Mấy cảm nghĩ nhân đọc „Thư ngỏ…” của Bùi Minh Quốc

Lê Nguyễn
Mấy cảm nghĩ nhân đọc „Thư ngỏ…” của Bùi Minh Quốc

Một lần nữa tôi thật sự cảm phục Bùi Minh Quốc, khi được đọc bức “Thư ngỏ… ” của anh, đề ngày 19/8/2005/ trên talawas. Tôi nói “một lần nữa”, vì non nửa thế kỷ qua tôi đã biết và cảm phục anh.

Từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, tôi đã đứng trên bục giảng, say sưa phân tích “Lên miền Tây”, truyền ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của nhà thơ trẻ Bùi Minh Quốc – mới đó còn là cậu học sinh trường cấp 3 Chu Văn An, Hà Nội – cho những học sinh lứa tuổi 18–20 của tôi. Nhiều em học sinh cấp III khi ấy như được Bùi Minh Quốc tiếp thêm cho ngọn lửa nhiệt tình cách mạng để sau khi tốt nghiệp trường PTTH đã tình nguyện trở về xây dựng quê hương, đi lên miền núi đầy khó khăn gian khổ để xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tiếng gọi của Đảng!

Rồi những năm chiến tranh chống Mỹ, tôi cũng đã từng xúc động khi phân tích cho học sinh cuả tôi hình ảnh “Mẹ đào hầm” trong thơ Bùi Minh Quốc viết từ một trong những vùng chiến tranh ác liệt nhất.

Rồi đã có lần, ở Hà Nội, tôi đến chơi nhà người bạn – anh Nguyễn Tiến Cường, chồng chị Dương Thị Hà – ở một ngôi nhà cuối phố Hàng Bông. Nơi đây là chỗ ở của gia đình cụ Dương Quảng Hàm hơn nửa thế kỷ trước, nay con cháu cụ vẫn đang ở. Tôi đã lặng mình đứng tưởng niệm trước di ảnh của nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Ra về, trên đường phố Hà Nội tấp nập người xe, tôi vẫn như bị chìm trong suy tưởng về một chuyện như huyền thoại: một đôi vợ chồng nhà văn trẻ cùng xung phong vào chiến trường miền Nam, tình nguyện đến vùng chiến tranh ác liệt nhất. Con còn nhỏ cũng để lại nhà, và người vợ, người mẹ trẻ ấy đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất xa lạ… Sự hy sinh thật là quá lớn. Việc cả vợ lẫn chồng hai nhà văn trẻ gửi con nhỏ ở lại để vào Nam chiến đấu cũng là chuyện ít có trong giới văn nghệ sĩ thời ấy. Khi vợ hi sinh, Bùi Minh Quốc vẫn đang còn chiến đấu ở chiến trường.

Cho đến những năm sau chiến tranh, được nghe tin Bùi Minh Quốc giữ chức Chủ tịch Hội Văn học–Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, tôi đã mừng thầm trong bụng. Vì tôi đã có dịp được đi đến nhiều tỉnh từ Bắc chí Nam, biết nhiều văn nghệ sĩ được cử giữ chức Chủ tịch Hội VH-NT của địa phương. Nhưng theo tôi, không ai xứng đáng bằng Bùi Minh Quốc giữ chức Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Lâm Đồng.

Thế rồi lại nghe tin Bùi Minh Quốc bị khai trừ khỏi Đảng, bị mất chức Chủ tịch Hội VH-NT Lâm Đồng. Lúc mới nghe tin, tôi cũng cho là một sự phi lý. Dần dà, thực tế ở nước Việt Nam hiện nay đã cho tôi hiểu rõ. Bất kể ai, kể cả khai quốc công thần như tướng Trần Độ, một khi đã không chịu cúi đầu nghe theo “Lời Đảng dạy”, đều bị coi là “phần tử xấu”, thậm chí là “phản động”, bị đối xử như với kẻ thù! Bùi Minh Quốc bị khai trừ khỏi Đảng, bị mất chức, bị giam cầm, quản thúc…, chỉ làm cho tôi và rất nhiều người đã biết, đã hiểu anh càng thêm cảm phục anh.

Và những năm gần đây, tôi vẫn được đọc thơ Bùi Minh Quốc. Thơ anh không được đăng trên những tờ báo chịu sự khống chế của ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương, nhưng được in bằng máy vi tính và chuyền tay nhau ở Câu lạc bộ Ba Đình–Hà Nội, nơi sinh hoạt thể dục thể thao của cán bộ trung–cao cấp, rất nhiều hội viên CLB là lão thành cách mạng, có huy hiệu 40–50 tuổi đảng, nhưng đọc thơ Bùi Minh Quốc chửi bọn độc tài, tham nhũng… cũng phải vỗ đùi khen “Hay!”

Hôm nay, lại được đọc “Thư ngỏ…” của Bùi Minh Quốc, trong đó anh đã bộc lộ những cảm nghĩ rất sâu sắc về sự hy sinh cao quý của Đặng Thuỳ Trâm và của nhiều liệt sỹ khác trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ.

