Màu đỏ quốc kì

Bài báo được gởi từ một du học sinh Việt Nam du học ở Newzeland , một nơi cách quê hương 5 múi giờ và 54 triệu USD GDP.

Màu đỏ lá quốc kì

 

Ngày hôm ấy tan học nhưng vẫn còn sớm, tôi quyết định không về nhà mà ghé qua một hội chợ ngay bên cạnh trường. Một hội chợ bình thường và không có gì khác lắm so với ở Việt Nam mình, cũng nhạc sập sình cũng hàng quán người qua kẻ lại, chỉ khác cái là trời lạnh đến mức người ta chỉ còn sức nhìn hàng chứ không còn sức hạ quyết tâm… lấy cắp gì.

Câu chuyện của chúng ta xảy ra ở một gian hàng nhỏ bán đồ quốc tế từ nhiều nước khác, ở một góc hội chợ, khá ít người lui tới. Trong góc gian hàng có bán cờ. Đủ loaị cờ các nước . Kinh doanh cờ có lẽ đồng nghĩa với chuyện trưng ra mà không mong muốn bán được đắt như tôm tươi. Chắc chúng ta ai cũng biết ở Việt Nam cờ bán đắt nhất khi có dịp đá banh quốc tế mà đội tuyển Việt Nam có mặt .

Lúc đó tôi không để ý lắm tới mấy cái cờ mà xem hàng ở ngoài. Một cậu bé chừng 12, 13 tuổi bước vào, mua cái cờ Việt Nam duy nhất ở đó. Ông bán hàng rán nín cười, nói rằng ngày Quốc khánh ở đây chỉ có cờ NewZeland là hợp lệ thôi. Cậu bé trả lời: “Ông không thể biết được là dân tộc tôi đã đổ bao nhiêu máu để bảo vệ cái màu đỏ này đâu. Và tôi không muốn nó nằm lăn lóc ở một cái sạp ngoài chợ như thế này”. Ông bán hàng nín thinh im lặng thối tiền cho cậu bé. Cậu ôm lá cờ trên tay sải bước ra ngoài.

Lần đầu tiên trong 15 năm là người Việt Nam tôi thấy cái màu đỏ trên lá cờ nó đẹp như thế. Cái màu đỏ lấp lánh trong những tia nắng vàng hiếm hoi trong thời tiết 4 độ C, được cẩn thận nâng niu không để chạm đất trên tay một cậu bé sinh ra ở thời bình như tôi và như hàng chục ngàn học sinh khác. Lần đầu tiên tôi thấy một hơi ấm thật sự, xuất phát từ chính dân tộc mình mà đáng ra mình phải tự hào và trân trọng. Lúc đó tôi muốn chạy theo bắt chuyện với cậu bé do thấy một đồng hương ở xứ người, nhưng tự cảm thấy xấu hổ quá nên chỉ biết đứng đó lặng đi nhìn theo cái màu đỏ thắm của Tổ Quốc tung bay nhè nhẹ trên vai cậu bé, sáng lên trong nắng .

Ngày xưa khi máu của ông cha chúng ta đổ xuống, khi những con mắt nhắm lại mà không được nhìn thấy Tổ Quốc tự do tôi nghĩ  là họ không mong muốn một thế hệ mà họ đã kì vọng, một tuần nhìn lên lá cờ một lần một cách vô cảm và hát bài Quốc Ca mà không thèm quan tâm đến lời bài hát có cái gì. Họ mong muốn những giây phút như khi một cậu bé cầm lá cờ Tổ Quốc bước ra khỏi sạp bán hàng đầy tự hào và trân trọng dù là ở nửa bên kia của Trái Đất.

Mười năm ở Việt Nam tôi luôn được dạy về cái hào hùng và oanh liệt của lịch sử dân tộc, luôn được dạy về những nỗi đau, những sự hy sinh, những điều phải tôn kính trân trọng phải tự hào… nhưng chưa lúc nào cái kiến thức đó được đi vào đầu hay được sử dụng tới. Và các bạn ạ, một lần nữa, không phải mất bao nhiêu năm tháng ngồi ghế nhà trường và bao nhiêu trang giấy sách giáo khoa, chỉ trong vòng một khoảnh khắc đó thôi tôi mới thấm thía cái câu cuộc sống mới là nhà trường, nơi mà bài học đi thẳng vào trái tim.
 
Bùi Như Mai
Báo thể thao và văn hóa số ra ngày 30-8-06

Leave a Reply