Như chúng ta thấy, không có khái niệm của những đứa trẻ hoàn hảo, đã là trẻ con thì việc quậy phá, nghịch ngợm, làm ồn,… là đương nhiên. Vì vậy, ngay cả đến những ông bố, bà mẹ kiên nhẫn nhất đi chăng nữa thì việc la hét, quát mắng con con là điều không tránh khỏi. Nhất là trong cuộc sống hiện đại với nhiều mối bận tâm, lo toan và căng thẳng thì điều này lại càng phổ biến hơn nữa, thậm chí là thường xuyên.
Một cuộc khảo sát của tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em Dubai (DFWC) cho thấy 1/4 trẻ em đang bị la hét một cách bạo lực và luôn cảm thấy sợ hãi khi ở nhà. Trong đó, có đến 8% trẻ em nói điều này xảy ra thường xuyên với chúng.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc la hét là “vũ khí” lợi hại để kết thúc những việc làm sai trái hay quậy phá của bọn trẻ. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn sai. Theo bà Aisha Al Midfa, người đứng đầu các chương trình và các cuộc nghiên cứu của Quỹ DFWC, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng việc la hét con trẻ, có thể họ không nhận ra những ảnh hưởng bề nổi trước mắt nhưng những tác động tiêu cực về mặt tâm lý lâu dài là hệ quả tất yếu.
Tiến sĩ Deema Sihweil, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện nghiên cứu về các mối quan hệ con người Dubai (HRI) cũng thống nhất với quan điểm nhiều nghiên cứu đã kết luận: việc la hét, quát mắng, chỉ mặt trẻ chắc chắn sẽ gây ra những tác động rất xấu đến tình trạng tâm lý của chúng.
Tác hại không tưởng của việc quát mắng trẻ
Việc la hét gây ra rối loạn tâm lý cho trẻ
Những đứa trẻ coi việc la hét của bố mẹ như một mối đe dọa, chúng có cảm giác như đang mất đi sự an toàn và tự tin. Tiến sĩ Sihweil giải thích: “Suy nghĩ của trẻ vô cùng đơn giản, chúng cho rằng khi bản thân làm điều gì đó tốt thì bố hoặc mẹ sẽ mỉm cười, còn họ sẽ hét lên tức giận mỗi khi chúng làm điều gì đó sai trái hoặc không tốt. Chúng sẽ chẳng thể đưa ra cách giải thích khác cho việc các bậc phụ huynh tỏ ra giận dữ vì những lý do khác, chúng sẽ vẫn nghĩ là do bản thân làm bố mẹ có thái độ như vậy”.
“Việc la hét, quát mắng trẻ diễn ra thường xuyên có thể gây ra những vấn đề tâm lý ở trẻ như căng thẳng, lo âu, sợ hãi, mất ngủ, chậm phát triển, ngoài ra cũng sẽ dẫn đến những vấn đề về hành vi, học tập, giao tiếp xã hội, tình cảm hay kỹ năng phản ứng và vượt qua những thử thách trong cuộc sống”, Sihweil nói thêm. Bên cạnh đó những lời la mắng của bố mẹ còn khiến con cảm thấy không an toàn ngay chính trong gia đình mình.
Tất nhiên bố mẹ nào cũng nghĩ rằng mình thương con nên mới đánh mắng con để chúng nên người nhưng những đứa trẻ đâu hiểu được như vậy, chúng sẽ cảm thấy bất an khi bị la mắng. Và rất có thể những câu nói tưởng thoáng qua đó sẽ hằn sâu trong tâm trí con, trở thành những kỷ niệm đáng sợ cho các con, để dần dần chúng sẽ cảm thấy sợ mỗi khi ở nhà.
Quát mắng có ảnh hưởng đáng sợ hơn đòn roi
Hãy thử tưởng tượng, trong lúc bực bội vì còn cả đống công việc phải làm mà con thì cứ bày bừa, bạn đã cầm chiếc roi vừa đánh vừa mắng mấy đứa con chẳng biết nghe lời. Bạn biết không, dù chỉ là vài từ tuôn ra trong lúc cáu giận nhưng sức ảnh hưởng của nó còn đáng sợ hơn cả chục cái roi.
Việc la hét, quát mắng trẻ diễn ra thường xuyên có thể gây ra những vấn đề tâm lý ở trẻ như căng thẳng, lo âu, sợ hãi… (Ảnh minh họa).
Việc la mắng trẻ có thể làm ảnh hưởng đến nhận thức, khiến con cảm thấy tự ti về bản thân, thấy mình không có giá trị. Bên cạnh đó, những lời chỉ trích quá mức còn có thể làm giảm sự ngưỡng mộ và tôn trọng của con trẻ dành cho người lớn.
Việc quát tháo con trẻ không bao giờ hiệu quả
La hét, quát mắng không phải một công cụ giúp tạo tính kỷ luật hiệu quả. Nó giống như một cách để cha mẹ thể hiện cơn giận dữ và sự mất kiên nhẫn của riêng mình hơn là cách để hướng dẫn hành vi đúng cho con cái. Và đương nhiên phương pháp giáo dục kiểu này không bao giờ giúp chúng ta trở thành những ông bố bà mẹ tốt.
Làm sao để học cách quát mắng con cho “đúng”?
Trong chúng ta, ai cũng có những ngày tồi tệ, tậm trạng xuống dốc đến mức khủng khiếp. Vậy nên lỡ buông lời nặng nề là điều khó tránh khỏi vậy, nhưng nếu biết cách, bạn vẫn sẽ không làm tổn thương con, thậm chí còn khích lệ con.
dù chỉ là vài từ tuôn ra trong lúc cáu giận nhưng sức ảnh hưởng của nó còn đáng sợ hơn cả chục cái roi (Ảnh minh họa).
Hãy để ý đến việc dùng ngôn từ – kể cả khi bạn la hét
Điều này không hề khó nếu bạn biết kiềm chế cảm xúc của mình. Chẳng hạn như thay vì nói “Con thật ngu ngốc khi làm như vậy”, thì bạn có thể nói: ““Mẹ cảm thấy rất tức giận và thất vọng khi con không nghe lời”.
Tập trung vào cảm nhận của bạn
Bạn nên nói rõ lý do bạn nổi giận và điều bạn nghĩ các con nên làm để chấm dứt tình trạng này. Chẳng hạn như “Mẹ cảm thấy rất thất vọng và con có thể thấy điều đó trong giọng nói của mẹ. Mẹ tức giận vì con không nghe lời”.
Sẵn sàng xin lỗi khi lỡ nói lời khó nghe
Nếu bạn lỡ mất kiểm soát và nói ra những từ ngữ “không lọt tai”, hãy sẵn sàng xin lỗi các con. Việc thể hiện rõ bạn mong muốn sửa đổi sai lầm như thế nào và thực hiện điều đó một cách trung thực cũng quan trọng không kém việc bạn quát mắng một cách có lý do.
Nguồn: Tổng hợp