Đức của người lãnh đạo.

Hay có thể đặt tít là sự suy đồi của xã hội do đâu?
Không có một thống kê cụ thể nào tính toán được chỉ số suy đồi của xã hội, nhưng về cơ bản chúng ta có cảm giác xã hội nguy hiểm hơn, đạo đức xuống cấp hơn: Cướp giật ở Sài Gòn, giết người thảm án ở khắp nơi, tai nạn giao thông thảm khốc và bất thình lình, lao động trẻ em khắp các phố xá thành thị, ngập lụt khắp nơi, thực phẩm độc hại tràn lan, không khí ô nhiễm, đô thị quá tải, mức sống ở nông thôn tụt xa so với thành thị, lừa đảo đa cấp thì muôn màu muôn vẻ và ngoài vòng pháp luật …
Câu chuyện ở chỗ mình làm: Anh phó giám đốc trung tâm, hơn một năm rồi không đi đá bóng, bỗng kêu gọi anh em trong trung tâm tham giá đá bóng hàng tuần, hai tuần vừa rồi tuần nào sếp cũng xỏ giầy đến sân rất đúng giờ. Sếp đi nên cũng rất đông anh em hào hứng tham gia, đá bóng xong lại còn uống bia giao lưu cũng vui, mình thì chỉ hào hứng vụ đá bóng thôi, uống bia không ham lắm nhưng tất nhiên cũng đi làm vài cốc chém gió. Nói chung có sếp đi nên tình hình khác hẳn so với đội bóng hồi trung tâm phần mềm, hồi ở BSS cả trung tâm 50 60 người mà đội bóng có hôm không đủ 7 người, hôm nào đông mới được chục ông. Bất cứ phong trào gì mà có lãnh đạo gương mẫu tích cực thì nhân viên cũng có động lực hơn. Nhìn vào thủ tướng Singapore code C++ giải Sudoku anh em coder cũng có chút khích lệ. Nhìn vào thủ tướng Canada là dân thể thao chính hiệu, dân Canada chắc cũng chăm tập thể thao hơn =))
Hình như Khổng Tử hay ông nào đó có nói câu “đức của người quân tử như gió, đức của kẻ tiểu nhân như cỏ, gió thổi thì cỏ rạp xuống”. Lãnh đạo ngu dốt, tham lam, đứng trên pháp luật, chả coi luật lệ ra gì, thì đám lau nhau dưới trướng sẽ học theo, đám dân đen cũng chẳng tội gì liêm chính mà sẽ tham lam ngu dốt theo nốt, những người tốt im lặng bỗng trở thành kẻ cô độc. Kết quả là một xã hội suy đồi, văn hay chữ tốt không bằng học dốt có quyền. Ví dụ thế này, xe biển xanh biển đỏ là những cái xe đi bát nháo nhất, không ai phản đối sự thực này, thế là tất cả đều hiểu bọn đó có quyền coi thường phép nước, tội gì mình theo, không ai để ý là mình cũng nhảy nhô nhảy nhào lấn đường đè vạch phi lên vỉa hè láo nháo cháo cơm.
Bản chất của cảnh sát giao thông là gì? Là giữ gìn trật tự an toàn giao thông? Hay để kiếm tiền nộp cấp trên và làm giàu? Dân đi sai luật bị CSGT tóm thì khúm núm xin xỏ, viện cớ không biết luật này nọ, sau rồi lên facebook forum chửi um tỏi, he he. Còn CSGT cũng không khá hơn, chuyên rình rình bắt lỗi đàn bà trẻ con, lại trắng trợn yêu cầu tiền tươi. Cả anh cả ả đều chả ra gì. Các chị em phụ nữ hãy cố mà tìm hiểu một ít luật, để mà biết mình đi thế nào là đúng, để mà gặp CSGT không đứng cả tim, việc gì các bạn phải đứng tim? Các bạn phải suy nghĩ ở tư thế MÌNH LÀ NGƯỜI LÀM CHỦ, họ thực thi nhiệm vụ của họ, chứ họ không phải là vua áo vàng, trên họ có những người khác nữa, láo nháo các bạn cứ ghi lại bằng chứng, rồi lên otofun hỏi thủ tục làm đơn khiếu nại. Có đơn thư khiếu nại của dân không phải chuyện đơn giản đâu, có khi bị hẳn … khiển trách đó =))

1 thought on “Đức của người lãnh đạo.”

