Việt Nam có trở thành quốc gia giàu có?

Doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ suy nghĩ và trăn trở cùng bạn đọc Tuần Việt Nam với mong muốn đóng góp ý kiến và cổ vũ để 50 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia giàu có. Đây là bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, mời bạn đọc cùng tham gia, tranh luận.

Chúng ta muốn chậm nhất là 50 năm nữa VN sẽ nằm trong số các quốc gia giàu có. Đây cũng là khát vọng của tất cả các quốc gia trên trái đất, vì thế là cuộc đua tranh cực kỳ khốc liệt của tất cả các quốc gia.

Phần I: Tầm nhìn cho sự giàu có

Không thể có một mô hình phát triển kinh tế nào của các quốc gia giàu có, đi trước chúng ta mà chúng ta có thể sao chép. Tại sao vậy? Đơn giản là vì điều kiện để áp dụng là không giống nhau như: vị trí địa lý, dân số, dân trí, diện tích đất đai, tài nguyên, khí hậu, phong tục tập quán… và quan trọng hơn cả là thế giới này đang thay đổi từng ngày, cách kiếm tiền của mỗi quốc gia cũng thay đổi từng ngày để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Chẳng lẽ Việt Nam không thể trở thành quốc gia giàu có?

Có nhiều cách làm giàu, nhưng có 3 cách làm giàu cơ bản mà các nước giàu trên thế giới như Anh, Pháp Đức, Mỹ, Nhật Bản… đã và đang làm là bán tài nguyên (như các nước ở khu vực Trung Đông có nguồn tài nguyên dầu lửa rất lớn); bán các sản phẩm công nghiệp (ôtô, máy bay, máy móc, thiết bị…) và bán các sản phẩm trí tuệ (bản quyền sản xuất, kinh doanh, sản phẩm phần mềm…)

Về nguồn tài nguyên thiên nhiên thì trữ lượng của Việt Nam ở mức rất khiêm tốn, thực tế ta còn chưa đủ dùng thì lấy đâu ra để xuất khẩu!

Về sản xuất các sản phẩm công nghiệp thì ta mới “chập chững những bước đi đầu tiên” trong khi các nước giàu đã có lịch sử phát triển công nghiệp hàng trăm năm với cơ sở vật chất cực lớn và dây chuyền sản xuất hiện đại, lại được tích luỹ và đổi mới không ngừng.

Hơn nữa, Trung Quốc hiện nay đã là “công xưởng của thế giới” và dường như không có thứ hàng hoá gì mà họ không sản xuất để tung ra thị trường toàn cầu với giá cả mà không một quốc gia nào có thể cạnh tranh được. Nếu cạnh tranh với Trung Quốc trên lĩnh vực này chúng ta có rất ít cơ hội.

Về sản phẩm trí tuệ thì thế giới mới thực sự bắt đầu khoảng hơn 20 năm nay và chính phủ Việt Nam đã xác định là không được để lỡ “chuyến tàu cách mạng tri thức” toàn cầu này, vì sự thực có nhiều cơ hội phát triển kinh tế trong quá khứ đã bị chúng ta bỏ lỡ.

UB Kinh tế của QH đưa ra dự báo của IMF về tốc độ lạm phát khu vực ASEAN năm 2008 (T4/2008)

Trên thực tế, chúng ta đã có những bước đi khởi đầu bằng việc qui hoạch các khu công nghệ cao và khu công nghiệp phần mềm ở khu vực Hà nội và TP. Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng đã có một số hợp đồng gia công phần mềm cho các công ty nước ngoài tuy giá trị còn rất khiêm tốn so với Ấn Độ, do nguồn nhân lực của chúng ta còn rất yếu và nhân lực yếu cũng chính là rào cản lớn nhất của lĩnh vực này.

Đi đầu trong lĩnh vực sản xuất phần mềm là Mỹ với các công ty khổng lồ như Microsoft mà doanh số của nó còn lớn hơn cả thu nhập quốc dân của Việt Nam ta.

Ấn Độ hiện là nước có sự phát triển rất mãnh liệt trong lĩnh vực gia công phần mềm và rất có khả năng trong tương lai sẽ trở thành “công xưởng phần mềm” của thế giới.

Như vậy có thể nói cơ hội kiếm tiền để trở thành nước giàu của Việt Nam là rất ít vì ta tiến một bước thì các quốc gia khác cũng tiến một bước, thậm chí do họ “cao lớn” hơn nên bước chân của họ còn “dài hơn” của ta và vì thế, khoảng cách giữa ta với họ ngày càng xa vời!

Chúng ta tự hào là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nhưng mỗi năm cũng chỉ thu được về được vài tỷ USD trong khi sản xuất ngô một năm của Mỹ là hơn 100 tỷ USD nhưng thực tế nước Mỹ giàu có không phải là do xuất khẩu ngô.

