Quyền lực Nhà nước và bẫy thu nhập trung bình

Nhìn chung, đa số các Nhà nước trên thế giới luôn có xu hướng muốn củng cố và mở rộng quyền của mình trong sử dụng và phân bổ các nguồn lực của xã hội. Sự lạm dụng quyền lực Nhà nước sẽ dẫn đến sự lãng phí nguồn lực của xã hội, và cản trở sự phát triển của thị trường tự do. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng gây ra bẫy thu nhập trung bình.
Trên bề nổi, người ta thường chỉ nhìn vào bẫy thu nhập trung bình ở khía cạnh kinh tế, với tình trạng người dân không cải thiện được thu nhập vượt qua ngưỡng trung bình do sự bế tắc thiếu đa dạng trong cơ cấu các ngành kinh tế, tăng trưởng phụ thuộc vào nhân công rẻ và tài nguyên thiên nhiên; chất lượng các nguồn lực không được cải thiện với những hạn chế trong năng suất lao động, năng lực quản lý, kỹ thuật sản xuất, trình độ khoa học công nghệ và giáo dục.
Nhưng sở dĩ những phẩm chất này trong cộng đồng xã hội không cải thiện được xuất phát từ một lực ỳ căn bản khác. Đó là tình trạng một tổng thể hệ thống thể chế chính trị – xã hội bị đình trệ phát triển do các sức ép đối lập cân bằng nhau, khi chính quyền thâu tóm nhiều quyền lực trong xã hội, chỉ để chừa một khoảng sân vừa phải cho thị trường tự do. Khoảng sân ấy không hẹp đến mức khiến dư luận quá mức tiêu cực và bất an, nhưng cũng chỉ đủ rộng để tạo ra thu nhập tạm đủ sống cho người dân, khiến đa số họ phải bươn chải làm ăn, và không có đủ tâm trí cho sự bức xúc cũng như ý thức cộng đồng để tập hợp thành một tiếng nói thống nhất đòi hỏi thể chế phải cải tổ. Trong bối cảnh đó, những tiếng nói phản biện sáng suốt trong mọi lĩnh vực sẽ khó lòng nhận được đủ sự quan tâm và cộng hưởng từ dư luận để trở thành tác nhân thúc đẩy một sự tiến bộ mạnh mẽ.
Nhìn rộng hơn, trong khoảng sân thị trường tự do hẹp một cách vừa phải, dân khí sẽ không thể thịnh. Sẽ không có nhiều cá nhân vượt qua được những lo toan thường nhật, dám dũng cảm dấn thân để thực hiện những khoản đầu tư và tiến hành những nỗ lực đổi mới sáng tạo mang tính lâu dài. Điều đó không chỉ được phản ánh trên khía cạnh kinh tế mà cả trên những phương diện khác. Hậu quả là xã hội dẫm chân tại chỗ trong sự trung bình mà chúng ta đang chứng kiến, từ kinh tế tới khoa học – công nghệ và văn hóa.
Nguồn: http://phannghiemlawyer.groupsite.com/post/chi-n-th-ng-s-c

Leave a Reply