Mới đây, tôi gặp lại một bạn cũ người Mỹ ở sảnh khách sạn Manila Mandarin. Là một luật sư chính trị gia, ông gia nhập Bộ ngoại giao Mỹ sau chiến thắng của Obama và được điều đến các nước Đông Á để giải quyết các vấn đề tồn đọng cho Hillary. Ba năm sau, nhà ngoại giao lâu năm này nhìn trông già và tiều tụy hơn rất nhiều. Tôi nói với ông rằng đó là hậu quả mà quyền lực chính trị đen tối và bí hiểm ở châu Á có thể mang lại cho người ta. Tôi vẫn không thể tưởng tượng được làm thế nào mà ông có thể trụ vững được khi hàng ngày phải đối mặt với những khó khăn, sự dối trá, lừa gạt, đạo đức giả, không chỉ từ những kẻ thù như Trung Quốc, Bắc Hàn, Nga mà còn từ những nước được coi là đồng minh như Nhật, Indonesia và Đài Loan
Tôi hỏi ông, “Quan hệ giữa Mỹ và đối tác chiến lược Việt Nam thế nào rồi?” Không ngờ ông thốt lên một cách thất vọng: “Tôi ước rằng họ giống như Bắc Hàn. Ít nhất chúng tôi biết họ đang nghĩ gì.” Bình luận này ngạc nhiên, vì từ một người chống đối chiến tranh, theo chủ nghĩa cấp tiến cực đoan và fan của McGovern những năm 70. Tôi gặng hỏi thêm, và ông bắt đầu giải thích. “Anh biết đấy, người Việt Nam là những người lịch sự nhất, thân thiện nhất và đáng yêu nhất mà tôi từng gặp trong suốt thời gian ở châu Á,” ông cho biết. “Họ luôn tỏ ra lễ phép, cười nói vui vẻ và sẵn sàng đồng ý với bất cứ điều khoản nào chúng tôi đề ra. Phải mất một thời gian chúng tôi mới nhận ra rằng họ chẳng thèm quan tâm đến việc họ đã đồng ý hay không đồng ý về bất cứ điều gì. Họ vẫn chỉ làm theo hướng của họ, làm những việc liên quan đến họ, bảo vệ lợi ích của họ. Ý tôi là lợi ích cá nhân, không phải lợi ích quốc gia. Chẳng có lý do gì để ghét họ, nhưng cũng không có lý do gì để tin tưởng họ.”
Sau cả cuộc đời với kinh nghiệm về chính trị ở châu Á, với quan tâm đặc biệt về Việt Nam, ông bạn của tôi cuối cùng cũng học được bài học mà có thể rút ra khi đọc cuốn “Người Mỹ trầm lặng” trong vòng vài tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, những thói quen tiềm ẩn rất khó thay đổi, bao gồm cả cá nhân tôi. Thậm chí khi là một Việt kiều, những ý nghĩ và việc làm của chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng rất lớn bởi giáo dục và truyền thống của phương Tây. Chúng ta quá “logic” và “dễ đoán trước” để có thể phù hợp với môi trường và văn hóa Việt Nam. Tôi nhìn lại những bài đã viết về nền kinh tế Việt Nam và nhận ra rằng tôi đã sai phần lớn.
