Kết thúc năm học lớp 6

Thằng nhóc trong ảnh, không phải mình, chắc chắn rồi.

Tấm ảnh này chụp năm 2017 – 8 năm rồi.

Thằng bé má phính năm xưa nay đã trở thành một teenager giàu cảm xúc mau nước mắt. Cứng đầu ngu ngốc cố chấp lười biếng ham chơi game. Biết làm một chút việc nhà, nhưng một tuần không tự hút bụi phòng một lần nào. Biết tự vấn bản thân nhưng cũng rất nhanh chóng bị cuốn theo các trò giải trí. Không đủ kiên nhẫn kiên trì kỉ luật.

Sau nhiều năm mình nhận ra, nếu bản thân mình không thể tự giữ kỉ luật, người khác sẽ thiết lập kỉ luật và buộc mình phải tuân theo. Nếu mình không đủ can đảm và quyết tâm xây ước mơ của bản thân, bắt buộc sau đó vì mưu sinh mình phải đi xây ước mơ thuê cho người khác, nhận đồng lương đủ sống qua ngày và không bao giờ giàu được, ngừng làm việc là lập tức chết đói ngay. Mình đã không nhận ra rằng, phải sở hữu doanh nghiệp, phải cảm đảm chấp nhận thử thách, can đảm chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp của mình, thì mới có thể vượt lên cuộc đời làm thuê.

Sao mình không nhận ra sớm hơn? Mây mù nào đã che mất tầm nhìn?

3 năm nữa thằng má phính kia sẽ phải thi lên lớp 10. 3 năm tiếp theo nữa là hết tuổi đi học phổ thông. 6 năm nữa thôi, cuộc đời nó mình sẽ không can thiệp được nữa. Tại sao mình lại cần can thiệp vào cuộc đời một ai đó? Mình đâu có nhu cầu đó. Mình chỉ muốn sống yên ổn ở một xó rừng hoặc một góc biển? Ai rồi cũng sẽ già, sẽ bệnh và sẽ chết. Cám ơn thầy Minh Tuệ đã nhắc lại những điều đó.

Bi ngô đi học lớp 6, đã bị phạt vì quên thẻ học sinh, bị phạt vì làm thiếu bài tập, bị phạt vì không mặc đúng đồng phục, bị phạt vì rất nhiều thứ, đi học muộn chẳng hạn. Được thưởng vì thi cuối kì điểm cao, được thưởng vì tích cực tham gia hoạt động bóng rổ, bóng đá, được thưởng vì tham gia văn nghệ … Đó là gì? Đó là cách nhà trường dạy cho bọn trẻ quen dần với cách thế giới vận hành. Cách tuân thủ kỉ luật của xã hội, bạn sống trong môi trường nào, bạn phải hiểu luật chơi của môi trường đó, tuân theo luật chơi và chơi giỏi thì được thưởng, không tuân theo luật thì bị phạt, chơi dở thì không có thưởng. Và thật sự thì nhà trường dạy con cái chúng ta cách trở thành một thế hệ lao động tiếp theo, những cần lao ngoan ngoãn cày cuốc cả đời để mua cái nhà cái xe, nuôi những đứa con. Nhà trường có dạy chúng suy nghĩ độc lập không? Dạy chúng theo đuổi ước mơ của bản thân chúng không? Dạy chúng cách đam mê khám phá kiến thức, dạy chúng cách học mọi thứ chúng thích? Dạy chúng tìm niềm vui của việc giải toán? Niềm vui của chơi nhạc? Niềm vui của lao động? Nếu nhà trường không dạy, không phải lỗi của họ, chúng ta phải tự dạy.

Tôi sẽ cố để dạy con tôi hiểu rằng: Nó có thể tự học mọi thứ – từ sách vở – từ internet. Nó cũng phải nghi ngờ mọi thứ – không một cuốn sách nào hay một người nào có thể đúng 100%. Một người có thể vừa tốt vừa xấu. Xấu với toàn xã hội nhưng người đó vẫn tốt với gia đình vợ con họ, thì họ là người tốt hay xấu? Xã hội không chỉ có trắng và đen. Rất nhiều màu xám.

Leave a Reply