Ám ảnh

Đọc hoa đào biên viễn và ám ảnh mãi đoạn này
Hoa đào biên viễn
Một số phận
Trong ngôi nhà nhỏ ở dốc cầu Nà Rụa, phường Tân An, Cao Bằng, bà Nguyễn Thị Quỳ cũng có một cành đào nhỏ trước ban thờ chồng, người 35 năm trước bất đắc dĩ trở thành “tù binh chiến tranh”. Câu chuyện liên tục ngắt quãng khi đôi vai của người phụ nữ nhỏ nhắn run lên bần bật trước những hồi ức từ 35 năm trước. Chiến tranh đã lấy đi của bà một đứa con. Và sau 35 năm, vết thương ấy chưa bao giờ lành khi hàng đêm, hình ảnh đứa nhỏ tím tái chết trong mưa lạnh vẫn ùa về như một nỗi kinh hoàng không bao giờ phai lạt.
Sáng 17.2.1979, trời rất mù và lạnh. Từ thị trấn Nước Hai, bà Quỳ chỉ còn biết cắm đầu cắm cổ chạy loạn khi tiếng pháo của lính Trung Quốc “như bom Mỹ dải thảm” khắp nơi. Bệnh viện Hòa An bị đánh sập, người sản phụ khốn khổ đang mang thai đến tháng thứ 9 chỉ còn biết vác bụng lặc lè để chạy. “Cô chạy vào núi đá Mỏ Hách. Rồi từ Mỏ Hách chạy sang Đại Tiến. Chạy ngược với tiếng pháo”. Đám người chạy loạn bị lính Trung Quốc phát hiện, truy đuổi, và lại tứ tán khắp nơi. “Chúng nó đông lắm cháu ơi! Đâu đâu cũng thấy lính Trung Quốc”.
Trong gần 1 tuần lễ trốn trên động đá, bà Quỳ đau đẻ trong cái đói, trong cái rét, trong trời mưa lạnh, trong tối tăm mò mẫm. Không một hạt gạo mang theo. Không một tấm chăn. Cả đám người đói khát, rét mướt và lo sợ đến hoảng loạn. Chỉ ngay phía dưới, lính Trung Quốc lúc nhúc, đông đặc, vây hãm khắp nơi. Những con người khốn khổ lấy nước bằng cách hứng từ giọt gianh trong một tấm nilon rộng chừng 2 bàn tay. Ăn tất cả những gì mà ban đêm mấy người đàn ông mò mẫm được từ bờ cây, gốc sắn…ngay sát nơi lính Trung Quốc dựng trại. Đến hôm đau đẻ, bà được những người đồng bào gom cho thìa đường cuối cùng, hòa với vốc nước “để có sức mà đẻ”. Đứa con đầu lòng được sinh ra trong hang đá nhưng 3 hôm sau thì qua đời.
“Cô sinh cháu và gói trong một chiếc áo. Và rồi đó cũng là chiếc áo liệm”- Người cựu binh chống Mỹ khốn khổ đưa tay lên dụi mắt. Những giọt nước mắt mờ đục lăn dài trên khuôn mặt “một ngàn nếp nhăn” tưởng chừng đã không còn có thể đau khổ được nữa: “Lúc đó cô yếu quá, bỏ mấy đồng nhờ một ông già mang cháu đi. Chắc vứt nó ở một đâu đó”.
Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó. Đêm ngày 25.2, người chồng nửa đêm đi kiếm ước uống bị sa vào tay lính Trung Quốc. Ông bị giam giữ cho đến ngày 6.1 và từ sau đó, những đồng nghiệp của ông ở ty Thể thao Cao Bằng cho biết ông bỗng dưng có thói quen ăn cơm với nước lã. Còn bà Quỳ, quãng thời gian trong động đá và cái chết bi thảm của đứa con đầu lòng khiến bà trở nên trầm uất suốt 3 tháng. Tuyến sữa viêm tắc khiến sau đó người phụ nữ khốn khổ phải cắt đi một bên ngực.
35 năm, bằng đấy thời gian chưa đủ để bà Quỳ quên đi hình ảnh đứa con đầu lòng chết tím tái. “Đau xót lắm cháu ơi. Cô đi cúng, Thầy bảo nó không có nhà, lang thang ở một gốc cây nào đó”…
Và bài này:
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-linh-dau-tien-hy-sinh-o-mat-tran-bien-gioi-phia-bac-2949422.html
Cứ nghĩ cảnh mẹ cầm bức ảnh chụp hai mẹ lúc hai tuổi, nhớ người con ra đi mãi mãi không về, mình ứa nước mắt. Cả đoạn anh Chinh đi bộ đội từ lúc 15 tuổi, lúc đi bố mẹ bận đi họp không ai tiễn anh, thương đến nao lòng. Từ hồi có con bỗng có vẻ mình mềm yếu hơn, mà cũng không phải, hồi xưa đọc Mắt biếc với Tuổi thơ dữ dội khóc suốt 😀
Việt Nam còn đến cả triệu bà mẹ mất con, cái giá của độc lập tự do lớn quá, mà không phải, bây giờ có đúng là độc lập tự do đâu.
Nỗi đau của người mẹ mất con là nỗi đau không gì so sánh được, vậy mà có 5 người mẹ vừa phải chịu nỗi đau ấy:
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/598033/5-hoc-sinh-chet-tham-duoi-ho-cat-noi-dau-duoi-dinh-yang-hanh.html#ad-image-0

Leave a Reply