Trong cuộc khủng hoảng năm 2011 ở Việt Nam, tôi khá lạc quan về cơ hội của Việt Nam để bắt kịp với sự phát triển kinh tế ở các nước láng giềng. Tôi dựa vào ba yếu tố để đi đến kết luận: tinh thần mạo hiểm của doanh nhân Việt; sự cải tổ bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật; và những thay đổi trong cách quản trị và đầu tư của những doanh nhân làm việc trong khối doanh nghiệp tư nhân. Tôi gọi đây là “Đổi mới, phần II” và tuyên bố hùng hồn rằng đến năm 2015 Việt Nam sẽ bắt đầu một chu kỳ phát triển kinh tế mới: xanh, bền vững và hiệu quả.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đến đúng như những gì tôi dự đoán: hơn 1/3 số doanh nghiệp tư nhân phá sản, thanh khoản ngân hàng và các khoản nợ xấu gần làm sụp đổ hệ thống tài chính, thị trường chứng khoán và giá bất động sản trong trạng thái rơi tự do, lạm phát và lãi suất đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, và đô Mỹ và vàng được người dân lựa chọn tích trữ như là phương tiện đầu tư. Tình hình được dự đoán sẽ còn tồi tệ hơn trong năm 2012
Theo logic, chúng ta trông đợi chính quyền sẽ đối phó với lạm phát đầu tiên bằng việc thắt chặt chi tiêu ngân sách và kiểm soát dòng tiền lưu thông. Thứ hai, chúng ta tin rằng chính phủ sẽ loại bỏ các công ty nhà nước đến mức tối đa và để mặc cho những công ty hoạt động kém hiệu quả (bao gồm cả công ty nhà nước và tư nhân) tự lo cho bản thân mình. Thứ ba, chúng ta hi vọng chính quyền sẽ cắt giảm bộ máy hành chính quan liêu để giảm bớt chi phí vận hành cho những nhà sản xuất. Cách chống lạm phát này được áp dụng rất thành công bởi Reagan và Volcker khi nước Mỹ đối phó với sự suy thoái kèm theo lạm phát những năm 1980
“Khu vực kinh tế tư nhân sẽ rất sáng tạo và mạo hiểm với dòng tiển đổ vào ồ ạt và sự chấp nhận rủi ro cao
Tuy nhiên, Việt Nam lại làm theo mô hình của Trung Quốc: in thêm tiền để cứu ngân hàng và các công ty nhà nước và để bù vào thâm hụt ngân sách và thương mại. Quyết định này được thi hành bằng việc áp dụng sự kiểm soát chặt chẽ nguồn vàng, tỷ giá hối đoái và giá cả hàng hóa. Sự sống còn của những doanh nghiệp nhỏ và giá trị của đồng Việt Nam đều không được quan tâm.
Lạm phát sẽ giữ ở mức 20% bởi sự sụt giảm giá hàng hóa và hàng thành phẩm trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự kiểm soát chặt chẽ tỷ giá hối đoái và vàng cũng đồng nghĩa với những khoản tiết kiệm và tiền nhàn rỗi trong nhân dân sẽ không được huy động. Cùng lúc đó, chứng khoán và giá nhà đất có thể tăng trong một vài tháng sau khi chính phủ can thiệp, nhưng đến cuối năm tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn cả thời điểm hiện tại
Mọi người từ các quan chức đến doanh nhân đều tỏ ra đồng ý với Nghị quyết 11 nhằm thắt chặt dòng tiền để kìm hãm lạm phát phi mã. Tuy nhiên, dòng tiền được chảy ra và thắt chặt lại tùy theo sự điều hành của các nhóm lợi ích. Sự thật là sự trây lỳ của bộ máy quan liêu đã tồn tại quá lâu và trở thành một thói quen cố hữu. Quan điểm “vẫn kinh doanh như thường ngày” này sẽ tiếp tục khiến sản xuất và hiệu suất đầu tư ở dưới bất kỳ ngưỡng chuẩn nào.
Điều này cũng có nghĩa là bất kỳ cơ hội nào cho việc tăng trưởng kinh tế sẽ bị trì hoãn và gánh nặng của chính phủ nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp tư nhân sẽ tăng thêm thay vì giảm đi.
Tôi không lạc quan cũng như bi quan về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 và các năm tiếp theo. Khu vực kinh tế tư nhân sẽ sáng tạo và mạo hiểm với dòng tiền chảy vào ồ ạt và sự chấp nhận rủi ro cao. Đây là một động lực tuyệt vời giúp tăng trưởng GDP nhưng sẽ bị kìm hãm bởi sự can thiệp của chính phủ trong việc điều tiết thị trường, sự tham ô và kiểm soát giá. Cùng lúc đó, khu vực kinh tế nhà nước sẽ tiếp tục phung phí tiền của và lợi dụng tối đa sự độc quyền của mình. Các ngân hàng sẽ tiếp tục giấu đi tỷ lệ nợ xấu thật sự cho đến khi quy luật thị trường ép họ phải phơi bày sự thật. Sự phát triển kinh tế sẽ bị ngừng trệ vì sự cân bằng quyền lực giữa một bên là các thành phần cấp tiến và một bên là các lợi ích cố hữu, khiến cho sự đột phá không có khả năng xảy ra
Các chuyên gia và các nhà lập pháp trình lên Quốc hội một viễn cảnh nền kinh tế trong năm 2012 với tăng trưởng GDP 6,7%, tỷ lệ lạm phát 9%, tỷ giá đồng Việt Nam ổn định, nhập siêu giảm 32%, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,5%. Điều này sẽ không xảy ra.
Kiên Đào lược dịch
nguồn: http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-anh/thats-not-going-to-happen.html