BÈ LŨ… LỊCH SỬ

Hiêu Minh

Bão số 10 đã gây bao đau xót, cơn bão số 11 lại phá hoại nặng nề hơn. Người đi xa chỉ biết thờ dài. Thôi thì bàn chuyện mưa bão để chia sẻ và nhân thể nói về “bè lũ” mang tên “lịch sử”.

Mấy tuần nay báo chí bàn nhiều về chuyện các nhà máy thủy điện miền Trung xả lũ đã gây ra lũ lụt đúng vào lúc mưa bão khủng khiếp nhất, gây nhiều thiệt hại về người và của.

Theo ông PTT Hoàng Trung Hải “Khi nước từ thượng nguồn về thì hồ thủy điện tích nước để chống lũ. Nhưng khi quá khả năng thì phải xả nước, nếu không sẽ gây vỡ đập, nguy hiểm hơn nhiều”. Ông không sai một “tẹo” nào.

Ông giải thích, dù các nhà máy thủy điện xả lũ đúng lúc lũ lên cao, nhưng theo đúng qui trình, nên không “tham gia” vào thiên tai. Mấy cái thủy điện kia vô can.

Trách nhiệm của dân và khí hậu

Được nhà báo hỏi ”Từ những thiệt hại vừa qua, ngoài nguyên nhân khách quan, chúng ta rút ra được bài học gì, thưa Phó Thủ tướng?”, PTT Hoàng Trung Hải đã nói rõ là trách nhiệm này thuộc về…nhân dân và khí hậu. Xin trích nguyên văn.

  • Bài học thứ nhất là nhận thức của người dân. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lũ lụt càng trầm trọng hơn. Nhận thức của người dân là phải luôn cảnh giác, bão lũ không còn theo quy luật mà luôn luôn có bất thường.
    Thứ hai, dự báo của chúng ta không thể chính xác 100%, do thiếu phương tiện công cụ dự báo, biến đổi khí hậu khó lường và mạng lưới trạm quan trắc không đầy đủ.
    Thứ ba, là biến đổi khí hậu làm cực đoan hóa các hiện tượng thời tiết. Trước đây mưa sau bão người ta gọi là mưa rửa bùn, mưa rửa đền, tức là mưa nhỏ, nhưng bây giờ mưa sau bão đều gây chết người. Mưa sau và trước bão đều vô cùng lớn, tạo nên các số liệu lịch sử. (Sao ổng thích chữ “lịch sử” thế )
  • Tịnh không có câu nào liên quan đến chức sắc, dù có nhắc qua loa phần cuối rằng, chính phủ và các nhà khoa học sẽ xây dựng kịch bản để đối phó.

    Câu hỏi ngược ở đây, trước khi xây dựng các nhà máy thủy điện, các vị ra quyết định có nhận thức gì về biến đổi khí hậu và lịch sử mưa bão của nước ta? Hay các vị làm theo kiểu duy ý chí, chống lại trời đất? Khi chuyện xảy ra tệ hại thì đổ cho lũ lịch sử và bắt dân phải có ý thức vì “trên” có quyền xả lũ bất kỳ lúc nào.

    Đổ thừa cho lịch sử

    Khi được hỏi về nguyên nhân nào dẫn đến thiệt hại nặng nề của các trận bão số 10 và 11 vừa qua, ông PTT cho biết “Trong các trận lũ vừa qua, tại sao hồ thủy điện hứng lũ rồi mà vẫn xả ầm ầm, là do toàn lũ lịch sử…”.

    Ái chà chà, cụm từ “lịch sử” báo hại, nghe quen quen, lần này có hẳn một “lũ”(bọn) lịch sử. “Lũ” này hay bị người ta đổ thừa.

    Một vị Bộ trưởng khi mới nhậm chức đã tuyên bố hùng hồn rằng, bệnh nhân chia giường trong bệnh viện là không thể chấp nhận được. Trong vòng hai năm phải giải quyết hết nạn “cãi nhau trên giường” này. Người ta sắp hết nhiệm kỳ, lời hứa kia “mất hút con mẹ hàng lươn”. Thì ra, vấn đề này do “lịch sử” để lại, không thể một sớm một chiều.

    Một bác bên Giáo dục cũng có nhiều lời hứa về cải cách giáo dục, hô hào chống bệnh thành tích. Mấy năm trôi qua, mọi thứ vẫn đâu vào đấy. “Lịch sử” ngành Giáo dục này là thế.

    Thành phố Hà nội có mấy dự án biến công viên thành khách sạn, đường phố thành trung tâm thương mại, thủ đô manh mún, kẹt xe, ô nhiễm toàn do…nhiệm kỳ trước để lại. Đương nhiên do…lịch sử rồi.

    Rất nhiều chuyện không thể cải tiến được, không làm nổi, do quan trí có hạn hay vì nể nang, chính sách chồng chéo, nhưng người ta cứ đổ vấy lung tung. Không ai nhận mình có lỗi.

    Hôm nay nghe chuyện lũ lụt trên, người ta nhận ra, hình như nước mình có hẳn một “bọn” mang tên “lịch sử”, đang phá hoại và ngáng chân phát triển.

    Chuyện vui kể rằng, cách đây mấy chục năm, chiến tranh biên giới nổ ra dù hòa bình mới được vài năm. Lời kêu gọi được phát đi hùng hồn “Lịch sử lại giao phó sứ mệnh cho dân tộc một lần nữa”. Có người trèo lên loa phường và hét, lôi “thằng lịch sử” ra, đánh cho một trận. Tại sao nó lại giao toàn việc khó cho dân mình.

    Trong vụ bão lụt miền Trung gây bao tai họa thì dân nghèo thấp cổ bé họng không “đánh” được ai. Người ta chỉ biết lầm bầm về “bè lũ…lịch sử” vô hình.

    HM.

    Leave a Reply