  1. Chị có từng viết một đoạn có tí liên quan:
    Làm dân đen ở VN nói chung là khổ. Nhưng chung quy cũng tại thiếu kỹ năng sống. Trẻ em giờ ko cần đi học nhiều học thêm học nếm học kiến thức làm gì. Những thứ cần học nên là học luật và học bảo vệ mình. Học luật để khi nào gặp cảnh sát giao thông hay công an hay cán bộ bắt nạt, cẩm mấy quyển đấy đập vỡ mặt bọn chúng ra. Nhà nào cũng cần phải có sách luật gối đầu giường. Cần biết đến sự trợ giúp của luật sư khi có sự bắt bớ. (Cũng cần phải học cả việc sống sao cho không dây dưa với bọn chúng bằng việc không nên phạm tội. Cho bọn chúng chết đói nhăn răng ra vì thất nghiệp không có người phạm tội mà bắt. Đoạn trong ngoặc này có phần lạc quan tếu nhưng tại sao không?)
    Vì sao, vì công an, bộ máy công quyền, lãnh đạo, chúng đã kết thành hệ thống hại dân từ mấy chục năm nay. Giờ đi kêu gọi chúng hãy có lương tâm đi thì coi như phá hỏng hết cả cách mạng và bộ máy của chúng. Một khi đã tham gia vào cái hệ thống đó thì chẳng ai cho họ cái cơ hội được thành người lương thiện cả. “Nếu tôi ko làm như vậy tôi cũng chết”, một người hại Bùi Ngọc Tấn sau này đã nói với ông như vậy.
    Dân nghèo ở Pháp, họ cực kỳ có kỹ năng sống. Trong một tác phẩm của chị Thuận có viết về việc “học” của dân nhập cư, mà sau này mình đối chiếu với các bạn dân nhập cư người đạo hồi, người da đen, người syria mà mình quen biết thấy khá đúng. Chị Thuận viết, đại khái, trẻ em VN từ nhỏ phải biết học giỏi ở trường thì ở Pháp bọn chúng học thuộc làu các mẫu đơn xin trợ cấp, các chính sách được hưởng…Những bạn mình quen phải nói rằng họ thuộc làu làu các vấn đề thuộc về họ, chuyện làm sao để được thuê nhà, mua nhà giá rẻ, làm bao nhiêu bộ hồ sơ, gửi đến những đâu, đẻ mấy con thì được bao nhiêu tiền…Họ nghiên cứu rất kỹ và cứ chiểu theo hoàn cảnh sống của mình mà vác giấy tờ đi xin quyền lợi thôi. Nào là tôi có con nhưng không có chồng nuôi, tôi không có việc làm, tôi đang có bầu, tôi không có nhà ở…
    Còn dân nghèo ở mình, đọc mấy bài của Đức Hoàng có nêu, họ có mấy đồng trợ cấp đâu đó hơn 200 còn bị xã xẻo mà ko biết hoặc không cả biết mua bảo hiểm xã hội. Họ quá thiếu thông tin. Họ hoàn toàn không biết quyền lợi của mình, không thuộc luật pháp nên mới bị công an, lãnh đạo, chính quyền bắt nạt, cắt xén mà không biết. Và không biết cách kháng cự. Như vụ của em Dư ngay từ lúc bị bắt là đã sai luật rồi.
    Vậy, nếu muốn giúp dân mình đỡ khổ thì cần giúp họ có sự hiểu biết về pháp luật và tự bảo vệ mình. Ngoài ra, liên quan đến phần đóng mở ngoặc ở đoạn đầu, tức là giúp cho những người dù có thu nhập thấp nhưng vẫn được hưởng các hoạt động nâng cao tri thức văn hóa để giảm bớt phạm tội.
    Người nghèo ở Pháp được miễn phí hoặc giảm giá khi tham quan bảo tàng, làm thẻ thư viện hay các hoạt động văn hóa khác. Tất nhiên thôi mình không so sánh được giữa hai xã hội, nhưng ở VN cũng có rất nhiều các mạnh thường quân, hoàn toàn có thể nghĩ đến việc ngoài quyên góp tiền bạc áo ấm…thì cũng nghĩ đến việc tạo cơ hội cho người dân nghèo hiểu biết về luật pháp, tự bảo vệ mình, nâng cao tri thức văn hóa đời sống tâm hồn để xã hội bớt đi những cái xấu, những tệ nạn. Và những câu chuyện đau lòng.
    Còn cái hệ thống lởm của VN chưa biết bao giờ mới sập, nên thôi không bàn. Chúng ta hãy cứ sống hiểu biết và sống đẹp đi cái đã xem sao.

    Reply

Leave a Reply