Một nền y tế để người dân loay hoay khổ sở và tự bảo vệ sức khỏe của mình thì vai trò và trách nhiệm của nhà quản lý y tế ở đâu?
Thiếu vaccine và nhầm sân bay chẳng liên quan gì đến nhau nhưng từ hai câu chuyện này trong tuần qua, người dân lại phải suy nghĩ về vai trò và trách nhiệm của nhà quản lý.
Sau sự cố hãng hàng không VietJet Air chở nhầm sân bay, tuần qua Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm và chính thức lên tiếng nhận lỗi. Đó là một sự cố không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chỉ cho 200 người. Còn sự cố chậm trễ, thiếu hụt vaccine ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người có con nhỏ, chưa kể những hệ lụy kèm theo không tính hết (trẻ bệnh vì không được chích ngừa, thiệt hại vật chất, giảm năng suất lao động do người lớn nghỉ việc chăm sóc trẻ) lại không thấy quan chức nào của ngành y tế đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân!
Thông tin người dân tự bỏ tiền túi ra nước ngoài chích ngừa cho con thực sự gây bức xúc dư luận. Vậy là sau chuyện “tị nạn giáo dục” – phong trào cho người trẻ ra nước ngoài du học vì nền giáo dục trong nước không đạt yêu cầu, nay lại xuất hiện phong trào “tị nạn y tế”.
Thật ra chuyện người dân ra nước ngoài chăm sóc sức khỏe chẳng phải mới, nó đã có từ chục năm qua, khi người dân gần như mất niềm tin vào hệ thống y tế nước nhà, từ chuyện chất lượng điều trị sa sút, tình trạng quá tải bệnh viện, cho đến dịch vụ đi kèm kém cỏi. Nhưng đó là chữa bệnh, còn nay là phòng bệnh, phải ra nước ngoài chích ngừa thì… hết nói nổi!
Bỏ chục triệu đồng gồm tiền đi lại, ăn ở tại Singapore hay Thái Lan và chi phí chích ngừa – một số tiền không nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Vậy mà nhiều gia đình (tôi tin không phải ai trong số này cũng là “đại gia”) vẫn phải bấm bụng lo cho con, điều đó cho thấy họ quá thất vọng với “những lời có cánh” của các quan chức y tế.
Gọi là “những lời có cánh” bởi chuyện thiếu vaccine (“6 trong 1”, “5 trong 1”, thủy đậu…) đâu phải mới đây mà xuất hiện từ giữa năm qua nhưng hết người này hứa đến người kia hứa, nay gần hết tháng sáu mà vaccine vẫn chưa có (tuần qua, trong chương trình Dân hỏi bộ trưởng trả lời trên VTV, bộ trưởng hứa cuối tháng 7 sẽ có vaccine thủy đậu!).
Trao đổi với người viết, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết trong hàng chục năm hành nghề ông chưa thấy khi nào vaccine thiếu lâu như lần này. Đằng sau chuyện thiếu vaccine là gì? Phải chăng đơn giản chỉ là chuyện nhập khẩu bổ sung chậm trễ, diễn tiến dịch thất thường như Cục Quản lý Dược trả lời báo chí hồi giữa tháng 3? Liệu có không những xung đột lợi ích như có người đặt vấn đề và một khi lợi ích chưa được giải quyết ổn thỏa thì người dân vẫn phải đối mặt dài dài với chuyện thiếu vaccine?
Nhưng bức xúc của người dân với hệ thống y tế nước nhà không chỉ ở những “lời hứa có cánh” mà còn từ sự thờ ơ của người có trách nhiệm với nỗi lo toan của người dân khi họ phải bỏ tiền cho con ra nước ngoài chích ngừa. Trả lời một tờ báo, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo người dân đủ điều bất cập khi cho trẻ ra nước ngoài chích ngừa, từ chuyện vaccine, công thức, lịch tiêm, đường tiêm chưa được đánh giá trên người Việt Nam; trở ngại thời gian, chi phí khi trẻ sang nước ngoài chích ngừa; cho đến hạn chế về quản lý lịch sử chích ngừa khi hệ thống y tế khác nhau.
Có hiểu biết chuyên môn, phát biểu của viện trưởng đáng ghi nhận, thế nhưng người dân còn muốn ông nói nhiều hơn, trong hoàn cảnh không có công cụ bảo vệ sức khỏe cho trẻ (vaccine) như hiện nay, bao nhiêu người không có điều kiện kinh tế cho trẻ đi nước ngoài chích ngừa cần phải làm gì: Cần hạn chế cho trẻ tới lui nơi công cộng? Nếu phải tới lui những nơi đó trẻ cần mang khẩu trang? Cần tăng cường vệ sinh nhà cửa và vệ sinh cá nhân? Nhưng buồn thay ông viện trưởng không giải tỏa được những băn khoăn của người dân, thay vào đó chỉ là những lời kêu gọi chung chung dành cho các bậc cha mẹ như không tự ý bỏ liều, không thay thế vaccine nếu không có chỉ định của thầy thuốc!
Thật ra chẳng nên “gièm pha” chuyện người dân cho trẻ ra nước ngoài chích ngừa làm gì. Nên mừng là đằng khác vì qua đó cho thấy ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân đã nâng lên, bởi họ chấp nhận bỏ cả chục triệu đồng chỉ để trẻ nhận được một mũi chích ngừa. Và cũng nên mừng vì từ việc làm cá nhân tự phát này, tính miễn dịch cộng đồng được giữ vững, góp phần không cho dịch bệnh bùng phát.
Nhưng trái lại, những nhà quản lý y tế nên buồn về vai trò quản lý kém cỏi của mình khi để vaccine thiếu hụt một thời gian dài (đổ thừa cho hoàn cảnh khách quan diễn tiến dịch thất thường!) khiến người dân phải tự bươn chải bảo vệ sức khỏe mà không có được sự hỗ trợ thích đáng nào từ hệ thống y tế. Đó là những người có điều kiện vật chất, còn những người không có điều kiện ra nước ngoài, đang trông đợi dài cổ nguồn vaccine nhập về, họ sẽ biết trông chờ và bấu víu vào đâu?
Một nền y tế để người dân loay hoay khổ sở và tự bảo vệ sức khỏe của mình thì vai trò và trách nhiệm của nhà quản lý y tế ở đâu?
PHAN KIM SƠN, thạc sĩ truyền thông khoa học