Quyền dân chủ từ bầu tổ trưởng dân phố

Vũ Trung Hoà (danlambao) – Hầu hết dân ta vẫn hết sức coi thường việc bầu tổ trưởng tổ dân phố (hay trưởng thôn ở quê), hay bầu bán qua loa hoặc bệ nguyên xi bộ máy cũ đang kì cạch, nhưng đây lại chính là mấu chốt cơ sở cho việc có dân chủ hay không từ dưới lên trên, là cái mầm họa nền tảng cho các trò mèo về bầu cử các cấp cao hơn cũng như cái sự loạn ở ta hiện nay.
Vì thế, chuyện bầu cử trưởng thôn hay tổ trưởng tổ dân phố không đùa được đâu ! 
Việc bầu cử trưởng thôn hay tổ dân phố thường hay có sự can thiệp của chi bộ và ban công tác mặt trận tổ quốc để có được một trưởng thôn dễ bảo, ngù ngờ hoặc cùng ê kíp với chi bộ, với phường – đương nhiên ưu tiên đảng viên hoặc người cùng cánh hẩu !
Ở thôn quê thì trưởng thôn cùng cánh với xã, với chi bộ thường có nhiều mầu hơn trong đất đai, ruộng vườn, đấu thầu đồng, ao, rừng.v.v… dễ được cấp nhiều suất đất giãn dân hơn. Ở thành phố thì tổ trưởng dân phố cũng kiếm được nhiều phong bì hơn khi xin các hộ gia đình xác nhận về nhân hộ khẩu, sửa chữa nhà cửa, cơi nới, mua bán đất đai, thu quỹ này quỹ nọ.v.v… nếu dính vào giải toả, giải phóng mặt bằng thì đây chính là các hạt nhân kích nổ rất quan trọng để phá hoại sự đoàn kết của người bị thu hồi đất !
Nhưng cái trên nữa là gì ? Đó là các đợt lấy ý kiến về chính sách, chủ trương hay bất cứ việc gì liên quan đến lợi ích của cộng đồng thì những tổ trưởng, trưởng thôn cùng hoặc cùng lắm tới cấp phó là được lấy ý kiến và coi đó là ý kiến của dân (đại cử tri) đấy !
Cái này cũng mào đầu cho các hoạt động bầu cử cấp cao hơn trong các kỳ bầu cử. Chi bộ đảng, cấp uỷ đảng mỗi khi đến bầu cử đều đã lựa chọn ê kíp với mình, tìm cách loại bỏ những kẻ cứng đầu vì dân ra khỏi tổ chức hoặc những kẻ dám ngông nghênh tự ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp hay cao hơn nữa là Quốc hội.
Lúc này, tổ trưởng, tổ phó dân phố cùng với chi bộ, cấp uỷ, uỷ ban MTTQ cùng các đoàn thể chính trị xã hội – hay được gọi vống lên là HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ có vai trò quyết định về nhân sự được lựa chọn hoặc loại bỏ, hay để làm đồ lót dạng quân xanh, quân đỏ. Lúc này thông tin về các vòng hiệp thương thường không được phổ biến cho dân chúng mà chỉ các tổ trưởng, tổ phó được đại diện cho dân chúng, cùng một số người dân ủng hộ chi bộ được mời, có giấy mời hẳn hoi. Còn lại, thành phần các buổi hiệp thương đa số là các vị trong cái gọi là hệ thống chính trị, hội phụ nữ, hội cao tuổi, cán bộ về hưu….
Điều này dễ hiểu vì sao những người tự ứng cử vào HĐND hay Quốc hội thường bị bật ngay từ vòng gửi xe vào hiệp thương ! Các vị trong hệ thống chính trị sẵn sàng la ó, làm ồn, kêu gọi thôi phát biểu và cao hơn nữa là ĐẤU TỐ kẻ cứng đầu hay lý luận luật pháp hoặc hay bênh dân.
Kết cục là kẻ đó không đủ phiếu tín nhiệm ! Đủ làm sao khi mà dân phố, cụm dân cư không ai biết có buổi hiệp thương, có biết cũng không muốn đi vì không được vào hoặc không có giấy mời.
Đó là một chuyện !