Ở Việt Nam hiện nay, người ta đang đề cao cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm với mục đích chính trị của Đảng cầm quyền, nhằm kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam noi gương chiến đấu hy sinh của Đặng Thuỳ Trâm để “xoá đói, giảm nghèo”! Từ ông cưụ TBT Lê Khả Phiêu cho đến ông đương kim Thủ tướng Phan Văn Khải đều nhân dịp Nhật ký Đặng Thùy Trâm được công bố để kêu gọi thanh niên “đưa đất nước tiến kịp thời đại với ý chí mãnh liệt như ý chí giành độc lập thống nhất.”

Bùi Minh Quốc đã dũng cảm và hoàn toàn chính xác khi, trong “Thư ngỏ…”, anh nhắc nhở các bạn trẻ cần phải hướng sự dũng cảm hy sinh của mình vào công cuộc đấu tranh để nhân dân ta được “làm ngườii tự do”.
Đọc những lời này của anh, tôi nhớ lại một chuyện xảy ra hơn 30 năm trước. Ngày ấy, khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức một hội thảo khoa học. Trong bài tham luận trước cử toạ là hàng trăm các giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy ở các trường đại học và các giáo viên văn vào hạng cây đa cây đề toàn miền Bắc, anh Nguyễn Đức Quyền, giáo viên Văn trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Hà Tây, một cây bút bình thơ khá tài hoa, thường có bài trên tuần báo Văn Nghệ, đã nói rất to với chất giọng y chang giọng Xuân Diệu, đại ý: Các anh cắt mất một nửa Hồ Chủ tịch, hay nói chính xác hơn, các anh mới dạy cho học trò biết một nửa Cụ Hồ. Cụ nói “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”. Các anh chỉ dạy những bài văn chiến đấu cho Độc lập, không dạy đến những bài chiến đấu cho Tự do, thế chẳng phải mới dạy một nửa Hồ Chủ tịch là gì? Anh còn dẫn ra ở sách nào, trang nào, cụ Hồ đã nói: Có Độc lập mà không có Tự do thì Độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì!

Nguyễn Đức Quyền nói xong, cử toạ vỗ tay rầm rầm. Nhưng những người lãnh đạo hội thảo mặt xám ngoét. Kết thúc hội thảo, GS Lê Trí Viễn – Chủ nhiệm khoa Văn năm ấy – đã có lời xin lỗi và sau đó khiển trách người đã mời Nguyễn Đức Quyền và để cho anh đăng đàn nói năng bạt mạng như thế.

Cuối cùng, tôi có vài lời góp ý với nhà thơ Bùi Minh Quốc.

Tôi thấy ý kiến của anh trong “Thư ngỏ…” còn có phần ảo tưởng khi anh muốn các bạn trẻ ở nước ta “hãy bắt tay vào làm, hàng loạt công việc cho dân chủ hoàn toàn có thể làm ngay hôm nay, ngay ngày mai, chẳng hạn hãy mở ngay một cuộc gặp mặt bàn tròn, một hội nghị Diên Hồng với nội dung ‘Làm thế nào để sức mạnh dân tộc trong công cuộc giành độc lập thống nhất trước kia sang công cuộc dân chủ hoá đất nước hôm nay’”.

Nhà thơ ơi! Anh đã bay bổng quá cao, vượt khỏi thực tế
đ
ất nước mà anh đang sống mất rồi! Ở đất
nước này, ai cho các bạn trẻ tổ chức “một cuộc gặp mặt bàn tròn”, “một hội nghị Diên Hồng” để bàn về công cuộc “dân chủ hoá đất nước”? Thế mà nhà thơ lại bảo các bạn trẻ “hãy bắt tay vào làm… có thể làm ngay hôm nay, ngay ngày mai”. Không được đâu! Không ai cho làm những việc theo kiểu “dân chủ tư sản” như thế! Ở đất nước Việt Nam hôm nay, dưới chế độ có một sự “tự do gấp triệu lần tự do tư sản” như Bùi Minh Quốc đã biết, chính mấy người bạn trong hàng ngũ Dân chủ của anh, vì có lá đơn xin thành lập Hội chống tham nhũng, nhằm thực hiện đúng cái việc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng, kết quả là hai tác giả của lá đơn đó đã được… ngồi tù! Lạ thay! Đang sống trong một xã hội không có dân chủ mà chính anh là một trong những nạn nhân, Bùi Minh Quốc, qua ý kiến kể trên, lại nhầm tưởng như mình đang được sống trong một xã hội có dân chủ vậy.

Tôi chân thành góp mấy ý kiến với anh, muốn để qua anh, nói với các anh, các chị đang đấu tranh cho công cuộc dân chủ hoá đất nước, rằng: Chúng tôi chờ mong ở các anh các chị những ý kiến thật sát với thực tế đất nước để thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi dân chủ tự do đang ngày càng lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân ta.

© 2005 talawas

Leave a Reply