack Ma quyết định Alibaba không phải là công ty thương mại điện tử mà là công ty dịch vụ điện tử, nghĩa mô hình online kết hợp với offline (mua bán online, vận chuyển và thanh toán offline).
Thông điệp đơn giản, dễ hiểu: “mọi doanh nghiệp trên thế giới đều mua bán dễ dàng” đã định hướng cho toàn bộ hoạt động của Alibaba, từ lãnh đạo đến nhân viên; Định hướng cho tất cả các khách hàng, đối tác của Alibaba, dù là người mua hay người bán, dù doanh nghiệp vừa hay nhỏ.
Nếu ai thấu hiểu những điều trên thì sẽ dễ dàng hiểu lý giải sau của Jack Ma: “Nếu một công ty có thể phục vụ được 2 tỷ người tiêu dùng, bằng 1/3 dân số thế giới. Nếu một công ty có thể tạo ra 100 triệu việc làm, có lẽ là lớn hơn tất cả những gì các chính phủ trên thế giới có thể làm. Nếu một công ty có thể hỗ trợ cho 10 triệu doanh nghiệp, giúp họ có lợi nhuận trên nền tảng của mình, thì nó xứng đáng được gọi là một nền kinh tế”.
Phải mất 20 năm nữa chúng ta mới biết Alibaba có thực sự trở thành nền kinh tế lớn số 5 thế giới hay không, nhưng ngay từ bây giờ chúng ta đã và đang được chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của Alibaba, không phải chỉ ở Trung Quốc, mà ở cả châu Á, châu Âu và châu Phi cũng như chứng kiến một con người có sức mạnh kỳ diệu, chỉ cao có 1m52 lại đủ sức nâng bổng dăm chục nghìn nhân viên và 450 triệu khách hàng của mình.
📖
DO CAO BAO

1 thought on “Mình không thích Jack Ma, không thích Do Cao Bao”

Leave a Reply