Ai cũng biết Thái Lan nhiều năm nay là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng cái đích để trở thành nước giàu đối với họ cũng còn ở rất xa.

Vậy thì chẳng lẽ Việt Nam lại không thể trở thành một quốc gia giàu có? và mong muốn của Bác Hồ và nhân dân Việt Nam được “sánh vai các cường quốc năm châu” lại mãi mãi vẫn chỉ là một giấc mơ?

Việt Nam có thể trở thành nước giàu và mong muốn của Bác Hồ và nhân dân Việt Nam có thể trở thành hiện thực nếu tất cả các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam thực sự coi đó là một cuộc đấu trí lớn của ta với các quốc gia khác trên thế giới và cả dân tộc sẵn sàng quyết chiến!

Muốn trở thành 1 quốc gia giàu có thì việc làm trước tiên là cả dân tộc ta phải chuẩn bị về mặt tầm nhìn để có sự giàu có!

Tầm nhìn cho sự giàu có là gì?

Đó chính là ta phải lấy sự giàu có của các quốc gia như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp làm tầm nhìn và làm thước đo để so sánh với Việt Nam ta ngay từ bây giờ chứ không thể so sánh ta với các nước như Thái Lan, Malaysia hay Singapore để làm đích phấn đấu. Lại càng không thể duy trì thói quen cứ lấy hiện tại của ta mà so sánh với quá khứ của ta cách đây 30 hay 40 năm để làm tầm nhìn cho cả dân tộc được!

Tại sao cần phải có tầm nhìn cho sự giàu có? Vì chỉ khi đã có tầm nhìn cho sự giàu có thì ta mới nhận biết được hiện nay ta là ai và ta đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới!

Thực tế cho thấy, những quốc gia có nền kinh tế lạc hậu và đói nghèo thì khó có thể được thế giới tôn trọng. Mà cuộc chiến chống lại đói nghèo và lạc hậu thì
t
hực chất là cuộc chiến chống lại những yếu kém về
trí tuệ của chính dân tộc mình. Muốn chống được những yếu kém về trí tuệ của chính mình thì bắt buộc chúng ta phải có lòng tự trọng dân tộc.

Vậy thì bước tiếp theo là cả dân tộc ta từ người lãnh đạo cao nhất của đất nước cho đến người dân cùng phải có trách nhiệm xây dựng lòng tự trọng quốc gia.

Nói thì dễ, nhưng làm thế nào để cả dân tộc ta xây dựng được lòng tự trọng dân tộc!

Câu trả lời là: trong quá khứ chúng ta đã xây dựng được lòng tự trọng dân tộc, chính vì thế trong công cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân và kẻ thù xâm lược ta đã chiến thắng, giành được độc lập và thống nhất đất nước.

Ngày nay, để đất nước trở thành quốc gia giàu có chúng ta phải coi tất cả các rào cản như: tiêu cực cá nhân, các lợi ích cục bộ, bè phái, các chính sách lỗi thời… là sự yếu kém về trí tuệ của cả dân tộc, là kẻ thù của dân tộc vì chính nó cản trở con đường làm giàu của nước Việt Nam ta.

Để xây dựng được lòng tự trọng dân tộc thì trước tiên Việt Nam phải có những con người có lòng tự trọng cao. Những con người có lòng tự trọng cao là những con người luôn tự đòi hỏi ở chính bản thân mình và những người khác nhiều hơn và cao hơn về: trí tuệ, năng lực, lòng trung thành, đức tính hy sinh, tinh thần quả cảm, tính cần cù lao động… Những con người với phẩm chất đó sẽ lan toả và tạo thành một phản ứng dây truyền từ người này sang người khác, từ vùng này sang vùng khác và lan toả toàn dân tộc.

Điều đó chỉ có được nếu sự bùng nổ xảy ra từ các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước vì nó sẽ là tấm gương soi cho toàn dân tộc! Vinh quang thuộc về những người dám hy sinh lợi ích cá nhân vì dân tộc! Dân tộc ta và các thế hệ mai sau sẽ tôn vinh họ trong cuộc chiến gian khổ để Việt Nam ta trở thành quốc gia giàu có!

  • Nguyễn Anh Tuấn

http://www.tuanvietnam.net//vn/thongtindachieu/4258/index.aspx

2 thoughts on “Việt Nam có trở thành quốc gia giàu có?”

  1. Anh oi chi giup em cai’ nay voi’.Em muon viet blog ma co dau nhu anh j do’,em da down chuong trinh unikey ve roi nhung ma khi viet blog no ko dc ma chat thi duoc anh chi gium` em la` tai sao duoc ko?Hay la em down va` nhung phai cai dat gi trong may nua ha anh?Giup em voi cam on anh nhieu.

    Reply

Leave a Reply