BỨC KÝ HỌA TRẦN DẦN:::Nguyễn Đình Đăng:::March 28, 2007

nguồn: http://blog.360.yahoo.com/blog-FeMpvPQ9eqgPgu2rXUFS4ns-?cq=1&p=201
Bức ký họa Trần Dần

(Nguyễn Đình Đăng)

Nhân dịp 10 năm giỗ Trần Dần (1926–1997)
Có một số rất ít người mà chỉ cái tên của họ đã đủ nói lên tất cả: tài năng, tiếng tăm, sự nghiệp, cả một giai đoạn lịch sử của đất nước. Lại có những người mà chỉ riêng sự tồn tại của họ không thôi đã đủ là sự phủ nhận sống đối với những người khác. Trong một lần ngồi bên bàn trà tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) vào năm 1986, hoạ sĩ Mai Văn Hiến giới thiệu tôi với một ông già ngồi trước mặt và nói: “Ông Trần Dần”.

*
Tôi có may mắn là đã được biết về “vụ Nhân văn-Giai phẩm” từ khi còn nhỏ, qua những lời kể của bố tôi. Năm 1956, khi “Trăm hoa đua nở” đang ở cao trào, bố tôi đã mở đầu một bài thơ của mình mà ông đã đọc tại lễ khai giảng niên học 1956–1957 ở trường ông dạy bằng những vần như sau:

Trăm hoa đua nở
Mọi người cởi mở
Phát biểu tự do
Chẳng còn phải lo
Nói đúng chính sách!…” [1]
Một bài thơ khác ông viết năm 1957 có nhan đề “Nhân văn–Giai phẩm”:
Nhân văn Giai phẩm đã ra đời
Báo chí nước nhà thấy sáng tươi,
Nghệ thuật cao siêu không chịu mẫu,
Văn chương thấp kém mới xu thời.
Phê bình thẳng thắn không e địch,
Kiểm thảo gay go chẳng ngại lời.
Thoải mái nhân dân đều phấn khởi,
Đang lo xuống chó một vài người.
Thế là từ bố tôi, tôi đã được biết đến những cái tên như Trần Dần, Phan Khôi, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, v.v. Trong số họ, ngày bé tôi chỉ được gặp mặt luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nguyên là thày học của bố tôi. Những vị còn lại tôi chỉ được gặp qua những đoạn văn, mẩu truyện hoặc những câu thơ. Chúng tuy ngắn hoặc được trích dẫn rời rạc nhưng đã gây cho tôi một ấn tượng không bao giờ phai nhòa:
“Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét,
Dù cho ngon ngọt nuông chiều, cũng không nói yêu thành ghét,
Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật,
Chân thật trọn đời.
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi,
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã.
Bút giấy tôi ai cướp giật đi,
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” [2]
“Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
Trên màu cờ đỏ…” [3]
Trong khi những câu thơ của Phùng Quán sang sảng như một tuyên ngôn, câu thơ của Trần Dần giống một bức tranh ấn tượng của Claude Monet: Một Hà Nội rợp những lá cờ đỏ sao vàng uớt sũng nước mưa dưới một vòm trời thấp và xám xịt. Bị ám ảnh bởi câu thơ của Trần Dần, khoảng những năm 1980–1985 tôi đã từng leo lên balcon của một ngôi nhà người quen tại phố Hàng Đào để vẽ cảnh Hà Nội trời mưa ngày mùng 2 tháng 9 như vậy.

*
Việc đột nhiên được ngồi ngay trước mặt Trần Dần, và lại được hoạ sĩ Mai Văn Hiến giới thiệu khiến tôi vô cùng cảm kích. Tôi nói với ông: “Thưa bác, cháu được nghe tiếng bác từ khi còn rất bé, hôm nay cháu mới được hân hạnh gặp bác. Khi nào bác có thì giờ rảnh, xin mời bác tới nhà cháu chơi và xem tranh cháu vẽ.” Và như sợ ông ngại đường xá cách trở tôi nói: “Nhà cháu ở rất gần nhà bác Hiến.” Ông Hiến vui vẻ thêm vào: “Không lo, ông Dần ngày nào
c
ũng đi bộ vòng Hà Nội.
” Đến đây tôi được biết ông bị tai biến mạ
ch máu não 3 năm về trước, và đã tập luyện rất ghê bằng cách đi bộ trong thành phố.

