Những câu hỏi chờ được trả lời !

Điều mà hầu hết những người làm báo không ngờ tới cuối cùng đã xảy ra, cơ quan an ninh điều tra đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam hai phóng viên báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ. Có quá nhiều băn khoăn, khó hiểu xung quanh sự kiện gây chấn động dư luận này.

Có thể nói thời điểm vụ PMU 18 nổ ra (đầu năm 2006) là thời điểm nóng nhất của báo chí Việt Nam kể từ vụ án Năm Cam hồi năm 2001. Đã có hàng trăm nhà báo của hàng chục cơ quan báo chí được huy động để đưa tin về vụ án này. Hầu hết các nhà báo lao vào điểm nóng ấy chỉ với một mong muốn: Vụ án sẽ được làm đến cùng, những kẻ sâu mọt tham nhũng tiền thuế của dân sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Chúng tôi, những nhà báo tham gia đưa tin về vụ án PMU 18 đã thường trực 24/24 tại mọi nơi từ nhà riêng đối tượng tình nghi đến trực chiến tại cổng Cơ quan điều tra C14, mở mọi mối quan hệ từ các nguồn tin với một mong muốn duy nhất: đưa tin chính xác nhất, nóng nhất đến với hàng triệu độc giả.

Trớ trêu thay, một năm sau khi “vụ án điểm PMU 18” nổ ra, hàng chục người viết bài chống tiêu cực vụ PMU 18 đã bị gọi lên lấy lời khai trước cơ quan an ninh điều tra. Trong nhiều ngày liền, phóng viên Việt Chiến (đã 56 tuổi) liên tục bị hỏi về nguồn tin khi viết các bài báo liên quan đến vụ PMU 18, trong đó trọng điểm là bài Bùi Tiến Dũng đã khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng đăng trên báo Thanh Niên ngày 16-4-2006.

Và hai năm sau khi những kẻ đánh bạc, tham nhũng bị khởi tố và đưa vào nhà giam, tháng 5-2008 hai phóng viên (thuộc hàng những nhà báo giỏi nhất trong làng phóng viên nội chính phía Bắc) đã bị bắt. Họ bị bắt với tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tổng số đã có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, trong đó có một số bài có thông tin không chính xác đăng trên khoảng hơn chục tờ báo, thậm chí có cả bài báo sai sự thật. Trong năm 2007 và đầu năm 2008, đã có hàng chục phóng viên bị gọi lên lấy lời khai tại cơ quan an ninh điều tra (trong đó có cả phóng viên trong ngành công an).

Nhưng cuối cùng, cho đến nay chỉ có 2 phóng viên bị khởi tố, trớ trêu thay, đó lại là hai phóng viên của hai tờ báo luôn đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực – báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ. Điều này có công bằng không? Có đúng đường lối, quan điểm và quyết tâm chống tham nhũng, chống tiêu cực của Đảng và Nhà nước không?

Về mặt pháp lý: Người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo pháp luật, là người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích của công dân.

Đối chiếu với điều trên, PV Nguyễn Việt Chiến là người có bề dày trong việc viết bài chống tham nhũng, từng góp phần làm rõ, đưa ra công luận nhiều vụ án nóng như vụ Năm Cam, vụ cầu thủ bán độ, vụ Khánh trắng, vụ lấn chiếm xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ… PV Nguyễn Việt Chiến nói riêng và các nhà báo nước nhà nói chung đều hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng mà không quản vất vả, hiểm nguy để săn tin, kiểm chứng thông tin, đưa đến bạn đọc những thông tin chính xác và nóng nhất.

Trong vụ việc này, PV Nguyễn Việt Chiến hoàn toàn làm theo chức phận của một nhà báo, là đưa tin (với những thông tin lấy từ nguồn tin có căn cứ) cung cấp đến bạn đọc, để chống tiêu cực. Anh không hề có động cơ cá nhân, không vì vụ lợi, không vượt quyền hạn cho phép. Tất cả chỉ vì một động cơ: Chống tham nhũng, bảo vệ chế độ. Vậy tại sao phóng viên này lại bị khép tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”?

Những thông tin mà PV Nguyễn Việt Chiến có được đều từ các nguồn tin có căn cứ, nguồn tin từ cơ quan điều tra, từ Viện Kiểm sát… mà phóng viên này đã xây dựng suốt hơn 10 năm làm mảng nội chính của báo Thanh Niên. Động cơ phóng viên viết bài hoàn toàn trong sáng.

Còn về hậu quả, nếu vụ án PMU 18 có oan sai, có làm dư luận hiểu sai về một số cán bộ, cơ quan nhà nước thì lỗi đó trước hết thuộc về những người từ cơ quan tố tụng đã cung cấp thông tin cho nhà báo. Không thể vì có oan sai mà đổ hoàn toàn lỗi này cho các nhà báo. Và nếu như trong thời điểm nào đó các nhà báo chân chính có sai sót, thì các cơ quan chức năng có thể góp ý rút kinh nghiệm trên tinh thần đồng chí, trên tinh thần đồng đội cùng chiến hào chống tham nhũng, chống tiêu cực.