Ở thành phố, như Hà Nội chẳng hạn, việc thay đổi quy hoạch xây dựng trong khu dân cư, kể cả ở khu đô thị mới bằng cách xây thêm nhà cao tầng, xây thêm tầng, xây biệt thự vào các khu đất lưu không, thậm chí chuyển đổi công năng của các công trình phục vụ cộng đồng thành trung tâm thương mại, toà nhà văn phòng cho thuê, căn hộ để bán cũng đều được phù phép qua việc “lấy ý kiến người dân” thông qua các ông lý, bà lý thời hiện đại này. Đương nhiên, các ông bà nay chưa đủ tuổi để hưởng các suất đối ngoại như lãnh đạo thành phố, quận huyện rồi.
Chỉ với một vài cái phong bì, cùng với áp lực của chi bộ, hệ thống chính trị là đương nhiên tổ trưởng dân phố ngậm miệng để cộng đồng mất đi không gian sống, mất sân chơi, mất đường đi lối lại, thậm chí mất cả trường học của con em mình.
Một ví dụ điển hình: Khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính dành cho dân tái định cư các nơi về ở sau khi bị thu hồi đất, hệ thống chính trị cùng các tổ trưởng dân phố ở đây đã dễ dàng thoả hiệp, đồng ý để thành phố Hà Nội cho các doanh nghiệp lấy đi trường tiểu học, trường mầm non dưới hình thức xã hội hoá giáo dục. Hai trường này được nhân đôi số tầng cho phép xây, tha hồ cho các trường khác, cơ quan khác thuê mặt bằng, diện tích. Trường tiểu học thì dành cho học sinh cấp 3, cho học sinh Hàn Quốc, Nhật Bản học. Trường mầm non thì dành cho con nhà giầu từ nơi khác đến… nhem nhem.
Hàng ngày, dân tái định cư nhìn trường học của con em mình, được vẽ ra là dành cho mình khi về tái định cư, ở ngay trước mắt nhà mình, mà phải đèo con đi học nơi khác ! Hẳn là cũng phấn khởi, tin tưởng đến tương lai.
Chưa hết, cái hệ thống chính trị này cũng một lần nữa ngậm miệng ăn tiền, đồng ý để lãnh đạo thành phố biến diện tích đất xây Garage ô tô cao tầng phục vụ cộng đồng dân cư thành Trung tâm thương mại, căn hộ để bán và văn phòng cho thuê. Báo hại là hiện nay chủ đầu tư và nhà thầu đang hối hả đào móng, đóng cọc để chạy đua với phát hiện và phản ứng của khu dân cư. Hậu quả nhãn tiền người dân phải chịu đựng là ô tô các loại cứ đỗ kín hết sân chơi, đường đi lối lại, đỗ cả lên vỉa hè, sát chân các toà nhà trong khu đô thị. Nói dại, nếu xảy ra cháy chung cư, xe và lính cứu hoả cũng sốt ruột chờ các chủ xe đánh xe đi chỗ khác để vào cứu hỏa.
Cái hay ở chỗ: Toà nhà này còn đang loay hoay khoan đào móng, các trung tâm bất động sản đã rao bán căn hộ rồi, đặc biệt là các suất đối ngoại, suất ngoại giao hấp dẫn mà không nói cũng biết nó của ai.
Thêm một vai trò nữa của Tổ trưởng dân phố: Là người luôn có mặt, gây ảnh hưởng đến bất kỳ ai đi biểu tình trong đợt vừa rồi nếu có sự để ý của công an, an ninh hay chính quyền phường ! Cái này không cần nói, ai đọc bài của các anh chị Bích Phượng, Xuân Diện đều thấy ! Tổ trưởng nào hiểu biết thì còn đỡ, tổ trưởng nào mà cực đoan thì mọi va vấp, nhấp nháy của ta đều bị tổ trưởng nhòm ngó, xì xào, đưa chuyện, đưa ra họp tổ dân phố hoặc đấu tố ngay.
Đợt này đang rộ bầu cử tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn ở khắp mọi nơi. Anh chị em, bà con từ già trẻ, lớn bé hãy quan tâm tham dự và bày tỏ chính kiến, quyền lựa chọn, quyền biểu quyết để chọn được một người đứng đầu thôn, tổ thật sự vì cộng đồng, vì dân để từng bước có được !
Tổ dân phố số 8, Đường Nguyễn Trãi, Hà Đông – ảnh của Người buôn ký ức
 
Đừng thờ ơ từ việc bầu tổ trưởng, trưởng thôn, để rồi mình, con cháu mình vất vả nhiều năm nữa.

Leave a Reply