Cổng nhà tôi có một cái chuông dây, nhưng ông không kéo, ông gọi: “Đăng ơi!”. Tôi mời ông vào phòng khách, treo đầy tranh của tôi. Ông im lặng ngắm nhìn hồi lâu. Ông nói ông có con trai đang học tại Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu và rất mê Chagall. Tôi mời ông uống whisky Johnnie Walker – thứ rượu ngon nhất tôi có trong nhà lúc bấy giờ. Tôi lấy giấy bút đề nghị được vẽ ông. Ông ngồi lặng lẽ nhìn vào đâu đó xa xôi, mắt vằn lên những tia máu đỏ như mắt con hổ đang bị giam trong cũi. Khi tôi hoàn thành bức ký họa và đưa ông xem, ông nói trầm tư: “Cả thời trai trẻ tươi đẹp nhất của tôi đã bị cướp đi.” Ông lại nói: “Mấy chục năm trời… Mọi thứ của tôi lúc đó chỉ vừa mới bắt đầu…”.

Chân dung Trần Dần
Ký họa bút chì năm 1986 của Nguyễn Đình Đăng
Bức ký họa đề ngày 11 tháng 12 năm 1986, khoảng một năm trước khi ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh gặp gỡ hơn 100 nhà hoạt động văn hóa tại Hà Nội với tuyên bố “cởi trói cho văn nghệ sĩ”. Mười năm sau đó, 1997, Trần Dần qua đời. Hôm nay, lại thêm 10 năm nữa đã trôi qua, 10 năm sau cái chết thể xác của Trần Dần và nửa thế kỷ sau khi đã sỉ nhục ông tại các cuộc kiểm thảo, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đày đoạ ông tại nhà giam và các đợt lao động cải tạo trong cuộc đàn áp Nhân văn–Giai phẩm, rồi cuối cùng bỏ mặc ông như đã bỏ mặc Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo v.v., [4] nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định truy tặng ông Giải thưởng Nhà nước.

*

Nhờ talawas, lần đầu tiên toàn bộ “hồ sơ” Nhân văn–Giai phẩm đã được đăng tải công khai trên internet và lưu trữ vĩnh viễn tại các server rải rác trên toàn thế giới. Lần đầu tiên tôi được đọc đầy đủ nhiều bài viết của Trần Dần cũng như các bài báo của các “đồng nghiệp nghệ sĩ” đả kích, lăng mạ ông. Trong số những “đồng nghiệp” đó có những người sau này trở thành các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng. Một số vẫn còn sống. [5]

Tôi không muốn bình luận gì thêm. Có những sự việc mà bản thân chúng đã nói lên tất cả. Lại có những tấn bi kịch mà nỗi đau của những nạn nhân không bút nào có thể tả xiết. Riêng đối với tôi, những hiểu biết và cách nhìn về Nhân văn–Giai phẩm mà tôi nhận từ bố tôi khi tôi còn nhỏ cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Tôi lại tiếp tục truyền đạt lại những hiểu biết đó cho con tôi, để nó cảm thụ được phần nào một giai đoạn lịch sử đầy bi kịch của dân tộc. Tôi cũng còn có may mắn là đã ký họa được Trần Dần. Bức chân dung đó giữ lại kỷ niệm về cuộc gặp của tôi với ông. Nó cũng luôn gợi lại hình ảnh cuối cùng về ông: Trên phố, bên lề Nhà hát lớn Hà Nội, nơi tổ chức bao buổi diễn trò, hoà nhạc, hội thảo, trao giải thưởng, nơi người ta cười nói, vỗ tay hoan hô, và hô cả khẩu hiệu, tôi thấy bóng dáng một ông già bé nhỏ đang tập tễnh khó nhọc bước đi, ông Trần Dần.

Tokyo 25/3/2007

© 2007 talawas


[1] Nguyễn Đình Nam, Trăm hoa đua nở (1956). Xem toàn văn trong tập “Tình và hận của tôi” (trích) tại http://ribf.riken.go.jp/~dang/NDNam/tho.htm
[2] Phùng Quán, “Lời mẹ dặn” (1957)
[3] Trần Dần, “Nhất định thắng” (1956)
[4] Xem tiểu sử Trần Dần tại Tiền Vệ
[5] Huy Vân, Một tâm hồn đồi trụy: Trần Dần, Nhân Dân ngày 25-4-1958; Hữu Mai, Để rõ thêm chân tướng phản động của Trần Dần, Văn Nghệ Quân Đội, số 5, tháng 5/1958, tr. 57– 62; Nguyễn Khải, Những bài học của đấu tranh cách mạng, Văn Nghệ Quân Đội, số 5, tháng 5/1958, tr. 49- 53; Đỗ Nhuận, Bộ mặt thực của Trần Dần trong nhóm phá hoại Nhân văn–Giai phẩm, Tạp chí Văn Nghệ , số 12, tháng 5/1958 – Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn-Giai phẩm, tr. 52 – 58.

1 thought on “BỨC KÝ HỌA TRẦN DẦN:::Nguyễn Đình Đăng:::March 28, 2007”

Leave a Reply