Trong một cuộc họp gần đây với lãnh đạo các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo chủ trì, Phó tổng biên tập báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Quốc Phong đã bày tỏ mối băn khoăn về thông tin đang lan truyền sẽ có khởi tố bị can những người viết bài liên quan đến vụ PMU 18.

Ông Phong có nêu: Không rõ vụ việc nói trên cơ quan pháp luật có trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo với tư cách là những cơ quan định hướng dư luận, quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi nhà báo? Ông Phong nhắc lại câu chuyện cũ cách đây khoảng chục năm.

Khi đó, cũng tại một buổi họp với báo chí, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, ông Hữu Thọ đã kể lại một câu chuyện: khi cơ quan pháp luật ra lệnh bắt giam nhà báo Hoàng Linh, Tổng biên tập báo Doanh nghiệp Việt Nam, ông Hữu Thọ có nói rằng khi nghe phong thanh có chuyện bắt Tổng biên tập Hoàng Linh, ông Thọ đã bày tỏ quan điểm là phải thật thận trọng.

Nhưng vì không có sự trao đổi nên phía Ban Tư tưởng Văn hóa lúc đó cũng không có văn bản bày tỏ quan điểm chính thống. Đến khi vụ án Nguyễn Hoàng Linh không xử được, thì các cơ quan pháp luật có đặt vấn đề tham khảo ý kiến ông Hữu Thọ, ông đã trả lời: “Lúc bắt có hỏi tôi đâu, đến khi không kết tội được và muốn thả, thì mới hỏi tôi là thế nào?”… Không biết trong vụ việc bắt hai nhà báo lần này, các cơ quan trên có được tham khảo ý kiến?

Về trách nhiệm của Bộ Công an. Trong 2 năm phản ánh về diễn biến vụ án PMU 18, tòa soạn và Ban Biên tập báo Thanh Niên không hề nhận được bất cứ một văn bản nào từ cơ quan điều tra vụ án, từ Tổng cục Cảnh sát, từ Bộ Công an, từ Viện KSND tối cao thông báo về việc báo đăng tin, bài
k
hông chính xác về vụ PMU 18. Tại sao Bộ Công an có
người phát ngôn nhưng không công khai đưa ra những thông tin cảnh báo báo chí từ khi các cơ quan báo chí mới đưa tin về vụ án này.

Tại sao Bộ Công an không cung cấp thông tin chính thống từ phía Bộ? Nếu cho rằng báo chí có nhiều sai sót trong việc phản ánh vụ án PMU 18, thì trước hết, Bộ Công an cần làm rõ trách nhiệm của một số đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, Cơ quan điều tra vụ án, trách nhiệm người phát ngôn Bộ Công an, của Văn phòng Bộ Công an, của Trung tâm báo chí Bộ Công an… là những người, những cơ quan đã không liên lạc với báo chí trong suốt 2 năm qua để điều chỉnh những thông tin mà họ cho là báo chí đã đưa không chính xác về vụ PMU 18.

Những phóng viên theo dõi ngành, trong suốt 2 năm qua đã dự rất nhiều cuộc họp với các cơ quan của Bộ Công an để tuyên truyền công tác cho ngành, nhưng chưa có cuộc họp nào nhắc nhở kịp thời về những thông tin sai (nếu có). Trong suốt thời gian báo chí đăng nhiều tin, bài về vụ án PMU 18, chúng tôi cũng không hề thấy Bộ Công an phối hợp kịp thời với Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương trong các thời điểm “nóng” để chỉ ra những thông tin chưa chính xác của báo chí và có hướng điều chỉnh. Vậy sự “im lặng” kéo dài của Bộ Công an trong thời gian này có nguyên cớ gì?

Thật đáng tiếc, trong khi Đảng, Chính phủ kêu gọi chống tham nhũng và đánh giá cao vai trò của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng thì hai phóng viên “nhiệt huyết, có nghề” của hai tờ báo có uy tín đã bị bắt. Trước khi bị đưa đến nơi tạm giam, nhà báo Nguyễn Việt Chiến vẫn khẳng khái: “Tôi không có tội gì, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi đã mời hai luật sư bảo vệ cho tôi, và tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình”.

Báo Thanh Niên hoàn toàn ủng hộ và sẽ đứng bên cạnh nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong cuộc đấu tranh này. Chúng tôi tin tưởng bạn đọc sẽ tiếp tục đặt lòng tin vào tất cả các nhà báo chân chính, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan pháp luật làm sáng tỏ sự việc vì lợi ích của đất nước và dân tộc.

Thanh Niên

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=257288&ChannelID=3

1 thought on “Những câu hỏi chờ được trả lời !”

Leave a Reply