http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/07/070719_stimes_spratlys.shtml
Bài của Roger Mitton
đăng trên báo The Straits Times, Singapore
Khu vực biển quanh Trường Sa được sáu nước tuyên bố chủ quyền
Căng thẳng đang dâng lên giữa Trung Quốc và Việt Nam xung quanh quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa (Spratlys) sau khi lại xảy ra một vụ đụng độ bạo lực nữa trong khu vực ngoài khơi giàu dầu lửa này.
Tàu hải quân Trung Quốc hôm 9/7 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách TP Hồ Chí Minh 350km.
Các nguồn tin quân sự cho hay một thuyền của Việt Nam đã chìm trong vụ tấn công nay. Một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương.
Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc châu, cho biết: “Các sỹ quan hải quân Việt Nam nói các tàu của Trung Quốc đã có hành động gây hấn một thời gian nay.”
Các quan chức Việt Nam cũng nói đã có các đụng độ nhỏ khi thuyền của Việt Nam chạm trán thuyền của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
Giáo sư Thayer nhận định: “Hành động của Trung Quốc là một phần trong cương lĩnh chung nhằm thực hiện tuyên bố chủ quyền và ngăn không cho ngư dân Việt Nam lấn vào vùng biển của họ.”
Hồi đầu tháng Tư, biên phòng Việt Nam báo rằng tàu hải quân Trung Quốc đã bắt giữ bốn thuyền đánh cá của Việt Nam vì hoạt động trong vùng biển gần Trường Sa.
Phía Trung Quốc đã giữ 41 ngư dân và chỉ trả tự do cho họ sau khi những người này nộp phạt.
Đại tá Lê Phúc Nguyên, phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, nói với The Straits Times:” Ngư dân rất khó mà biết được đâu là lằn ranh chính xác giữa hai bên. Thế nhưng không nên dùng vũ lực trên biển vì việc này sẽ chỉ dẫn đện các vấn đề nghiêm trọng hơn mà thôi.”
Trung Quốc luôn nói quần đảo Trường Sa, mà nước này gọi là Nam Sa, thuộc chủ quyền của họ.
Brunei, Malaysia và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo tại đây.
Tăng cường hải quân
Các nguồn tin quân sự nói ngày 9/7 hai tàu chiến cơ động BPS-500 của Việt Nam do Nga thiết kế đã vội vã đến hiện trường nhưng phải đứng từ xa vì hỏa lực quá mạnh từ tàu Trung Quốc.
‘Xu hướng chiến lược lâu dài cho thấy khả năng sẽ có căng thẳng lên cao hơn nữa.
GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc châu
Đại tá Nguyên nói: “Về lâu dài, chúng tôi cần củng cố lực lượng hải quân cũng như nâng cấp các đơn vị tuần tra ven biển.”
Ngoài vấn đề chủ quyền thì nguồn tài nguyên dưới sâu là nguyên nhân chính dẫn tới các mâu thuẫn.
Cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều có nền kinh tế tăng trưởng mạnh và ngày càng cần nhiều nhiên liệu.
Khi giá dầu thô có thể lên tới 100USD một thùng vào cuối năm nay, Việt Nam muốn khai thác trữ lượng trên 600 triệu thùng của mình.
Thế nhưng phần lớn lượng dầu này nằm trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Khả năng xảy ra xung đột nghiêm trọng đã khiến cho một số công ty dầu khí phải rút đi.
Tháng trước, tập đoàn dầu khí British Petroleum và đối tác ConocoPhillips của Mỹ cùng Petrovietnam đã phải ngừng dự án khai thác khí trị giá hai tỷ đôla ngoài khơi Việt Nam.
Giáo sư Thayer nhận xét: ‘Xu hướng chiến lược lâu dài cho thấy khả năng sẽ có căng thẳng lên cao hơn nữa quanh chủ đề dầu lửa ở vùng Nam Hải (Việt Nam gọi là biển Đông).”
Tuy nhiên cũng có người cho rằng có thể có giải pháp nhượng bộ.
Ông David Koh, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói: ‘Xét tới các tuyên bố trái ngược nhau của cả hai bên, thì dường như nay cả hai đều thấy rằng chủ quyền chẳng nuôi sống nổi ai và cũng chẳng cứu rỗi linh hồn ai được cả.”