Nghề nào cũng có jargon!

Nghề nào cũng có jargon!
Nguyễn Vạn Phú

Nói đến một bài báo, hầu như 99% người bình thường sẽ dùng từ “article” trong khi dân làm báo sẽ dùng từ “story”. Đấy chỉ là một trong những “jargon” (từ trong nghề) của nghề báo. Ví dụ, dòng ghi tên tác giả được gọi là “byline”, câu dẫn vào bài là “lead”, một đoạn trong bài báo là “graph” và đoạn mở đầu bài, giới thiệu nội dung chính của bài báo là “nutgraph”. Ở đây nên phân biệt, câu nằm ngay dưới tít (headline hay head) co chữ nhỏ hơn tít nhưng lớn hơn co chữ trong bài, làm rõ hơn nội dung của tít gọi là “deck”, ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tiếng Pháp nên có thể độc giả thường nghe từ sa-pô (chapeau) hơn.
Có lẽ với từ “quote” (câu trích dẫn) thì không có gì khác với tiếng Anh thông thường nhưng từ “pull quote” (câu trích được in riêng, chữ to để thu hút sự chú ý của người đọc) là một jargon. Và cuối bài, đôi lúc người ta ghi thêm địa chỉ liên lạc của người viết, gọi là “tagline”. Câu “xem tiếp trang…” được dân trong nghề gọi là “jump line”, còn câu rao quảng cáo cho một bài “không thể bỏ qua” ở trang khác gọi là “teaser”.
Chú thích cho ảnh hay minh họa thông thường là “caption” nhưng dân trong nghề lại thích dùng từ “cutline” hơn. Tên của tờ báo được gọi là “flag”, cho nên tờ báo chính trong một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm là flagship publication. Thông thường ở trang trong có một ô ghi tên các nhân vật chính của tờ báo kèm theo các thông tin quan trọng khác gọi là “masthead”.
Những từ nói trên dù sao cũng là jargon nên người bình thường gặp chúng phải tra cứu để hiểu nghĩa. Khó hơn là các từ thông thường nhưng được dân làm báo dùng theo nghĩa khác. Ví dụ, tờ The Economist thường dùng cách đăng một bài dài, đầy đủ chi tiết ở trang trong nhưng trước đó thường tóm tắt nội dung rồi bày tỏ ý kiến của tờ báo về vấn đề đó ở những trang đầu – cái này họ gọi là “leader”. Tờ báo nổi tiếng này cũng có một cách làm không giống ai – các bài không bao giờ ghi byline, tờ báo không ghi tên tổng biên tập và ông này chỉ được xuất hiện danh chính ngôn thuận trong bài báo chia tay với độc giả khi hết làm cho The Economist. Họ quan niệm tổng thể nội dung tờ báo quan trọng hơn từng cá nhân người viết. Dĩ nhiên khi mời những nhân vật nổi tiếng như Tony Blair viết thì báo phải ghi tên tác giả.
Ở đây xin mở ngoặc nói thêm một chút về chức danh tổng biên tập và từ editor. Các báo Việt Nam khi dịch sang tiếng Anh thích dùng từ editor-in-chief trong khi báo Anh, báo Mỹ ngày nay thường dùng đơn giản là editor. Đôi lúc họ cũng dùng editor-in-chief nhưng đó là tờ báo có nhiều ấn bản, mỗi ấn bản có một editor phụ trách. Biên tập viên là copy editor (tiếng Anh của người Anh dùng sub-editor); trưởng ban thời sự là news editor, thư ký tòa soạn là managing editor, các cộng tác viên thân thiết, là người nổi tiếng được gọi là editor-at-large…
Một số ví dụ khác, với đa số mọi người “art” là nghệ thuật nhưng khi dùng trong hoạt động của một tòa soạn nó mang nghĩa mọi thứ minh họa như ảnh, bản đồ, biểu đồ, tranh biếm. Nghĩa thông thường của beat là đánh nhưng với phóng viên, đó là lĩnh vực được phân công phụ trách (như education beat); copy là sao chép nhưng với tòa soạn, chúng là toàn bộ bài vở cho tờ báo; dummy là người ngu ngốc nhưng với dân trình bày báo, nó là bản vẽ phác thảo hình thù tờ báo sẽ dàn trang mà nhiều người đã quen với từ tiếng Pháp – ma-két (maquette).
Trong nghề báo, phóng viên ghét nhất là khi bài của mình được xếp vào loại filler – tức là tin bài không hay ho gì, đăng cũng được, không đăng cũng chẳng chết ai, chủ yếu dùng để trám vào chỗ trống. Ngược lại khi săn được tin chưa báo nào biết, họ đã giành được một scoop. Trên trang báo, bên cạnh bài chính, có những thông tin bổ sung thường nhìn ở góc độ khác gọi là sidebar. Với sự phổ biến rộng các trang blog, một từ mới xuất hiện để chỉ các “nhà báo nhân dân” – tức người viết báo không chuyên, sử dụng blog để đăng tải bài viết của mình: “citizen journalist”.
Cuối cùng xin giới thiệu các từ nói về các loại báo. Nếu xét về khổ báo, có từ broadsheet để chỉ báo khổ lớn; báo khổ vừa (như nhiều tờ báo ngày ở nước ta hiện nay) “bị” gọi là tabloid. Dùng từ “bị” vì từ tabloid hàm ý xấu, chỉ loại báo chuyên đăng chuyện giật gân, câu khách. Vì thế một số tờ khổ vừa đã phải quảng bá: “broadsheet quality in a tabloid format”! Hiện nay dân Anh đã phát minh một từ để tránh hàm ý xấu của tabloid bằng cách gọi báo khổ vừa là compact newspaper. Về nội dung, các tờ báo tuần như Time, Newsweek vừa là newspaper, vừa có hình thức như một magazine nên được xếp vào loại newsmagazine.

tặng những nhà báo nhân ngày 21-6. chúc ngòi bút luôn thẳng ngay, “từ dòng đầu tới dòng cuối”

Leave a Reply